Phân tích Sống hay không sống – đó là vấn đề (Trích kịch Hăm-lét của Sếch-xpia).

phan-tich-song-hay-khong-song-do-la-van-de-trich-kich-ham-let-cua-sech-xpia

Phân tích “Sống hay không sống – đó là vấn đề” (trích kịch Hăm-lét của Sếch-xpia)

I. Mở bài:

William Shakespeare là nhà soạn kịch, nhà thơ kiệt xuất, người được coi là nhà văn có ảnh hưởng nhất trong văn học Anh. Vở kịch Hăm-lét là sáng tác đỉnh cao của Sếch-xpia, được viết trong khoảng thời gian 1599-1601. Đoạn trích “Sống hay không sống – đó là vấn đề” thuộc Hồi thứ III trong vở kịch Ham-let, một vở kịch xuất sắc của Shakespeare. Qua đoạn trích, tác giả thể hiện không chỉ nêu lên tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mà còn nêu lên những suy ngẫm về bản tính của con người, những trăn trở, lo âu của con người trong cuộc sống đầy gian nan, vất vả, những rủi ro vẫn đang thường trực xảy ra.

II. Thân bài:

Vở kịch xoay quanh cuộc đời hoàng tử Hăm-lét. Hăm-lét nghi ngờ về cái chết của vua cha có liên quan đến Clô-đi-út – chú ruột của chàng, hiện là nhà vua mới. Chàng đã quyết định giả điên để tìm ra chân tướng. Nhà vua nghi ngờ chàng, vì thế đã trực tiếp cùng Pô-lô-ni-út rình nghe trộm cuộc trò chuyện của Hăm-lét với Ô-phê-li-a – con gái của Pô-lô-ni-út, cũng là người yêu của chàng. Ô-phê-lia trả lại những kỉ vật tình yêu và Hăm-lét nói với nàng những lời tàn nhẫn, cốt để nàng rời xa mình. Lúc này, trong Hăm-lét có những xung đột về nội tâm, chàng băn khoăn “Sống, hay không sống – đó là vấn đề”.

Câu chuyện hoàng tử xứ Đan Mạch thời Trung cổ là Ăm-lét trả thù cho cha từng được ghi lại trong biên niên sử tử cuối thế kỉ XII của Xắc-xơ Gram-ma-ti-cút, được Phơ-răng-xoa đơ Ben-phóc kể lại vào năm 1576. Sếch-xpia có lẽ đã dựa vào bản kể này để xây dựng vở bi kịch của mình với nhiều sáng tạo: Ông đặt nhân vật vào bối cảnh hậu kì Phục hưng, khi lí tưởng nhân văn chủ nghĩa lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc bởi xung đột với thực tại lịch sử nghiệt ngã. Cảm quan u tối về thực tại và ý chí đấu tranh khẳng định lí tưởng nhân văn chủ nghĩa của nhân vật trong vở kịch bắt nguồn từ đó.

Nhờ tài năng của Shakespeare mà các tác phẩm của ông đã để lại những ấn tượng nhờ tài năng xây dựng nhân vật trong tác phẩm kịch độc đáo, tinh tế, các tình huống kịch hấp dẫn gây nên những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiếp nhận, các tác phẩm kịch của ông sẽ còn mãi trong hiện tại và tương lai.

1. Nhân vật vua Clô-đi-út.

– Hành động bên ngoài: Quan tâm, hỏi han tình hình sức khỏe và thể hiện sự lo lắng với tình trạng của Hăm-lét.

– Hành động bên trong: Cho người theo dõi, ngấm ngầm lên kế hoạch muốn trừ khử Hăm-lét.

→ Bên ngoài giả tạo để che đi sự xấu xa của con người bên trong, bản chất độc ác được che đậy bằng con người hiền lành bao dung.

2. Nhân vật Hăm-lét.

– Tình thế của Hăm-lét và mục đích giả điên của chàng:

+ Hồn ma vua cha hiện về kể cho chàng nghe sự thật về cái chết của mình – kẻ thủ phạm chính là Clô-đi-út, giết vua và chiếm ngai vàng.

+ Hồn ma đòi Hăm-lét phải trả thù.

+ Từ đó, lòng chàng đầy căm phẫn, ghê tởm và chán ghét cuộc đời nhưng chàng cố gắng làm tròn bổn phận người con trai.

→ Hăm-lét giả điên để che mắt kẻ thù. Kẻ thù và lũ tay sai cũng cố gắng dò xét xem Hamlet có thật điên khùng hay giả tạo. Hăm-lét bắt đầu điều tra xác minh lại lời báo mộng của vua cha. Qua cơn hoảng loạn, vua khẩn trương hành động. Hắn và tên cận thần Pô-lô-ni-út bố trí cho tiểu thư Ô-phê-li-a, hoàng hậu lần lượt gặp gỡ Hăm-lét để chúng theo rình dò xét chàng. Với Ô-phê-li-a là người yêu của mình, chàng cố gắng giả điên chót lọt, nhưng khi gặp mẹ thì Hăm-lét không kìm được nỗi giận hờn, nổi nóng bộc lộ tâm trạng thật của mình

– Bi kịch của Hăm-lét:

+ Sự mâu thuẫn đối kháng giữa hiện thực xấu xa với lý tưởng nhân văn.

+ Nhìn nhận về thực tại cuộc sống, về sự bất công tàn bạo và đầy rẫy những thủ đoạn của lòng người, Hamlet đã lựa chọn con đường “cầm vũ khí đứng lên” bằng kế hoạch chàng đã vạch sẵn.

+ Việc phân tích nhân vật Hamlet đã cho chúng ta nhìn nhận được thực tế trong con mắt của Hamlet, để rồi từ đó thấy rằng trong tâm hồn chàng toàn những đớn đau, bi quan mà đầy trăn trở.

– Lời độc thoại nội tâm của Hăm-lét:

+ “Sống” hay “không sống” là hai khái niệm trừu tượng khiến Hăm-lét không biết lựa chọn ra sao giữa hai lựa chọn: Đó là chấp nhận chịu đựng mọi thứ mà người khác gây ra cho hay đấu tranh đến cùng để bảo vệ mình mà kéo theo đau thương cho bao người khác.

+ Hăm-lét cho rằng “chết” đáng “mong muốn” mà cũng là “điều khó khăn” buộc người ta phải “ngừng lại mà suy nghĩ” bởi vì khi chết là hết, là không còn tồn tại cả thể xác lẫn những đau khổ, bất hạnh trong tinh thần, những hận thù cũng theo đó mà chấm dứt.

+ Tuy nhiên Hăm-lét không muốn đem lại tự do cho bản thân mình khi mà những kẻ xấu xa, độc ác vẫn hoành hành ngoài kia, đem đến đau khổ cho người khác. Đó chính là “điều khó khăn” buộc người ta phải “ngừng lại mà suy nghĩ”, người ta ở đây chính là Hăm-lét với hình tượng trượng nghĩa.

→ Hăm-lét đã tự nhận thức được về nguyên nhân tình trạng do dự và không thể hành động quyết đoán của chính mình vì anh phân vân không biết nên tự chịu đựng những bất hạnh hay là vùng lên đấu tranh, giành lại chiến thắng cho bản thân mà mặc kệ những đau khổ của người khác.

* Nhận xét: Bên ngoài giả khùng nhưng bên trong lại tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo. Mặc dù không muốn nhưng vì hoàn cảnh mà phải đóng giả người điên để có thể bảo toàn mạng sống.

III. Kết bài:

– Tác phẩm phản ánh chế độ dã man thời trung cổ. Qua nhân vật Hamlet, có thể thấy được một hiện thực khốc liệt trong một xã hội đầy hoang mang lo âu. Tác giả đã gửi đến bạn đọc thông điệp: Dù trước hoàn cảnh gì thì con người cũng phải giữ lấy lý trí và niềm tin của mình.

– Tác giả đã xây dựng thành công hai tuyến nhân vật độc ác và thiện lương qua tình huống truyện, tạo nên nhiều nhân vật chân thật mà như đời thực bước ra vậy. Những nhân vật đó mang nhiều ý nghĩa vượt ra khỏi giới hạn của thời gian và không gian.

Bài văn tham khảo:

Shakespeare là nhà văn, nhà viết kịch thiên tài của nước Anh. Những vở kịch của ông đại diện cho sự phát triển và tinh hoa của kịch phương Tây. Vở bi kịch “Ham-let” xoay quanh nhân vật trung tâm là chàng thái tử Hamlet của đất nước Đan Mạch. Khi Hamlet đang du học tại Đức, chàng hay tin vua cha băng hà. Về đến quê hương, Hamlet bàng hoàng khi biết mẹ chàng – hoàng hậu Gertrude sẽ tái giá lấy Claudius – chú ruột của chàng và cũng là nhà vua mới. Một đêm nọ, linh hồn của vua cha hiện về báo cho chàng biết Claudius chính là kẻ đã giết ông để chiếm ngôi. Linh hồn đức vua mong Hamlet sẽ trả thù. Từ đó, Hamlet phải giả điên để che mắt kẻ thù, thực hiện nhiệm vụ trả thù cho cha. Đoạn trích “Sống hay không sống – Đó là vấn đề” thuộc hồi III của tác phẩm. Đây là khi Hamlet đang giả điên nhưng những lời nói, hành động của chàng đã bộc lộ những suy nghĩ, trăn trở về cách sống giả dối và sự mục nát của cung điện – đại diện cho sự lũng đoạn của cả quốc gia.

Hồi III mở đầu với khung cảnh xa hoa trong một gian phòng ở lâu đài. Vị vua mới Claudius cùng hoàng hậu đang trò chuyện với Polonius, Ophélia, Rosencrantz, Guildenstern. Mọi người đang bàn tán về tình trạng căn bệnh của Hamlet. Những toan tính và âm mưu của các nhân vật được thể hiện qua những lời đối thoại. Vua Claudius đã phái Rosencrantz và Guildenstern theo sát Hamlet. Hamlet vốn là một con người mang vẻ đẹp hoàn hảo, là “kiểu mẫu của muôn loài” nên mọi người đều lấy làm bất ngờ và nghi hoặc trước sự đổ bệnh bất ngờ này. Rosencrantz và Guildenstern đã cho thấy sự hữu dụng của mình trước mặt nhà vua, khám phá ra “thái tử cũng không để cho tìm hiểu sâu hơn”, “Người cứ đánh trống lảng bằng những cơn điên khôn khéo” và nhận thấy sự gượng gạo ẩn trong vẻ lịch thiệp của Hamlet khi tiếp khách. Đây chính là một phần kế hoạch của Hamlet để trả thù cho cha, bảo vệ chính mình và cũng là bảo vệ tương lai cho vương quốc.

Hamlet ý thức được rằng cung điện đầy rẫy những điều xấu xa nên chàng không thể tin bất kì ai ngoài chính bản thân mình. Hai người bạn cũng trở thành hai tay sai cho Claudius. Polonius – kẻ hầu cận thân thiết của nhà vua lại chính là cha của nàng Ophélia dịu hiền mà chàng yêu. Khi biết được thái tử hứng thú với bọn đào kép, nhà vua đã bày tỏ sự hài lòng bởi Claudius luôn muốn tống khứ Hamlet bằng mọi giá: “Trẫm rất vui lòng. Trẫm hài lòng khi biết thái tử tìm được nguồn thích thú như vậy. Các khanh ạ, nên khuyến khích thêm thái tử nữa vào những trò giải trí ấy”. Ông ta cho rằng việc để thái tử chìm vào những trò tiêu khiển sẽ khiến Hamlet càng xa rời công việc của một bậc quân vương, tình trạng bệnh sẽ ngày một nặng nề. Lời thoại của nhân vật Claudius cho thấy dã tâm lớn được khéo léo che đậy bằng sự quan tâm. Sau đó, nhà vua và Polonius đã sử dụng nàng Ophélia như một biện pháp để thử thách thái tử. Hai người nấp vào một nơi kín, “như hai thám tử hợp pháp” để tận mắt tìm hiểu liệu bệnh tương tư có phải nguyên nhân gây ra sự quẫn trí của Hamlet.

Hành động, ngôn ngữ của nhân vật được Shakespeare xây dựng khéo léo. Claudius là nhà vua nhưng lại hành động chui lủi và hèn hạ như một con chuột cống. Hoàng hậu yếu đuối, lo lắng cho Hamlet nhưng cũng là người đã đánh mất danh dự và nhân phẩm của mình khi đồng lõa với Claudius giết hại quốc vương quá cố. Lời nói của Polonius: “Đời vẫn thường chê trách rằng ta khoác cái vẻ trầm mặc thành kính và bộ điệu chân tu nhiều khi cũng đường mật đánh lừa được cả ma quỷ. Điều đó đã được chứng tỏ quá nhiều rồi” hay lời của nhà vua: “Đôi má của gái hồng lâu, rực rỡ vì son tô phấn điểm, cũng không thể xấu xa hơn hành động của ta được điểm phấn tô son bằng những lời hoa gấm mĩ miều. Ôi, gánh nặng của tội ác!”đã phần nào hé lộ thực trạng xã hội đảo điên cùng sự suy đồi đạo đức của con người. Tầng lớp lãnh đạo đất nước đều là những kẻ giả dối, dùng cái phù phiếm ngọt ngào để che đậy sự tham lam, nham hiểm.

Khi các nhân vật phụ lui về, nhân vật chính Hamlet xuất hiện trên sân khấu. Shakespeare đã cho Hamlet rất nhiều lời thoại để bộc lộ những quan điểm của chàng về đời sống hiện thực. Trong mắt các nhân vật khác, đây là những lời được thái tử nói ra trong lúc quẫn trí nhưng với Hamlet, giả điên lại chính là lúc chàng được thể hiện những suy nghĩ, bức bối bên trong mà không sợ sự dòm ngó của kẻ khác. Những lời thoại ấy đã trở thành kinh điển: “Sống hay không sống – đó là vấn đề. Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn? Chết, là ngủ. Không hơn. Và tự nhủ rằng ngủ đi tức là chấm dứt mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàn vết tử thương mà hình hài phải chịu đụng kết liễu cuộc đời như thế, chẳng đáng mong muốn sao? Chết, ngủ. Ngủ, có thể chỉ là mơ”. Hamlet băn khoăn về lẽ sống, bị dày vò bởi câu hỏi “Sống hay chỉ tồn tại?”. Ta nên khom lưng chịu đựng cường quyền như sỏi đá vô tri để bảo toàn cho sinh mệnh nhỏ nhoi hay đứng lên chiến đấu trong cô độc, bất chấp những khó khăn? Hamlet mang trong mình những lí tưởng cao đẹp, ước mơ thay đổi cục diện xã hội nhưng lại phải chọn cách giả điên để sống thật với chính mình. Đây chính là sự bất lực và tuyệt vọng đến cùng cực. Bao quanh chàng toàn là những điều giả dối và những kẻ xu nịnh, tham lam. Chỉ mình Hamlet nhận ra sự thực và đau khổ với sự thực ấy. Thậm chí, cái chết cũng chẳng thể làm chàng nguôi ngoai. Hamlet thét lên trong niềm tuyệt vọng và căm phẫn: “Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sự trì chậm của công lí, hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đức tài nhẫn nhục, khi chỉ cần với một mũi dùi là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ. Có ai đành cam chịu, than vãn rên rỉ, đổ mồ hôi dưới gánh nặng của cuộc đời mệt mỏi, nếu không phải chỉ vì sợ một cái gì mênh mang sau khi chết, cả một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi thế này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới? ”. Hamlet không chỉ ý thức rõ về thực tại mà còn ý thức về chính mình. Những ước mơ, khát vọng cao đẹp bị lòng thù hận xâm chiếm.

Đối diện với Ophélia dịu hiền và xinh đẹp, Hamlet cũng không dám bày tỏ những điều mình đã biết. Cuộc đối thoại của hai nhân vật ở cảnh này cho thấy những suy nghĩ sâu sắc của Hamlet trước nghịch lí và bất công tồn tại trong xã hội. Hamlet – “Đôi mắt của nhà thông thái, thanh gươm của trang hiệp sĩ, miệng lưỡi của người hào hoa; niềm hi vọng, đóa hồng tươi của quốc gia gấm vóc” nay trở thành kẻ lạc loài, không thể nương tựa vào chính mình. Lẽ sống và lý tưởng bị phỉ báng, Hamlet chất đầy tội lỗi và oán giận trong tâm trí mà không tìm ra lối thoát. Một mặt,, Hamlet có ý thức về những điều tốt đẹp và mong muốn phát triển hòa bình, công lí nhưng một mặt, chàng cũng không tin những điều ấy còn tồn tại. Ophélia hết mực nhẹ nhàng thì Hamlet, vì để qua mặt vua và cận thần đã phải làm đau lòng người mình yêu, chối bỏ những tình cảm đã có với Ophélia. Tuy nhiên, những lời thoại ấy đã cũng cho thấy sự sụp đổ đức tin khi đối diện với xã hội tha hóa. Nhan sắc có thể biến đức hạnh thành thứ phóng đãng nhưng đức hạnh không thể khép nhan sắc vào khuôn khổ nết na. Điều này quả thật là nghịch lí. Và nàng Ophelia – biểu tượng cho sự trắng trong, thuần khiết cũng không thể thoát khỏi miệng lưỡi của người đời. Đoạn trích kết thúc bằng lời của nhà vua mới, hắn ta quyết định sẽ đưa vị thái tử mắc bệnh nặng. Hắn ta ý thức được sự điên loạn đáng gờm và nguy hiểm ở con người “có tài và có địa vị”.

Như vậy, vở bi kịch “Hamlet” nói chung và đoạn trích “Sống hay không sống – Đó là vấn đề” đã diễn tả những mâu thuẫn và xung đột gay gắt trong tâm lí nhân vật, Hamlet khi mang trong mình lý tưởng nghĩa hiệp nhưng lại đối diện với thời đại khủng hoảng, bế tắc. Đây chính là xung đột giữa lý tưởng nhân văn cao đẹp với thời đại xấu xa. Bên cạnh đó, mâu thuẫn còn tồn tại giữa từng nhân vật trong vở kịch. Chàng Hamlet tài năng, thông minh, đại diện cho điều thiện, mang trong mình mối thù giết cha đối lập với và vua Claudius – một tên vô lại, tham nhũng, xảo quyệt, sẵn sàng giết anh trai để cướp ngôi. Từ đó, Shakespeare đã khắc họa bức tranh về thời kì phong kiến đen tối khiến đời sống nhân dân chìm trong đau khổ.

“To be, or not to be, that is the question” là câu hỏi được Shakespeare đặt ra cách đây nhiều thế kỉ nhưng vẫn còn giá trị trong xã hội hiện đại ngày nay. Vào thời đại nào, con người cũng khao khát thấu hiểu và dung hòa lý tưởng của mình với xã hội xung quanh. Những xung đột, đổ vỡ diễn ra trong nội tâm con người ngày một nhiều và đó chính là lí do những tác phẩm của thiên tài người Anh vẫn có sức sống bền bỉ.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.