Nội dung bài viết:
Những chuyển biến về hình ảnh thơ từ 1932 đến hết thế kỉ XX.
Mỗi một thời đại thi ca lại tạo cho mình một hệ thống thi ảnh. Bởi lẽ, thi ảnh “không chỉ là đối tượng mô tả trong thơ mà còn là phương tiện để biểu đạt tình cảm, tư tưởng trong thơ” (Nguyễn Hưng Quốc). Hình ảnh chính là một trong những yếu tố góp phần tạo dựng cho cái tôi trữ tình một khoảng không gian và thời gian thể hiện, một nhịp điệu vận động, một quan hệ với thế giới. Hình ảnh làm sống dậy những cái phi vật thể, khó nắm bắt. Hình ảnh giúp tái tạo và khái quát hiện thực trong dòng cảm xúc, xây dựng môi trường và ấn tượng trữ tình. Do đó hình ảnh không chỉ là những ấn tượng đời sống chân thực mà còn là sự khách thể hóa những rung động nội tại để cái tôi trữ tình nhìn thấy chính mình. Hơn thế nữa, hình ảnh trong thơ còn là sự xác nhận một cảm quan của cái tôi về thế giới.
1. Thi ảnh trong thơ Mới (1932-1945).
Thơ Mới ra đời đánh dấu bước chuyển quan trọng của thơ Việt về mặt hình ảnh thơ. Thơ Mới đã tạo nên một hệ thống hình ảnh mới so với thơ ca truyền thống. Thoát khỏi những quy phạm, ước lệ quen thuộc trong kho thi liệu, văn liệu của thơ ca cổ Trung Hoa, thơ Mới đem đến hệ thống hình ảnh mới mẻ để diễn tả về một thế giới mới trong cách nhìn và cách cảm của các nhà thơ Mới.
Thơ Mới thường tìm đến với hình ảnh thiên nhiên. Đó là những hình ảnh về một thiên nhiên tươi đẹp, lãng mạn,tràn đầy xuân sắc xuân tình trong thơ Xuân Diệu. Hay hình ảnh của thiên nhiên đìu hiu, cô quạnh, chất chứa nỗi buồn trong thơ Huy Cận. Hình ảnh một thiên nhiên thanh khiết, một chốn nước non thanh tú nhưng hết sức hư ảo, xa vời trong thơ Hàn Mặc Tử. Hình ảnh thiên nhiên bình dị, mộc mạc trong thơ Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính… Với các nhà thơ Mới, thiên nhiên như một cõi đi về để hồn thơ neo đậu. Đến với thiên nhiên, sống trong thiên nhiên, thế giới tâm hồn cảm xúc của các nhà thơ Mới dễ dàng được bộc bạch, thổ lộ. Mượn thiên nhiên, qua thiên nhiên, bằng thiên nhiên, các nhà thơ Mới đã giãi bày được tâm trạng của mình trước thế giới.
Thi ảnh trong Thơ mới nghiêng về cái nhìn chủ quan của chủ thể trữ tình. Khó có thể tìm thấy hệ thống thi ảnh chung cho giai đoạn thơ ca này. Mà sự phong phú của thi ảnh giai đoạn này thường phụ thuộc vào cá tính sáng tạo của tác giả. Mỗi một phong cách thơ Mới đều thiết lập nên một hệ thống hình ảnh riêng biệt, độc lập. Đến với Xuân Diệu, xuất phát từ tình yêu say đắm với cuộc đời, từ quan niệm sống vội vàng tích cực của thi sĩ, lầu thơ của Xuân Diệu được cất lên với những hình ảnh thơ sống động, sinh động, tràn đầy xuân tình. Ngự trị ở thế giới đó là những hình ảnh cặp đôi, luyến ái:
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền”,
“Một tối bầu trời đắm sắc mây
Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy
Hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu một tối đầy”.
Hình ảnh trong thơ Xuân Diệu rất mới mẻ, hiện đại. Điều này khó có thể tìm thấy trong thơ Chế Lan Viên. Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên giai đoạn trước Cách mạng là không gian ngự trị của những hình ảnh ma quái, kì dị, của cõi chết, yêu ma, đêm tàn, của thu tàn phai… Cùng viết về đề tài tình yêu, đến với thơ Xuân Diệu ta bắt gặp những hình ảnh luyến ái mang sắc màu của một tình yêu hòa hợp cả thể xác lẫn tâm hồn, của một tình yêu hiện đại, trong thơ Nguyễn Bính ta lại bắt gặp những hình ảnh rất dân dã, mang đậm màu sắc của thôn quê: hoa cau, giàn giầu, thôn Đoài, thôn Đông, hoa khuê các, bướm giang hồ…
Càng đến với giai đoạn sau của thơ Mới, hình ảnh thơ dần chớm sang địa hạt của thơ siêu thực, tượng trưng, của cõi tâm linh nên có phần mơ hồ, khó nắm bắt. Thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, của nhóm Xuân Thu Nhã Tập đã có những cách tân mạnh mẽ về hình ảnh thơ.
2. Thi ảnh thơ Cách mạng Việt Nam (1945-1975).
Thơ Cách mạng Việt Nam đã tìm đến những chất liệu giàu tính hiện thực trong đời sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân và cùng với điều đó còn có những sự kiện chính trị, quân sự, những câu chuyện cảm động, những tấm gương cao đẹp trong cuộc sống và chiến đấu. Những hình ảnh: người lính, người mẹ, người phụ nữ anh hùng, đặc biệt hình ảnh đất nước, hình ảnh Bác Hồ đều là những hình ảnh có tính chất tiêu biểu, đại diện hiện lên rất đẹp trong thơ ca Cách mạng.
Đặc biệt xuất hiện trong thơ giai đoạn này những hệ thống hình ảnh biểu trưng quen thuộc của thơ ca sử thi. Nhà nghiên cứu Lê Lưu Oanh đã chia thi ảnh thơ cách mạng 1945- 1975 thành những hệ thống cụ thể:
+ Lòng nhiệt tình say sưa lí tưởng với các hình ảnh biểu trưng: lửa, cháy sáng, nóng ấm, trái tim, đỏ, nắng chói, chói chang: “Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi” (Nguyễn Mỹ), “Tim ta đỏ vẫn nguyên lành Hà Nội” (Bằng Việt), “Nếp rêu con cũng chói loài ánh sáng” (Chế Lan Viên), “Mà nói vậy trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tư đỏ” (Tố Hữu)…
+ Đội ngũ với trùng điệp, đoàn quân, ra trận, cuộc hành quân, những bàn chân, mít tinh, quảng trường, ngày hội: “Những đoàn quân từ lòng đất xông lên” (Dương Hương Ly), “Hà Nội đứng lên lẫm liệt những binh đoàn” (Trinh Đường), “Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận” (Tố Hữu), “Cả nước lên đường” (Chính Hữu)…
+ Lí tưởng độc lập tự do với cờ đỏ: “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ” (Tố Hữu), “Đỏ trời Việt Nam rực đỏ những tin mừng / Tìm nhau trên những ngọn cờ”Z (Chế Lan Viên)… Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp với ngói đỏ, hợp tác, đoàn xe đỏ bụi, đoàn thuyền đánh cá, tàu đến tàu đi, rộn rã trăm miền: “Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói” (Chế Lan Viên), “Chào những ngôi nhà ngói đỏ bình yên” (Chính Hữu), “Mái trường tươi roi rói ngói son” (Tố Hữu), “Tôi đi khắp nơi, một màu ngói mới “ (Xuân Diệu)…
+ Dàn đồng ca và trạng thái hát ca: “Dòng sông rộn tiếng ca, Những con đường ca hát, Sóng biển vẫn dập dìu ca hát, Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát, Đèo Lũng Lô anh hò chị hát” (Tố Hữu), “Chim hãy hát những trời xanh khát vọng, Tiếng hát con tàu, Tôi đứng reo giữa nghìn tinh thể” (Chế Lan Viên)…
Thi ảnh thơ Cách mạng đều thể hiện sức mạnh kì vĩ, lớn lao của nhân dân và đất nước, đều là những hình ảnh được tắm trong cái nhìn lãng mạn, lí tưởng và lạc quan của các nhà thơ. Hệ thống thi ảnh đó có tác động trực tiếp tới tinh thần và tình cảm của công chúng – chủ yếu là tầng lớp công, nông, binh, những con người làm nên đất nước trong suốt dọc dài lịch sử dân tộc.
3. Thi ảnh thơ Việt sau 1975 đến hết thế kỉ XX.
Xu hướng đưa thơ trở về với cuộc sống đời thường khiến các nhà thơ giai đoạn sau 1975 tìm đến với cái đơn giản, bình dị của hình ảnh. Nếu như trong thơ ca giai đoạn trước, người ta chỉ thấy những hình ảnh thiêng liêng, lớn lao thì sau 1975, hình ảnh thơ lại dung dị, đời thường. Hình ảnh cỏ gắn liền với biểu trưng về sức sống bền bỉ mãnh liệt dù phải chịu nhiều mất mát và thiệt thòi của số phận nhân dân:
Cỏ sắc mà ấm quá
Mười tám hai mươi sắc cỏ, dày như cỏ
Yếu mền và mãnh liệt như cỏ
Ta đứng bên bờ sông,
bông cỏ nở hoa,
một giọng nói rất khẽ,
những chấm xanh nhỏ nhoi này là tín hiệu của mặt đất,
của mặt đất lớn lao thường xuyên bị dẫm đạp
(Thanh Thảo)
Cỏ nức nở bị nhiều phen dẫm đạp
(Hữu Thỉnh)
Ta là cỏ nhú lên từ mặt đất
Nhú lên từ vết thương từ đổ nát tro than
(Trần Mạnh Hảo)
Rời dòng thơ sử thi, nghĩa của cỏ chuyển sang nghĩa của số phận đơn lẻ, hòa tan vào hư không: Nơi ấy giờ là mẹ tôi, cuối cánh đồng cô đơn, cỏ âm thầm phủ xanh (Hoàng Cát). Thơ ca nghiêng về nội dung thế sự đời tư, nên nhiều hình ảnh thơ có sự thu nhỏ kích cỡ như hình ảnh mẹ, quê hương, dân tộc so với thơ ca trước 1975. Trong thơ ca trước 1975, mẹ là biểu tượng cho tổ quốc, cho đức hi sinh, kiên nhẫn bền bỉ của dân tộc: “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung trắng bờ” (Tố Hữu), thì người mẹ trong thơ Nguyễn Duy thật nhỏ bé đến tội nghiệp, một hình ảnh đời thường:
“Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Áo nhuộm màu váy nhuộm nâu bốn mùa”.
Nhiều hình ảnh quen thuộc của thơ ca sử thi trước 1975 đã mất dần những ý nghĩa biểu tượng và trở lại với hình ảnh quen thuộc, bình dị của cuộc sống đời thường.
Thơ hiện đại Việt sau 1975, có nhiều phương thức làm mới hình ảnh thơ. Lạ hóa các ẩn dụ và biểu tượng, sáng tạo màu sắc siêu thực của hình ảnh là những phương thức được sử dụng phổ biến. Thơ bao giờ cũng cần những ẩn dụ và biểu tượng mà thông qua đó, nhà thơ có thể nén nhiều lớp nghĩa hoặc phát ra nhiều kênh liên tưởng từ một hình ảnh. Song các ẩn dụ, biểu tượng thường có nguy cơ bị tha hóa thành các sáo ngữ, những tín hiệu khô cạn về mặt ý nghĩa, sức gợi cảm. Thơ với tư cách là hành động sáng tạo ngôn từ, cần phải khắc phục ngay nguy cơ đó. Lạ hóa các ẩn dụ, biểu tượng là điều quan trọng để thơ ca làm mới hình ảnh thơ.
Tìm hiểu thơ hiện nay, có thể bắt gặp một số sự vật mà dường như ta chỉ thấy tồn tại trong thơ mà thôi. Đó là những “lá diêu bông”, “cỏ bồng thi”, “cầu bà Sấm”, “bến cô Mưa”... trong thơ Hoàng Cầm, những “hoa thiên cầm” , “ngọn trinh sơn” trong thơ Văn Cầm Hải. Chúng là những biểu tượng được hình thành bởi trí tưởng tượng, bởi những kinh nghiệm vô thức, tiềm thức của nhà thơ song ý nghĩa của chúng lại mở rộng hơn phạm vi kinh nghiệm cá nhân, khó có thể khuôn vào một khái niệm duy nhất.
Lá diêu bông của Hoàng Cầm có hình dạng, màu sắc ra sao? Nó tượng trưng cho ý niệm gì? Và sao nhà thơ lại sáng tạo ra cái tên gọi “diêu bông” ấy? Phải chăng chiếc lá ấy là biểu tượng cho một ảo giác về tình yêu ám ảnh khôn nguôi trong cuộc đời mỗi con người? Ta không thể xác định cụ thể. Có lẽ chiếc lá hư ảo ấy có lẽ chứa đựng nhiều khả năng diễn dịch khác nhau. Sự kết hợp từ ngữ bất ngờ, bạo dạn cũng có thể tạo nên những ẩn dụ, biểu tượng lạ lẫm, phát ra những ý nghĩa liên tưởng mới.