nhung-tac-dong-cua-tac-pham-van-chuong-doi-voi-tinh-cam-cua-nguoi-doc

Những tác động của tác phẩm văn chương đối với tình cảm của người đọc

Những tác động của tác phẩm văn chương đối với tình cảm của người đọc.

Văn chương quả là món ăn tinh thần thiết yếu, thường xuyên của con người trong xã hội. Thưởng thức văn chương là hoạt động hàng ngày của hàng triệu, hàng triệu con người thuộc các lứa tuổi, các dân tộc, các tầng lớp khác nhau trên hành tinh chúng ta. Có thể kể ra muôn vàn minh chứng cho điều này. Chẳng hạn ảnh hưởng của Đíchken đối với dân tộc Anh cuối thế kỉ XIX. “Trong khi ấy- Xtephan Vaixơ kể lại – họ (những người sùng bái Dickens) không thể bắt mình chờ ở nhà trong ngày bưu phẩm tới, cho đến khi lại có cuốn sách nhỏ màu xanh, mới xuất bản. Suốt cả tháng họ thèm thuồng ước mơ về cuốn sách đó, kiên trì, hi vọng, tranh cãi… Và thế là cuối cùng đành chờ đợi người đưa thư đi xe ngựa tới và sẽ giải tất cả những câu đố thú vị ấy. Năm này qua năm khác trong cái ngày long trọng đó những người già và người trẻ đi bộ hàng dặm để đón người đưa thư chỉ cốt nhận được cuốn sách sớm hơn. Ngay trên đường về họ bắt đầu đọc, liếc nhìn nhau qua vai, họ đọc to lên, và chỉ có những người tử tế nhất mới chạy ba chân bốn cẳng về nhà để chia sẻ với vợ con những điều mình vừa tìm được… Khi Dickens quyết định phát biểu công khai với tư cách là người đọc và lần đầu tiên mặt đối mặt với độc giả của mình, nước Anh tựa như say rượu. Các phòng đều bị đột kích chật ních; những người hâm mộ thú vị leo trèo lên các cột, chui cả dưới bục của sân khấu cốt chỉ được nghe nhà văn yêu mến”.

Đây là chuyện xảy ra với người lớn, Còn đối với trẻ em? Nhà văn Liên xô trước đây Coocnây Trucôpxki có kể một câu chuyện thật xảy ra với ông ở Alupca vào năm 1929: “Bọn trẻ đang mệt nhoài vì nóng bức. Chúng la hét inh ỏi. Một bà phụ nữ vụng về cứ quang quác mắng chúng, nhưng chẳng làm sao chúng im tiếng cho. Tôi vừa ở xa đến. Muốn các em vui lên, tôi bèn đem truyện “Muynhaoden” ra đọc cho các em nghe. Chỉ sau hai phút đồng hồ bọn trẻ kêu lên vì sung sướng. Nghe tiếng reo mừng rỡ của chúng, lần đầu tiên tôi thật sự hiểu rằng cuốn truyện vui này đối với các em chín tuổi là món quà ngon miệng như thế nào và cuộc sống của trẻ thơ sẽ mờ đục biết bao nếu như không có cuốn sách nói trên. Với lòng biết ơn vô cùng trìu mến đối với tác giả cuốn sách, giữa tiếng cười vang của bọn trẻ, tôi đọc cho chúng nghe nào là cái rìu bay vút lên cung trăng, nào là những cuộc phiêu lưu lên chín tầng mây, nào là chân ngựa cắt rời ra mà người ta chăn nuôi trên cung trăng. Và khi tôi ngừng đọc một phút bọn trẻ lại nhao nhao “đọc tiếp đi, chú!”.

Có thể xem đó là những dẫn chứng tiêu biểu xác nhận vị trí của văn chương trong đời sống con người. Chính tính truyền cảm, và gắn bó với nó là tính hình tượng làm nên ưu thế đặc biệt của văn chương nhất là khi nhân loại đang bị đe doạ bởi xu hướng kĩ trị như hiện nay.

Trong kho tàng ca dao Việt Nam có nhiều viên ngọc lung linh ánh sáng. Một trong những viên ngọc ấy là bài ca dao bình dị viết về bông sen bình dị:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Câu đầu là một lời khẳng định dứt khoát, không một chút đắn đo: “Trong đầm gì gì đẹp bằng sen”. Người đời vốn thông minh và khó tính lắm, không dễ tìm được sự thừa nhận rộng rãi nếu không có sức thuyết phục. Bằng lí lẽ sắc bén và thực tế hùng hồn, cố nhiên. Và dân gian đã đưa ra những bằng cớ. Trước hết là bằng cớ bên ngoài. Này nhé:

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng

Có màu sắc,lại có cả hương thơm. Riêng màu sắc mới hài hòa làm sao! Chúng nằm cạnh nhau, tôn nhau lên để cho mọi yếu tố đều có sức cuốn hút đến ngỡ ngàng!Đủ chưa? Vẫn chưa đủ! Nếu câu thứ hai đi từ ngoài vào trong, từ “lá xanh”, “bông trắng”, tới “nhị vàng” thì câu thơ thứ ba lại đi từ trong ra ngoài:

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh

Ôi, kĩ càng và thận trọng làm sao! Khó tính đến thế làm sao những người khó tính ở đời không tin cho được. Khi vẻ đẹp hình thức đã hoàn toàn thuyết phục thì vẻ đẹp phẩm chất đột nhiên phát lộ ra bên ngoài ngời ngợi:

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Bông sen đẹp cả sắc hương lẫn sự tinh khiết, cả vẻ đẹp bên ngoài lẫn phẩm chất bên trong. Đó chính là vẻ đẹp bình dị của người nông dân chân lấm tay bùn đã làm nên bao giá trị trên đời trong đó có cả những câu ca dao sáng ngời kia đó. Chỉ cần đọc một lần trong đời những tác phẩm như vậy ta rung động và nhớ mãi. Nói về sức sống bất diệt của những tác phẩm văn chương đã chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người đọc, thi hào Anh Bairơn đã viết: “Lạ lùng thay!Vài câu nói không to lên thành tiếng mà viết ra lại có thể trở thành một mắt xích bền lâu trong chuỗi dài năm tháng. Thời gian sẽ thu nhỏ con người mảnh khảnh lại trong một phân tấc mỏng manh, ấy vậy mà một mẩu giấy con, một tí xíu thôi, như mẩu giấy này chẳng hạn, lại sống dai hơn con người, lâu hơn cả nấm mồ con người, lâu hơn bất cứ cái gì thuộc về con người”.

Những tác phẩm lớn như thế góp phần làm cho con người phát triển toàn diện mà trước hết là có sự hài hòa giữa lí trí và tình cảm, nhận thức và cảm xúc. Không phải vô cớ câu nói của văn hào Đôxtôiepxki “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” đặc biệt vang lên trong thời đại chúng ta, khi nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa của thiên niên kỉ mới. Quả thật, khi con người không biết rung động trước cái đẹp yếu ớt, cái đẹp mong manh liệu thế giới của chúng ta rồi sẽ ra sao đây! Có lần, tại diễn đàn hội nghị chuyên đề về thơ Á – Phi tổ chức tại Êrêvan (Liên xô trước đây) vào năm 1973, nhà thơ Chế Lan Viên đã vẽ lên một thế giới không có thi ca: “Các bạn hãy tưởng tượng một thế giới không có lộc non cây xanh; tiếng cười của trẻ con và của suối, không có tiếng hót của loài chim và mùi hương của các loài hoa, ở xứ sở ấy, những dãy núi khi người ta cất lên lời không có tiếng vang đáp lại…Không, không ai vì thế mà chết cả, trong xứ sở ấy. Người ta vẫn tiếp tục sống – đúng hơn – tiếp tục tồn tại như thường. Chỉ có điều trong xứ sở ấy, những đôi trai gái chẳng hôn nhau mà cũng chẳng hôn hoa. Và không bao giờ người ta nhỏ lệ trước máu đổ ra của đồng loại. Người di chuyển như đồ vật. Và con số, và tín hiệu và mật mã là tất cả ngôn ngữ ở xứ ấy.”

Trái tim sắt đá, trí tuệ lạnh lùng đó chính là tai họa khủng khiếp cho nhân loại. Tình cảm, trong đó có tình cảm thẩm mĩ, tình cảm văn chương có ý nghĩa vô cùng đặc biệt và lâu dài. V.L. Lênin từng khẳng định: “Đã, đang và sẽ không bao giờ có thể có sự tìm tòi chân lí của nhân loại nếu không có cảm xúc của con người”  I.M Xêtrênốp cũng chỉ rõ sức mạnh của cảm xúc khi cho rằng: “Chúng ta không hề biết một thứ ý chí lạnh lùng bất định nào”. Ở một góc độ khác có thể nhấn mạnh đến tính tích cực xã hội của tình cảm. Động lực của cảm xúc trong việc thúc đẩy hành động được biểu hiện sinh động và đầy sức thuyết phục qua ý tưởng của bài thơ” Con hỏi cha” của Chế Lan Viên. Bài thơ được cấu tứ bằng hệ thống những câu hỏi hồn nhiên của đứa con với người cha theo sự tăng tiến của mức độ vấn đề và cường độ cảm xúc.

Con hỏi cha: “Bom có giết chết mèo”.

Mèo, chó…những con vật vốn thân thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ thơ nên lòng người cha sao có thể dửng dưng! Tuy trái tim người cha mới khẽ rung lên. Người cha còn đủ điềm tĩnh để nhắc nhở đứa con:

“Có!” Khi xuống hầm con hãy nhớ mang theo

Câu thứ hai của người con:

Bom có giết thỏ cao su và ngựa gỗ?

Mèo chó đã gần gũi với con trẻ nhưng đồ chơi, những thỏ cao su và ngựa gỗ gần gũi với con trẻ hơn. Phản ứng tình cảm của người cha ra sao? Im lặng. Một sự im lặng chất chứa yêu thương và căm thù. Người cha không trả lời. Nhà thơ buông ra một lời cảm thán:

Ôi đồ chơi trẻ bao lần hoen máu đỏ!

Đó là câu hỏi thứ hai. Câu hỏi thứ ba là gì đây?

Con lại hỏi cha: “Bom có giết mẹ không?”

Hiển nhiên là câu hỏi ở tầm mức mới, cao hơn hẳn hai câu hỏi đầu tiên, vì có đứa trẻ nào trong đời lại không thương mẹ – người đã dứt ruột đẻ ra mình, ấp iu, chăm sóc mình ngay từ tấm bé. Và hẳn nhiên sự bộc lộ cảm xúc ở người cha cũng phải ở một cường độ mới:

“Không” và cha ôm con nước mắt lưng tròng

Không thể im lặng thêm một lần nữa (người con sao chịu nổi!) nhưng câu trả lời lại không đúng sự thật. Không, bom không thể giết mẹ – người trần mắt thịt – đâu! Sao đứa con có thể chấp nhận, vì lẽ đứa con sẽ không chịu nổi. Ôi, trái tim trẻ thơ, non dại dường kia! Tuy, hành động sau đó của người cha lại nói một điều ngược lại. Không, bằng cảm tính, đứa con sẽ cảm được, đúng hơn là sẽ cảm hiểu được cái điều mà người cha đang bị nỗi đau giằng xé kia hành hạ – người cha ấy không thể nói ra bằng lời. Đứa con chắc không chịu nổi! Từ đây, nhà thơ chủ động đẩy đến đỉnh điểm:

Con lại hỏi: Bom có thể giết con không đấy?

Câu hỏi như kéo dài ra, nhức nhối, thật đột ngột mà cũng rất hợp qui luật. Câu kết như là sự phát triển tự nhiên của mạch thơ:

Đừng có hỏi, con ơi đừng có hỏi
Để ngày mai cha ra trận cho con

Câu thơ đóng lại, nhưng suy tưởng của người đọc được mở ra. Rồi chân lí giản đơn hiện lên rõ mồn một: Phải có tình cảm, tình cảm ở mức cao, mức sâu, con người mới có thể hành động để cải tạo thế giới này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang