Lòng yêu nước I. Ê-ren-bua

Lòng yêu nước I. Ê-ren-bua

Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô viết[1] nhận ra vẻ thanh tú[2] của chốn quê hương. Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng sáu sáng hồng[3] và tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu. Người xứ U-crai-na[4] nhớ bóng thuỳ dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy, đời sống thấy đầy đủ và phong phú thay, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gru-di-a[5] ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt vọng lại. Người ở thành Lê-nin-grát[6] bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã[7] lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử.

Người Mát-xcơ-va nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm[8], để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới. Xa nữa là điện Krem-li[9], những tháp cổ ngày xưa[10], dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ[11] của ngày mai.

Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga[12], con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách. Người ta giờ đây đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố[13] động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua[14], điều giản dị này: “Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa”.

[1] Công dân Liên Xô (Liên Xô là cách gọi tắt của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết – Nhà nước liên bang gồm nhiều nước theo chính thể Cộng hòa Xô Viết, được thành lập năm 1922 sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917).
[2] Vẻ đẹp tao nhã, thanh thoát.
[3] Vùng phía bắc nước Nga do ở vĩ độ gần Bắc cực nên tháng sáu đêm rất ngắn, khoảng thời gian từ lúc mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc chỉ vài giờ, ánh mặt trời không tắt hẳn, để lại ánh sáng yếu ớt, người ta gọi đó là những đêm trắng.
[4] Một nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Nay là nước Cộng hòa U-crai-na.
[5] Một nước cộng hòa ở phía tây nam Liên Xô. Nay là nước cộng hòa Gru-di-a.
[6] Tên gọi dưới thời Xô viết thành phố Xanh Pê-téc-bua – thủ đô của nước Nga trước Cách mạng tháng Mười. Nay lấy lại tên cũ.
[7] Ngựa dùng trong chiến trận.
[8] Tưởng nhớ về những gì đã qua từ lâu (hoài: nhớ; niệm: nghĩ, nhớ).
[9] Quần thể kiến trúc cung điện có tường thành bao quanh ở trung tâm Mát-xcơ-va, được xây dựng từ nhiều thế kỉ trước dưới thời Nga hoàng. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, trụ sở các cơ quan trung ương của Liên Xô được đặt ở đây.
[10] Ở Krem-li có những tháp cổ được xây dựng từ thế kỉ XIV.
[11] Sau Cách mạng tháng Mười Nga, trên đỉnh những tháp và vòm nhà cao ở Krem-li đều có gắn ngôi sao đỏ, biểu trưng cho cách mạng.
[12] Con sông lớn và dài, có vị trí quan trọng ở vùng lãnh thổ thuộc Châu Âu của nước Nga, chảy theo hướng bắc-nam, được hợp thành từ nhiều nhánh sông và đổ ra biển Ca-xpi.
[13] Xấu xa, đáng ghét (khả: đáng, ố: ghét).
[14] Xấu xa, đáng ghét (khả: đáng, ố: ghét).
26-6-1942

Bài Lòng yêu nước được trích từ bài báo Thử lửa của I.Ê-ren-bua viết vào cuối tháng 6 năm 1942, thời kì khó khăn nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược (1941-1945).

Nguồn: I. Ê-ren-bua, Thời gian ủng hộ chúng ta (tập tuỳ bút), Thép Mới dịch, NXB Văn nghệ, 1954


Tác giả I. Ê-ren-bua

Ilya Grigoryevich Ehrenburg (Илья Григорьевич (Гиршевич) Эренбург, 27 tháng 1 năm 1891 – 31 tháng 8 năm 1967) sinh ở Kiev trong một gia đình Do Thái giàu có. Năm 1895 gia đình chuyển đến Moskva. Ehrenburg học ở trường Gymnazy cùng với Nikolai Ivanovich Bukharin. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1905. Cuối năm 1908 sang Pháp hoạt động văn học, ông kết bạn với Picasso, Louis Aragon, Alexis Leger (Saint-John Perse),… và in một số tập thơ. Các năm 1914-1917 ông làm phóng viên cho một số tờ báo. Cuối năm 1919 cùng với Osip Mandelstam đi về vùng Cremia, sống ở nhà Maximilian Alexandrovich Voloshin. Bị bắt nhưng nhờ sự can thiệp của Bukharin nên được trả tự do. Từ năm 1921 đến năm 1924 sống ở Berlin, Đức.

Thời kỳ Nội chiến ở Tây Ban Nha (1936-1939), Ehrenburg làm phóng viên chiến trường của báo Izvestya, sau khi những người cộng hoà thất bại, ông sang Pháp. Năm 1940 ông trở về Liên Xô. Thời kỳ chiến tranh Vệ quốc ông làm phóng viên của các tờ báo Sự thật (Правда), Tin tức (Известия), Ngôi sao đỏ (Красная звезда). Từ năm 1942 ông tham gia Uỷ ban Do Thái chống phát xít rất tích cực và đã thu thập được nhiều tài liệu về cuộc tàn sát chủng tộc đối với người Do Thái (Holocaust).

Trong mục trích các bài thơ của Ehrenburg có bài thơ Hãy giết nổi tiếng của ông. Ehrenburg viết bài thơ này trong những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Vệ quốc. Cũng trong thời kỳ này ông viết bài Hãy giết người Đức đăng trên báo Ngôi sao đỏ ngày 24 tháng 7 năm 1942. Nguyên cớ của bài báo là cuộc tấn công của quân Đức vào vùng sông Đông, hai tuần trước mệnh lệnh số 227 của Tổng tư lệnh Stalin: “Không lùi một bước!” ra đời, theo lời của tác giả, là những bức thư từ Đức mà người ta tìm thấy trong túi áo của những lính Đức tử trận về ý định của người Đức “biến dân Nga thành những kẻ nô lệ”. Bài viết này sau đó đã bị dư luận nước ngoài chỉ trích và trở thành đối tượng của nhiều cuộc tranh luận.

Ilya Ehrenburg là đại biểu tối cao Xô Viết tối cao Liên Xô các nhiệm kỳ 3 – 7. Từ năm 1950 là Phó chủ tịch Hội đồng hoà bình Thế giới. Hai lần ông được tặng Giải thưởng Stalin (1942, 1948). Năm 1952 được tặng Giải thưởng Lenin vì sự nghiệp củng cố hoà bình giữa các dân tộc. Ông mất ngày 31 tháng 8 năm 1967 ở Moskva.

Tác phẩm:

– Cầu nguyện cho nước Nga (tiểu thuyết, 1918)
– Cuộc phiêu lưu khó tin của Julio Jurenito (tiểu thuyết, 1922)
– Cuộc đời và cái chết của Nikolai Kurbov (tiểu thuyết, 1923)
– Mối tình của Jeanne Ney (tiểu thuyết, 1924)
– Mùa hè 1925 (tiểu thuyết, 1926)
– Paris sụp đổ (tiểu thuyết, 1941)
– Lòng yêu nước (tuỳ bút, 1942)

– Làn sóng thứ chín (tiểu thuyết, 1950)
– Con người, năm tháng, cuộc đời (hồi ký, 1961 – 1965)
– Biên niên sử của sự can đảm (tiểu thuyết, 1974)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang