»» Nội dung bài viết:
Một số vấn đề cần lưu ý khi viết đoạn văn nghị luận xã hội
Để làm tốt bài tập này, cần xác định rõ sự khác biệt giữa yêu cầu của một bài văn và một đoạn văn; nắm được đặc điểm riêng của đoạn văn nghị luận xã hội trong cấu trúc đề thi. Nếu viết bài văn nghị luận xã hội đầy đủ các phần: mở bài, thân bài, kết bài và chủ đề cần bàn luận được triển khai thành hệ thống luận điểm, luận cứ… thì viết đoạn văn nghị luận xã hội chỉ cần tập trung vào một luận điểm. Luận điểm này sẽ được tách ra từ nội dung kiến thức của phần Đọc hiểu.
I. Yêu cầu đối với đoạn văn
1. Tính liên kết chặt chẽ.
Đoạn văn là tập hợp các câu văn được liên kết chặt chẽ cả về hình thức và nội dung. Về nội dung, đoạn văn được diễn đạt trọn vẹn một ý, một chủ đề nào đó. Về hình thức, đoạn văn là phần văn bản được mở đầu bằng câu viết lùi vào và kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng. Các câu văn được kết nối với nhau bằng nhiều phương tiện liên kết như: phép lặp, phép nối, phép thế…
2. Tính logic trong diễn đạt.
Khi viết đoạn văn, cần đảm bảo yêu cầu diễn đạt mạch lạc. Chẳng những dùng phải chuẩn xác, câu đúng ngữ pháp mà cách trình bày ý cần đảm bảo logic. Chú ý luyện tập một sô kiểu diễn đạt ý phổ biến sau:
Diễn dịch: Trình bày ý theo trình tự đi từ khái quát đến cụ thể. Câu chủ đề được đặt ở vị trí mở đầu đoạn văn, các câu sau triển khai những nội dung chi tiết cụ thể của chủ đề đó.
Quy nạp: Trình bày ý theo trình tự ngược lại với diễn dịch – đi từ ý cụ thể đến khái quát. Câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn.
Tổng – phân – hợp: Trình bày ý theo trình tự khai quát – cụ thể – tổng hợp ( kết hợp hai cách diễn đạt diễn dịch và quy nạp). Câu chủ đề được đặt ở cả hai vị trí mở đầu và kết thúc đoạn văn. Khi viết đoạn văn tổng – phân – hợp, cần biết cách khái quát, nâng cao để tránh sự trùng lặp của hai câu chốt này.
Trong quá trình làm văn, học sinh tự diễn đạt tùy ý theo ý mình mà ít khi chú ý đến việc xây dựng tính logic, mạch, lạc và liên kết trong đoạn văn. Bởi thế, đoạn văn sau khi được viết ra thường rời rạc, khó hiểu không đáp ứng được yêu cầu của đề bài. Không có gì khó khăn để viết được một đoạn văn hoàn chỉnh, đúng phương pháp và biểu lộ được ý của người viết nếu biết tuân thủ các bước viết một đoạn văn. Hãy kiên trì luyện tập, không có gì phải vội vả. năng lực chỉ được kiện toàn khi con người biết luyện tập từ thấp đến cao, từ dẽ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
II. Các bước tiến hành làm bài văn Nghị luận xã hội.
Bước 1:
– Giải thích làm rõ vấn đề được dẫn trên đề. Nếu vấn đề thể hiện dưới dạng là một câu trích dẫn khá nổi tiếng nào đó hoặc một ý tưởng do người ra đề đề xuất, người viết cần lần lượt giải nghĩa, làm rõ nghĩa của vấn đề theo cách đi từ khái niệm đến các vế câu và cuối cùng là toàn bộ ý tưởng được trích dẫn. Khi vấn đề được diễn đạt theo kiểu ẩn dụ bóng bẩy thì phải giải thích cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ ngữ. Nếu vấn đề là một hiện tượng đời sống, người viết cần cho biết đó là hiện tượng gì, hiện tượng đó biểu hiện ra sao, dưới các hình thức nào (miêu tả, nhận diện)…
Làm tốt bước giải nghĩa này sẽ hiểu đúng vấn đề, xác định đúng vấn đề (hoặc mức độ) cần giải thích để chọn lí lẽ cần thiết. Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi LÀ GÌ?
Bước 2:
– Tìm hiểu cơ sở của vấn đề: Trả lời tại sao có vấn đề đó (xuất phát từ đâu có vấn đề đó). Cùng với phần giải nghĩa, phần này là phần thể hiện rất rõ đặc thù của thao tác giải thích. Người viết cần suy nghĩ kĩ để có cách viết chặt chẽ về mặt lập luận, lô gíc về mặt lí lẽ, xác đáng về mặt dẫn chứng. Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi TẠI SAO.
Bước 3:
– Nêu hướng vận dụng của vấn đề: Vấn đề được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào. Hiểu nôm na, phần này yêu cầu người viết thể hiện quan điểm của mình về việc tiếp thu, vận dụng vấn đề vào cuộc sống của mình như thế nào. Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi NHƯ THẾ NÀO.
* Lưu ý:
– Nên đặt trực tiếp từng câu hỏi (LÀ GÌ, TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO) vào đầu mỗi phần (mỗi bước) của bài văn. Mục đích đặt câu hỏi: để tìm ý (phần trả lời chính là ý, là luận điểm được tìm ra) và cũng để tạo sự chú ý cần thiết đối với người đọc bài văn. Cũng có thể không cần đặt trực tiếp ba câu hỏi (LÀ GÌ, TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO) vào bài làm nhưng điều quan trọng là khi viết, người làm bài cần phải có ý thức mình đang lần lượt trả lời từng ý, từng luận điểm được đặt ra từ ba câu hỏi đó.
– Tuỳ theo thực tế của đề và thực tế bài làm, bước NHƯ THẾ NÀO có khi không nhất thiết phải tách hẳn riêng thành một phần bắt buộc.