nghi-luan-nguong-mo-than-tuong-la-mot-net-dep-van-hoa-nhung-me-muoi-than-tuong-la-mot-tham-hoa

Nghị luận: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa

Nghị luận: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.


Dàn bài gợi ý:

I. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.

II. Thân bài:

1. Giải thích ý kiến:

– “Ngưỡng mộ thần tượng” là sự tôn kính, mến phục nồng nhiệt dành cho những đối tượng được xem là hình mẫu lí tưởng hoặc có quyền năng đặc biệt, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với cá nhân hay cộng đồng.

– “Mê muội thần tượng” là sự say mê, tôn sùng một cách mù quáng, thiếu tỉnh táo trước thần tượng.

* Về nội dung, ý kiến này đề cập đến tính hai mặt của việc say mê thần tượng: nếu ngưỡng mộ đúng mức là tích cực, thì ngưỡng mộ quá mức là tiêu cực và có thể còn gây ra hậu quả khôn lường.

2. Bàn luận ý kiến:

– Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa:

+ Ngưỡng mộ thần tượng thể hiện nhu cầu văn hóa cao của con người: nhu cầu được sống trong những tình cảm cao cả, nồng nhiệt; nhu cầu được hướng tới, vươn tới những tầm cao, những đỉnh cao sáng giá của đời sống.

+ Ngưỡng mộ thần tượng là một ứng xử văn hóa, biểu hiện ở các phương diện: thái độ trân trọng mến phục; hành động tôn vinh cổ vũ; ngôn ngữ ca ngợi tán dương.

– Mê muội thần tượng là một thảm họa:

+ Mê muội thần tượng là trạng thái mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình cảm, không còn khả năng suy xét, phân biệt đúng sai, lẫn lộn về giá trị; mê muội thần tượng còn dẫn đến hành động sai lầm quá khích, gây ra những hậu quả tệ hại cho bản thân và xã hội.

+ Việc mù quáng chạy theo thần tượng hay khuyếch trương thần tượng quá mức đều là biểu hiện của sự mê muội thần tượng, đều là những thái độ và ứng xử thiếu lành mạnh, thậm chí thiếu văn hóa, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

3. Bình luận, mở rộng vấn đề:

– Ý kiến trên hoàn toàn đúng.

– Cần nhận thức đúng đắn về việc ngưỡng mộ thần tượng và lường được những hậu quả của sự mê muội để có thái độ và cách ứng xử phù hợp, làm cho tâm hồn phong phú hơn, nâng tầm văn hóa cho bản thân, từ đó phấn đấu vươn tới những tầm cao của đời sống.

– Biết chế ngự những cảm xúc say mê thái quá trước thần tượng, không chạy theo thần tượng một cách mù quáng; phê phán mọi biểu hiện mê muội thần tượng trong cuộc sống hàng ngày, trước hết là trong học đường.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề.

– Bài học nhận thức và hành động của bản thân.


Bài tham khảo:

  • Mở bài:

Dành sự ngưỡng mộ cho một người nào đó có phẩm chất hoặc tài năng vượt trội vốn là tình cảm tốt đẹp của con người. Thế nhưng, có nhiều người hơi thái quá trong hành động ngưỡng mộ thần tượng của mình, để lại những sự việc đáng buồn. Bởi thế, có ý kiến khuyên rằng: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”.

  • Thân bài:

Thần tượng là những người có ưu điểm vượt trội, chinh phục sự mến mộ của người khác. “Ngưỡng mộ thần tượng” là sự tôn kính, mến phục nồng nhiệt dành cho những đối tượng được xem là hình mẫu lí tưởng hoặc có quyền năng đặc biệt, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với cá nhân hay cộng đồng. “Mê muội thần tượng” là sự say mê, tôn sùng một cách quá độ, mù quáng, thiếu tỉnh táo trước thần tượng.

Ý kiến đề cập đến tính hai mặt của việc say mê thần tượng: nếu ngưỡng mộ đúng mức là tích cực, thì ngưỡng mộ quá mức là tiêu cực và có thể còn gây ra hậu quả khôn lường. Trước hết, thần tượng là động lực để con người vươn lên, hướng đến những vẻ đẹp lí tưởng mà mình tôn thờ. Ngưỡng mộ thần tượng là thái độ của con người, xã hội có văn hoá, biết coi trọng, tôn vinh những giá trị chân chính. Đồng thời, ý kiến cũng khẳng định thái độ mệ muôi thần tượng là tai hại. Sự mê muội dẫn dắt con người đi tới những hành động không đúng đắn. Những người quá si mê thần tượng, mất can bằng trong cuộc sống, đánh mất bản thân thật đáng chê trách.

Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa. Tình cảm ấy thể hiện nhu cầu văn hóa cao của con người: nhu cầu được sống trong những tình cảm cao cả, nồng nhiệt; nhu cầu được hướng tới, vươn tới những tầm cao, những đỉnh cao sáng giá của đời sống.

Ngưỡng mộ thần tượng còn là một ứng xử văn hóa, biểu hiện ở các phương diện: thái độ trân trọng mến phục; hành động tôn vinh cổ vũ; ngôn ngữ ca ngợi tán dương.

Mê muội thần tượng lại là một thảm họa. Mê muội thần tượng là trạng thái mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình cảm, không còn khả năng suy xét, phân biệt đúng sai, lẫn lộn về giá trị; mê muội thần tượng còn dẫn đến hành động sai lầm quá khích, gây ra những hậu quả tệ hại cho bản thân và xã hội.

Việc mù quáng chạy theo thần tượng hay khuếch trương thần tượng quá mức đều là biểu hiện của sự mê muội thần tượng, đều là những thái độ và ứng xử thiếu lành mạnh, thậm chí thiếu văn hóa, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Ý kiến trên hoàn toàn đúng. Cần nhận thức đúng đắn về việc ngưỡng mộ thần tượng và lường được những hậu quả của sự mê muội để có thái độ và cách ứng xử phù hợp, làm cho tâm hồn phong phú hơn, nâng tầm văn hóa cho bản thân, từ đó phấn đấu vươn tới những tầm cao của đời sống.

Biết điều chỉnh, chế ngự những cảm xúc say mê thái quá trước thần tượng, không chạy theo thần tượng một cách mù quáng; phê phán mọi biểu hiện mê muội thần tượng trong cuộc sống hàng ngày, trước hết là trong học đường.

  • Kết bài:

Cuộc sống không thể không thần tượng một ai. Đó là những mẫu mực, là ước mơ để ta vươn tới hoàn thiện bản thân. Thế nhưng, hãy giữ tình cảm ấy ở trong một chúng mực nhất định, biết tôn trọng và tôn vinh đúng mức, đừng đánh mất bản thân mình, đừng sống bằng cuộc đời và hào quang của người khác trong khi bạn hoàn toàn có đầy đủ sức mạnh để xây dựng một hình ảnh đẹp đẽ và phù hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang