nhung-dac-trung-co-ban-trong-tac-pham-cua-nguyen-tuan

Những đặc trưng cơ bản trong tác phẩm của Nguyễn Tuân

Những đặc trưng cơ bản trong tác phẩm của Nguyễn Tuân

1. Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ trân trọng cái đẹp.

Cả đời văn của mình, Nguyễn Tuân luôn khao khát săn tìm và ngợi ca cái đẹp. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận xét: “Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật”. Có thể nói trong suốt cuộc đời sáng tác, bằng ngòi bút điêu luyện của mình, Nguyễn Tuân đã làm cho cái đẹp thăng hoa. Tuy nhiên quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân sau cách mạng có những chuyển biến.

Trước cách mạng, Nguyễn Tuân quan niệm, cái đẹp thuộc về thời đã qua, thời dĩ vãng, nay chỉ còn vang bóng. Đây là quan niệm rất cơ bản về cái đẹp của Nguyễn Tuân, nó bao trùm hầu hết các tác phẩm của ông trước cách mạng.

Nhìn vào sáng tác trước cách mạng của Nguyễn Tuân, ta dễ dàng nhận thấy những nhân vật mà ông yêu thích thường là những nhân vật thuộc về quá khứ, thể hiện cái đẹp mang màu sắc cổ điển.

Đó là những con người “sinh nhầm thế kỉ”, những giai nhân tài tử, danh sĩ, danh kĩ, những con người có tài cầm, kì, thi, họa, nhả ngọc phun châu; những con người giang hồ lãng tử, bầu rượu túi thơ, ngắm hoa vịnh nguyệt, thiên nhiên trong tác phẩm của Nguyễn Tuân cũng có một vẻ đẹp cổ xưa, một chất thơ “hoài cựu”…

Hướng về cái đẹp quá khứ thực ra là một trong những khuynh hướng chung của chủ nghĩa lãng mạng. Cùng thời với Nguyễn Tuân, các cây bút khác cũng viết về quá khứ như Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Huy Tưởng…Tuy nhiên, nếu như ở những cây bút khác viết về quá khứ không hẳn chỉ coi quá khứ mới là đẹp, thì Nguyễn Tuân có quan niệm dứt khoát: cái đẹp chỉ có trong quá khứ, nếu nó có trong hiện tại thì chẳng qua là những thứ gì còn vương sót lại của thời xưa mà ông gọi là “vang bóng một thời”.

Có hai lí do để Nguyễn Tuân khẳng định như vậy. Một là, theo Nguyễn Tuân xã hội hiện đại là xã hội của đồng tiền. Đồng tiền làm hỏng con người, đồng tiền đụng vào đâu là cái đẹp biến đi đến đấy. Hai là, theo Nguyễn Tuân xã hội hiện đại là xã hội của văn minh vật chất đối lập với văn minh tinh thần của người xưa. Ấy là văn minh cơ khí – thời đại cơ khí khiến người ta bị cơ khí đến cả tâm hồn. Tâm hồn trở thành máy móc thì làm gì còn có thơ, làm gì có cái đẹp nữa.

Quan niệm cái đẹp gắn liền với chất tài hoa tài tử. Trong các sáng tác của mình Nguyễn Tuân thường chú ý đến chất tài hoa tài tử khi miêu tả và thể hiện con người. Với Nguyễn Tuân, cái đẹp thường đi đôi, gắn bó với cái tài, với chất nghệ sỹ, điều này cũng thống nhất với nét tài hoa, nghệ sỹ trong con người ông.

Cái đẹp đối với Nguyễn Tuân phải là cái gây được ấn tượng thật đậm nét, phải tạo được cảm giác thật mãnh liệt. Đối với ông, những cái gây ấn tượng, gợi cảm xúc phải là những cái vượt trội, bất thường, tác động mạnh vào giác quan. Là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật trong đời, Nguyễn Tuân nhiều khi đã không chú ý đến tính chất xã hội của hiện thực. Ông mải mê ca ngợi những cái đẹp thuần túy, mang tính hình thức. Vang bóng một thời là minh chứng sinh động cho quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” của Nguyễn Tuân thời kì trước Cách mạng tháng Tám.

Sau cách mạng, ông không còn quan niệm cái đẹp chỉ có trong quá khứ nữa, mà thấy có cả trong hiện tại và tương lai; chất tài hoa nghệ sĩ không chỉ có ở những con người xuất chúng, đặc biệt mà có cả ở trong đại chúng nhân dân; cái đẹp không là cái phù phiếm vô ích mà đều phải có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Nếu xưa kia ông đi tìm cảm giác mạnh, cái mới lạ ở chủ nghĩa xê dịch, ở đời sống trụy lạc, ở thế giới ma quỷ (Yêu ngôn), thì ngày nay ông tìm và thể hiện những cảm giác ấy trong những thành tích chiến đấu, trong những công trình xây dựng, trong những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mĩ trên đất nước mình.

2. Nguyễn Tuân là cây bút rất mực tài hoa, uyên bác.

Bút pháp của Nguyễn Tuân là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cổ điển và hiện đại, Nguyễn Tuân nhìn quan sát và miêu tả sự vật bằng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau: hội họa, điêu khắc, vũ đạo, điện ảnh…Để có thể huy động tối đa sự nhạy cảm của các giác quan cũng như vận dụng kiến thức của các nghành nghệ thuật khác nhau trong trang viết của mình, Nguyễn Tuân phải có một tầm tri thức, kiến văn sâu rộng, sự am hiểu tường tận về văn hóa cổ truyền.

3. Nguyễn Tuân nghệ sĩ ngôn ngữ bậc thầy

Nói đến phong cách Nguyễn Tuân, không thể không nhắc đến vốn từ phong phú, một “chuyên gia tiếng Việt”. Người ta luôn nhắc đến Nguyễn Tuân như một cây đại thụ của ngôn ngữ, trước và sau Nguyễn Tuân hiếm có nhà văn nào có một kho ngôn ngữ phong phú giàu có, độc đáo như thế. Nguyễn Tuân đã được mệnh danh bằng những chữ tôn vinh nhất: Bậc thợ cả văn xuôi, “người quốc ngữ” tài hoa, “cây bút quái kiệt”, “người thợ kim hoàn” chữ nghĩa… Có người nói đến “ma lực của ngôn ngữ” Nguyễn Tuân. Ở ông “mỗi chữ đều như có dấu ấn riêng”.

a. Vẻ đẹp sang trọng của ngôn từ.

Nguyễn Tuân là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam hiện đại dùng nhiều từ Hán Việt trong sáng tác và cũng rất thành công.Những từ Hán Việt được dùng đúng chỗ đã thể hiện sự uyên bác của tác giả, đã đem lại sự súc tích cho các tác phẩm và quan trọng hơn, đã tạo cho văn Nguyễn Tuân một vẻ đẹp sang trọng đầy hấp dẫn.

Bên cạnh lớp từ Hán Việt, một yếu tố khác cũng góp phần làm nên vẻ đẹp cho lời văn Nguyễn Tuân, làm nên cái đẹp cho ngôn ngữ văn chương của ông, đó là vốn văn liệu cổ được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Có thể xem đây là thế mạnh mà Nguyễn Tuân có được nhờ phần con người một thời vang bóng trong ông. Nền học cũ, vốn kiến thức có được từ những tác phẩm lớn đã được ông sử dụng khéo léo vào văn chương của mình, trở thành một trong những điểm đặc biệt của phong cách Nguyễn Tuân.

b. Nghệ thuật làm mới ngôn từ.

Nguyễn Tuân luôn tìm kiếm những hình thức biểu đạt rất khác thường. Ông rất công phu trong việc ghép từ, hoặc thay thế một từ thông dụng bằng từ ngữ mới lạ, gây bỡ ngỡ cho người đọc. Vành trăng được gọi là sừng trăng, quan tài được gọi bằng thùng gỗ,kim đồng hồ thì gọi là que đồng hồ, cao cờ thì nói là xinh cờ, cha mẹ thì gọi là hai đấng tác giả đời tôi, đi ảnh dùng thay cho chụp ảnh… Cái lạ còn được Nguyễn Tuân tạo ra bằng lối tách từ, ví như: những cái sở đắc về thanh và sắc của mình; chùm tóc vừa mới tơ mà đã nhuộm màu tang; ông trời chơi miếng khăm…

Hình thức biểu đạt kiểu lạ hóa còn được Nguyễn Tuân đẩy đến mức cao hơn khi trước một đối tượng cần miêu tả, ông dùng đồng thời nhiều cách định danh, nhằm nói cho kiệt cùng mọi sự cảm nhận của mình. Dự báo cái chết của Bá Nhỡ – nhân vật đã chấp nhận cuộc đàn cảm tử trong tiểu thuyết Chùa Đàn – Nguyễn Tuân dùng nhiều cách nói khác nhau mà không cách nào tỏ ra non lép: kẻ phải trả nợ đời; kẻ sắp hết làm người; người đang tiêu những giây phút cuối; mạch sống sắp đứt phựt; những nương dâu xanh um mà mắt người đó không được ngó đến nữa; những lứa tắm chín như hổ phách mà tay người ấy sẽ không được động đến nữa…

c. Nghệ thuật so sánh trong văn Nguyễn Tuân.

Nói đến những tìm tòi, sáng tạo của Nguyễn Tuân về ngôn ngữ, không thể không đề cập nghệ thuật so sánh đặc sắc của ông. Về số lượng, câu văn so sánh trong các văn bản thuộc mọi thể loại của Nguyễn Tuân có tỉ lệ cao một cách khác thường so với tác phẩm của các tác giả trong cùng bối cảnh văn học. Nhưng điều đáng nói hơn là hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ so sánh trong lời văn Nguyễn Tuân. Hiệu quả này có được là nhờ những tìm tòi không mệt mỏi của nhà văn về cấu trúc so sánh, về từ chỉ quan hệ so sánh, và đặc biệt là hình ảnh dùng để so sánh.

Săn tìm những hình ảnh dị thường, ít ai nghĩ tới, làm cho mỗi câu văn so sánh thực sự là một kết quả khám phá, thể hiện một cái nhìn khác biệt về đối tượng, đó là những thao tác thường thấy ở Nguyễn Tuân. Thao tác này được nhà văn sử dụng rộng rãi ở mọi thể loại, mọi giai đoạn sáng tác. Vì vậy, thật khó mà thấy được sự khác biệt nghệ thuật so sánh của câu văn trong truyện, trong tùy bút hay trong phê bình, chân dung văn học của ông. Khuôn mặt vô tư lự của một viên quan coi ngục được Nguyễn Tuân ví với “mặt nước ao xuân bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”, còn tính cách dịu dàng của con người ấy thì “như một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn, xô bồ” (Chữ người tử tù)

Mấy chục năm sau, khi viết tùy bút Người lái đò Sông Đà, cái nhìn lãng mạn và lối so sánh đầy sở trường đó vẫn vẹn nguyên khi ông phát hiện con sông Đà “tuôn dài, tuôn dài như áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang