Nội dung tác phẩm văn học là gì?
Nội dung tác phẩm văn học là hiện thực cuộc sống được phản ánh trong sự cảm nhận, suy ngẫm và đánh giá của nhà văn. Đó là một hệ thống gồm nhiều yếu tố khách quan và chủ quan xuyên thấm vào nhau. Trước hết, tác phẩm văn học cung cấp cho người đọc những biểu hiện phong phú, nhiều vẻ và độc đáo của đời sống mà tính loại hình của chứng tạo thành đề tài của tác phẩm. Vấn đề quan trọng nhất nổi lên từ đế tài, buộc tác giả phải bày tỏ thái độ, có ý kiến đánh giá là chủ đề. Ý kiến của tác giả trước vấn đề được nêu ra trong tác phẩm là tư tưởng. Thái độ đánh giá, nhiệt tình bảo vệ tư tưởng tạo nên cảm hứng chủ đạo hay cảm hứng tư tưởng. Quan niệm về thế giới và con người được dùng làm hệ quy chiếu để tác giả xác định đề tài, chủ đề, lí giải thế giới của tác phẩm có cội nguồn sâu xa trong thế giới quan. Cuối cùng, tương quan giữa sự biểu hiện của đời sống và sự cảm thụ chủ quan tạo nên nội dung thẩm mĩ của hình tượng. Nội dung tác phẩm là kết quả khám phá, phát hiên khái quát của nhà văn.
Nội dung tác phẩm văn học chỉ tồn tại bằng hình thức và qua hình thức tác phẩm. Đó là cấu tạo gồm nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau và phụ thuộc vào nội dung tác phẩm. Văn bản ngôn từ là yếu tố thứ nhất của hình thức tác phẩm có hai chức năng: vẽ ra bức tranh đời sống và biểu hiện thái độ, cái nhìn của chủ thể lời nói bằng phương tiện ngôn ngữ. Đến lượt mình, “bức tranh đời sống” của tác phẩm lại trở thành văn bản hình tượng mà ý nghĩa của các thành tố của nó như chi tiết, tình tiết, nhân vật, cốt truyện, nhịp điệu trong toàn bộ thể hiện các yếu tố nội dung kể trên. Kết cấu có thể ví như ngữ pháp, có vai trò tổ chức các đơn vị có ý nghĩa của văn bản hình tượng thành những lời phát biểu.
Thể loại văn học là những quy tắc tổ chức hình thức tác phẩm ứng với những loại hình nội dung nghệ thuật của nó. Hình thức nghệ thuật của tác phẩm là hiện tượng độc đáo, ứng với nội dung độc đáo, hoàn toàn không phải là số cộng giản đơn của các thủ pháp và phương tiện nghệ thuật. Trong tính chỉnh thể, hình thức nghệ thuật có nghĩa là hình thức cảm nhận đời sống, là cách tự bộc lộ của nội dung tác phẩm.