»» Nội dung bài viết:
Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm giải thoát cho A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài
- Mở bài:
– Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, nhân vật
– Giới thiệu nhân vật Mị: Mị là nhân vật chính, linh hồn của tác phẩm góp phần quan trọng làm nên giá trị hiện thực, nhân đạo của thiên truyện và thể hiện tài năng phân tích tâm lí đặc sắc của Tô Hoài. Tài năng đó được bộc lộ một cách khá sinh động ở đoạn nhà văn mô tả quá trình diễn biến tâm lí và hành động của Mị trong đêm cưởi trói cho A Phủ.
- Thân bài:
1. Thời điểm trước lúc cắt dây trói cho A Phủ:
– Lúc đầu, Mị như thờ ơ, Mị không nói lời nào, tuy từng biết A Phủ trong cuộc “xử kiện”. Khi thấy A Phủ bị hành hạ lần thứ hai (bị trói đứng) vì để hổ ăn thịt mất một con bò, tuy ghét kẻ độc ác (Pá Tra) và thương A Phủ nhưng Mị vẫn lặng lẽ. “Chỉ chợp mắt được từng lúc, Mị lại thức thổi lửa suốt đêm… Mấy đêm nay như thế, Mị đều thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là xác chết đứng đấy cũng thế thôi”. Phải chăng, Mị là con người nhẫn tâm? Không. Vì tội các xảy ra như cơm bữa trong nhà thống lí Pá Tra đã làm cho tâm hồn Mị ít nhiều bị chai sạn.
– Dần dần, hình ảnh A Phủ bị trói đứng, bị rét, bị đói, có thể chết đã làm cho Mị không yên lòng, không đành lòng. Thời gian trôi đi, nỗi đau thể xác của A Phủ càng nặng, hình như càng làm cho tình thương của Mị với A Phủ cũng tăng lên. Nhưng đêm nay, “dưới ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai con mắt A Phủ vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” vì đau khổ và tuyệt vọng của A Phủ. Chính dòng nước mắt “lấp lánh” kia đã chạm được đến đáy sâu chứa tình người bị chôn vùi trong Mị. Nó làm cho Mị nhớ lại nỗi tuyệt vọng của mình ngày trước bị A Sử trói “Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được” và nghĩ đến người đàn bà bị Pá Tra trói đến chết.
2. Hành động, tâm trạng của Mị khi cắt dây trói, giải thoát cho A Phủ
– Từ chỗ thương mình, tâm hồn Mị dấy lên niềm cảm thông sâu sắc với những con người cùng chung cảnh ngộ. Mị như nhìn thấy trước cái điều gì sẽ chờ đón A Phủ trong những ngày sắp tới “cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết… Người kia việc gì mà phải chết thế?”
– Mị nhớ lại đời mình, Mị tưởng tượng nếu A Phủ trốn được, Pá Tra sẽ bảo Mị cởi trói cho nó và sẽ chết ngay trên cọc trói. Nghĩ thế, nhưng tình thương đã lấn át tất cả “làm sao Mị cũng không thấy sợ”. Mị sẵn sàng thế mạng cho A Phủ. Giây phút quyết định ấy là giây phút đẹp nhất trong cuộc đời Mị, nó biến Mị thành con người cao thượng. Mị đã đi đến một hành động táo bạo: “Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây…”
3. Hành động, tâm trạng Mị sau khi cắt dây trói cho A Phủ:
– A Phủ được cởi trói thì Mị lại “hốt hoảng”. Mị chỉ thì thào nói với A Phủ cũng như tự nói với mình “Đi ngay!” rồi Mị nghẹn lại, A Phủ khuỵu xuống. Nhưng trước cái chết đang ập đến, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy. Mị đứng lặng trong bóng tối. “Rồi Mị cũng vụt chạy ra”… “Mị vẫn băng đi”. Đuổi kịp A Phủ, Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt “A Phủ cho tôi đi … ở đây thì chết mất”.
– Thế là “Hai người lẳng lặng đỡ nhau lao xuống dốc núi” trốn khỏi Hồng Ngài, đến Phiềng Sa để tìm lẽ sống, làm lại cuộc đời.
- Kết luận:
Diễn biến tâm lí của Mị được Tô Hoài mô tả rất hợp lí, logic, hiện thực và sinh động làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Với truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã rất thành công khi lựa chọn và phản ánh đời sống của con người miền núi một cách chân thực và sâu sắc. Bước tiến của Tô Hoài là đã hướng con người đến với ánh sáng của cách mạng sau khi đã tự giải thoát mình ra khỏi sự kìm kẹp của chế độ thực dân phong kiến khắc nghiệt và tàn bạo. Họ tự giác, tự nguyện gắn cuộc đời mình với cách mạng và quay trở lại giải phóng những người khác. Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm giải thoát cho A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài là một minh chứng sinh động, thuyết phục và đầy tính nhân văn.
- Thân bài:
Tô Hoài đã xây dựng một không gian phù hợp, có ý nghĩa tạo điều kiện thuận lợi để nhân vật hành động. Đấy làm một đêm đông “dài và buồn” khi A Phủ bị trói chặt nơi chiếc cọc định mệnh và trong tình trạng cận kề cái chết. Hằng đêm, như thường lệ, Mị dậy sớm để được sưởi lửa, được trò chuyện, tâm tình, sẻ chia nỗi niềm với ngọn lửa. Qua ánh lửa bếp, thấy mắt A Phủ trừng trừng, mới biết anh ta còn sống. Mấy đêm nay vẫn thế, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay “nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Mị hờ hững với tha nhân, lạnh lùng với số phận đồng loại, vô cảm với nỗi đớn đau phận người.
Bởi lẽ, chuyện một người trói đứng là chuyện quen thuộc, rất đỗi bình thường đối với gia đình này. Chính Mị cũng đã từng là nạn nhân trải nghiệm thực trạng tàn khốc phi nhân tính đó. Mị thấm đẫm nỗi khổ của cực hình đó. Hơn nữa, nỗi đau của đời Mị quá lớn, như trái núi đang đè lên nặng trĩu. Mị đâu còn khả năng quan tâm, để ý đến người khác. Mị lại chìm sâu trong trạng thái lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm.
Thế rồi, một đêm khuya nữa lại đến, Mị trở dậy thổi lửa hơ tay. Ngọn lửa bập bùng sáng lên “Mị lé mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã đen xám lại”. Đấy là dòng nước mắt hiếm hoi của một gã đàn ông can trường, giàu nghị lực và đặc biệt chưa từng biết khóc. Đấy là dòng nước mắt nỗi niềm, kí thác nhiều thông điệp, Nó vừa thể hiện sự tuyệt vọng, vừa khẩn thiết van xin, cầu cứu. Và thật sự, đôi dòng nước mắt của A Phủ đã khêu lên nỗi đau năm trước, khi Mị bị trói “nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ,không biết lau đi được”. Nó gợi nhắc câu chuyện bi thương về cái chết của người đàn bà thân phận mỏng ngày trước. Nó đánh thức trong Mị những suy nghĩa và nhận thức hết sức mới mẻ mà trước đó chưa từng có.
Giờ đây, qua dòng nước mắt của người khác, Mị nhận diện rõ hơn cái tàn ác, hung bạo mà người nhà của đại gia đình thống lí Pá Tra gây ra. Mị nhận diện rõ hơn cái tàn ác, hung bạo mà người nhà của đại gia đình thống lí Pá Tra gây ra. Bằng tất cả nỗi đớn đau và niềm cảm thông, xót xa cho nạn nhân đang gánh chịu cực hình ngoài kia, Mị kết luận: Chúng nó thật độc ác. Mị cũng thấy được cái chết gần kề nơi con người A Phủ “cơ chừng này, chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau đớn, chết đói, chết rét, phải chết”. Mị muốn cứu A Phủ, giải thoát cho kẻ bất hạnh, nhưng rồi ám ảnh về cái chết thay người “biết đâu, A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy”. Nghĩ thế, Mị trở nên sợ hãi, run người…
Và rồi, tình yêu thương con người thức dậy, Mị lại quên chính bản thân minh (như ngày xưa Mị đã quên mình để cứu bố thoát khỏi kiếp nạn nợ nần nơi nhà thống lí). Cô dũng mãnh: “rút con dao nhở cắt lúa, cắt nút dây mây”, giải thoát cho A Phủ khỏi lưỡi hái của tử thần. Đây là khoảnh khắc thiêng liêng, giây phút tuyệt đẹp của đời Mị (đã hai lần bừng sáng trong cuộc đời: vâng lời cứu bố, tự phát cứu A Phủ). Hành động đẹp ấy xuất hiện từ lòng trắc ẩn, yêu thương đồng loại. Là sự phát huy cao độ “kĩ năng thể hiện sự cảm thông”, trong Mị bừng lên ý thức không chỉ sống cho riêng mình mà còn cho tha thân. Đây đích thực là một con người cao thượng, đậm chất nhân văn.
Khi A Phủ được giải thoát, còn lại mình Mị và bóng đêm, cô “đứng lặng trong bóng tối”. Giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, Mị như bừng tỉnh nhận ra bản thân đang ở trong một tình thế vô cùng ngặt nghèo. Mị hối thúc A Phủ “đi ngay…”, còn bản thân mình cũng nhanh nhạy “vụt chạy ra”. Bởi biết rằng “ở đây thì chết mất”. Mị băng mình lao đi, đuổi kịp A Phủ, nói thở trong gấp gáp “A Phủ cho tôi đi” và được A Phủ đồng ý: “đi với tôi”. Hnahf động của Mị chỉ đơn giản thể hiện một điều rằng Mị mong được sống, được tồn tại, được là chính mình dù chưa biết cuộc đời phía trước sẽ ra sao, hay đơn giản hơn là có chạy thoát khỏi Hồng Ngài được hay không.
Giờ đây, Mị can đảm thắng vượt thế lực huyền bí của thần quyền (con ma nhà thống lí), quên cả sức mạnh cường quyền (thế lực thống trị của cha con thống lí Pá Tra). Cô mạnh mẽ bứt mình ra khỏi “ngục tù”, của nhục nhằn khốn khổ. Hai người dìu nhau xuyên trong bóng đêm, cố vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết. Họ hướng về phía trước. Bên kia là thế giới của tự do, của tương lai ngày mai rực rỡ, huy hoàng. Tuy gian nan thử thách còn nhiều, nhưng tự do, tình yêu, hạnh phúc sẽ đến, chân trời xán lạn của cuộc đời, hồng thắm ánh bình minh. Phiềng Sa, một vùng đất mới, sự sống mới. Nơi đây, đã không phụ công sức và ước mong của họ. Cả hai trở thành những con người ưu tú của cách mạng và nhanh chóng đi đầu trong phong trào du kích.
- Kết bài:
Tô Hoài đã không hề tô vẽ hay lí tưởng hóa nhân vật trong tình huống này. Nhà văn cứ để nhân vật hành động tự nhiên và tìm cách thấu hiểu, lí giải nó. Nhân vật Mị sống và hành động bằng chính sức sống của mình. Cô dám chấp nhận nghịch cảnh, xuyên qua nó để rồi chiến thắng và khẳng định mình. Bởi thế, Mị một đời lam lũ, nhưng hình hài, thể xác không đến nổi kiệt quệ thê thảm, lưng còng rạp xuống như người chị dâu cam chịu tội nghiệp. Mị một đời bị coi rẻ, khinh khi nhưng Mị không để phận mình tan biến đi như người đàn bà làm dâu chết trói ngày trước. Mị vẫn là Mị, “qua bĩ cực lại thái lai”. Mị hiện hữu, dám đối mặt với nghịch cảnh và chiến thắng, làm chủ đời mình. Đó là thành công lớn nhất của nhà văn Tô Hoài khi xây dựng hình ảnh con người mới, con người của thời đại cách mạng, được soi sáng dẫn bước họ đến tương lai bằng chính sức mạnh vốn có của họ.
- Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài
- Phân tích số phận bất hạnh, khổ đau và sức mạnh phản kháng của nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Bài tham khảo:
Cảm nghĩ về nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói giải thoát cho A Phủ
- Mở bài:
“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn xuất sắc nhất trong tập truyện Tây bắc, kết quả của chuyến thực tế lên vùng Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài. Qua cuộc đời và số phận đau thương, tủi nhục của nhân vậ Mị và A phủ, “Vợ chồng A Phủ” đặt ra vấn đề số phận con người – những con người dưới đáy của xã hội – những con người bị tước đoạt hết tài sản, bị bốc lột sức lao động và bị xúc phạm nặng nề về nhân phẩm. Giải quyết vấn đề số phận con người, Tô Hoài đã thức tỉnh họ, đưa họ đến với cách mạng và cho họ một cuộc sống mới.
- Thân bài:
Mị là cô gái trẻ đẹp, giàu tài năng của núi rừng Tây Bắc. Vì món nợ cho vay nặng lãi của cha mẹ, Mị buộc phải làm con dâu gạt nợ trong nhà thống lý. Cuộc sống thống khổ của chốn địa ngục trần gian khiến Mị chai sạn, vô cảm. Đêm tình mùa xuân năm ấy, sức sống trỗi dậy, Mị uống rượu, thổi sáo, nhận thức được tuổi trẻ. Mị thèm đi theo những cuộc chơi những đám chơi. Nhưng A Sử đã chặn đứng khát vọng đó của Mị bằng một thúng sợi đay, hắn trói Mị vào cột. Mị không cảm thấy bị trói, tâm hồn Mị vẫn đi theo tiếng gọi đêm tình. Chính sức sống đêm tình năm ấy đã tạo điều kiện cho sự bừng tỉnh nhận thức và cháy bùng lên ngọn lửa giải thoát cho A Phủ sau này. Vì để hổ bắt mất một con bò nên A Phủ phải chịu trói, chờ chết. Cha con nhà thống lí đã trói A Phủ vào cột. A Phủ đang rơi vào tình trạng: chết đau, chết đói, chết rét, phải chết.
Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở lại với kiếp sống chai sạn, băng giá, tê liệt về cả thể xác lẫn tinh thần. Những gì xảy ra xung quanh, Mị không cần biết, không đoái hoài, không quan tâm. Tâm hồn Mị như tê dại trước mọi chuyện. Kể cả lúc ra sưởi lửa, bị: “A Sử đánh ngã xuống cửa bếp, hôm sau Mị vẫn thản nhiên ra sưởi lửa như đêm trước”.
Mị vô cảm với chính bản thân mình, không còn cảm nhận được nỗi đau đớn của thể xác, không còn cảm nhận được sự nhục nhã về tinh thần. Thể xác bị chà đạp, tinh thần bị lăng nhục, nhưng Mị vẫn dửng dưng, không tức giận, tủi hờn hay sợ hãi. Khi Mị vô cảm với chính mình cũng là lúc mà Mị chẳng còn thiết tha đến mọi thứ xung quanh.
Mị vô cảm luôn với cả đồng loại của mình:“nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Các từ ngữ “thản nhiên”, “cũng thế thôi” cho thấy sự thản nhiên, vô tâm đến lạnh lùng, vô cảm đến tàn nhẫn của Mị. Đắng cay cho Mị – cô đã đánh mất luôn cả tình thương, lòng nhân ái mà bất cứ ở người phụ nữ nào cũng có. Mị chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa. Lửa cũng cô đơn, Mị cũng cô đơn. Hai kẻ cô đơn ấy thức sưởi ấm cho nhau trong những đêm đông dài lạnh lẽo.
“Khi tình thương chạm vào trái tim thì cho dù sỏi đá cũng thành châu lệ”. Dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức và làm hồi sinh lòng thương người trong Mị. Chính nhờ ngọn lửa đêm ấy, Mị lé mắt trông sang và nhìn thấy: “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ. Dòng nước mắt ấy là nước mắt của kẻ đang hấp hối, nước mắt của một thân phận nô lệ đang bất lực, tủi nhục trước số phận. Nước mắt A Phủ không chỉ chảy xuống đôi gò má xám đen của anh mà còn chảy vào cả trái tim băng giá của Mị. Trái tim vốn chỉ còn biết giá băng lại được dòng nước mắt ấy của A Phủ chạm đến. Và giọt nước mắt ấy đã làm tan đi giá băng của trái tim Mị, đập vỡ bức tường vô hình cầm tù trái tim Mị; đã thức dậy trong Mị lòng thương người cùng cảnh ngộ.
Khi lòng thương người trỗi dậy, là lúc trái tim Mị quặn đau khi “trông người lại ngẫm đến mình”. Mị chợt “nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được”. Nhà văn không nói đến nỗi đau đớn về thể xác của A Phủ, không nói đến nỗi tủi nhục của A Phủ nhưng tất cả điều đó lại hiện lên tất cả qua suy nghĩ của Mị. Mị đã cảm nhận nỗi đau của A Phủ bằng chính nỗi đau của mình.
Mị thốt lên “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”. Mị nhận ra giá trị của con người, giá trị được sống nhưng lại bị bắt chết. Từ nhận thức về thân phận con người, Mị nguyền rủa cha con nhà thống lí “Chúng nó thật độc ác”. Khi một kẻ đang trong tình trạng mất hết ý thức lại nhận ra nguyên nhân của cái khổ mà mình gánh chịu thì đúng là một cuộc lội ngược dòng của ý thức. Chắc chắn, ý thức này sẽ trỗi dậy, sẽ phản kháng mãnh liệt chứ không dừng lại ở đây.
Từ cảnh ngộ của mình và những người đàn bà bị hành hạ ngày trước, đến cảnh đau đớn và bất lực của A Phủ trước mắt, Mị nhận thấy “chúng nó thật độc ác”, thấy “người kia việc gì mà phải chết”. Đó là sự nhận thức mang tính lý trí chứ không phải là cảm tính nữa. Mị độc thoại với chính mình: “Cơ chừng này thì chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây mà thôi… Người kia việc gì phải chết?”
Đoạn văn có sự điệp đi điệp lại một loạt từ “chết” như chính nỗi ám ảnh của Mị về cái chết. Và đặt mình cùng A Phủ lên bàn cân của số phận. Mị thấy, Mị có chết cũng là tất yếu vì “Ta là thân đàn bà”; “Nó đã bắt ta về cúng trình ma nhà nó rồi thì đợi ngày rũ xương ở đây thôi”. Nghĩ đến A Phủ, Mị thấy phi lí “người kia việc gì mà phải chết”. Trong suy nghĩ ấy, Mị đã nghiêng hết phần sống của mình cho A Phủ. Đó là tấm lòng nhân ái bao la của cô gái vùng cao Tây Bắc. Mị trân trọng giá trị con người, mạng sống con người. Lòng thương người thức dậy trong Mị và đang hình thành hành động.
Mị tưởng tượng rằng: “như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy”. Nếu như ngày trước Mị đã từng sợ chết thì bây giờ cái chết với Mị không còn là điều đáng sợ nữa. Điều gì đã làm cho Mị không sợ hãi? Phải chăng đó là lúc: Lòng thương người trong Mị đã lớn hơn tất cả mọi nỗi sợ hãi. Tình thương ấy khiến cô đi đến hành động cởi trói cho A Phủ: “Mị lấy con dao chấu nhỏ, cắt từng nút dây mây”. Cuối cùng thì Mị đã cởi trói cho A Phủ. Nhưng hành động cởi trói ấy cũng là hành động mà Mị tự giải thoát cho chính mình. Đây cũng là sự tất yếu của quá trình đấu tranh tâm lý.
Đối mặt với hiểm nguy Mị cũng hốt hoảng “Mị đứng lặng trong bóng tối”. Câu văn tách thành một dòng riêng nằm chơi vơi ở giữa những câu chữ ngổn ngang. Theo “nguyên lý tảng băng trôi” – hình ảnh Mị đứng lặng chỉ là phần nổi còn ẩn sau những câu chữ và hành động ấy của Mị là cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội: sống hay là chết; tự do hay nô lệ; đi hay ở ? Cuối cùng tiếng gọi tự do đã vẫy gọi Mị.
Trong giây phút đối diện với bản án tử hình ấy lòng ham sống mãnh liệt đã thúc giục Mị chạy theo A Phủ. Đoạn văn tiếp theo miêu tả hành động Mị toàn những động từ mạnh: “vụt chạy – băng đi – đuổi kịp – đã lăn – chạy – chạy xuống – nói – thở”. Những động từ mạnh ấy đã giúp Tô Hoài nhìn thấy được nội lực và sức phản kháng mạnh mẽ cháy bùng trong Mị. “Một tia lửa nhỏ hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai” (Lỗ Tấn) – nếu đêm tình mùa xuân là “tia lửa nhỏ” thì hành động chạy theo A Phủ của Mị thực sự đã trở thành “đám cháy”.
Cuối cùng Mị đã có sự lựa chọn đúng đắn khi mà khát vọng sống trỗi dậy thật mãnh liệt, Mị vụt chạy theo A Phủ, cũng có nghĩa là chạy thoát cuộc đời nô lệ, đến với ánh sáng của tự do. Bước chân Mị như đạp đổ thần quyền của bọn lãnh chúa phong kiến bao năm qua đè nặng lên Mị. Mị đã nói trong cơn gió thốc “A Phủ cho tôi đi! Ở đây thì chết mất”. Đó là câu nói thể hiện lòng ham sống, khát vọng tự do đến mãnh liệt trong Mị. Sau bao nhiêu năm bị thần quyền, cường quyền đè nặng làm Mị dường như quên đi tiếng nói của đồng loại thì nay Mị đã sống lại. Và câu nói đầu tiên Mị nói được cũng lại là câu nói đòi tự do, đòi được sống.
Từ trạng thái vô cảm, Mị đã đồng cảm với nỗi đau thân phận của A Phủ. Đây là sự chuyển biến lớn trong tâm lý của Mị dẫn đến thay đổi cục diện của tác phẩm. Qua sự thay đổi này Tô Hoài đã khẳng định được chân lý: “sức mạnh lớn nhất mà nhân loại có được chính là lòng yêu thương con người”. Từ đồng cảm, Mị đã đi đến hành động táo bạo, quyết liệt – “cởi trói cho A Phủ”. Đây không phải là hành động mang tính bản năng. Đúng hơn, cùng với sự trỗi dậy của ký ức, khát vọng sống tự do, đã khiến Mị chạy theo người mà mình vừa cứu. Mị giải thoát cho A Phủ và giải thoát cho cả bản thân mình! Hành động táo bạo và bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái yếu ớt dám chống lại cả cường quyền và thần quyền. Đó chính là sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật và cũng là sự mở đường của nhà văn đưa nhân vật tới chân trời mới.
“Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” (Nguyễn Minh Châu). Với hình tượng nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy khi mang đến cho người đọc một hình tượng nghệ thuật với biết bao vẻ đẹp – nhất là sức sống tiềm tàng mãnh liệt mà không thế lực nào có thể dập tắt được.
Nhà văn đặt niềm tin vào con người, vào sức vươn dậy của nhân vật Mị. Nếu bức chân dung của những người nông dân trước cách mạng mà ta bắt gặp đâu đó như ở Chí Phèo, lão Hạc, anh Pha, chị Dậu,… tất cả đều bị dồn vào bước đường cùng. Những bức chân dung kia hoàn toàn thiếu ánh sáng của Đảng của cách mạng chiếu rọi, thì nhà văn Tô Hoài lại phản chiếu vào nhân vật của mình ánh sáng của cách mạng và ý thức của thời đại. Nhà văn đã bước qua được những giới hạn của dòng văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng để giải phóng số phận nhân vật.
Mặt khác, việc Mị cởi trói cho A Phủ có thể coi như một chiếc bản lề khép mở hai thế giới. Nó khép lại thế giới tăm tối của cuộc sống trâu ngựa, nô lệ ở Hồng Ngài. Nó mở ra một cuộc sống tươi sáng ở Phiềng Sa. Hành động Mị cởi trói cho A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài đến với tiếng gọi của Cách mạng là một mốc son chói lọi trong tư tưởng nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của Tô Hoài nói riêng và của các nhà văn sau cách mạng nói chung. Như vậy tiếng kêu cứu của Nam Cao trước cách mạng đã được Tô Hoài hồi đáp bằng cách giải phóng cho số phận con người, hướng con người đến ánh sáng của tự do.
Thành công của Tô Hoài trong việc xây dựng nhân vật Mị đó là: Nhà văn có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo nhất là những diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ. Nghệ thuật trần thuật uyển chuyển, linh hoạt; cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, tự nhiên đầy ấn tượng; kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo. Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ…nhà văn đã tạo tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn; cách miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tài tình, hợp lí tạo nên sự thay đổi số phận nhân vật một cách thuyết phục.
- Kết bài:
Nhân vật Mị là linh hồn là hơi thở của tác phẩm. Xây dựng nhân vật Mị là một thành công đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ, Tô Hoài đã khẳng định sức sống tiềm tàng mãnh liệt và khát vọng tự do của nhân dân lao động Tây Bắc dưới sự thống trị của bọn lãnh chúa thổ ty miền núi. Có nhà phê bình đã cho rằng: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại. Chỉ riêng mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”. Đúng vậy, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị và giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Tô Hoài cũng đã làm nên sức sống trường tồn, vĩnh cửu của tác phẩm “Vợ Chồng A Phủ”.
- Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong “Vợ chồng A Phủ”
- Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”
- Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
- Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
- Phân tích số phận bất hạnh, khổ đau và sức mạnh phản kháng của nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”
- Phân tích bộ mặt bất nhân, tàn ác của giai cấp thống trị miền núi và sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị trong truyện “Vợ chồng A Phủ” của Tô hoài