mach-lac-trong-van-ban-day-du-ngu-van-7

Mạch lạc trong văn bản (đầy đủ) – SGK Ngữ văn 7

Mạch lạc trong văn bản

I – MẠCH LẠC VÀ NHỮNG YÊU CẦU VỀ MẠCH LẠC TRONG VĂN BẢN

1. Mạch lạc trong văn bản.

a) Hai chữ mạch lạc trong Đông y vốn có nghĩa là mạch máu trong thân thể. Trong một văn bản cũng có cái gì giống như mạch máu làm cho các phần của văn bản thống nhất lại, gọi là mạch lạc. Dựa vào hiểu biết trên, em hãy xác định mạch lạc trong văn bản có những tính chất gì trong số các tính chất kể dưới đây:

– Trôi chảy thành dòng, thành mạch;

– Tuần tự đi qua khắp các phần, các đoạn trong văn bản;

– Thông suốt, liên tục, không đứt đoạn.

b) Có người cho rằng: Trong văn bản, mạch lạc là sự tiếp nối của các câu, các ý theo một trình tự hợp lí.Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?

2. Các điều kiện để một văn bản có tính mạch lạc

a) Văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê kể về nhiều sự việc khác nhau: mẹ bắt hai con phải chia đồ chơi; hai anh em Thành, Thuỷ rất thương nhau; chuyện về hai con búp bê; Thành đưa em đến lớp chào cô giáo và các bạn; hai anh em phải chia tay; Thuỷ để cả hai con búp bê lại cho Thành.

Hãy cho biết toàn bộ sự việc trong văn bản xoay quanh sự việc chính nào. “Sự chia tay” và “những con búp bê” đóng vai trò gì trong truyện? Hai anh em Thành và Thuỷ có vai trò gì trong truyện?

b) Các từ ngữ: chia tay, chia đồ chơi, chia ra, chia đi, chia rẽ, xa nhau, khóc,… cứ lặp đi lặp lại trong bài. Một loạt từ ngữ và chi tiết khác biểu thị ý không muốn phân chia cũng lặp đi lặp lại: anh cho em tất, chẳng muốn chia bôi, chúng lại thân thiết quàng tay lên vai nhau, không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau,…

Theo em, đó có phải là chủ đề (vấn đề chủ yếu) liên kết các sự việc nêu trên thành một thể thống nhất không? Đó có thể xem là mạch lạc của văn bản không?

c) Trong văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê có đoạn kể về việc hiện tại, có đoạn kể về việc quá khứ, có đoạn kể về việc ở nhà, có đoạn kể về việc ở trường, có đoạn kể chuyện hôm qua, có đoạn kể về chuyện sáng nay,…

Hãy cho biết các đoạn ấy được nối với nhau theo mối liên hệ nào trong các mối liên hệ sau đây:

– Liên hệ thời gian

– Liên hệ không gian

– Liên hệ tâm lí (nhớ lại);

– Liên hệ ý nghĩa (tương đồng, tương phản). Những mối liên hệ giữa các đoạn ấy có tự nhiên và hợp lí không?

* Ghi nhớ:

– Văn bản cần phải mạch lạc.
– Một văn bản có tính mạch lạc là văn bản:
• Các phần, các đoạn, các câu trong văn bản đều nói về một đề tài, biểu hiện một chủ đề chung xuyên suốt.
• Các phần, các đoạn, các câu trong văn bản được tiếp nối theo một trình tự rõ ràng, hợp lí, trước sau hô ứng nhau nhằm làm cho chủ đề liền mạch và gợi được nhiều hứng thú cho người đọc (người nghe).

II – LUYỆN TẬP

1. Hãy tìm hiểu tính mạch lạc của:

a) Văn bản Mẹ tôi (Ét-môn-đô đơ A-mi-xi).

b) Một trong hai văn bản sau:

(1)

LÃO NÔNG VÀ CÁC CON

Hãy lao động cần cù gắng sức,
Ấy chân lưng sung túc nhất đời.
Phú nông gần đất xa trời
Họp riêng con lại, nói lời thiết tha
Rằng: “Ruộng đất ông cha để lại
Các con đừng khờ dại bán đi.
Kho vàng chôn dưới đất kia,
Cha không biết chỗ. Kiên trì gắng công
Tìm khắc thấy: cuối cùng sẽ thắng.
Xốc ruộng lên tháng tám sau mùa,
Tay cày, tay cuốc, tay bừa,
Xới qua xới lại, chẳng chừa chỗ không”.
Bố chết. Các con cùng gắng gổ

Lật tung đồng đây đó khắp nơi,
Kĩ càng công việc xong xuôi,
Cuối năm lúa tốt bời bời bội thu.
Vàng với bạc giấu mô chẳng thấy,
Rõ ràng ông bố ấy khôn ngoan,
Trước khi từ giã trần gian
Lấy câu “lao động là vàng” dạy con.

(La Phông-ten, Ngụ ngôn chọn lọc, Tú Mỡ dịch)

(2) Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng – những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi. Lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm, không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng sẫm. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối quả chín vàng đốm. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng, như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy.

Bụi mía vàng xọng, từng đốt ngần phấn trắng.Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Tất cả đượm một màu trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không có cảm giác héo tàn, hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông.

(Theo Tô Hoài, Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả)

(Gợi ý:

– Chủ đề chung xuyên suốt các phần, các đoạn và các câu của mỗi văn bản là gì?
– Trình tự tiếp nối của các phần, các đoạn, các câu trong văn bản có giúp cho sự thể hiện chủ đề được liên tục, thông suốt và hấp dẫn không?)

2. Trong truyện Cuộc chia tay của những con búp bê, tác giả đã không thuật lại tỉ mỉ nguyên nhân dẫn đến sự chia tay của hai người lớn. Theo em như vậy có làm cho tác phẩm thiếu mạch lạc không?


* Soạn bài:

Mạch lạc trong văn bản

I. Mạch lạc và những yêu cầu về mạch lạc trong văn bản.

1. Mạch lạc trong văn bản.

– Các câu trong ví dụ trên chỉ tiếp nối với nhau về mặt hình thức (phần đầu câu sau lặp lại ý ở phần cuối câu trước). Vì thế, đọc toàn bộ văn bản, chúng ta không thể hiểu văn bản nói cái gì. Sự thực thì các câu trên được trích ra từ những văn bản khác nhau và lắp ghép lại. Sự tiếp nối chỉ được xem là hợp lí khi các câu, các đoạn, các phần của văn bản phải thống nhất xoay quanh một chủ đề. Vi phạm điều này, văn bản không được coi là mạch lạc.

– Các câu văn trên không vi phạm tính thống nhất chủ đề. Nhưng như thế chưa đủ để đánh giá là chúng mạch lạc. Bởi vì, trình tự các câu không hợp lí khi phản ánh diễn biến trước sau của sự việc.

– Trình tự đúng phải là: (2), (4), (1), (3).

2. Các điều kiện để một văn bản có tính mạch lạc.

a. Toàn bộ sự việc trong văn bản xoay quanh sự việc chính: Hai anh em Thành và Thuỷ buộc phải xa nhau, nhưng các em đã nhất định không chịu để cho tình cảm mình phải chia lìa. Trong đó “sự chia tay” và “những con búp bê” là sự kiện chính, còn hai anh em Thành và Thuỷ là nhân vật chính trong truyện.

b. Các từ ngữ biểu thị sự chia tay, và một loạt từ ngữ biểu thị ý không muốn phân chia lặp đi lập lại. Các sự việc trên đã liên kết xoay quanh một chủ đề thống nhất. Đó chính là sự mạch lạc của văn bản.

c. Trong văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê, các đoạn văn được nối với nhau bằng nhiều mối quan hệ:

– Đoạn kể về quá khứ với đoạn kể về hiện tại -> liên hệ tâm lí.

– Đoạn kể về việc ở nhà với đoạn kể về việc ở trường -> liên hệ không gian.

– Đoạn kể chuyện hôm qua với đoạn kể về chuyện sáng nay -> liên hệ thời gian.

– Đoạn kể về tâm trạng của hai an hem với đoạn kể về cảnh vật bên ngoài -> liên hệ tương phản.

– Cảnh chia đồ chơi với cảnh chia tay của hai an hem -> liên hệ tương đồng.

→ Những mối liên hệ giữa đoạn là tự nhiên hợp lí.

II. Luyện tập

Câu 1:

a. Văn bản Mẹ tôi của A-mi-xi.

– Đầu tiên là lời giới thiệu của nhân vật “tôi” nói rõ lí do vì sao bố viết thư cho mình.

– Phần tiếp theo là nội dung của bức thư, gồm có những phần sau:

+ Nỗi buồn của bố trước thái độ hỗn láo của En-ri-cô đối với mẹ.

+ Người bố gợi lại những ngày tháng mẹ lo lắng, chăm sóc cho En-ri-cô.

+ Nói về sự hi sinh và vai trò to lớn của người mẹ.

+ Bố giả định ngày mẹ mất và sự vô ích của nỗi hối hận muộn màng.

+ Thái độ nghiêm khắc của bố yêu cầu En-ri-cô phải xin lỗi mẹ và sửa chữa lỗi lầm.

→ Tất cả các phần, các đoạn trong văn bản đều tập trung thể hiện chủ đề đó là: Lòng yêu thương của người mẹ đối với con cái.

Các đoạn liên kết chặt chẽ, mạch lạc.

b. Phân tích tính mạch lạc của văn bản trên các phương diện như chủ đề, trình tự tiếp nối, hệ thống từ ngữ, mối liên hệ,… Chủ đề là cảnh sắc vàng của làng quê giữa ngày mùa. Trình tự miêu tả theo sự quan sát của tác giả từ bao quát đến cụ thể, từ xa đến gần, từ cao xuống thấp. Bắt đầu là liên hệ về thời gian, tiếp đến, liên hệ chủ yếu giữa các câu là liên hệ không gian,… Hệ thống các tính từ chỉ những sắc thái khác nhau của màu vàng cũng góp phần tạo nên mạch lạc của văn bản về sắc vàng của làng quê này.

Câu 2:

Sự việc chính của câu chuyện là cuộc chia tay giữa hai anh em Thành, Thuỷ và hai con búp bê. Các sự việc khác đều phải tập trung vào sự việc này. Kể tỉ mỉ về nguyên nhân dẫn đến sự chia tay của bố mẹ Thành, Thuỷ sẽ làm mất đi sự tập trung ấy và vì thế làm giảm đi sự thống nhất chủ đề, khiến văn bản thiếu mạch lạc. Hơn nữa, dựa vào chuyện của người lớn sẽ không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 7, dễ gây phản tác dụng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang