»» Nội dung bài viết:
Những đặc điểm lớn của văn học trung đại.
A. Về nôi dung.
I. Cảm hứng yêu nước.
– Đây là nội dung lớn, xuyên suốt quá trình tồn tại và phát triển của văn học trung đại.
– Chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại gắn liền với tư tưởng “trung quân ái quốc” nhưng không tách rời truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.
– Chủ nghĩa yêu nước thể hiện rất phong phú, đa dạng, có khi là âm điệu hào hùng, có khi bi tráng, có khi thiết tha.
– Biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước:
- Ý thức độc lập tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc.
- Lòng căm thù giặc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng.
- Tự hào trước chiến công thời đại và truyền thống lịch sử.
- Biết ơn, ca ngợi những người đã hi sinh vì đất nước.
- Tình yêu thiên nhiên đất nước.
– Nội dung yêu nước xuất hiện những biểu hiện mới như ý thức về vai trò của người trí thức đối với đất nước (Chiếu cầu hiền – Ngô Thì Nhậm), tư tưởng canh tân đất nước (Xin lập khoa luật – Nguyễn Trường Tộ), tìm hướng đi mới cho cuộc đời trong hoàn cảnh xã hội bế tắc (Bài ca ngắn đi trên bãi cát – Cao Bá Quát)…
– Những biểu hiện của nội dung yêu nước qua các tác phẩm và đoạn trích:
+ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu: Lòng căm thù giặc, nỗi xót xa trước cảnh đất nước bị giặc tàn phá.
+ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu): Sự biết ơn những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
+ Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Chu Mạnh Trinh): Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước.
+ Vịnh khoa thi hương (Trần Tế Xương): Lòng căm thù giặc.
II. Cảm hứng nhân đạo.
– Chủ nghĩa nhân đạo trong giai đoạn này trở thành một trào lưu vì xuất hiện hàng loạt những tác phẩm có giá trị như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương…
– Những nội dung thể hiện trong văn học giai đoạn này là sự thương cảm trước bi kịch và đồng cảm với khát vọng của con người; khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm, lên án những thế lực tàn bạo chà đạp con người; đề cao truyền thống đạo lí, nhân nghĩa của dân tộc.
– Cảm hứng nhân đạo trong giai đoạn này cũng có những biểu hiện mới, hướng vào quyền sống của con người, nhất là con người trần thế (Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương); ý thức về cá nhân đậm nét hơn, ý thức về quyền sống cá nhân, hạnh phúc cá nhân, tài năng cá nhân…. qua các tác phẩm như Tự tình (Hồ Xuân Hương), Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ).
– Tác giả và tác phẩm tiêu biểu:
+ Truyện Kiều (Nguyễn Du) đề cao vai trò của tình yêu, biểu hiện cao nhất của sự đề cao con người cá nhân. Tình yêu không chỉ đem lại cho con người vẻ đẹp cuộc sống, qua tác phẩm, nhà thơ muốn đặt ra và chống lại định mệnh.
+ Trong Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), con người cá nhân được gắn liền với nỗi lo sợ tuổi trẻ, hạnh phúc chóng phai tàn do chiến tranh.
+ Thơ Hồ Xuân Hương là con người cá nhân bản năng khao khát sống, khao khát hạnh phúc, tình yêu đích thực, bày tỏ thẳng thắn những ước mơ của người phụ nữ với cá tính mạnh mẽ.
+ Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) là con người cá nhân nghĩa hiệp và hành động theo nho giáo.
+ Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) là con người cá nhân công danh, hưởng lạc ngoài khuôn khổ.
+ Thơ Tú Xương là nụ cười giải thoát cá nhân và sự khẳng định mình.
III. Cảm hứng thế sự.
– Văn học hướng tới việc phản ánh hiện thực xã hội.
– Phản ánh cuộc sống đau khổ của nhân dân, góp phần tạo tiền đề cho sự ra đời của văn học hiện thực ở giai đoạn sau.
– Cảm hứng thế sự biểu hiện khá rõ nét từ văn học cuối thời Trần (thế kỉ XIV). Khi triều đại nhà Trần có những biểu hiện suy thoái là lúc văn học hướng tới phản ánh hiện thực xã hội, phản ánh cuộc sống đau khổ của nhân dân,
– Cảm hứng thế sự trở thành một nội dung lớn trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua những bài thơ viết về nhân tình thế thái.
– Văn học viết về thế sự có bước phát triển trong hai thế kỉ XVIII và XIX; nhiều tác giả hướng tới hiện thực cuộc sống, hiện thực xã hội đương thời để ghi lại “những điều trông thấy”. Lê Hữu Trác viết Thượng kinh kí sự, Phạm Đình Hổ viết Vũ trung tuỳ bút. Có thể nói xã hội thành thị trong thơ Tú Xương. Cảm hứng thế sự trong văn học trung đại đã góp phần tạo tiền đề cho sự ra đời của văn học hiện thực trong thời kì sau.
B. Về nghệ thuật:
1. Tính quy phạm và sự phá vỡ tính quy phạm.
+ Tính quy phạm, đặc điểm nổi bật của văn học trung đại, là sự quy định chặt chẽ theo khuôn mẫu.
+ Ở quan điểm văn học: Coi trọng mục đích giáo huấn, văn để chở đạo; ở tư duy nghệ thuật nghĩ theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn đã thành công thức; ở thể loại văn học với những quy định chặt chẽ về kết cấu; ở cách sử dụng thi liệu dẫn nhiều điển tích, điển cố, dùng nhiều văn liệu quen thuộc. Do tính quy phạm, văn học trung đại thiên về ước lệ, tượng trưng. Tuy nhiên, các tác giả văn học trung đại cũng đã phá vỡ tính quy phạm, phát huy cá tính sáng tạo trong cả nội dung và hình thức biểu hiện.
2. Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị.
+ Tính trang nhã cũng là đặc điểm của văn học trung đại, thể hiện ở đề tài, chủ đề hướng tới cái cao cả, trang trọng hơn là cái đời thường, bình dị; ở hình tượng nghệ thuật hướng tới vẻ tao nhã, mĩ lệ hơn là vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc; ở ngôn ngữ nghệ thuật là chất liệu ngôn ngữ cao quý, cách diễn đạt trau chuốt, hoa mĩ hơn là thông tục, tự nhiên, gần với đời sống.
+ Trong quá trình phát triển của văn học trung đại, xu hướng gắn bó với hiện thực đã đưa văn học từ phong cách trang trọng, tao nhã về gần với đời sống hiện thực, tự nhiên và bình dị.
3. Tiếp thu và dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài
+ Văn học trung đại Việt Nam phát triển theo quy luật vừa tiếp thu vừa dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Trung Quốc.
+ Dùng chữ Hán để sáng tác, tiếp thu thể cổ phong, thể Đưòng luật trong văn vần, thể hịch, cáo, chiếu, biểu, truyện kí, tiểu thuyết chương hồi trong văn xuôi… sử dụng những điển cố, thi liệu Hán văn.
+ Quá trình dân tộc hóa đã sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở những thành tố của chữ Hán để ghi âm, biểu đạt nghĩa tiếng Việt và dùng chữ Nôm trong sáng tác; Việt hóa thể thơ Đường luật thành thơ Nôm Đường luật, thất ngôn xen lục ngôn, sáng tạo các thể thơ như lục bát, song thất lục bát, các thể ngâm khúc, truyện thơ, hát nói; sử dụng lời ăn tiếng nói, cách diễn đạt của nhân dân trong sáng tác.
+ Văn học trung đại Việt Nam phát triển trong sự gắn bó với vận mệnh đất nước, nhân dân. Cùng với văn học dân gian, văn học trung đại góp phần làm nên diện mạo hoàn chỉnh và đa dạng của văn học dân tộc.