ngon-tu-nghe-thuat-trong-tac-pham-van-hoc

Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Khái niệm ngôn từ nghệ thuật

Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là ngôn ngữ toàn dân đã được nghệ thuật hóa; được chọn lọc, gọt giũa, trau chuốt và mang dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong tác phẩm văn học, ngôn từ là phương tiện để vật chất hóa, cụ thể hóa, hiện thực hóa nội dung, tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm. Mặt khác, việc sử dụng, phối kết, sáng tạo ngôn từ cũng tạo nên những nội dung thẩm mỹ mới. Do vậy, ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học mang tính hình tượng, tính xúc cảm và thẩm mỹ; có khả năng tác động đến nhận thức, tình cảm và thẩm mỹ của người đọc. M. Goocki cho rằng ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học. Nguyễn Tuân cho rằng nghề văn là nghề của chữ – chữ với tất cả mọi nghĩa.

Đặc điểm của ngôn ngữ nghệ thuật.

Ngôn từ văn học là một hiện tượng nghệ thuật. Tính nghệ thuật của nó chính là ở chất văn hóa trong sáng tạo của nhà văn, thể hiện ở sự khác nhau giữa ngôn từ nghệ thuật với ngôn ngữ tự nhiên được dùng trong giao tiếp hàng ngày. Ngôn ngữ tự nhiên được nói ra xuất phát từ một nhu cầu về tư tưởng, tình cảm hay một mục đích thực tế và với một đối tượng nhất định. Ngôn ngữ tự nhiên không có tính chất nghệ thuật, dù rằng người ta vẫn có thể nói có nghệ thuật nhưng đó không phải là ngôn từ nghệ thuật văn học. Trong lịch sử phát triển của ngôn ngữ, ngôn ngữ tự nhiên có trước, đến một thời điểm nhất định mới có ngôn ngữ văn hóa – trong đó có ngôn từ nghệ thuật.

Ngôn từ văn học được viết, được kể thành lời. Ở phương diện thể loại thì đó là lời thơ, lời văn, lời kịch; ở phương diện chức năng và biểu hiện thì có lời tác giả, lời nhân vật, lời trực tiếp, lời gián tiếp… Lời văn chính là hình thức ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm văn học. Ở đó, có sự gặp gỡ giữa trục kết hợp (trục ngang, tuyến tính) với trục liên tưởng (trục lựa chọn, trục dọc) của các yếu tố ngôn từ, tạo nên các tầng ý nghĩa, tư tưởng và thẩm mỹ cho ngôn từ.

Khi phân tích ngôn từ trong tác phẩm văn học, cần chú trọng những đặc trưng cơ bản như tính hình tượng, tính tổ chức cao, tính hàm súc, cô đọng; tính biểu cảm, tính chính xác, tính chọn lọc và sáng tạo. Việc phân tích phải chỉ ra được giá trị, ý nghĩa của hệ thống hay yếu tố ngôn từ đó. Đối với các đơn vị ngôn từ thì khi phân tích phải luôn được gắn với chỉnh thể của toàn tác phẩm. Chẳng hạn, Quang Dũng gọi tên nỗi nhớ bằng sáng tạo kết cấu ngôn từ nhớ chơi vơi là miêu tả đúng trạng thái tâm lý của nỗi nhớ về đồng đội từng sống và chiến đấu không phải nơi phố phường, đồng bằng mà là nơi núi rừng, đèo, giốc. Chính Hữu nói về lý tưởng người lính Cụ Hồ bằng hình ảnh đầu súng trăng treo là hàm ẩn về lý tưởng chiến đấu của anh bộ đội Cụ Hồ từ một sự kết hợp hai hình ảnh súng và trăng…

Ngôn từ trong tác phẩm văn học cũng cần được phân tích theo chủ đề và đề tài, vì để chuyển tải các vấn đề phù hợp với đối tượng, nội dung phản ánh của tác giả thì ngôn từ được tổ chức theo các chủ đề và đề tài. Chẳng hạn, khi viết về các đề tài khác nhau như nông dân, công nhân, binh lính, trí thức hay tình yêu, gia đình, giáo dục…, thì nhà văn phải dùng ngôn từ phù hợp với từng đề tài và chủ đề cụ thể. Trần Quốc Tuấn viết Hịch tướng sĩ thể hiện chủ đề yêu nước, căm thù giặc; kêu gọi và khích lệ tinh thần, trách nhiệm của tướng sĩ đối với Tổ quốc lúc lâm nguy; từ bỏ thói quen ăn chơi, hưởng lạc mà ra sức luyện tập binh mã để đánh giặc cứu nước thì hệ thống ngôn từ luôn phải hướng tới chủ đề đó. Nguyễn Đình Chiểu viết Chạy giặc thì ngôn từ phục vụ chủ đề bằng việc nêu lên thảm cảnh của nhân dân khi chạy giặc và nỗi đau xót, bi phẫn của tác giả. Nguyễn Minh Châu viết Chiếc thuyền ngoài xa nên ngôn từ nằm trong trường ngôn ngữ nói về biển, thuyền, ngư dân; mặt khác trong tác phẩm này, câu chuyện liên quan đến vấn đề bạo hành gia đình, liên quan đến tòa án nên có ngôn từ của xử án, ngôn từ của nhân vật quan tòa, của người ngư dân mộc mạc, của người kể chuyện là một nghệ sĩ nhiếp ảnh rất nhân đạo nên ngôn từ mang tính phẩm bình, đánh giá, trau chuốt, nhân văn từ góc nhìn nhiếp ảnh và nhân đạo. Tuy nhiên, có khi cùng một đề tài, một chủ đề nhưng do cái nhìn nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật của nhà văn khác nhau nên hệ thống ngôn từ cũng khác nhau.

Ngôn từ nghệ thuật cũng chịu sự chi phối của tư duy nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật của nhà văn trong từng thời kỳ, từng giai đoạn văn học. Mặt khác, việc phân tích ngôn từ trong tác phẩm phải luôn được chú ý rằng ngôn từ chịu sự chi phối của lịch sử văn học và thể loại văn học. Chẳng hạn, ngôn từ trong truyện cổ dân gian khác với ngôn từ trong truyện anh hùng theo thể tiểu tuyết chương hồi, và cũng khác với ngôn từ trong văn xuôi hiện đại. Ngôn từ trong thơ trung đại khác với ngôn từ trong thơ dân gian, và cũng khác với ngôn từ trong thơ hiện đại. Ngôn từ thơ khác với ngôn từ văn xuôi. Nếu ngôn từ thơ thường bóng bẩy, sử dụng nhiều phép tu từ, ví von tạo những ấn tượng mạnh và sâu về cảm giác thì ngôn từ văn xuôi, nhất là văn xuôi hiện đại gắn với ngôn từ sinh hoạt đời thường của các kiểu loại con người trong hiện thực, tạo cảm giác hiện tại cho người đọc, đặt người đọc vào ngay trong tình huống truyện để cảm nhận và nghĩ suy.

Các cấp độ của ngôn ngữ nghệ thuật.

Phân tích ngôn từ trong tác phẩm văn học cần chú ý đến các cấp độ của đơn vị ngôn ngữ:

– Cấp độ âm vị, âm tiết:

Là bình diện thi pháp ngữ âm, thuộc tu từ ngữ âm. Đó là nhà văn tìm ra phương cách sử dụng các yếu tố ngữ âm như âm vị (đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ có chức năng khu biệt nghĩa và nhận diện từ), âm tiết (đơn vị âm thanh nhỏ nhất trong chuỗi lời nói Việt ngữ) sao cho đạt hiệu quả biểu đạt và thẩm mỹ tốt nhất trong tác phẩm. Cũng có thể coi đó là thi pháp ngôn từ vi mô – thi pháp của các đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ, một phần của phong cách học ngôn từ nghệ thuật.

Các phép tu từ ngữ âm là vận dụng các yếu tố ngữ âm như thanh điệu, âm vị, vần, âm tiết sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong mục đích nghệ thuật của tác giả. Chẳng hạn việc sử dụng nguyên âm /a/ có độ rộng, sáng; phụ âm vang mũi /ng/ ghép nên vần [ang], tạo ra được cảm giác rộng rãi, mênh mang của các chiều không gian trong tiêu đề bài thơ Tràng giang của Huy Cận; việc sử dụng phụ âm / k/, /t/ là phụ âm tắc, cuối các âm tiết trong khổ thơ gợi âm vang tiếng khóc tức tưởi, tiếng khóc rấm rứt bị ém lại, không thoát ra được trong Tống biệt hành của Thâm Tâm: Ta biết người buồn chiều hôm trước,/ Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,/ Một chị hai chị cũng như sen,/ Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

– Cấp độ từ và cụm từ:

Giá trị của từ trong văn bản nghệ thuật không chỉ là ở nghĩa gốc, nghĩa đen của nó được xác định như trong từ điển, mà còn, và cơ bản là nghĩa văn cảnh, nghĩa kết hợp, nghĩa bóng, nghĩa liên tưởng trong quan hệ liên tưởng (trục dọc) và nghĩa ngữ pháp qua quan hệ kết hợp (trục ngang). Tính nghệ thuật của ngôn từ trong văn bản có được là do sự sáng tạo của nhà văn từ những cơ sở này. Do vậy, người tìm hiểu, nghiên cứu tác phẩm phải chỉ ra được sự sáng tạo và giá trị ngôn từ trong văn cảnh của tác phẩm. Chẳng hạn, Nguyễn Du đặt từ thoắt (thanh sắc, vần trắc, ý nghĩa chỉ sự đổi thay chóng vánh, bất ngờ) giữa câu thơ nói về sự đứt gãy của cuộc đời Đạm Tiên: Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương (Truyện Kiều). Hồ Chí Minh dùng phép điệp từ để nhấn mạnh và khẳng định sự khắc nghiệt của thời tiết: Nghênh diện thu phong trận trận hàn (Mặt ngẩng lên trước những trận gió thu liên tiếp thổi); đặt các từ nhân (người), nguyệt (trăng), thi gia (nhà thơ) ở vị trí tạo hình tượng đối xứng, nhân hóa: Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,/ Nguyệt tòng song thích khán thi gia.

Trong ngôn từ văn học, các biện pháp tu từ từ vựng như ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng, nói quá…, thường được vận dụng một cách sáng tạo và linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ nghệ thuật của ngôn từ theo chủ đích sáng tạo của nhà văn.

Cấp độ cú pháp:

Thi pháp trong cú pháp là các biện pháp nghệ thuật thể hiện ở phạm vi cú pháp, tiêu biểu như đảo ngữ, đối, song hành tâm lí. Phép đảo ngữ được dùng trong trường hợp thay đổi vị trí đơn vị ngôn ngữ trong câu so với ngữ pháp chuẩn, nhằm mục đích nghệ thuật nào đấy. Chẳng hạn, Thanh Hải (trong Mồ anh hoa nở) đảo vị trí bổ tố trong câu thơ sau nhằm mục đích nhấn mạnh tính man rợ của giặc Mỹ: Hôm qua chúng giết anh / Xác phơi đầu ngõ xóm (ngữ pháp chuẩn là: phơi xác đầu ngõ xóm); Tố Hữu đảo cấu trúc câu tạo ấn tượng đẹp về hình ảnh Hồ Chí Minh: Bạc phơ mái tóc người Cha,/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người (Ba mươi năm đời ta có Đảng). Phép song hành tâm lý là biện pháp đối chiếu khách thể và chủ thể tạo thành các hình ảnh thơ có mối quan hệ tạo giá trị tư tưởng và thẩm mỹ trong khổ thơ: Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi (Mời trầu – Hồ Xuân Hương); Con người coi rẻ hơn con lợn,/ Ta thì người dắt, lợn người khiêng (Cảnh binh khiên lợn cùng đi – Hồ Chí Minh). Phép điệp cú pháp là lặp lại cấu trúc cú pháp của các câu, thường là để nhấn mạnh, khặng định một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, lặp xen kẽ hai cặp câu: Tôi muốn tắt nắng đi,/ Cho màu đừng nhạt mất./ Tôi muốn buộc gió lại,/ Cho hương đừng bay đi (Vội vàng – Xuân Diệu).

Có khi việc lặp lại câu được thực hiện bằng lặp nguyên vẹn cả câu ở vị trí đầu trong các khổ thơ, chẳng hạn trong bài Biển, Xuân Diệu điệp lại câu Anh không xứng là biển xanh ở đầu các khổ thơ. Cũng có khi phép điệp thể hiện trong việc một hình ảnh, một câu thơ được sử dụng trong kết cấu đầu cuối tương ứng. Ví dụ: câu thơ Trên dòng Hương Giang được đặt ở đầu bài thơ và điệp lại ở cuối bài thơ trong Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu.

Thi pháp trong cú pháp văn xuôi cũng thể hiện sự đa dạng phong phú. Mỗi nhà văn thường có những cách sử dụng cú pháp khác nhau tùy theo chủ đề, tư tưởng và mục đích biểu đạt của từng tác phẩm. Với thể kí, nhất là tùy bút, Nguyễn Tuân thường viết câu rất dài, nhiều mệnh đề, nhiều liên tưởng, nhiều ví von, so sánh. Văn xuôi về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp thường có các câu ngắn. Những sáng tác của Tô Hoài viết về người dân lao động miền núi phía Bắc thì thường phản ánh nhân vật ít lời, nói ngắn, tiêu biểu như lời nói của các nhân vật trong Vợ chồng A Phủ.

Ngoài ra, khi phân tích ngôn từ nghệ thuật trong văn bản , cần lưu ý đến các hình thức tổ chức lời nói, bao gồm: Lời nói trực tiếp, lời độc thoại nội tâm, lời nói gián tiếp; lời đơn giọng, lời đa giọng. Mỗi thời đại, tác giả, tác phẩm có những đặc điểm và phát hiện về hình thức lời nói khác nhau. Đối với độc giả, tìm ra sự liên hệ giữa ý thức lời nói và hình thức lời nói giúp ta nhận thức đầy đủ không chỉ về ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm, mà còn về chân dung tinh thần nhân vật, tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang