Ôn tập Tiếng Việt lớp 8 – Học kỳ 1

on-tap-tieng-viet-lop-8-hoc-ky-1

Ôn tập Tiếng Việt lớp 8 – Học kỳ 1

Bài 1: Trường từ vựng

Khái niệm: Trường từ vựng là tập hợp những từ có ít nhất một điểm chung về nghĩa.

Ví dụ:

  • Trường từ vựng về gương mặt: mắt, gò má, làn da, đôi môi, dáng mũi.
  • Trường từ vựng Trường học: học sinh, sách vở, sân trường, lớp học, giờ ra chơi,…

Bài 2: Từ tượng hình, từ tượng thanh

Khái niệm: Từ tượng hình là những từ gợi tả về dáng vẻ, trạng thái, hình ảnh của sự vật, sự việc, hiện tượng trong cuộc sống.

Ví dụ: Đủng đỉnh, thướt tha, chót vót, run rẩy, xanh xao,…..

Khái niệm: Từ tượng thanh là những từ gợi tả âm thanh của thiên nhiên hoặc của con người.

Ví dụ: róc rách, thì thầm, ríu rít, khàn khàn, lảnh lót,….

Sử dụng: Khi sử dụng từ tượng thanh, tượng hình, những âm thanh, hình ảnh được thể hiện rõ ràng, cụ thể và sinh động. Bài viết trở nên hấp dẫn, đạt được giá trị biểu cảm cao. Từ tượng thanh, tượng hình được sử dụng nhiều trong những bài văn tự sự và miêu tả.

Bài 3: Từ địa phương và biệt ngữ xã hội

Khái niệm: Từ ngữ địa phương là những từ ngữ chỉ được sử dụng ở một hoặc một vài địa phương nhất định. Ví dụ: bắp, bẹ để nói về ngô, con heo để nói về con lợn, má, u, bầm để nói về mẹ…

Ví dụ: từ ngữ một vài địa phương:

  • Từ ngữ địa phương Bắc bộ: u, thầy, bầm, …
  • Từ ngữ địa phương ở Huế: chừ, mô, tê, răng,…
  • Từ ngữ địa phương Thanh Hóa: mạ, bọ,…

Khái niệm: Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ chỉ được sử dụng trong một tầng lớp xã hội nhất định.

Ví dụ:

– Đối với giáo viên: cháy giáo án (dạy hết giờ nhưng vẫn chưa hết nội dung bài học), ướt giáo án (dạy hết nội dung bài học nhưng vẫn chưa hết giờ);

– Đối với học sinh: con ngỗng (điểm 0), gậy (điểm 1)…

– Những tầng lớp khác: hàng trắng (ma túy), phượt (du lịch mạo hiểm), phắng (đi ngay),

* Lưu ý:

– Trong giao tiếp, cần hạn chế sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội. Nói cách khác, từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội chỉ được sử dụng trong những trường hợp nhất định, tránh tình trang lạm dụng, sử dụng đại trà.

– Trong các tác phẩm văn học, các nhà thơ, nhà văn thường sử dụng các từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội để nhấn mạnh màu sắc phong cách đồng thời thể hiện được tính địa phương, đặc điểm ngôn ngữ và tính cách của nhân vật.

Bài 4: Nói quá

Khái niệm: Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm (VD : Nhanh như cắt)

Tác dụng: Sử dụng biện pháp nói quá, người viết muốn nhấn mạnh đến nội dung được đề cập, qua đó tạo ấn tượng và tặng giá trị biểu cảm cho bài viết.

Ví dụ:

– “Bạn ấy chạy nhanh” sẽ không đạt được giá trị biểu cảm bằng “Bạn ấy chạy nhanh như cắt”

Bài 5: Nói giảm nói tránh

Khái niệm: Khi giao tiếp, trong một số trường hợp đặc biệt, người nói, người viết cần diễn đạt một cách tế nhị để tránh gây cảm giác đau buồn, nặng nề, thiếu lịch sử hoặc nhằm một ngụ ý nào khác, khi đó, người nói, người viết cần sử dụng biện pháp tu từ: nói giảm nói tránh.

Ví dụ nói giảm: thay vì chê bai người khác bằng câu: “Cậu ấy học rất tệ”, chúng ta nên sử dụng câu: “Cậu ấy không học giỏi lắm”.

Ví dụ nói tránh: để tránh nói đến cái chết, người ta thường nói tránh đi: khuất núi, băng hà, hi sinh, qua đời, yên nghỉ,….

Bài 6: Trợ từ , thán từ

Khái niệm: Trợ từ là những từ đi kèm cũng với những từ ngữ khác trong câu nhằm nhấn mạnh hoặc thể hiện thái độ về sự vật, sự việc, hiện tượng được nói đến trong câu được gọi là trợ từ: những, chính, đích, có, rằng, vì, ngay,…

Ví dụ : Long đến ba giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi vừa rồi.

Khái niệm: Thán từ là những từ dùng để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của người nói, người viết được gọi là thán từ. Thán từ có hai loại là thán từ bộc lộ tình cảm (ôi, than ôi!, trời ơi,…) và thán từ gọi đáp (ơi, vâng, ạ…).

Thán từ thường được đặt ở đầu câu, đôi khi được tách ra thành câu đặt biệt.

Ví dụ:

+ “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?” → Thán từ “than ôi” bộc lộ cảm xúc, được đặt thành câu đặc biệt.

+ Bố ơi! Hôm nay mình có đi công viên không bố? → thán từ “ơi” dùng để gọi đáp.

Bài 7: Tính thái từ

Khái niệm: Tình thái từ là những từ được bổ sung vào trong câu để thể hiện sắc thái tình cảm trong câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán thì được gọi là tình thái từ.

Tình thái từ được chia làm 4 loại tương ứng với các chức năng như sau:

+ Tình thái từ nghi vấn: ư, hử, sao, à, hả, chứ…

VD: Anh không đến lớp sao?

+ Tình thái từ cầu khiến: nào, với, nhé, đi,…

VD:  Chúng ta đi thôi nào!

+ Tình thái từ cảm thán: thay, làm sao, sao…

VD: Con bé tội nghiệp làm sao!

+ Tình thái từ biểu thị tình cảm cảm xúc: lắm, nhé, à, mà, quá…

VD: Mình thích món quà ấy lắm!

* Lưu ýTrong giao tiếp, cần sử dụng tình thái từ để biểu thị sắc thái cảm xúc được cụ thể, rõ ràng và sinh động. Tuy nhiên, trong quá trình giao tiếp cần phải chú ý đến đối tượng giao tiếp (giới tính, tuổi tác, vai vế, thứ bậc xã hội) để sử dụng có hiệu quả.

Bài 8: Câu ghép

Khái niệm: Câu ghép là câu do hai hoặc nhiều cụm chủ vị không bao chứa nhau tạo thành. Mỗi cụm chủ vị  là một vế câu.

Ví dụ:  Lan không những học giỏi mà còn hát rất hay

* Có hai cách để nối các vế câu trong câu ghép:

+ Cách 1: sử dụng từ có tác dụng nối:

  • Nối các vế câu bằng một quan hệ từ: Gió thổi và mây bay.
  • Nối các vế câu bằng một cặp quan hệ từ: Nếu gió thổi thì mây bay.
  • Nối các vế câu bằng cặp từ hô ứng: Gió càng thổi mạnh mây càng bay nhanh.

+ Cách 2: không dùng từ nối mà sử dụng dấu phẩy, chấm phẩy, hai chấm để phân cách các vế câu: Gió thổi, mây bay

* Các vế của câu ghép có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về ý nghĩa.

Cụ thể:

+ Quan hệ nguyên nhân (vì … nên…) : Vì anh ấy không đến nên buổi tiệc không diễn ra.

+ Quan hệ điều kiện – giả thiết (nếu … thì…): Nếu anh ấy đến thì mọi thứ sẽ tuyệt vời lắm.

+ Quan hệ tương phản (tuy… nhưng…): Tuy rằng đang là mùa hè nhưng cây cối xanh mướt như xuân.

+ Quan hệ tăng tiến (càng….càng…): Cha mẹ càng cực nhọc tôi càng phải cố gắng nhiều hơn.

+ Quan hệ lựa chọn (hay; hoặc): Tôi sẽ tiếp tục hay tôi phải quay về.

+ Quan hệ bổ sung (không những … mà còn…):  An không những là một học sinh giỏi mà bạn ấy còn là một người con hiếu thảo.

+ Quan hệ tiếp nối (vừa…cũng….): Tôi vừa đến, anh ấy cũng đi. Tôi vừa về tới nhà, con mưa cũng vừa tạnh.

+ Quan hệ đồng thời (vừa…vừa….): Cô ấy vừa nói vừa nhìn theo, ánh mắt nhạt dần.

+ Quan hệ giải thích (bởi, bởi vì, do,… khiến cho,…). VD1: Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. VD2: Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sông, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.

Như vậy, ta có thể thấy, các quan hệ giữa các vế câu thường được đánh dấu bằng những quan hệ từ, những cặp từ hô ứng nhất định. Tuy nhiên, cần phải đặt những câu ấy trong văn cảnh, hoàn cảnh giao tiếp để hiểu rõ được chính xác nội dung.

Bài 9: Dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép, dấu hai chấm

* Dấu ngoặc đơn:

– Dấu ngoặc đơn dùng để đánh dấu phần chú thích : giải thích, thuyết minh, bổ sung.

Ví dụ: Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí), là một nhà văn xuất sắc, có đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển củ nền văn học Việt Nam thế kỉ 20.

– Nếu bỏ phần trong dấu ngoặc đơn thì ý nghĩa cơ bản không thay đổi.

* Dấu ngoặc kép:

Dấu ngoặc kép được sử dụng trong những trường hợp sau:

– Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn được dẫn trực tiếp.

Ví dụ: Nói về tình yêu quê hương, dân gian đã có những câu ca dao mượt mà, đầm thấm:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muốn, nhớ cà dầm tương”

– Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt, có hàm ý mỉa mai.

Ví dụ: Nghe những lời lẽ của ông ta, ai cũng cảm thấy ông ta quả là người “có học” như chính ông ấy vẫn thường hay khoe khoang.

– Đánh dấu tên tác phẩm, tờ báo, tạp chí, tập san… đã dẫn trong câu văn.

Ví dụ: Truyện ngắn “Người thầy đầu tiên” là một trong những sáng tác của Ai-ma-tốp.

* Dấu hai chấm:

– Dấu hai chấm báo trước lời đối thoại:

Ví dụ:

Ông Giáo nhỏ nhẹ:

– Cụ ngồi xuống đây, đợi nồi khoai chín tôi và cụ vừa ăn vừa uống nước chè.

– Dấu hai chấm báo trước lời dẫn trực tiếp:

Ví dụ:

– Tục ngữ có câu: “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

– Dấu hai chấm báo trước sự xuất hiện của phần giải thích:

Ví dụ:

– Cảnh vậy chung quanh tôi dường như đang thoi đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hom nay tôi đi học.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.