nghe-thuat-mieu-ta-noi-tam-nhan-vat-hai-dua-tre-cua-thach

Phân tích nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Phân tích nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

  • Mở bài:

Thạch Lam là một cây bút truyện ngắn tài hoa, xuất sắc. Truyện của ông thường không có cốt truyện đặc biệt. Mỗi truyện là một bài thơ trữ tình đượm buồn. Ông thường đi sâu khai thác đời sống nội tâm nhân vật với những cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh, tinh tế. Hai yếu tố “hiện thực và lãng mạn, tự sự và trữ tình thi vị” luôn luôn đan cài, xen kẽ vào nhau, tạo nên nét đặc thù, đặc sắc khó lẫn trong trong phong cách nghệ thuật của ông. “Hai đứa trẻ” là truyện ngắn xuất sắc tiêu biểu cho đời văn và phong cách Thạch Lam. Miêu tả bức tranh phố huyện nghèo nàn, hiu hắt, khắc họa nội tâm nhân vật có chiều sâu là điểm nổi bậc nhất trong nghệ thuật biểu đạt của tác phẩm.

  • Thân bài:

1. Bức tranh phố huyện khi chiều xuống mang theo nỗi buồn hiu hắt:

Cảnh chiều tàn được hiện lên với âm thanh của tiếng trống thu không; tiếng ếch nhái ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào; tiếng muỗi. Hình ảnh của phương Tây đỏ rực với những đám mây hồng và dãy tre làng cắt hình đen kịt trên nền trời… Thiên nhiên đẹp, gợi buồn… như một “ bức họa đồng quê” quen thuộc, gần gũi và gợi cảm .Một bức tranh quê hương bình dị mà không kém phần thơ mộng, mang cốt cách Việt Nam .

Trong không gian ấy, tâm trạng của Liên cũng có nhiều biến động. Liên thấy “lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Đó cũng là cảm xúc tự nhiên của con người trước buổi chiều nhưng đối với Liên, nó thật đặc biệt. Cô còn cảm nhận được “mùi riêng của đất, của quê hương này”, thấy “động lòng thương” bọn tẻ con nhà nghèo đi nhặt rác… và xót thương cho mẹ con chị Tí … Qua ngòi bút miêu tả của Thạch Lam, Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người.

Bằng sự quan sát, miêu tả tỉ mỉ, tinh tế với nhiều biến đổi tinh vi, phong phú… nhà văn đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về cảnh vật nơi phố huyện lúc chiều tàn như thấm vào lòng người hay nỗi buồn của tâm hồn Liên lan tỏa nhuốm vào cảnh vật.

2. Bức tranh phố huyện lúc đêm về – bóng tối bao trùm lên những số phận:

Bức tranh phố huyện lúc đêm về có một sự hòa trộn đầy dụng ý. Ánh sáng trộn vào bóng tối hay ngược lại bóng tối trộn vào ánh sáng (không gian phố huyện có nhiều quầng sáng, nhưng cũng có nhiều khoảng tối, đến những hòn đá trên đường vào làng cũng mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng, một bên tối…). Trong bóng tối ấy là những cuộc đời bóng tối quẩn quanh, bế tắc.

Khi ánh chiều đã tắt thì bóng tối ập xuống. Tâm trạng của chị em Liên lại xoay quanh cái quầng sáng thu nhỏ xung quanh ngọn đèn con trên chõng hàng nước ế ẩm của chị Tý. Cả phố huyện giờ chỉ thu nhỏ vào cái ngọn đèn con leo lắt ấy, còn xung quanh, bóng tối làm chủ tất cả “tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”, bên cạnh có gánh phở bác Siêu, ngọn đèn Hoa Kỳ vặn nhỏ của Liên… Tất cả mấy đốm sáng, hột sáng thưa thớt tù mù. Những hột sáng nhỏ nhoi ấy chẳng thể làm cho đêm sáng ra, mà trái lại càng khiến cho đêm tối thêm mịt mùng dày đặc.

Nhưng ánh sáng thì le lói, chỉ là khe sáng, chấm sáng, hột sáng; bóng đêm thì vừa mênh mông hiu quạnh vừa dày đặc, tối hết cả con đường ra sông, con đường vào làng, các ngõ càng thẫm đen hơn nữa, tối đến mức cả tiếng đàn bầu của bác xẩm và tiếng trống cầm canh của phố huyện tưởng chừng như không vang lên được. Điều này gợi một nỗi buồn đầy cảm thông, một nhận thức – dù rất mơ hồ – về những kiếp sống chìm khuất, le lói, những thân phận như “bị bỏ quên” nơi cái ga xép của một phố huyện buồn thiu.

Hình ảnh bà cụ Thi nghiện rượu, hơi điên với dáng đi “lảo đảo” lẫn vào bóng tối và “tiếng cười khanh khách”. Đó có lẽ là tiếng cười duy nhất của các nhân vật trong truyện. Nhưng tiếng cười ấy không mang lại cho mọi người cảm giác vui lây. Trái lại, nó gây cho Liên sự sợ hãi. Bởi trong tiếng cười ấy dồn nén, chất chứa bao nỗi đắng cay, tủi nhục, bế tắc. Đi vào những số phận nhỏ bé, những cuộc đời thường của người dân trên phố huyện, Thạch Lam đã nhóm lên ở đó chất thơ của đời thường, chất thơ của lòng trắc ẩn, của sự đồng cảm, chia sẻ nhân đạo.

Chính số phận quẩn quanh, bế tắc của những kiếp người tàn, bức tranh của ngày tàn đã như thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của Liên, gây cho Liên một nỗi buồn man mác. Đoàn tàu đi qua, mang tới nguồn sáng, đã gợi cho Liên biết bao suy nghĩ.

Liên hồi tưởng về kỉ niệm tuổi thơ tươi sáng trước đây ở Hà Nội. Hai chị em ngửi thấy mùi phở thơm và nhớ lại khi ở Hà Nội “chị được hưởng những thứ quà ngon lạ như thế… được đi chơi Bờ Hồ, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Cô bâng khuâng nhớ về “Hà Nội nhiều đèn quá, tạo nên một vùng sáng rực và lấp lánh”. Nhưng giờ đây, ánh sáng ấy chỉ là bóng mờ kí ức trong đêm.

Và trong bối cảnh của bức tranh phố huyện tối tăm, tù túng, vốn là người có trái tim rất nhạy cảm nên Liên đã để lại cho tâm hồn mình vượt ra khỏi hiện thực ngột ngạt, vươn tới một giấc mơ, một khát vọng khác với cảnh sống nghèo nàn, tăm tối, bế tắc hiện tại.

Liên ngồi chờ đợi đoàn tàu, không phải để đi bán hàng, không phải vì nhu cầu vật chất, bởi không mong gì ai mua nữa mà vì một lí do khác “muốn được nhìn chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng trong đêm”. Nghĩa là Liên khát khao khắc khoải, háo hức chờ mong một sự đổi thay, khao khát một cái gì khác thường khuấy động cái không khí đơn điệu, buồn tẻ, quẩn quanh, tù túng, lụi tắt dần trong đêm tối.

Thực chất đó là nhu cầu khát vọng về tinh thần, nhu cầu được sống dù trong khoảnh khắc bằng một thế giới khác “với tiếng còi rít lên, tàu chạy rầm rộ với những toa tàu sang trọng đèn điện sáng trưng. Trong đó có những con người gợi về Hà Nội huyên náo và vui vẻ”.

Con tàu như đem một chút thế giới khác đi qua, một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn chị Tý và ánh lửa bác Siêu leo lắt giữa cái đêm tối mênh mông của đất trời phố huyện. Liên hân hoan, ngây ngất ngắm nhìn chuyến tàu đó.

3. Bức tranh phố huyện lúc đoàn tàu đi qua rộn ràng, rực rỡ nhưng chóng tàn :

Có một sự tương phản nổi bật giữa hình ảnh đoàn tàu – chút thế giới khác mà chuyến tàu đêm mang qua phố huyện trong chốc lát ( rồi mang đi) và hình ảnh trở về trạng thái sống lặng lẽ, tối tăm không thay đổi nơi phố huyện. Cũng có một cảm giác xa xôi không biết của nhân vật Liên sau khi đoàn tàu đêm đi qua ở cuối truyện: “những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên và hình ảnh thế giới quanh mình, mờ mờ đi trong mắt chị. Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ, nhưng Liên không nghĩ được lâu, mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”.

Một bên là “sự hoạt động náo nhiệt cuối cùng của đêm” và một bên là “sự im lặng mênh mông” trong đêm tối, trong giấc ngủ (và cả trong sự lãng quên?). Chuyến tàu đêm đi qua sáng rực, vui vẻ và huyên náo, đầy vẻ hấp dẫn nhưng lại chỉ thoáng qua trong giây lát ngắn ngủi rồi trả phố huyện về cuộc sống mênh mang yên lặng và đầy bóng tối. Điều đó làm nỗi buồn như càng thấm thía hơn trong lòng hai đứa trẻ.

Tương ứng với mỗi cảnh là một sắc thái cảm xúc, tâm trạng. buồn man mác, mơ hồ khó hiểu trước bức tranh cuộc sống nghèo của phố huyện lúc chiều muộn: buồn khắc khoải trong cảnh đợi chờ, mong ước một cái gì tốt đẹp, tươi sáng hơn cuộc sống nghèo khổ thường ngày; buồn thấm thía sâu sa về một cuộc sống quẩn quanh, không thể đổi thay và mọi cái tốt đẹp, tươi sáng chỉ là hi vọng mong manh.

Cũng tương ứng với cảnh vật, con người trong từng thời khắc khác nhau là những tâm trạng, cảm giác, ý nghĩ khác nhau. Ở đoạn đầu: lòng buồn man mác trước thời khắc của ngày tàn; đoạn giữa: mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho cuộc sống hằng ngày, lặng theo mơ tưởng; đoạn cuối: thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Tất cả thể hiện niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn. Tưởng chừng tác giả đã hòa nhập vào tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật để diễn tả những gì mong manh, mơ hồ khó tả nhất của tâm hồn con người.

Qua tâm trạng của chị em Liên, Thạch Lam muốn bộc lộ những ý nghĩ kín đáo, nhẹ nhàng nhưng thấm thía biết bao cho tâm hồn người đọc. Đó là tác giả muốn bày tỏ nỗi niềm xót thương đối với những kiếp người nhỏ bé vô danh, không bao giờ biết đến ánh sáng, hạnh phúc. Trong xã hội cũ, có biết bao con người như thế. Họ phải sống cuộc đời tẻ nhạt vô nghĩa, đến trong mơ cũng không biết mơ gì hơn một chuyến tàu đêm vụt qua phố huyện tiêu điều, lụi tắt của cuộc đời mình. Cuộc sống của họ cũng sẽ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra” trong tăm tối đói nghèo, buồn chán nơi phố huyện và nói rộng ra là trên đất nước lầm than nô lệ.

Thạch Lam đồng thời cũng muốn đánh thức, lay tỉnh những tâm hồn đang uể oải, lụi tàn. Thạch Lam đã khơi dậy ở họ ngọn lửa của lòng khát khao được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, khao khát được thoát ra khỏi cuộc sống tăm tối, tù đọng, mòn mỏi đang muốn chôn vùi họ. Phải có sự thức tỉnh của “cái tôi” cá nhân mới có được niềm xót thương và sự lay tỉnh đáng quý ấy.

Ở truyện này, Thạch Lam đã đặt tất cả trong một cái nhìn già dặn trước tuổi trong đôi mắt trẻ thơ. Điều ấy dường như từ tác phẩm đã vút lên tiếng kêu hãy cứu lấy những đứa trẻ; trả lại cho chúng sự hồn nhiên, vô tư vốn có, đừng biến chúng trở thành những kiếp người tàn.

  • Kết bài:

“Hai đứa trẻ” có một hương vị thật man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng dóng lên một cái gì còn ở trong tương lai… Nơi cái thế giới của đôi trẻ ở một phố quê, hình ảnh đoàn tàu và cái tiếng còi tàu đã trở thành thói quen của cảm xúc và ước vọng. Qua dòng chảy tâm trạng của nhân vật Liên, ta nhận ra nhà văn luôn bận bịu vô hạn về một ước mơ, một khát vọng tràn đầy tinh thần nhân văn, nhân bản. Tài năng khắc họa tâm lí nhân vật và tấm lòng yêu thương con người của nhà văn đã khiến cho tác phẩm đạt đến chiều sâu hiếm có.


* DÀN Ý:

Phân tích nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật qua bức tranh phố huyện khi chiều xuống, phố huyện lúc đêm về và phố huyện lúc tàu đến và tàu đi trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

I/ Mở bài:

– Thạch Lam (1910-1942) ,là người đôn hậu, điềm đạm, rất đỗi tinh tế .Ông là một cây bút tài hoa, có biệt tài về truyện ngắn – truyện nhưng không có chuyện. Tác phẩm của ông chủ yếu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với biết bao cảm tưởng, cảm giác mơ hồ, mong manh… làm đọng lại trong lòng người đọc nhiều dư vi.

– Một trong những tác phẩm thể hiện sức hấp dẫn trong nghệ thuật viết văn ấy của Thạch Lam là truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của ông. Ở đây, nhà văn đã thật thành công khi miêu tả nội tâm nhân vật trong sự tương ứng với thế giới ngoại cảnh với bao buồn vui của bức tranh phố huyện khi chiều xuống, phố huyện lúc đêm về và phố huyện lúc có chuyến tàu đêm đi qua.

II/ Thân bài :

1/ Bức tranh phố huyện khi chiều xuống :

– Cảnh chiều tàn được hiện lên với :

+ Âm thanh của tiếng trống thu không ; tiếng ếch nhái ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào; tiếng muỗi

+ Hình ảnh của phương Tây đỏ rực với những đám mây hồng và dãy tre làng cắt hình đen kịt trên nền trời… →  thiên nhiên đẹp, gợi buồn… như một “ bức họa đồng quê” quen thuộc, gần gũi và gợi cảm .Một bức tranh quê hương bình dị mà không kém phần thơ mộng, mang cốt cách Việt Nam .

– Tâm trạng của Liên :

+ Liên thấy “lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”.

+ Liên còn cảm nhận được “mùi riêng của đất, của quê hương này”.

+ Liên thấy “động lòng thương” bọn tẻ con nhà nghèo đi nhặt rác…và xót thương cho mẹ con chị Tí …

→ Qua ngòi bút miêu tả của Thạch Lam, Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm , tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người.

Bằng sự quan sát ,miêu tả tỉ mỉ, tinh tế với nhiều biến đổi tinh vi, phong phú…nhà văn đã giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về cảnh vật nơi phố huyện lúc chiều tàn như thấm vào lòng người hay nỗi buồn của tâm hồn Liên lan tỏa nhuốm vào cảnh vật.

2/ Bức tranh phố huyện lúc đêm về:

– Bức tranh phố huyện lúc đêm về có một sự hòa trộn đầy dụng ý:

+ Ánh sáng trộn vào bóng tối hay ngựơc lại bóng tối trộn vào ánh sáng (không gian phố huyện có nhiều quầng sáng, nhưng cũng có nhiều khoảng tối, đến những hòn áa trên đường vào làng cũng mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng, một bên tối…).

+ Nhưng ánh sáng thì le lói, chỉ là khe sáng, chấm sáng, hột sáng; bóng đêm thì vừa mênh mông hiu quạnh vừa dày đặc (tối hết cả con đường ra sông, con đường vào làng, các ngõ càng thẫm đen hơn nữa, tối đến mức cả tiếng đàn bầu của bác xẩm và tiếng trống ầcm canh của phố huyện tưởng chừng như không vang lên được).

Điều này gợi một nỗi buồn đầy cảm thông, một nhận thức – dù rất mơ hồ- về những kiếp sống chìm khuất, le lói, những thân phận như “bị bỏ quên’ nơi cái ga xép của một phố huyện buồn thiu.

3/ Bức tranh phố huyện lúc đoàn tàu đi qua :

– Có một sự tương phản nổi bật giữa hình ảnh đoàn tàu – chút thế giới khác mà chuyến tàu đêm mang qua phố huyện trong chốc lát ( rồi mang đi) và hình ảnh trở về trạng thái sống lặng lẽ, tối tăm không thay đổi nơi phố huyện.

– Cũng có một cảm giác xa xôi không biết của nhân vật Liên sau khi đoàn tàu đêm đi qua ở cuối truyện: “những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên và hình ảnh thế giới quanh mình, mờ mờ đi trong mắt chị. Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ.,nhưng Liên không nghĩ đươc lâu, mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”.

– Một bên là “sự hoạt động náo nhiệt cuối cùng của đêm” và một bên là “sự im lặng mênh mông” trong đêm tối, trong giấc ngủ( và cả trong sự lãng quên?). Chuyến tàu đêm đi qua sáng rực, vui vẻ và huyên náo, đầy vẻ hấp dẫn nhưng lại chỉ thoáng qua trong giây lát ngắn ngủi rồi trả phố huyện về cuộc sống mênh mang yên lặng và đầy bóng tối. Điều đó làm nỗi buồn như càng thấm thía hơn trong lòng hai đứa trẻ.

III/ Kết bài:

– Tóm lại, tương ứng với mỗi cảnh là một sắc thái cảm xúc, tâm trạng. buồn man mác, mơ hồ khó hiểu trước bức tranh cuộc sống nghèo của phố huyện lúc chiều muộn: buồn khắc khoải trong cảnh đợi chờ, mong ước một cái gì tốt đẹp, tươi sáng hơn cuộc sống nghèo khổ thường ngày; buồn thấm thía sâu sa về một cuộc sống quẩn quanh, không thể đổi thay và mọi cái tốt đẹp, tươi sáng chỉ là hi vọng mong manh.

– Cũng tương ứng với cảnh vật, con người trong từng thời khắc khác nhau là những tâm trạng, cảm giác, ý nghĩ khác nhau ( đọan đầu: lòng buồn man mác trước thời khắc của ngày tàn; đoạn giữa: mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho cuộc sống hằng ngày, lặng theo mơ tưởng; đoạn cuối: thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ)

Tất cả thể hiện niềm cảm thông sâu sắc cuả nhà văn. Tưởng chừng tác giả đã hòa nhập vào tâm trạng, cảnh ngộ của nhân vật để diễn tả những gì mong manh, mơ hồ khó tả nhất của tâm hồn con người.

Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang