Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng vươn tới chân lý.
- Mở bài:
Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, là cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống. Qua văn học con người có được những hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, về xã hội, về chính bản thân mình. Nhận định về vai trò cảu văn học, M. Gorki viết: “văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng vươn tới chân lý”.
- Thân bài:
Văn học là gì?
Văn học theo cách nói chung nhất, là bất kỳ tác phẩm nào bằng văn bản. Hiểu theo nghĩa hẹp hơn, thì văn học là dạng văn bản được coi là một hình thức nghệ thuật, hoặc bất kỳ một bài viết nào được coi là có giá trị nghệ thuật hoặc trí tuệ, thường là do cách thức triển khai ngôn ngữ theo những cách khác với cách sử dụng bình thường. Trong các định nghĩa hiện đại hơn, văn học bao hàm cả các văn bản được nói ra hoặc được hát lên (văn học truyền miệng). Sự phát triển trong công nghệ in ấn đã cho phép phân phối và phát triển các tác phẩm chữ viết.
Văn học là loại hình nghệ thuật ngôn từ phản ánh hiện thực bằng cách sáng tạo các hình tượng nghệ thuật qua đó bày tỏ thái độ quan điểm của người nghệ sĩ với cuộc sống. Lời nhận định của M. Gorki đề cập đến những chức năng của văn học văn học giúp con người đọc được tâm hồn, những suy nghĩ của bản thân, giúp khơi dậy trong con người những nhận thức mới mẻ sâu sắc về cuộc đời, giúp con người có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống giúp rèn giũa đạo đức, nhân cách sống tốt đẹp hơn, biết ứng xử một cách nhân văn, khơi dậy những tình cảm mới mẻ, khát vọng vươn tới những chân lý cao đẹp.
Vì sao nói: Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng vươn tới chân lý?
Văn học là tiếng nói của tình cảm, là sự giải bày và gửi gắm tâm sự. Qua văn học, con người thấy mình trong đó cảm nhận được những cung bậc tình cảm đa dạng trong thế giới nội tâm con người, được giải bàỳ, đồng cảm, sẻ chia và gợi ra những tình cảm chưa có được tạo nên những tình cảm sẵn có.
Cuộc sống còn tuyệt vời biết bao trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời. Qua tác phẩm “Thương Vợ” của Trần tế Xương ta thấy hình ảnh bà Tú một người phụ nữ phải chịu nhiều vất vả gánh trên vai hai gánh nặng “năm con một chồng”. Đằng sau đó ta còn thấy tiếng uất nghẹn của một người chồng nhìn thấy nỗi cơ cực của vợ mà không thể đỡ đần và hơn cả chính là nỗi niềm thương xót cảm phục và biết ơn sâu sắc của nhà thơ thật đáng trân trọng tình cảm vợ chồng.
Tình cảm cha con sâu nặng qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng có vai trò đánh thức dậy trong lòng người đọc những tình cảm thiết tha về gia đình, đất nước, càng yêu thương hơn số phận và phẩm chất của con người trong hoàn cảnh chiến tranh. Ngay trước lúc hi sinh, nhân vật ông Sáu vẫn nhớ tới lời dặn của đứa con bé bỏng và gửi chiếc lược ngà do chính tay mình làm với tất cả tình yêu và công sức cho người đồng đội của mình. Hành động ấy chứng minh một chân lý: chiến tranh có thể ngăn cách họ nhưng không thể nào giết chết được tình yêu thương trong họ. Ý chí, khát vọng chiến đấu, giải phóng đất nước của ông Sáu được gửi vào trong chiếc lược ngà và sẽ được kế thừa ở thế hệ sau.
Những tác phẩm đó đã chạm sâu vào trái tim bạn đọc giúp họ nhận ra tình cảm gia đình là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng đáng quý mỗi con người chúng ta phải tự xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình bền đẹp. Văn học chính là nhân học, là khoa học về con người và cuộc đời.
Văn học cũng là thứ vũ khí sắc bén đánh vào tâm lý của con người. Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn là một bài văn tuyệt hay đầy sức thuyết phục nó vừa là khích lệ lòng yêu nước quyết chiến đấu của các tướng sĩ, đồng thời nó cũng là lời răn đe đe dọa những kẻ đang lăm le xâm lược đất nước ta rằng chúng nhất định sẽ thất bại thảm hại vì dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn có ý chí chiến đấu quật cường, có vua tài tướng mạnh. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi khắc sâu tội ác của quân thù và ngợi ca cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc. Độc lập đất nước là hoàn toàn xứng đáng với xương máu của nhân dân lầm than và các anh hùng nghĩa sĩ đã đổ xuống. Lời bài cáo làm thức dậy trong ta ý thức tự lực, tự cường dân tộc mạnh mẽ như một hồi trống xung trận. Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh một lần nữa mạnh mẽ khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Lời văn đanh thép, hùng hồn khơi bừng khí thế và niềm tự hào về sức mạnh quật khởi, ý chí chiến đấu, chiến thắng kẻ thù.
Ba bản hùng văn với lời lẽ đanh thép, lập luận hùng hồn, ý tình hòa quyện đã chứng minh một chân lý: “Không có gì nghệ thuật hơn bản thân lòng yêu quý con người”. Vượt lên trên tất cả, nó làm nảy nở ở con người những niềm tin vững chắc ở tương lai.
Mỗi tác phẩm văn học còn là một cuộc trải nghiệm là cơ hội để ta du hành qua không gian và thời gian vừa qua mọi bờ cõi và giới hạn trải nghiệm nhiều hơn, sống nhiều hơn. Qua những cuộc đời khác nhau được nhìn cuộc đời dưới nhiều lăng kính được lắng nghe nhiều luồng tư tưởng, được đối thoại với nhà văn giàu có phong phú hơn về một trải nghiệm sống từ những trải nghiệm đó. Văn học giúp con người hoàn thiện thêm về nhân cách và tâm hồn của mình thông qua văn học con đường tình cảm truyền đạt tới mọi người những bài học đạo đức nhân sinh, những bài học tác động vào con đường tình cảm trong quá trình chuyển từ giáo dục thành tựu giáo dục văn học trở thành cuốn sách bách khoa của cuộc sống.
“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Bêlinxki). Tìm đến những tác phẩm văn học người đọc đâu chỉ mong chờ vài phút giây giải trí bông quơ. Trang sách đóng lại tác phẩm nghệ thuật mới mở ra “cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương”. Mỗi tác phẩm như một nấc thang nâng đỡ bước chân người đọc sách phần con để đi đến phần người càng đọc nhiều chúng ta càng thấy bản thân mình hơn một trang sách cuộc đời lại được mở ra lại một ước mơ một khát vọng một niềm tin mới bắt đầu.
Mỗi tác phẩm để đạt được giá trị đích thực của nó thì người nghệ sĩ ấy phải vừa có tâm vừa có tài họ là “người cho máu”. Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy (Sê-Khốp). Họ mở rộng tâm hồn ra đón nhận những vang vọng của cuộc đời những cung bậc tình cảm đa dạng sâu kín của con người họ giúp bạn đọc nhận ra những buồn vui yêu ghét, lời ca tụng hân hoan hay tiếng thét khổ đau mỗi tác phẩm được viết ra giống như phát minh ra một liều thuốc mới khiến con người trở nên tốt đẹp hơn toàn diện hơn.
- Kết bài:
Cốt lõi của lòng nhân đạo là lòng yêu thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người . Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của của con người thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm. Văn học là để giáo dục và hoàn thiện mỗi con người, mỗi trang sách làm nên bước ngoặt trong cuộc đời con người và nhận định của M. Gorki là hoàn toàn đúng “văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng vươn tới chân lý”.