phan-tich-giong-dieu-trũ-tinh-trong-tho-cach-mang-1945-1975

Giọng điệu trữ tình trong thơ Cách mạng 1945 đến hết thế kỉ XX

Giọng điệu trữ tình trong thơ Cách mạng 1945 đến hết thế kỉ XX.

Thơ Việt Nam giai đoạn 1945-1975 lấy cảm hứng trữ tình – sử thi làm chủ đạo. Nó là sản phẩm tất yếu của thời đại cả nước ra trận. Tương ứng với cảm hứng này là giọng điệu anh hùng ca. Có thể nói đây là chủ âm trong giàn đồng ca thơ Cách mạng. Tuy nhiên, trên cái giọng nền ấy, xuất hiện những chất giọng khác, tức các sắc thái khác nhau của nó.

I. Giọng điệu trữ tình trong thơ Cách mạng 1945 đến 1975.

1. Giọng điệu thơ mang sắc thái hào sảng, lạc quan.

Con người Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến với một tâm thế thanh thản và quyết tâm. Vì vậy họ nhìn cuộc kháng chiến giống như ngày hội của non sông: “Vui sao cả nước lên đường”, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Xuất hiện trong thơ ca giai đoạn này là giọng điệu thơ mang sắc thái hào sảng, lạc quan. Có thể nói ở mức độ này hay mức độ khác, phần lớn những sáng tác trong hai cuộc kháng chiến đều là những tráng ca về sức sống vĩ đại của dân tộc. Chất giọng hào sảng được biểu hiện ngay ở tiêu đề của thi phẩm, từ “Gió lộng”, “Ra trận”, “Hoa dọc chiến hào”, “Mặt đường khát vọng”, “Vầng trăng quầng lửa”… đến “Người con gái Việt Nam”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”

2. Giọng điệu mang sắc thái ngợi ca, tôn vinh.

Trong con mắt của các nhà thơ, đây là giai đoạn lịch sử đặc biệt, giai đoạn dân tộc ta sản sinh ra biết bao những con người anh hùng, giai đoạn lịch sử mà cả dân tộc có chung một khuôn mặt, một tâm hồn của người anh hùng. Hướng đến những người anh hùng của đời thường, thơ ca thể hiện niềm tôn kính, ngưỡng mộ và ngợi ca.

Từ những người con gái Việt Nam anh hùng, trở về từ “cõi chết”, từ những địa ngục trần gian mà đế quốc, thực dân lập lên để tra tấn, đày đọa con người, như chị Trần Thị Lý đến những bà mẹ đào hầm nuôi bộ đội, chèo đò đưa bộ đội vượt sông đến cả những chú ngựa, mỗi loài cây đều bước vào thơ với giọng điệu ngợi ca, với âm hưởng hào hùng. Tố Hữu không che giấu nổi niềm ngưỡng mộ và thán phục đối với người nữ anh hùng Trần Thị Lý:

“Em là ai, cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em là mây hay là gió
Thịt da em là sắt hay là đồng”.

(Người con gái Việt Nam – Tố Hữu)

Liên tiếp những câu hỏi xuất hiện ngay trong những câu thơ mở đầu bài thơ. Những câu hỏi chứa đựng sự ngạc nhiên cao độ của nhà thơ trước người con gái bé nhỏ của dân tộc. Những gì mà cô gái đã làm được, đã vượt qua trên chặng đường cách mạng của mình quá kì diệu nên với Tố Hữu, con người đó như được hoài thai từ vũ trụ, mang tầm vóc vũ trụ lớn lao. Đó là cách Tố Hữu thể hiện thành công niềm ngưỡng mộ sâu sắc của mình. Bài thơ như khúc ca bất tử về con người mà cuộc đời của chị đã thành biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đó là những o du kích miền Nam nhỏ bé mà anh hùng dũng cảm vô cùng:

“O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mĩ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu”.

(Tấn ảnh – Tố Hữu)

Bài thơ ngắn gọn chỉ với bốn câu thơ, tái hiện cảnh giải tù binh của một cô gái miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Không có từ nào diễn tả cảm xúc của tác giả, nhưng người đọc vẫn thấy đằng sau cảnh tượng ấy là sự trầm trồ thán phục đến ngạc nhiên của nhà thơ trước cô gái trẻ. Hai câu thơ cuối nhà thơ như ngộ nhận ra một chân lí, một chân lí giản dị, phổ biến của dân tộc ta trong những năm tháng chiến tranh. Đó là cách tôn vinh xứng đáng đất nước và con người Việt Nam.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết, hòa bình trở lại, miền Bắc nước ta được giải phóng. Một trang sử mới của đất nước và nhân dân được mở ra. Tháng 10/1954, cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc trong một hoàn cảnh lịch sử có tính chất trọng đại của dân tộc. Với một điểm lùi nhất định, nhà thơ có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng của nhân dân Việt Bắc, của chiến khu Việt Bắc, của các chiến dịch quan trọng, của sự chỉ huy tài tình của Đảng và Bác Hồ để làm nên những thắng lợi liên tiếp của Cách mạng Việt Nam. Những dòng thơ viết về đất và người Việt Bắc, về những chiến công vang dội của quân và dân ta đều thấm đẫm chất anh hùng ca với giọng điệu tự hào, ngợi ca.

“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.

(Việt Bắc – Tố Hữu)

Câu thơ “Những đường Việt Bắc của ta” vang lên đầy ắp sự tự hào. Đó là sự tự hào của con người trong tư thế làm chủ. Những ngả đường Việt Bắc đã thuộc về ta, đã được giải phóng, đang trở thành con đường huyết mạch đưa bộ đội ra với tiền tuyến lớn. Nghe trong câu thơ của Tố Hữu âm vang của những dòng thơ cũng nức lên lời tự hào:

“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta”,
“Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia đồi nọ, sông này của ta”.

(Đất nước – Nguyễn ĐÌnh Thi)

Đó là tâm thế của con người đang làm chủ chính sông núi, đất đai của quê hương. Tố Hữu miêu tả cảnh những đoàn quân ra mặt trận với một khí thế hào hùng, mạnh mẽ. Những từ láy: rầm rập, điệp điệp, trùng trùng đã diễn tả hình ảnh những đoàn quân đông đảo, hùng hậu, lớn mạnh đang hồ hởi tiến ra mặt trận. Khí thế đó có sức mạnh át cả sông núi, xoay chuyển cả đất trời: “như là đất rung”, “bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay”. Cái hùng tráng của hiện thực đã thổi vào hồn người tạo nên cái hào sảng của giọng thơ.

Giọng điệu ngợi ca, tin tưởng trong thơ giai đoạn này không chỉ hướng đến những con người cụ thể làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến mà còn hướng đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những giá trị đã làm nên nền tảng vững chắc trong tâm hồn con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến một quan niệm mới mẻ về Đất Nước trong trường ca “Mặt đường khát vọng”. Đất nước không hiện lên qua chiều dài của những triều đại lịch sử, đất nước cũng không hiện tồn ở những người anh hùng dân tộc như ta thường thấy trong thơ của các nhà thơ từ trung đại đến hiện đại.

Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm mang gương mặt thân thương bởi Đất nước được tạo nên từ văn hóa lịch sử, được tạo bởi vô vàn những lớp người anh hùng vô danh của dân tộc: “Để Đất nước này là Đất Nước Nhân Dân/ Đất Nước của Nhân Dân đất nước của ca dao thần thoại”. Những câu chuyện quen thuộc mà tuổi thơ mỗi người đều được trải qua, những vật dụng quen thuộc hàng ngày gắn liền với cuộc sống lao động, sản xuất của người Việt, những phong tục tập quán làm nên giá trị văn hóa tinh thần của người Việt… tất cả đang làm nên khuôn mặt của Đất Nước thương yêu. Nguyễn Khoa Điềm đã tìm về cội nguồn để tìm chất liệu văn hóa dân gian khắc tạc nên một Đất Nước trường tồn trong không gian và thời gian, qua bao thăng trầm của lịch sử. Nhà thơ hiểu hơn ai hết vai trò to lớn của chất liệu dân gian đối với sự phát triển đi lên của một dân tộc. Nhà thơ viết về chúng với một giọng điệu ngợi ca và cả niềm biết ơn sâu sắc.

Các nhà thơ giai đoạn này còn thể hiện sự ngợi ca, say yêu với cuộc sống mới đang diễn ra trên mọi miền đất nước. Đến với vùng biển Quảng Ninh, Huy Cận không thể giấu được những xúc cảm tự hào, vui sướng khi được chứng kiến cuộc sống đang đổi thịt thay da từng ngày, cuộc sống vất vả nhưng không thiếu tiếng hát, niềm vui, không thiếu niềm lạc quan tin tưởng của những người dân miền biển:

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”.

(Đoàn thuyền đánh xá – Huy Cận)

Giọng điệu ngợi ca, hào sảng trong thơ Cách mạng được bắt nguồn từ cơ sở hiện thực của cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ công cuộc cả đất nước vượt qua bao khó khăn để đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính chất giọng này khiến thơ Cách mạng mang âm vang của tiếng kèn đồng, là giọng nói chủ đạo góp phần tạo nên những tráng ca một thủa hào hùng của dân tộc.

Các nhà thơ trẻ xuất hiện từ đầu những năm 60, đặc biệt đông đảo trong thời kì chiến tranh chống Mĩ đã đem đến cho thơ sức sáng tạo mới, trẻ trung, trong sáng, nhạy cảm mà trong đó có không ít những tài năng đã sớm được chú ý và khẳng định: Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo… Sự xuất hiện của thế hệ các nhà thơ trẻ đã đem đến cho thơ ca chất giọng trẻ trung, hồn nhiên, ngang tàng giàu chất lính. Sự thay đổi quan trọng giữa các thế hệ thơ chính là sự thay đổi về giọng điệu thơ, sự thay đổi giọng điệu không chỉ hiểu là sự thay đổi đơn thuần về hình thức, mà thực chất là sự thay đổi về hồn thơ, sự thay đổi về cái bên trong, cái bản chất của sự vật.

Nổi bật trong số các nhà thơ trẻ thời kì này không thể không kể đến Phạm Tiến Duật với hàng loạt những bài thơ tiêu biểu cho thơ thế hệ anh, mang chất giọng đặc trưng cho thơ trẻ thời chống Mĩ: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Vầng trăng quầng lửa”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Tiếng bom ở Sen Phan”, “Qua một mảnh trời thành phố Vinh”,…. Trong các bài thơ của anh, ta bắt gặp cái cái tếu táo, hóm hỉnh của những con người đang đương đầu với chiến tranh ác liệt. Đó là cái tếu táo, hồn nhiên của những anh lính lái xe trên những chiếc xe không kính chạy trên cung đường Trường Sơn khói lửa.

Bài thơ không thiếu những câu gợi lên cái hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc chiến: “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”. Một câu thơ ngắn mà hai lần danh từ “bom” được lặp lại gắn liền với những động từ mạnh: “giật, rung”. Câu thơ mở ra một chiến trường thảm khốc không lúc nào ngơi tiếng bom nổ đang đe dọa đến sinh mệnh của chính những người lính lái xe. Nhưng nổi bật ở khổ thơ mở đầu lại là cái tếu táo, bông đùa, tinh nghịch, cái lạc quan, ung dung, thanh thản của những chàng lính lái xe.

Cách diễn đạt trong câu thơ mở đầu: “Không có… không phải vì… không có” rất tự nhiên, hồn nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày của những chàng lính trẻ. Chiến tranh khốc liệt nhưng dường như nó không chạm đến được thế giới tâm hồn yêu đời, trẻ trung của con người Việt Nam. Họ chấp nhận hoàn cảnh: “Không có kính, ừ thì có bụi”. Nhưng để rồi từ hoàn cảnh khốc liệt đó của chiến tranh, họ lại tìm thấy niềm vui cho chính đời lính của mình: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Tiếng cười cất lên từ ngay trong hoàn cảnh mà cái chết bủa vây, tiếng cười của niềm lạc quan, yêu đời của những tâm hồn trẻ trung, biết vượt lên trên hoàn cảnh để sống, chiến đấu và cống hiến.

Chính sự trẻ trung, trong sáng trong tâm hồn người lính chống Mỹ tạo nên một tâm thế thật thanh thản, thật bình an khi họ nhìn về hiện thực cuộc chiến. Con đường Trường Sơn ác liệt là vậy lại được cảm nhận hết sức lãng mạn bằng một giọng điệu trẻ trung:

“Sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Con đường đó lại trở thành điểm hẹn của tình yêu người lính:

“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây”.

(Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây – Phạm Tiến Duật)

II.  Giọng điệu trữ tình trong thơ Cách mạng từ 1975 đến hết thế kỉ XX.

Chặng đường thơ Việt từ sau 1975 đánh dấu sự phong phú của giọng điệu nghệ thuật thơ. Nếu thơ ca trước 1945-1975 tương đối nhất quán về giọng điệu: giọng ngợi ca, khẳng định của một cái nhìn lạc quan tin tưởng bao trùm. Giọng điệu nhất quán phù hợp với với yêu cầu thống nhất cao độ của cộng đồng, tuân thủ kinh nghiệm cộng đồng.

Thơ văn sau 1975, đặc biệt từ thời điểm đổi mới chủ yếu diễn đạt kinh nghiệm cá nhân, đáp ứng sự đòi hỏi cao về giá trị cá nhân. Ý thức cá tính lên ngôi, cái công thức, nhàm tẻ, đơn điệu bị chế giễu, bị coi là thiếu thẩm mĩ. Đó là cơ sở ra đời giọng chế giễu, giải thiêng, hoài nghi, chua chát trong thơ ca giai đoạn này. Trong những năm cuối thập kỷ 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ XX, “thơ đời thường” xuất hiện nhiều. Chưa bao giờ các nhà thơ thấy nhiều bi kịch đến thế. Thậm chí, cảm giác bế tắc và chán nản là cảm giác khá nổi bật trong tâm trạng nhiều người:

“thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi”

(Nguyễn Trọng Tạo – Tản mạn thời tôi sống).

“Từ xa” nhìn về Tổ Quốc, Nguyễn Duy đã thật lòng nói lên nỗi cay đắng của mình khi nhìn thấy sự khổ nghèo và bất hạnh của con người trong cuộc sống đầy khốn khó. Lưu Quang Vũ cũng cay đắng nghẹn ngào khi nghĩ về Tổ quốc. Chất giọng “tự thú” và chất giọng giễu nhại nổi bật trong thơ ca giai đoạn này. Ở đây, chất giọng giễu nhại mang trong mình nó ít nhất hai chức năng nghệ thuật cơ bản: làm cho thơ bớt đi sự nghiêm trang thái quá, ngôn ngữ thơ bớt đi sự “trong suốt” mà tăng thêm phù sa của “cây đời”; cho phép người đọc hình dung cuộc sống như một thực thể đa trị, bên cạnh cái trong veo, thuần khiết là những thứ “tèm nhem tâm hồn”.

Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành từ phong trào thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nguyễn Duy được biết đến như một gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ. Thơ ông hướng đến cái đẹp của đời sống giản dị quanh ta, phát hiện thế giới quen thuộc ấy lắng đọng những giá trị vĩnh hằng.

Đặc biệt sau 1975, thơ Nguyễn Duy là tiếng nói của một cái tôi thành thực, thẳng thắn nhìn thẳng vào cuộc đời cất tiếng nói tự thú và tự phán xét rất nghiêm khắc với những đổi thay của mình và của biết bao con người sau ngày hòa bình lập lại. “Ánh trăng” hay “Đò Lèn” là những bài thơ làm rưng rưng nơi khóe mắt người đọc, ai cũng có thể tìm thấy một cái tôi dễ đánh rơi những sợi dây gắn bó với những điều thân quen trong cuộc đời. Giọng thơ vừa như tự thú, vừa như phán xét, vừa như ăn năn trong “Ánh trăng”, “Đò Lèn” là lời thức tỉnh cả một thế hệ người Việt Nam đang bị cuộc sống hòa bình ru ngủ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang