cam-nhan-ve-buc-tranh-tu-tinh-trong-bai-tho-viet-bac

Phân tích đoạn thơ: Mình đi, có nhớ những ngày… Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa (trích Việt Bắc của Tố Hữu

Phân tích đoạn thơ sau:

(…)

– Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa? 

(…)

(Việt Bắc, Tố Hữu)

Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài :

Bài thơ Việt Bắc là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác thơ của Tố Hữu nói riêng, của thơ kháng chiến chống Pháp nói chung.Có thế nói, Việt Bắc là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca,thế hiện ân tình sâu nặng, thủy chung của nhà thơ đối với căn cứ địa Cách Mạng cả nước. Điều này càng được khắc họa rõ nét hơn trong đoạn thơ:

“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
………………..
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa”.

  • Thân bài:

Việt Bắc là một địa danh – là cái nôi của cách mạng Việt Nam tiền khởi nghĩa, là cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây lưu giữ nhiều kỉ niệm giữa cán bộ cách mạng và đồng bào trong những ngày kháng chiến trường kì gian khổ. Qua cuộc chia tay đầy lưu luyến người đi kẻ ở, Tố Hữu đã thể hiện thành công nỗi nhớ chiến khu, khẳng định lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ về xuôi đối với đồng bào Việt Bắc cùng lời hứa nghĩa tình thủy chung, son sắt.

Bốn câu đầu: người Việt Bắc hỏi người về xuôi.

“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai”.

Bốn câu thơ gợi nhắc đến những kỷ niệm kháng chiến gian khổ. Điệp từ “nhớ” được lặp lại hai lần cùng với hai câu hỏi tu từ “có nhớ những ngày”, “có nhớ chiến khu” đã khơi gợi những kỷ niệm gian khổ nhưng nghĩa tình: Mình còn nhớ hay không những ngày sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt?

Liệt kê các hình ảnh: “Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù” – chỉ thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt dữ dội. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ để chỉ cảnh “ăn tuyết nằm sương”, “nếm mật nằm gai” mà cán bộ và nhân dân phải chịu đựng. Qua đó khẳng định quyết tâm cao độ của cán bộ và nhân dân.

Mình còn nhớ hay không những cảnh sinh hoạt thiếu thốn nhưng tinh thần luôn lạc quan? Gian khổ vì thiếu thốn vật chất, ăn uống kham khổ: “miếng cơm chấm muối” – ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Chính sự gian khổ đã gắn kết ta và mình để chung vai đấu cật, có phúc cùng hưởng có hoạ cùng chia. Gạt đi những khó khăn “ta” và “mình” cùng gánh lên vai nhiệm vụ chung – nhiệm vụ giải phóng dân tộc mà nhân dân giao phó, đó là “mối thù nặng vai” – mối thù giặc Pháp đang đè nặng lên đôi vai. Ở đây, cái chung luôn đặt trên cái riêng, nghĩa vụ lớn hơn khó khăn gian khổ – đây chính là  tinh thần lớn của thời đại.

Bốn câu tiếp: người Việt Bắc tiếp tục hỏi người cán bộ.

“Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
“.

Người ở lại khơi gợi những kỷ niệm gắn bó với thiên nhiên và con người nặng nghĩa nặng tình. Người đi nhớ về thiên nhiên chan chứa nghĩa tình.

“Rừng núi nhớ ai” vừa là nghệ thuật hoán dụ, vừa là câu hỏi tu từ – gợi lên nỗi niềm bâng khuâng thương nhớ. Cách nói “Trám bùi để rụng măng mai để già” toát lên nỗi bùi ngùi thương nhớ. Cấu trúc câu “để rụng…để già” gợi lên hình ảnh thiên nhiên núi rừng buồn bã, hiu quạnh, trống vắng đến mênh mông vì thiếu vắng bóng dáng người cán bộ.

Hình ảnh “hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son” vừa ẩn dụ, vừa tương phản thể hiện dù cuộc sống nghèo nhưng tấm lòng vẫn thuỷ chung với cách mạng. Nỗi nhớ hướng  về “những nhà”, những con người Việt Bắc: “Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”. Câu thơ sử dụng phép đảo ngữ, đưa “hắt hiu” lên đầu câu tạo thành hai vế tương phản:

“Hắt hiu lau xám” còn để là để chỉ nỗi buồn trống vắng, hiu hắt của núi rừng; vừa có ý chỉ những ngôi nhà của những con người áo chàm dân dã, bình dị; cũng là ẩn dụ cho sự nghèo khổ của đồng bào Việt Bắc.

Vế sau nhấn mạnh phẩm chất người Việt Bắc: “đậm đà lòng son”. Đó là tấm lòng nhân dân thủy chung, đậm đà luôn hướng về Cách mạng; luôn hi sinh, nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội. Chính những công sức của Việt Bắc và tấm lòng son đậm đà ấy đã góp phần không nhỏ để làm nên chiến thắng Điện Biên “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” và“lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Bốn câu thơ cuối, Việt Bắc gợi nhắc những sự kiện lịch sử gắn liền với những địa danh, những tên gọi đã trở thành điểm mốc của chiến khu:

“Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa? 

Câu thơ có sự liệt kê hình ảnh “núi non”, liệt kê sự kiện “khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh” để nhắc nhở người về xuôi rằng: Việt Bắc là nơi có mặt trận Việt Minh lãnh đạo cách mạng đánh Pháp, đuổi Nhật, Việt Bắc là căn cứ quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc thời kì trước 1945.

Kết thúc đoạn thơ là một câu hỏi lạ: “Mình đi mình có nhớ mình”. Đây là một cách nói sâu sắc. Từ “mình” thứ nhất và thứ hai chỉ người cán bộ về xuôi, từ “mình” thứ ba chỉ người Việt Bắc. Giữa người Việt Bắc và cán bộ như đã có sự gắn bó mật thiết, hòa nhập, tuy hai mà một.

Hình ảnh liệt kê mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào chỉ hai địa danh gắn với hai sự kiện quan trọng trước cách mạng tháng Tám, nhằm khẳng định Việt Bắc chính là cái nôi cách mạng, là cội nguồn cách mạng.

Cả đoạn thơ có 7 chữ “mình” được lặp lại. Khi thì “mình đi”, “mình về” rồi lại “mình về”, “mình đi” rồi “mình đi mình lại nhớ”… tạo nên một giai điệu trữ tình luyến láy như khắc như chạm vào trong sâu thẳm tâm hồn người đi. Tác giả dùng từ “mình” kết hợp hai từ “đi – về” biến hóa, linh hoạt gợi ra một cuộc chia tay đầy lưu luyến. Điệp từ “có nhớ” là tâm tình người về với Việt Bắc.

Thể thơ lục bát với âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, vừa giàu chất tự sự, vừa giàu nhạc điệu ngọt ngào đằm thắm của ca dao góp phần diễn tả tình cảm tha thiết của Việt Bắc với cách mạng, của con người Việt Nam trong kháng chiến. Lối ngắt nhịp đều đặn 2/4; 4/4, trầm bổng ngân nga của thơ ca dao lục bát như nhịp ru em êm ái. Nghệ thuật đối, phát huy tác dụng rất lớn trong việc tô đậm cảnh và người. Nghệ thuật ẩn dụ làm tăng thêm khả năng liên tưởng của hình ảnh. Phép trùng điệp vừa tạo vẻ đẹp nhịp nhàng về âm thanh, vừa gợi những cảm xúc sâu xa

  • Kết bài :

Đoạn thơ trên không chỉ là nỗi lòng thương nhớ, là lời tâm tình của Việt Bắc. Mà nó còn tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: Giọng điệu thơ ngọt ngào truyền cảm, mang đậm phong vị ca dao dân gian. Đề cập đến con người và cuộc sống kháng chiến. Thông qua hình tượng Việt Bắc, Tố Hữu đã ca ngợi phẩm chất cách mạng cao đẹp của quân dân ta, khẳng định nghĩa tình thuỷ chung son sắt của Việt Bắc với người cán bộ kháng chiến.

Bài văn tham khảo:

Trong “Việt Bắc”, nhà thơ Tố Hữu viết:
– Mình đi có nhớ những ngày […]
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2019, Tr. 110)
Anh/ chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó nhận xét về lẽ sống tình nghĩa được thể hiện trong đoạn trích.

BÀI LÀM

  • Mở bài:

Những cuộc chia li bao giờ cũng khiến lòng người lòng người không khỏi ngậm ngùi thương nhớ. Những ngày tháng bên nhau sẽ chỉ còn là kỉ niệm. Những người ta từng yêu mến nay sẽ rời xa. Một sự trống trải sẽ bao trùm cảnh vật và cõi lòng. Cảm xúc ấy đã đi vào không biết bao nhiêu trang thơ, mà mỗi lần đọc đến, luôn khiến ta bồi hồi xúc động. “Việt Bắc” của Tố Hữu cũng được gợi cảm hứng từ một cuộc chia li, đó là cuộc chia li mang tính lịch sử giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ kháng chiến về xuôi, và cũng như bao cuộc chia li khác, nó để lại nỗi nhớ niềm thương cho cả người đi và kẻ ở. Người đi thì ngập ngừng lưu luyến, người ở lại thì trống vắng bơ vơ. Tuy vậy, có lẽ người ở lại bao giờ cũng buồn hơn, khi họ vừa phải tiếp tục sống trong cái không gian đầy kỉ niệm nhưng lại thiếu vắng những người đã từng gắn bó, lại vừa lo lắng không biết người ra đi, mai này nơi chân trời mới, có còn nhớ đến mình không. Chính vì tâm trạng ấy, mà ở mười hai câu thơ tiếp theo của đoạn trích “Việt Bắc”, người ở lại tiếp tục cất lời tâm sự, nhắc người đi về những kỉ niệm, với niềm hy vọng khôn nguôi rằng người đi sẽ luôn giữ lời thề hẹn, vững lòng son sắt thủy chung. Đây quả là một đoạn thơ mang nặng lẽ sống nghĩa tình:

“Mình đi có nhớ những ngày

(…)

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

  • Thân bài:

1. Khái quát tác giả, tác phẩm.

Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống. Tố Hữu có nhiều tập thơ với nhiều bài thơ có giá trị, trong đó đặc sắc nhất là bài thơ “Việt Bắc”. Tháng 10 năm 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Bài thơ bộc lộ tâm trạng đầy lưu luyến, xúc động của cán bộ kháng chiến và đồng bào Việt Bắc trong buổi chia tay. Chuyện ân tình cách mạng được tác giả khéo léo thể hiện như câu chuyện tình yêu đôi lứa. Nhà thơ hóa thân vào hai nhân vật trữ tình để bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình, cũng là của người tham gia kháng chiến.

2. Cảm nhận đoạn thơ.

Đoạn thơ có mười hai câu, sử dụng phép điệp, với sáu cặp có cấu trúc tương đồng. Các cặp cụm từ “Mình đi”, “mình về” – “có nhớ”, “còn nhớ” được lặp đi lặp lại, vừa là lời hỏi, vừa là lời nhắc nhở, vừa thể hiện một nỗi mong mỏi thiết tha, rằng người đi đừng bao giờ quên những kỉ niệm của một thời nghĩa tình sâu nặng.

Hai câu thơ đầu gợi nhắc những kỉ niệm về thiên nhiên Việt Bắc dữ dội khắc nghiệt mà người đi và kẻ ở đã cùng nhau nếm trải:

“Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù”

Câu thơ ngắn gọn nhưng đã tái hiện lại một cách đầy đủ những đặc trưng của thiên nhiên Việt Bắc: mưa, lũ, mây và mù. Đó là những trận mưa rừng xối xả, như nhấn chìm cả trong biển nước trắng xóa. Những cơn mưa gợi nhắc hình ảnh “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” mà Quang Dũng đã nói đến trong bài “Tây Tiến”. Đó là những con suối mùa lũ hung dữ, muốn cuốn phăng mọi vật cản mà nó gặp trên đường đi. Đó là những bản làng chon von quanh năm mây phủ. Đó là những màn sương dày đặc bao trùm cảnh vật, mang theo cái lạnh thấu xương. Người ở lại hy vọng người ra đi sẽ không bao giờ quên “những ngày” gian khổ ấy.

Hai câu thơ tiếp gợi nhắc kỉ niệm về những ngày ở chiến khu cách mạng:

“Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai ?”

Chiến khu Việt Bắc, còn được gọi là Khu giải phóng Việt Bắc, từng là căn cứ địa lớn nhất của cách mạng Việt Nam thời kỳ cao trào kháng Nhật cứu nước và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Gợi nhắc về chiến khu Việt Bắc là gợi nhớ về những ngày Cách mạng còn non trẻ.

Hai hình ảnh “miếng cơm chấm muối” và “mối thù nặng vai” tạo thành hai vế tiểu đối trong một câu thơ. “Miếng cơm chấm muối” là nói về những khó khăn thiếu thốn của quân dân ta trong buổi ban đầu. Tuy khó khăn thiếu thốn, nhưng nhiệm vụ mà quân dân ta phải gánh vác lại vô cùng nặng nề, vất vả. “Mối thù” là một khái niệm trừu tượng, nhưng đã được hữu hình hóa khi kết hợp với hình ảnh “nặng vai”, khiến ta dễ dàng hình dung về sự nặng nề vất vả ấy. Hai hình ảnh ấy cũng nhằm ca ngợi ý chí kiên cường, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để báo thù cho Tổ quốc.

Trong gian lao, người Việt Bắc đã kề vai sát cánh, đồng sức đồng lòng cùng cán bộ kháng chiến. Đó là những năm tháng dù vất vả nhưng sâu đậm nghĩa tình. Cho nên người ở lại mong người ra đi sẽ luôn khắc cốt ghi tâm về “những năm tháng không thể nào quên” ấy.

Ở bốn câu thơ tiếp, người ở lại gợi ra trong kí ức người đi hình ảnh về con người Việt Bắc:

“Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

Hai câu đầu nói về tấm lòng con người Việt Bắc giàu tình nặng nghĩa. Sự giàu tình nặng nghĩa ấy thể hiện ở nỗi thương nhớ khôn nguôi đối với người đi. Hình ảnh hoán dụ cộng nhân hóa “rừng núi nhớ” và đại từ phiếm chỉ “ai” vừa giúp ta hình dung về một nỗi nhớ thương bao trùm khắp không gian; vừa thể hiện một sự cô đơn đến ngơ ngác của người ở lại, như vẫn chưa thể tin rằng người cán bộ kháng chiến đã đi rồi. Nỗi nhớ thương thấm đẫm cảnh vật, làm cho cây cối cũng trĩu nặng nỗi niềm, trám thì rụng, măng thì già. Cũng có thể hiểu, vì quá nhớ thương, mà người Việt Bắc không thiết tha gì đến công việc, trám chín, măng già mà không có ai thu lượm. Những thứ vốn là sản vật của núi rừng, giờ dường như trở nên vô nghĩa khi không có người cùng chia sẻ, chung vui. Nó gợi ta nhớ đến nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa trong ca dao:

“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”

Hay:

“Nhớ ai lơ lửng đầu cầu
Lược thưa biếng chải, gương Tầu biếng soi”

Phải là những con người giàu tình nặng nghĩa, phải trải qua sự gắn bó bền chặt lâu dài, thì khi xa nhau mới nhớ nhung tha thiết đến vậy.

Hai câu thơ sau nói về tấm lòng của con người Việt Bắc son sắt thủy chung:

“Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

Hai hình ảnh “hắt hiu lau xám” và “đậm đà lòng son” làm thành hai vế tiểu đối vô cùng cân xứng, hài hòa: “hắt hiu” đối với “đậm đà”, “lau xám” đối với “lòng son”. Nếu hình ảnh “hắt hiu lau xám” cho ta hình dung về những mái nhà ở một bản làng heo hút, nơi những vùng đất hoang vu, nghèo khó; thì hình ảnh “đậm đà lòng son” lại để nói về sự giàu có tâm hồn. Họ là những con người luôn dạt dào tình cảm, một lòng một dạ trung thành, thủy chung với cách mạng, với kháng chiến, trước sau không hề thay đổi.

Ở bốn câu thơ cuối, người ở lại nhắc người ra đi nhớ về những kỉ niệm của thời kì cách mạng còn non trẻ:

“Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

Bằng biện pháp liệt kê, bốn câu thơ đã gợi lại trong lòng người đi những sự kiện quan trọng trong những ngày đầu cách mạng. Đó là sự kiện thành lập Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi tắt là mặt trận Việt Minh) vào năm 1941. Đó là sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân (tiền thân của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam) vào 22/12/1944. Đó là phong trào kháng Nhật cứu nước chính thức được phát động sau chỉ thị “Nhật Phát bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12/3/1945. Đó là kì họp Quốc Dân Đại hội đầu tiên tại mái đình Hồng Thái vào ngày 16/8/1945, chính thức phát đi lệnh Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Tất cả những sự kiện ấy đều xảy ra ở chốn “núi non” Việt Bắc, đều gắn liền với những địa danh của chiến khu nay đã đi vào lịch sử.

Gợi nhắc lại những sự kiện ấy, người ở lại muốn người ra đi một lần nữa không được nguôi quên Việt Bắc, cái nôi của cách mạng, cội nguồn của cách mạng. Đến đây, hai đại từ xưng hô “ta” và “mình” đã được hợp nhất làm một: “Mình đi, mình lại nhớ mình”. Như vậy, “ta” cũng là “mình”, và “mình” cũng là “ta”, tuy hai mà một. Người đi và kẻ ở đều không được phép quên đi quá khứ, quên đi nghĩa tình sâu nặng của một thời.

Sự hòa nhập của hai đại từ “mình” và “ta” cũng cho thấy: Tuy đoạn thơ là lời người ở lại, nhưng đó cũng chính là lời tự nhắc nhở mình của người ra đi. Người cán bộ kháng chiến về xuôi cũng luôn tâm niệm một điều: sẽ mãi nhớ về Việt Bắc, về con người Việt Bắc, mãi khắc ghi trong lòng đạo lí dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”.

3. Nghệ thuật.

Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn thơ là ở cấu trúc đăng đối, nhịp nhàng giữa các dòng thơ, giữa các vế tiểu đối trong từng câu thơ, tạo âm hưởng ngọt ngào; hai đại từ xưng hô “mình” – “ta” làm cho đoạn thơ đậm chất lãng mạn; phép điệp từ ngữ và cấu trúc nhấn mạnh niềm mong mỏi thiết tha của kẻ ở đối với người đi về nghĩa tình thủy chung gắn bó.

4. Nhận xét về lẽ sống tình nghĩa được thể hiện trong đoạn trích.

Lẽ sống tình nghĩa được thể hiện ở tình cảm của người ở lại đối với người ra đi. Chính vì yêu thương, gắn bó với cán bộ kháng chiến mà đồng bào Việt Bắc muốn những người về xuôi không quên con người và thiên nhiên Việt Bắc, không quên những địa danh đã đi vào lịch sử, không quên những tháng năm cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Mặt khác, lời của người ở lại cũng chính là nỗi lòng của người ra đi. Người ra đi đã hóa thân thành người ở lại để bộc bạch nỗi nhớ niềm thương của mình. Đó là lời tự dặn mình, rằng dù đã về xuôi, sẽ không bao giờ quên Việt Bắc của một thời gian khổ mà hào hùng, không quên con người Việt Bắc giàu tình nặng nghĩa, chung thủy sắt son với kháng chiến. Mối gắn kết keo sơn ấy giữa người đi và kẻ ở đã làm cho đoạn thơ thấm đẫm nghĩa tình, làm xúc động lòng người.

  • Kết bài:

Tố Hữu từng tâm sự: “Mỗi khi có gì chất chứa trong lòng, không nói ra không chịu được thì tôi lại thấy cần phải làm thơ”. Trong lời tự bạch về tác phẩm “Việt Bắc”, ông cũng nói: “Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi”. Nỗi nhớ về Việt Bắc, về mảnh đất và những con người một thời gắn bó sâu nặng có lẽ là nguồn cảm xúc quá mạnh mẽ, tràn đầy tâm hồn ông, để rồi khi không thể kìm nén được nữa, nó đã bật ra thành những vần thơ dạt dào xúc cảm, lay động lòng người. “Việt Bắc” xứng đáng là khúc tình ca về cách mạng, về kháng chiến và con người kháng chiến. Tình cảm thăng hoa kết hợp với tài năng bậc thầy của Tố Hữu đã để lại cho đời một thi phẩm có sức sống lâu bền với thời gian.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang