Nghệ thuật miêu tả cảnh vật đặc sắc của Hữu Thỉnh qua bài thơ Sang thu.
- Mở bài:
Sang thu là sự cảm nhận tinh tế về vẻ đẹp thiên nhiên của bước chuyển mùa từ hạ sang thu, đồng thời biểu hiện chân thành và xúc động của lòng người trước khoảnh khắc giao mùa của đất trời. Hữu Thỉnh đã rất thành công với nghệ thuật miêu tả cảnh vật đặc sắc. Chỉ vài nét vẽ, nhà thơ đã nhanh chóng nắm bắt được cái hồn của cảnh vật.
- Thân bài:
Bài thơ tả cảnh. Nhưng có đặc sắc là là như hiểu được tâm trạng của thiên nhiên lúc thu về: Sương thì “chùng chình qua ngõ”, sông thì “dềnh dàng” trôi đi, chim thì “vội vã” và đám mây mùa hạ thì như uể oải, “vắt nửa mình sang thu”. Mọi tốc độ vận động của thiên nhiên trở nên chậm rãi từ tốn. Đến sấm cũng bớt bất ngờ trên hàng cây đứng tuổi. Đây cũng là cách cấu tứ của bài thơ này. Nó tạo nên nét thú vị mới cho một đề tài đã cũ trong thơ Việt, kể từ ông Nguyễn Khuyến, ông Tản Đà. Tìm ra những tương quan hợp loại của những chi tiết thu để xếp chúng vào cùng một trạng thái “tâm lí” thiên nhiên sao cho có lí, không gượng ép, chứng tỏ năng lực cảm nhận thiên nhiên khá tinh tế của tác giả:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Dấu hiệu sang thu, trước tiên là hương ổi. Ổi vào thu thường chín đại trà. Ổi chín mới toả hương. Cái gió đầu thu hơi se lạnh như có sức cô đặc thêm hương quả, hương cây. Đã bắt đầu sương sớm. Sương thưa mỏng, chỉ thoáng qua buổi đầu ngày hoặc muộn mằn vào chập tối như một sự lười biếng, trì hoãn. Có một biến hoá cảm nhận khéo léo trong chữ “chùng chình” nhằm nhân cách hoá thiên nhiên.
Như vậy, sương buông và nước chảy đều như còn lưu luyến mùa cũ (tức mùa hạ), một bước một dừng, chuyển động nhẹ nhàng, thư thả. Tác giả muốn thuyết phục bạn đọc hưởng ứng nhận xét ấy, nên ông đi tìm thêm chứng cớ. Ông ngẩng nhìn đám mây mùa hạ, nó chuyển sang thu rất bịn rịn, mới vắt sang nửa mình thôi. Quả là một quan sát đầy tính chủ thể. Nhà thơ nói thì cứ nghe đã. Cái chính không phải là xác định mây đang vắt nửa mình hay đã cả mình sang thu.
Mở rộng tầm nhìn và tìm kiếm thêm những bằng chứng, nhà thơ gôm cả trời thu, cảnh thu, sắc thu vào bốn câu thơ:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Dòng sông được lúc dềnh dàng như không chảy. Đây là nói những con sông Bắc Bộ, quê hương tác giả và nơi ông đang sống. Những trận mưa rào mùa hạ đã dứt, các thứ lũ qua rồi. Lưu lượng nước giảm nhanh. Con sông như gầy hơn. Nước chảy hiền hoà, chậm rãi.
Chi tiết “Chim bắt đầu vội vã” thật tình tôi không biết loài chim mùa này có vội không và vội việc gì? Nhưng tôi đoán không khí trở lạnh lúc sang thu làm con người nghĩ đến mùa xây tổ ấm. Chim vội vàng là vội vàng tha rác về xây tổ, hay vội vàng cho một mùa bay di trú? Nhưng sao ông không tìm ý để cho loài chim cũng nấn ná làm chậm nhịp đi thời gian như các chi tiết thiên nhiên khác, cho bài thơ có cộng hưởng đồng thuận? Với tư cách người đọc, tôi đã lờ mờ thấy hướng đi và chỗ đến của bài thơ, xin nhảy qua chi tiết ngược chiều này mà đi tiếp, vả lại đúng ra chỉ cần biết loài chim cũng có đổi thay nhịp sống lúc thu về, thì chim bắt đầu vội vã hay chim vào mùa e lệ thì bài thơ cũng không đổi hướng.
Đoạn kết, thấy rõ dần: vẫn còn bao nhiêu nắng. Nắng còn, nhưng không nhiều, chỉ là vẫn còn thôi. Đã vơi dần cơn mưa. Mưa ít đi rõ rệt. Năng lượng của thiên nhiên đã vơi hụt đi nhiều. Biên độ hoạt động hẹp dần lại. Chợt nghĩ đến con người ở tuổi vào thu, là tuổi của Hữu Thỉnh khi viết bài thơ này. Tuổi đã qua đỉnh hạ, ngả sang dốc bên kia của đời. Tốc độ và năng lượng bắt đầu vơi hụt. Quy luật muôn đời tránh sao được. Nhưng nghĩ thế nó ngậm ngùi cho cái thân làm người.
Một nhà sư thời Lý, chấp nhận xuân tàn hoa rụng, nhưng vẫn cãi cho ngoại lệ: Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một nhành mai. Nguyễn Trãi thấy cây liễu càng già, càng cao thì dáng liễu càng mềm. Mềm là không cứng, nhưng mềm cũng là không gãy. Chế Lan Viên: Đời ngoài tuổi năm mươi / Mong gì hương sắc lạ / Nở chùm hoa trên đá / Mùa xuân không chịu lùi. Không tạo được sắc lạ bên ngoài thì tạo kháng lực không chịu lùi bên trong.
Cách nghĩ đánh thức nghị lực, nâng dậy sức yêu đời và thật sự có tính khả thi. Người ta cần thơ cũng là cần cho một phương hướng nghĩ. Hữu Thỉnh là nhà thơ lịch lãm, nhiều chiêm nghiệm việc đời thiết thực. Với tư cách người lính, ông vừa đi qua một cuộc chiến ác liệt, nơi những gì cháy được thi thành xỉ rồi, những gì không cháy thì thành thép tôi, ông đã có được thời gian và tâm thế hậu chiến lặng lẽ và bình tâm để đồng điệu với sương khói, sông nước lúc giao mùa. Trong tình thế “sang thu” này, ông góp gì cho cách nghĩ chúng ta? Ông đưa thêm một chi tiết của thiên nhiên lúc chuyển mùa:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Thoáng nhìn (do cách tạo câu giống như khi tả các chi tiết trên) ngỡ ông chỉ vẽ thêm nét cho bức tranh phong cảnh sang thu. Nói cây đứng tuổi là nhân cách hoá cây. Nhân cách hoá thiên nhiên là phép thường dùng của bút pháp thơ (Sông chảy chuyện trò với cá – Huy Cận). Nhưng hai từ đứng tuổi cũng tạo cho câu thơ thành đa nghĩa. Người đọc phải nghĩ đến con người. Cây đứng tuổi nên không còn bất ngờ với sấm sét trên đầu. Con người cũng vậy thôi. Tuổi tác cũng là một thứ hành trang cuộc đời ban cho.
- Kết bài:
Từng trải tạo nên bản lĩnh. Có nhà văn nước ngoài đã đặt tên cuốn hồi kí đời mình: Tôi thú nhận là tôi đã sống. Cái tên nặng chắc những từng trải chất chứa của đời người. Sang thu hoá ra không chỉ tả cảnh mà còn là bài thơ chính luận thế sự, kín đáo thuyết phục chúng ta tìm sức mạnh chủ động ngay trong tình thế đã “sang thu” của năm tháng đời người. Thế là từ tâm trạng thiên nhiên để tả cảnh chuyển mùa, bài thơ đã hạ trại vào tâm trạng con người mà bàn luận cách ứng xử việc đời.