»» Nội dung bài viết:
Vấn đề giáo dục giá trị sống cho học sinh hiện nay
Giá trị sống là gì?
Giá trị là cái được xác định có ích, có hiệu quả trong cuộc sống vật chất và tinh thần, là những gì có ích, có ý nghĩa, là động lực thúc đẩy hoạt động của chủ thể. Giá trị sống là tất cả những cái gì có ích lợi, đáng ham chuộng, quý giá, quan trọng, có ý nghĩa đối với cuộc sống, khiến mỗi người đều mong muốn lĩnh hội, thể hiện, để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn và góp phần cải thiện cuộc sống chung.
Giá trị sống cũng có nguồn gốc, hình thành, biến đổi, duy trì… theo những quy luật xã hội. Trong giáo dục, Giá trị sống chủ yếu hướng vào bình diện cá nhân.
Giá trị sống chủ yếu là những giá trị tinh thần (không đề cập giá trị vật chất, tiền bạc, giàu sang, sức khỏe…) với các bình diện:
– Những giá trị về phẩm chất nhân cách, đạo đức bản thân. (Bao dung, Khiêm tốn, Giản dị, Trung thực, Yêu thương, Hạnh phúc).
– Những giá trị quan hệ liên nhân cách, quan hệ với nhóm, với cộng đồng… (Tôn trọng, Hợp tác, Đoàn kết, Trách nhiệm).
– Những giá trị chung (Hoà bình, Tự do).
12 giá trị sống của Liên Hợp Quốc:
1. Hòa Bình: Nếu mỗi người đều cảm thấy bình yên ở trong lòng thì hòa bình sẽ ngự trị khắp nơi trên thế giới.
2. Tôn trọng: Tôn trọng bản thân là hạt giống để sự tự tin lớn lên. Khi biết tôn trọng bản thân, ta dễ dàng tôn trọng người khác.
3. Yêu thương: Tình yêu là nền tảng tạo dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ một cách chân thành và bền vững nhất.
4. Khoan dung: Khoan dung là sự cởi mở và nhận ra vẻ đẹp của những điều khác biệt Khoan dung đối với những điều không thuận lợi trong cuộc sống là biết cho qua đi, trở nên nhẹ nhàng, thanh thản và tiếp tục tiến lên.
5. Trung thực: Trung thực với bản thân và với mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có nghĩa là ta đang gieo niềm tin trong lòng người khác và xứng đáng nhận được sự tin yêu.
6. Khiêm tốn: Khiêm tốn giúp người ta trở nên tuyệt vời hơn trong trái tim người khác.
7. Hợp tác: Tinh thần hợp tác tồn tại khi mọi người làm việc cùng nhau vì mục đích chung. Người có tinh thần hợp tác là người có tâm hồn trong sáng, luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với mọi người cũng như công việc.
8. Hạnh phúc: Hạnh phúc sẽ mỉm cười khi lòng ta tràn ngập hy vọng và sống có mục đích. Khi tâm hồn bình yên và giàu tình yêu thương, hạnh phúc sẽ tự nhân lên. Khi mong muốn những điều tốt lành đến với mọi người, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc tràn ngập con tim.
9. Trách nhiệm: Nếu chúng ta muốn được hòa bình, chúng ta phải có trách nhiệm sống bình yên. Người có trách nhiệm luôn sẵn lòng đóng góp công sức của mình. Người có trách nhiệm là người biết thế nào là công bằng và thấy rằng mỗi người đều nhận được phần của mình.
10. Giản dị: Giản dị là sự trân trọng vẻ đẹp bên trong và nhận ra giá trị của tất cả mọi người, ngay cả những người được xem là xấu xa, tồi tệ.
11. Tự do: Tự do là được sống và làm những điều mình muốn trong giới hạn của pháp luật, đạo đức, luân lý, truyền thống,… của cộng đồng, đất nước. Chúng ta chỉ thật sự cảm thấy tự do khi các quyền được cân bằng với trách nhiệm, sự lựa chọn được cân bằng với lương tâm.
12. Đoàn kết: Đoàn kết giúp cho những nhiệm vụ khó khăn trở nên dễ dàng. Đoàn kết mang đến tinh thần hợp tác, nâng cao lòng nhiệt tình và làm cho bầu không khí trở nên ấm áp.
Mục tiêu thực hiện nhiệm vụ giáo dục giá trị sống cho học sinh trong trường học hiện nay là:
– Giúp mỗi cá nhân suy nghĩ,nhận thức về những giá trị khác nhau, những tác động thực tế khi họ tự nói về mình (với chính họ, với người khác, với cộng đồng và rộng hơn nữa là với thế giới).
– Cung cấp những nguyên tắc hướng dẫn và các công cụ giúp cho sự phát triển của mỗi con người đi tới hoàn thiện, toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, cảm xúc và tinh thần.
– Thúc đẩy cá nhân lựa chọn những giá trị cá nhân, xã hội, đạo đức và tinh thần cho chính mình và biết được những phương pháp thực tế để phát triển và đào sâu những giá trị này.
Mục tiêu giáo dục phổ thông và mô hình phát triển nhân cách được thể hiện trong các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước: Điều 27 luật giáo dục của nước CHXHCN Việt Nam đã khẳng định: Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, và các kỹ năng cơ bản nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam XHCN, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mô hình phát triển nhân cách toàn diện con người Việt Nam thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa là:“Phát triển toàn diện con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì mô hình nhân cách đó phải là một nhân cách phát triển toàn diện. Một nhân cách gắn bó nhịp nhàng, hài hòa giữa 3 mặt: nội tâm thống nhất, lành mạnh, ổn định, tích cực; quan hệ với người khác một cách nhân ái, hữu nghị, hợp tác; quan hệ với công việc và sự nghiệp một cách say mê, nhiệt tình, thích ứng, sáng tạo, hiệu quả và thành đạt”.
Mỗi học sinh khi đã quan tâm đến Giá trị sống đều có khả năng học tập, sáng tạo một cách tích cực mỗi khi có cơ hội học tập. Đặc biệt, nếu mỗi học sinh được lớn lên trong bầu không khí lấy giá trị sống làm nền tảng thì họ sẽ có năng lực học tập và có những lựa chọn mang ý thức xã hội.
- Nghị luận về lối sống cao đẹp
- Suy nghĩ về ý thức tự đổi mới bản thân
- Nghị luận: “Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?” (Tố Hữu)
- Nghị luận: “Cuộc sống không bao giờ hết những thử thách”
- Suy nghĩ về tình trạng thiếu kỹ năng sống của giới trẻ ngày nay
- Nghị luận: Suy nghĩ về hiện tượng đạo đức giả trong cuộc sống
- Suy nghĩ về “giá trị tức thời” và “giá trị bền vững” trong mỗi chúng ta