Các phương pháp nghiên cứu của thi pháp học

cac-phuong-phap-nghien-cuu-cua-thi-phap-hoc

Các phương pháp nghiên cứu của thi pháp học

1. Phương pháp hệ thống.

Hệ thống là tập hợp các yếu tố và giữa chúng có các mối quan hệ giữa bộ phận và toàn thể, giữa cái riêng và cái chung, trong đó, giá trị của yếu tố do hệ thống quy định. Tính hệ thống được thể hiện trong những mối liên hệ đó và ở các yếu tố lặp lại có chủ định nghệ thuật của nhà văn trong tác phẩm. Do vậy, phương pháp hệ thống đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu thi pháp. Một tác phẩm văn học là một sự thống nhất giữa tính độc đáo và tính lặp lại, sự lặp lại có quy luật và mang tính quan niệm, tính tư tưởng và cũng là nét đặc sắc độc đáo của một tác giả, thậm chí của một thể loại, một trào lưu, một thời kỳ văn học nào đó. Chẳng hạn: mô típ buổi chiều, ngõ sau, bến sông…, là không gian, thời gian nghệ thuật được lặp lại trong ca dao trữ tình ở những bức tranh biểu đạt nội dung tâm tư buồn thương, xa vắng; mô típ tài tử – giai nhân là một mô típ có tính xác định của văn học trung đại, thể hiện quan niệm về cái đẹp.

Kiểu nghịch lý tài mệnh tương đố lặp lại khá phổ biến trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du qua các hình tượng Thiếu Lăng (Đỗ Phủ), Khuất Nguyên, Tiểu Thanh, Đạm Tiên, cô Cầm, Thúy Kiều…, thể hiện miền hiện thực nhà văn quan tâm, các sắc thái nhân văn và những nỗi niềm day dứt lớn trong tư tưởng và mỹ cảm của Nguyễn Du; mô típ quan hệ nông dân – địa chủ, sự bế tắc của nông dân, người nông dân bị thay đổi nhân hình nhân tính…, là các tình tiết lặp trong văn học hiện thực phê phán thể hiện đặc điểm cơ bản của mâu thuẫn xã hội đương thời; Cách thức nghiên cứu tính hệ thống và yếu tố lặp lại của tác phẩm là phải chia tác phẩm ra từng yếu tố, tìm hiểu cái vĩ mô, cái chung, cái tổng thể qua những cái vi mô, cái riêng, cái bộ phận và ngược lại. Vì mỗi bộ phận đều mang cái toàn thể và cái toàn thể được bộc lộ ra ở những cái bộ phận.

Tính hệ thống của văn học không chỉ thể hiện trong những quan hệ nội tại mà còn ở ngoại vi của văn học như với lịch sử, văn hóa, văn học của khu vực, của dân tộc và thời đại; trong nền triết học, tư tưởng thời đại. Do vậy, nghiên cứu văn học từ thi pháp học là nghiên cứu liên ngành. Các phương pháp ngôn ngữ học, tâm lí học, kí hiệu học, văn hóa học, mỹ học, lịch sử học, thống kê học…, cũng góp phần soi sáng các hệ thống thi pháp. Ví dụ: mô hình vũ trụ thiên – địa – nhân có ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng hình tượng trong văn học trung đại; quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp của tư tưởng triết học hiện đại ảnh hưởng đến văn học hiện đại, lịch sử đấu tranh của dân tộc ảnh hưởng đến vấn đề xây dựng hình tượng con người cộng đồng mang tính sử thi; mỹ cảm và tâm lý con người cá nhân của thởi đại ảnh hưởng đến việc thể hiện cái tôi cá nhân trong tác phẩm văn học giai đoạn 1930 đến 1945, nhất là trong thơ Mới. 2.

2. Phương pháp lịch sử.

Phương pháp lịch sử là phương pháp nghiên cứu thi pháp hệ thống hình thức mà các hình thức đó phải được đặt trong mối quan hệ lịch sử cụ thể, và trong sự tham chiếu của lịch sử. Mặt khác, theo tinh thần và phương pháp luận biện chứng, phải nghiên cứu hệ thống hình thức trong cả chuỗi thời đại, nhiều giai đoạn kế tiếp để thấy sự phát triển của tư duy nghệ thuật.

Nếu nghiên cứu theo kiểu siêu hình, tức là quan niệm nghệ thuật một cách trừu tượng, chung chung, đời nào cũng như đời nào và các giai đoạn, thời đại tách biệt, không có mối quan hệ thì không đảm bảo tính khoa học. Theo đó, phương pháp lịch sử phải đảm bảo cả tính đồng đại và tính lịch đại. Do vậy, việc nghiên cứu có thể được thực hiện bằng các phương pháp phân tích các bình diện thi pháp học như quan niệm nghệ thuật, không gian, thời gian kết cấu, lời văn, ngôn từ và sử dụng các thao tác trừu tượng hóa, miêu tả, đánh giá…, nhưng mặt khác lại luôn phải đặt tác phẩm trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó và chứng minh được rằng hình thức đó là duy nhất đúng của một nội dung xác định.

Chẳng hạn, dấu ấn thi pháp thơ Hồ Xuân Hương là hình tượng lặp (hình tượng về vật nhục thể, sinh hoạt giới như cái quạt, cái hang, cái giếng…), giọng điệu vừa thiết tha, vừa xa xót lại vừa bộc trực cảm xúc và suy tư về hạnh phúc trần thế, về quyền của người phụ nữ, phương thức tu từ thường là so sánh, ẩn dụ. Những điều đó thể hiện đặc sắc tư tưởng nghệ thuật của thơ Hồ Xuân Hương, là khát vọng giải phóng, bao gồm khát vọng tự do về vị thế phụ nữ, khát vọng hạnh phúc nhục thể, khát vọng bình đẳng và được tôn trọng của phụ nữ. Đó chính là khát vọng trỗi dậy của quyền con người, trước hết là quyền phụ nữ trong hoàn cảnh lịch sử xã hội suy vong cuối Lê đầu Nguyễn tăm tối, bất công, bế tắc đến cùng cực.

Hoặc, trong Từ ấy (Tố Hữu), nét đặc sắc nhất là thể hiện cái nhìn chân thực về cuộc sống, thân phận con người đương thời; giọng điệu buồn thương nhưng không bi lụy, mà rắn rỏi, mạnh mẽ cùng khát vọng chiến đấu, tiêu diệt cái xấu, cái ác, bảo vệ và giải phóng con người bất hạnh. Hình thức đó là duy nhất đúng, là âm hưởng, không khí tiếng nói chân chính của thời đại đó; xác định nội dung tư tưởng là vừa phủ nhận bóng tối, tàn dư của xã hội cũ, vừa khẳng định sức mạnh chân lý cách mạng và niềm tin về xã hội mới.

3. Phương pháp thống kê.

Phương pháp thống kê được sử dụng nhằm tìm ra các tần số lặp lại của một đơn vị ngôn ngữ, của chi tiết, hình ảnh, biểu tượng…, trong văn bản hay hệ thống văn bản của một tác gia, một giai đoạn, trào lưu, xu hướng văn học là điều quan trọng và cần thiết. Điều đó đòi hỏi người nghiên cứu phải sử dụng phương pháp thống kê để tập hợp các dữ liệu theo những tiêu chí nhất định trong những bảng thống kê tổng hợp.

Tuy nhiên, việc thống kê chỉ có ý nghĩa và giá trị khi người nghiên cứu xác định đúng tần số ngữ liệu được lặp lại, phân tích được nội dung tư tưởng và thẩm mỹ của phép lặp đó trong mối liên hệ với tính chỉnh thể của văn bản, hệ văn bản. Ví dụ, thống kê tần số sử dụng từ riêng, mình, một mình, thống kê kiểu kết cấu người – ta – người ta để chỉ ra được tính tư tưởng, thẩm mỹ của cái nhìn bên trong cũng như quan niệm nghệ thuật về con người cá nhân trong sự tham chiếu và chi phối của nhiều mối quan hệ trong sáng tác của Nguyễn Du.

Thống kê kiểu đảo cấu trúc câu thơ, thay đổi nhịp thơ so với nhịp thơ luật Đường truyền thống, tần số sử dụng từ thông tục để thấy được sự sáng tạo và đổi mới thi pháp cũng như tính tư tưởng trong thơ Tú Xương. Thống kê tần suất những hình ảnh có tính ẩn dụ, tính biểu tượng kết hợp với phân tích giá trị của chúng để thấy được sự sáng tạo của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

4. Phương pháp so sánh, đối chiếu.

Phương pháp so sánh, đối chiếu trong thi pháp học được sử dụng ở nhiều bình diện. Có thể so sánh các giai đoạn, thời kỳ văn học; so sánh các tác giả cùng thời, khác thời; so sánh hai tác phẩm, hai tác gia; so sánh trong cùng nền văn học một dân tộc, hai dân tộc hoặc nhiều dân tộc. So sánh là để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt, cái chung và cái riêng của các đối tượng so sánh, nhưng cũng còn là để tìm ra những vấn đề có tính phát triển, tính quy luật của văn học.

Tuy nhiên, so sánh phải được thực hiện đúng phương pháp, cách thức của thi pháp học. Nghĩa là phải so sánh các đặc trưng, tổ chức, các phương thức, phương tiện, nguyên tắc làm nên giá trị thẩm mỹ của văn học trong tính chỉnh thể của văn bản; tập trung nghiên cứu quy luật nội tại, kết cấu hệ thống và thẩm mỹ của văn bản. Chẳng hạn so sánh thi pháp thơ Nguyễn Khuyến với thơ Tú Xương, thơ Đỗ Phủ với thơ Bạch Cư Dị; so sánh thi pháp truyện của Nguyễn Minh Châu trước và sau 1975; so sánh quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại Việt Nam với văn học hiện đại Việt Nam…

5. Phương pháp liên ngành.

Hệ thống nghệ thuật trong hiện tượng văn học bao giờ cũng mang tính nội dung của nó, vì nó là kết quả có tính tích hợp, tham chiếu từ nhiều ngành khoa học được nhà văn ứng dụng trong quá trình sáng tạo của mình. Vì vậy, khi nghiên cứu thi pháp học cần phải vận dụng phương pháp liên ngành, trong đó cần chú ý nhiều đến ngôn ngữ học, tâm lý học, mỹ học, văn hóa học, nhân học, thống kê.

Chẳng hạn, ngành ngôn ngữ học hỗ trợ cho nhà nghiên cứu khảo sát cấu trúc ngôn từ, mối quan hệ giữa âm và nghĩa, cái biểu đạt và cái được biểu đạt cũng như giá trị ngôn từ trong hệ thống. Tâm lý học cung cấp cho người nghiên cứu tri thức tâm lý để hiểu biết tâm lý con người cùng những biến thái của nó, từ đó tạo điều kiện để làm cơ sở phân tích hình tượng nhân vật một cách khoa học, hợp lý. Mỹ học cung cấp cho người nghiên cứu hệ thống tri thức và quan niệm về cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả và thấp hèn…, để vận dụng vào nghiên cứu các dạng thái và sắc màu mỹ học trong tác phẩm nói riêng và các hiện tượng văn học nói chung.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.