»» Nội dung bài viết:
Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, khi miêu tả không gian sống của Mị trong nhà thống lí Pá Tra, Tô Hoài viết “Ở căn buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”. Và trong đêm mùa đông, sau khi cắt dây trói cứu A Phủ, Mị nói “A Phủ, cho tôi đi …Ở đây thì chết mất”. (Tô Hoài-Vợ chồng A Phủ, Ngữ Văn 12, tập 2, tr.6 và tr.14)
Phân tích hình ảnh nhân vật Mị qua hai chi tiết trên, từ đó làm nổi bật tư tưởng nhân đạo mới mẻ của nhà văn Tô Hoài.
- Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật Mị.
– Giới thiệu hai chi tiết: Hình ảnh và tâm trạng của nhân vật Mị ở trong phòng trong đêm tình mùa xuân và trong đêm A Phủ bị trói.
- Thân bài:
1. Khái quát về nhân vật Mị và 2 chi tiết.
– Mị là cô gái vùng cao xinh đẹp, tài năng, có nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng phải chịu cuộc sống cơ cực trong thân phận làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
– Chi tiết căn buồng của Mị và Mị bỏ trốn theo A Phủ là 2 chi tiết đặc sắc, thể hiện sự thay đổi tâm lí, nhận thức của Mị từ đó góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo mới mẻ của nhà văn Tô Hoài.
2. Phân tích chi tiết.
a. Hoàn cảnh viễn biến tâm trạng của nhân vật Mị nơi phòng tối trong đêm tình mùa xuân:
– Chi tiết thứ nhất: “Ở căn buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi”.
– Bối cảnh xuất hiện: đây là chi tiết miêu tả không gian sống của Mị trong thân phân làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pá Tra. Sau khi ý định tìm lá ngón tự tử không thành vì thương cha, Mị sống cuộc sống như nô lệ bị vắt kiệt sức lao động và bị áp bức về tinh thần.
– Diễn biến:
+ Ở căn buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay: không gian chật hẹp, nhỏ bé, tù túng , ngột ngạt đối lập với cái giàu có, tập nập của nhà thống lí Pá Tra, đối lập với cái bao la của đất trời Tây Bắc.
+ Lúc nào trông ra cũng thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng: Mị mất hết ý niệm về không gian và thời gian
+ Mị nghĩ rằng mình cứ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi: tâm hồn héo mòn và không còn ý thức về sự sống, hoàn toàn chấp nhận thực tại bi đát.
– Ý nghĩa:
+ Là hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng: tượng trưng cho một thứ ngục thất tinh thần giam hãm cuộc đời, tuổi xuân của Mị; làm tê liệt ý thức sống, sự phản kháng.
+ Phản ánh được cuộc sống đen tối, thê thảm của người lao động nghèo miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của cường quyền và thần quyền.
+ Thể hiện tư tưởng nhận đạo : nhà văn tố cáo sâu sắc chế độ thực dân phong kiến miền núi đã đày đọa con người làm tê liệt quyền sống, quyền khát khao hanh phúc của họ. Đồng thời bày tỏ niềm xót xa thương cảm cho số phận người phụ nữ vùng cao Tây Bắc khi cách mạng chưa về.
b. Hoàn cảnh diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị sau khi cắt dây trói cứu A Phủ, Mị nói “A Phủ, cho tôi đi …Ở đây thì chết mất”.
– Bối cảnh xuất hiện: đây là chi tiết kết thúc đoạn trích nói về hành động Mị chạy trốn theo A Phủ sau khi cắt dây trói cứu A Phủ (trước đó, nhìn thấy A Phủ bị trói đứng, ban đầu Mị vẫn thản nhiên như không sau đó khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, Mị đã nghĩ đến mình ngày trước, thấy thương mình, thương A Phủ rồi quyết định cắt dây trói cứu A Phủ.)
– Diễn biến:
+ A Phủ bị nhà thống lí bắt vạ, anh bị trói đứng ở ngoài sân đã nhiều ngày nhưng lúc đầu Mị không quan tâm.
+ Một lần, khi ngồi bên bếp lửa, nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị chợt nhớ đến những lần mình bị trói. Một sự đồng cảm lớn khiến Mị xót thương cho mình và cho A Phủ.
+ Mị nhận rõ tội ác của nhà thống lý và nỗi thống khổ của bản thân và những người làm trong nhà.
+ Lấy hết dũng cảm, Mị cắt dây trói giải thoát cho A Phủ.
+ Nhìn A phủ chạy về với tự do, bất giác Mị vùng dậy chạy theo. Tuy chưa biết được ngày mai sẽ ra sao nhưng chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn hoàn cảnh hiện tại.
+ Đây là một quyết định bất ngờ bởi trước đó dường như Mị đã hoàn toàn vô cảm, hoàn toàn tê liệt về cảm xúc. Đến khi cắt dây trói cho A Phủ, A phủ quật sức vùng chạy, Mị chỉ còn một mình thì nỗi sợ hãi lập tức ập đến. Mị đứng lặng trong bóng tối với ngổn ngang tâm trạng.
+ Đây cũng là hành động hợp lí, tất yếu xuất phát từ chiều sâu tính cách của Mị- một cô gái giàu sức sống. Khi Mị nói ‘ở đây thì chết mất” nghĩa là Mị sợ chết – sợ chết là ý thức cao độ về quyền sống , nhất là cuộc sống tự do; là sự nhận thức được thực tại, nhận thức được cả tương lai nếu tiếp tục ở lại nhà thống lí Pá Tra.
+ Đây là kết quả của sự tự ý thức về thân phận của bản thân,về quyền sống của bản thân.
– Ý nghĩa:
+ Cho thấy sức sống tiềm tàng, khát vọng sống mãnh liệt của Mị. Khép lại quãng đời đau khổ, đen tối của Mị và Phủ khi ở nhà thống lí Pá Tra và là tiền đề để mở ra một cuộc sống mới.
+ Thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài: Phát hiện, ngợi ca sức sống tiềm tàng, khát vọng sống mãnh liệt của người lao động nghèo miền núi Tây Bắc vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.
3. Sự thay đổi của Mị qua 2 chi tiết trên.
– Cho thấy sự thay đổi về tâm lí và nhận thức của Mị: Từ chỗ sống héo mòn, vô cảm, không còn ý thức phản kháng mà chấp nhận thực tại bi đát (“đến bao giờ chết thì thôi”) đến chỗ ý thức được thực tại, muốn phản kháng và giải thoát chính mình (“ở đây thì chết mất”).
– Ở chi tiết thứ nhất cho thấy Mị không chỉ bị áp bức bởi cường quyền mà còn bị trói buộc bởi thần quyền khiến Mị bị tê liệt về tinh thần, không có ý thức về quyền sống. Chi tiết thứ hai cho thấy Mị đã chiến thắng số phận, giải thoát được khỏi cường quyền và thần quyền.
4. Tư tưởng nhân đạo mới mẻ của nhà văn Tô Hoài.
– Không chỉ dừng lại ở niềm đồng cảm sâu sắc với số phận người lao động nghèo miền núi Tây Bắc, ở sự tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân phong kiến miền núi mà nhà văn còn phát hiện và ngợi ca sức sống tiềm tàng, khát vọng sống tự do mãnh liệt ở những con người bị đày đọa triền miên trong lao động, bị áp bức về tinh thần vẫn vùng lên giải thoát chính mình và đi tìm cuộc sống mới.
– Không giống với văn học hiện thực phê phán trước 1945 (như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, như “Chí Phèo” của Nam Cao…) các nhân vật cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch luẩn quẩn, bế tắc, không lối thoát thì qua chi tiết thứ hai này Tô Hoài đã mở ra cho nhân vật của mình một hướng giải thoát. Đó là tư tưởng nhân đạo đã được soi sáng bởi cách mạng.
- Kết bài:
Hai chi tiết cho thấy chiều sâu tư tưởng và tài năng của nhà văn Tô Hoài, góp phần làm nên giá trị đặc sắc cho tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Đúng như M.Gorki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.