»» Nội dung bài viết:
Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện Kiều thông qua đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, “Mã Giám Sinh mua Kiều”, “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
- Mở bài:
Thế giới nhân vật của Nguyễn Du bao gồm hai loại người, một là thế giới của những nhân vật lý tưởng, những “đấng”, “bậc” trong xã hội, thể hiện lý tưởng của Nguyễn Du về cái đẹp, cái thiện, về công bằng xã hội: Đó là Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải… Những nhân vật này được Nguyễn Du xây dựng bằng bút pháp lãng mạn. Ngược lại, đó là những kẻ tiểu nhân, độc ác trong xã hội, là bọn buôn thịt bán người, bọn quan lại, sai nha giẫm đạp lên đạo đức: Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Hồ Tôn Hiến… Những nhân vật này được xây dựng bằng bút pháp hiện thực.
- Thân bài:
1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện:
a. Xây dựng vẻ đẹp ngoại hình, tài năng, phẩm chất nhân vật bằng bút pháp ước lệ và thủ pháp “điểm vân hiển nguyệt”:
Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ với những hình ảnh thiên nhiên tuyệt vời nhất, mỹ miều nhất, thanh tao nhất để xây dựng bức chân dung chị em Thúy Kiều: mai, tuyết, trăng, ngài, hoa, ngọc, thu thủy, xuân sơn…
– Với Thúy Vân, đó là một nhan sắc đáng yêu, dịu dàng mà trang trọng, quý phái:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn khăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
– Với Thúy Kiều, đó là một vẻ đẹp sắc sảo, hoàn mỹ, không bút nào tả xiết:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
– Nguyễn Du thể hiện sự trân trọng tuyệt vời đến vẻ đẹp con người khi nâng tầm vẻ đẹn con người lên hơn cả thiên nhiên, khiến thiên nhiên tuyệt mỹ phải “thua”, “nhường”, “hờn”, “ghen”.
– Bằng bút pháp “Tả mây tô trăng”, Nguyễn Du đã dồn bút lực của mình để làm bật lên vẻ đẹp của Thúy Kiều: “Kiều càng sắc sảo mặn mà/So về tài sắc lại là phần hơn”. Toàn bộ vẻ đẹp của Vân chuyển sang cho Kiều, Kiều hội tụ đủ các nét đẹp ấy, thậm chí còn vượt trội hơn, ấn tượng hơn, đậm đà hơn:
+ Tả Vân bốn cầu, tả Kiều đến mười hai câu. Tả Vân trước, tả Kiều sau. Vân trở thành bình diện thứ hai để tôn vinh vẻ đẹp của Kiều.
+ Tả Vân bằng bút pháp miêu tả tỉ mỉ, tả Kiều bằng bút pháp điểm nhãn. Tả vân càng tỉ mỉ, vẻ đẹp của Kiều càng đặc sắc. Mặt khác, vẻ đẹp thật sự là vẻ đẹp không bút nào ghi được, chỉ có thể hiện ra trong cảm nhận của mỗi người.
+ Vẻ đẹp đặc biệt chỉ Kiều có mà Vân không có: đôi mắt trong gợn buồn và thăm thẳm ; tài năng hơn người, tuyệt sắc, làm xiêu lòng người.
– Nguyễn Du đặc biệt ưu ái sử dụng điển tích “nghiêng nước,nghiêng thành” để tổng kết vẻ đẹp của Kiều. Vẻ đẹp đặc biệt có thể làm xiêu lòng bất kì ai, làm khuynh đảo những gì vĩ đại nhất. Với Nguyễn Du, Kiều là nhân vật nữ lý tưởng chất chứa toàn bộ tâm huyết và tình cảm của ông.
b. Sử dụng phục bút để xây dựng tính cách và tiên báo số phận nhân vật:
– Phục bút là bút pháp nghệ thuật thông qua những chi tiết tác giả đưa vào tác phẩm, có thể giúp người đọc tiên đoán về diễn biến câu chuyện, tương lai các nhân vật. Trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, phục bút được dùng để giúp người đọc hiểu hơn về tính cách và số phận của Thúy Vân và Thúy Kiều.
+ Với Thúy Vân: đó là một tính cách an phận, hiền lành; một số phận êm đềm, yên ổn, thể hiện qua cụm từ “thua” – “nhường”: “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
+ Với Thúy Kiều: đó là một tính cách sắc sảo, một số phận truân chuyên, nhiều sóng gió. Thể hiện qua cụm từ “ghen – hờn”: “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
– Ở Thúy Kiều, phục bút còn được thể hiện qua tên bản nhạc đầu tay và cũng là bản nhạc xuất sắc của Kiều: “Bạc mệnh”. Khi miêu tả tài năng của Kiều, Nguyễn Du thể hiện một tấm lòng nhân đạo mới mẻ, bởi văn học trung đại không coi trọng vẻ đẹp tài năng của người phụ nữ. Đồng thời, ở đó cũng chất chứa lo âu, người có tài thường gặp nhiều trắc trở, tài – mệnh tương đố: “Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
2. Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật:
a. Tả cảnh ngụ tình, ngoại cảnh biến thành tâm cảnh, quy luật đời thường nhường chỗ cho quy luật tình cảm.
– Bộc lộ hoàn cảnh cô độc của Kiều ở lầu Ngưng Bích khi đặt Kiều trong mối quan hệ với không gian, với thời gian, với bản thân mình . Trong mối quan hệ nào cũng chỉ thấy sự cô độc:
+ Không gian rộng lớn, hiu quạnh, bộn bề, mờ mịt, không gian càng rộng lớn mênh mông, sự bé nhỏ cô độc của Kiều càng hiển hiện:
“Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”
+ Thời gian một ngày đằng đẵng, chán chường, lặp đi lặp lại như một chiếc lồng son giam giữ tuổi xuân Kiều:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
– Thấu hiểu quy luật tâm lý của con người, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, tạo ra những hình ảnh thơ tưởng như vô lý mà rất có lý:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”
– “non xa, trăng gần” đã bỏ qua quy luật phối cảnh để thể hiện quy luật tình cảm. Kiều ở lầu Ngưng Bích cô đơn tận cùng, mối quan hệ với con người hoàn toàn bị tước đoạt, chỉ còn vầng trăng là bầu bạn.
– Tạo ra những bức tranh tâm cảnh đa dạng, phong phú,không trùng lặp, tăng tiến như những đợt sóng tràn, nắm bắt được những trạng thái phức tạp của tâm lý con người:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
b. Xây dựng nhân vật thông qua độc thoại nội tâm một cách sinh động, chân thực, như những con người bằng xương bằng thịt:
– Nỗi nhớ Kim Trọng tha thiết, đau đáu:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
– Nỗi nhớ cha mẹ cồn cào, canh cánh nỗi niềm không thể chăm sóc, phụng dưỡng:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
– Nguyễn Du để Kiều nhớ Kim Trọng trước, nhớ cha mẹ sau là hợp lý, phù hợp với tâm lý nhân vật, vì với cha mẹ Kiều đã phần nào làm tròn chữ hiếu, còn với Kim Trọng chữ tình chưa trọn, và nỗi đau tình yêu tan vỡ vẫy đau đáu khôn nguôi. Xây dựng nhân vật không phải là những công thức khô cứng minh họa cho tư tưởng phong kiến, mà nhân vật hiện lên như những con người thật. Nhà văn phải nhập thân vào nhân vật, nếm trải nỗi đau nhân vật mới làm được như vậy.
– Qua độc thoại nội tâm, Nguyễn Du làm bật lên phẩm chất tốt đẹp của nhân vật: một người con có hiếu, một người tình thủy chung.
c. Tâm lý nhân vật hiện lên qua lời tự sự của tác giả:
– Lời thơ miêu tả tâm trạng một cách tinh tế, chỉnh xác, đồng cảm nỗi đau của Kiều trong buổi vấn danh :
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
Ngại ngùng dợn gió e sương
Nhìn hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”
– Nếu trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Thúy Kiều trực tiếp ngã giá với Mã Giám Sinh, thì ở đây Nguyễn Du để cho Thúy Kiều câm lặng. Lòng tự trọng khiến Kiều chỉ có thể câm lặng, hổ thẹn và dằn vặt mình. Nguyễn Du trở thành người tri kỉ của Kiều, là người thấu hiểu và giúp bộc bạch tấm lòng của nàng.
– Ngay cả khi không miêu tả nhân vật, thì trong sự im lặng đó ta cũng có thể cảm nhận được nỗi đau của nhân vật. Khi Mã Giám Sinh “cò kè bớt một thêm hai”, ta cũng cảm nhận được nỗi đau của Thúy Kiều khi nhân phẩm của mình bị trở thành một món hàng cho người ta mặc cả, trả giá, chính là bởi âm hưởng nỗi đau ở đoạn miêu tả trên đến đây vẫn còn, những dư ba tâm trạng vẫn lan tỏa.
3. Nghệ thuật khắc họa nhân vật phản diện:
a. Sử dụng một loạt các tương phản để bóc trần bản chất nhân vật:
– Tương phản về “xa – gần” trong lai lịch: Về lai lịch, Mã Giám Sinh có sự khuất tất, dối trá trong lời nói: Nguyễn Du giới thiệu hắn là “viễn khách”, nhưng hại lại nhận quê mình là “Huyện Lâm Thanh cũng gần” có gì đó bất minh, giả dối.
– Tương phản tuổi tác – diện mạo: Câu lục nói về tuổi tác toàn từ Hán Việt, trang trọng, tôn nghiêm. Câu bát nói về ngoại hình thì nôm na, bình dị, làm bật lên sự lố lăng, giả dối của họ Mã.
– Tương phản giữa danh xưng và nhân cách: Xưng là Giám Sinh, người có học ở quốc tử giám, mà hành động vô phép, lời nói cộc lốc, vô lễ. Cái danh xưng cũng chỉ là giả dối, không thực chất.
– Tương phản giữa lớp từ hoa mỹ và lớp từ chợ búa: Mã Giám Sinh học đòi dùng lời lẽ hoa mỹ (ngọc, Lam Kiều, sính nghi, dạy), nhưng “giấu đầu hở đuôi” để lộ ra những từ ngữ con buôn của hắn (mua, bao nhiêu). Bản chất con buôn đã thấm vào máu, không che giấu được.
– Bút pháp tả thực sắc sảo chọn lọc những chi tiết để bộc lộ bản chất nhân vật:
+ Tên tuổi: Mã Giám Sinh, không biết đầy đủ họ tên khuất tất, mờ ám.
+ Ngoại hình: “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” đi ngược lại với chuẩn mực thẩm mỹ của người xưa. Đó là tính cách lố lăng, tiểu nhân.
+ Lời nói: Cộc lốc, trống không, vô lễ.
+ Hành động: suồng sã, sỗ sàng. Nguyễn Du sử dụng những từ ngữ rất đắt như “lao xao”, đặc biệt là từ “tót” để cho thấy sự vô phép, nhốn nháo của Mã Giám Sinh. Biệt tài của Nguyễn Du là dùng một chữ có thể lột tả toàn bộ bản chất nhân vật, với Hồ Tôn Hiến là từ “ngây”, với Mã Giám Sinh là từ “tót”.
+ Tâm lý: Tâm lý con buôn cũng được lột tả qua một loạt các từ ngữ “đắn đo”, “ép”, “thử”, “bằng lòng”, “tùy cơ dặt dìu”. Không còn là xem mắt một người, mà chính là cân đo đong đếm một món hàng.
→ Tài năng tuyệt vời trong việc nắm bắt bản chất nhân vật, chỉ một vài chi tiết được chọn lọc tài tình, người đọc đã hình dung ra được bản chất của Mã Giám Sinh, một kẻ con buôn, một tên tiểu nhân, một loại người trong xã hội cũ chuyên ăn bám vào lầu xanh, kiếm tiền trên sự bất hạnh của những cô gái vô tội.
b. Kết cấu song quan: Lễ vấn danh hay cuộc mua bán?
– Song quan – hai cánh,cửa là một thử pháp nghệ thuật thường thấy trong văn học trung đại, bề ngoài miêu tả một sự vật, hiện tượng nhưng bên trong lại nói một sự vật hiện tượng với bản chất hoàn toàn khác.
– Bên ngoài, đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” tưởng chừng như chỉ là một buổi lễ vấn danh rất bình thường: có mối, có người đến vấn danh, có gia đình nhà gái, người con gái có trình diễn để cho nhà trai biết các tài năng, đức hạnh của mình.
– Nhưng buổi lễ vấn danh đó có rất nhiều điểm bất thường:
+ Nhà trai vô phép, lấn lướt nhà gái, “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, mà nhà gái không phản ứng gì.
+ Người con gái biểu diễn tài năng trong buổi vấn danh mà đau đớn, tủi nhục, “thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”.
+ Nhà trai mặc cả tiền sính lễ với mối, quá đáng đến độ “cò kè bớt một thêm hai”.
– Rõ ràng, bên trong, cuộc vấn danh đó chính là một cuộc mua bán:
+ Người mua: Mã Giám Sinh → kẻ có tiền, được thế lên mặt, khinh thường nhà gái.
+ Người bán: Gia đình Vương viên ngoại → kẻ cần tiền, nên phải nhẫn nhịn.
+ Môi giới: mụ mối → khéo léo, sành sỏi trong việc ra giá.
+ Món hàng: Thúy Kiều → tài sắc của một con người giờ đây trở thành thứ để người ta định giá món hàng, Thân phận con người bị chà đạp đến tận cùng!
– Từ đó, Nguyễn Du làm bật lên bản chất xấu xa của nhân vật Mã Giám Sinh: Một kẻ buôn người, một tên tiểu nhân vô học, một kẻ cậy tiền bất chấp đạo lý, luân thường.
– Nguyễn Du cũng tố cáo thế lực của đồng tiền: Mã Giám Sinh là kẻ bán lương tâm cho đồng tiền, gia đình Thúy Kiều là nạn nhân của đồng tiền: “Đồng tiền lăn tròn trong đáy lương tâm mỗi người” (Balzac)
- Kết luận:
– Nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du thật đặc sắc, thần tình: Chọn những nét tiêu biểu nhất, đắt giá nhất để làm bật lên tính cách, số phận, bản chất, nội tâm nhân vật.
– Nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du thấm đẫm tinh thần nhân đạo: Yêu thương những con người tốt đẹp, trung nghĩa, hiếu thảo, thủy chung… Căm ghét, phê phán những kẻ xấu xa, chà đạp lên nhân phẩm con người.