Phân tích truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
- Mở bài:
Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn có mặt sớm nhất ở chiến trường miền Nam khi đế quốc Mĩ tăng cường chiến tranh, trực tiếp đến với chiến trường tìm đề tài sáng tác. Truyện ngắn Chiếc lược ngà ra đời năm 1966, là kết quả của những tìm tòi, sáng tạo của nhà văn, kịp thời cổ vũ cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam. Tác phẩm diễn tả một cách chân thành và cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
- Thân bài:
Trước hết, truyện ngắn “Chiếc lược ngà” đã xây dựng được hai tình huống truyện đặc sắc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc. Tình huống được kể đến đầu tiên đó chính là cuộc gặp gỡ đầy xúc động của hai cha con ông Sáu sau tám năm trời đằng đẵng xa cách nhưng thật trớ trêu là bé Thu lại không chịu nhận cha. Đến lúc bé Thu nhận ra thì ông Sáu lại phải lên đường về lại đơn vị.
Thêm vào đó, truyện còn xây dựng được tình huống độc đáo khác nữa, đó chính là khi ông Sáu ở khu căn cứ đã dồn hết tình yêu thương để làm tặng bé Thu một chiếc lược ngà nhưng chưa kịp trao con thì ông Sáu đã hi sinh. Trong lúc hấp hối, ông đã nhờ đồng đội chuyển cho con chiếc lược mình đã làm. Như vậy, có thể thấy, tác phẩm đã xây dựng được hai tình huống độc đáo và giàu ý nghĩa. Đó đều là những tình huống giàu kịch tính với nhiều yếu tố bất ngờ, từ đó đã thể hiện tình cảm cha con sâu nặng, thắm thiết. Đồng thời, nhân vật được đặt vào trong những tình huống éo le đã làm bộc lộ tính cách và tình cảm cha con, để rồi từ đó tác giả đã khẳng định sự thiêng liêng, cao cả và sức mạnh của tình cảm cha con.
Bên cạnh việc xây dựng tình huống truyện đặc sắc, truyện ngắn “Chiếc lược ngà” còn xây dựng được những nhân vật độc đáo và trước hết đó chính là nhân vật bé Thu. Bé Thu là một cô bé có tình yêu thương cha sâu sắc, tám năm trời đằng đẵng xa cho, cô bé ấy luôn khao khát được gặp lại cha và rồi cái ngày cô hằng ao ước ấy đã đến.
Những tưởng bé Thu sẽ vui mừng khôn xiết, sẽ chạy sà vào lòng ba mà ôm, mà hôn, thế nhưng, mọi thứ lại hoàn toàn ngược lại. Nghe tiếng ba gọi, rồi đến lúc gặp ba, cô bé “tròn xoe mắt” như chẳng thể hiểu chuyện gì đang xảy ra rồi vội chạy đi tìm mẹ. Trong quãng thời gian ít ỏi ba ngày ở nhà, mặc cho ông Sáu dành bao nhiêu yêu thương, quan tâm, dỗ dành cho bé Thu thì bé Thu vẫn nhất quyết không chịu gọi một tiếng ba, những lúc cần nói với ông Sáu, cô bé luôn nói cộc lốc. Và ngay cả những lúc khó khăn nhất như phải chắt nước một nồi cơm to bé Thu vẫn loay hoay, tự xoay xở, tự làm.
Đặc biệt, trong bữa cơm, khi ông Sáu gắp trứng cá cho bé Thu, cô bé đã hất ra khiến cơm văng tung tóe. Chính vì điều đó, bé Thu đã bị ông Sáu trách phạt, nhưng con bé không khóc mà bỏ về nhà ngoại. Bé Thu đã không chịu nhận ba chỉ vì trên mặt ông Sáu có vết thẹo, khác với bức hình mà tám năm qua bé Thu nhìn thấy. Để rồi, khi được bà ngoại giải thích mọi chuyện, bé Thu đã hiểu ra tất cả.
Những chi tiết bình thường mà tinh tế này chứng tỏ nhà văn rất thấu hiểu tâm lí trẻ em. Trẻ con vốn rất thơ ngây nhưng cũng đầy cố chấp,nhất là khi chúng có sự hiểu lầm, chúng kiên quyết chối từ tình cảm của người khác mà không cần cân nhắc, nhất là với một cô bé cá tính, bướng bỉnh như Thu. Người đọc nhiều khi thấy giận em, thương cho anh Sáu. Nhưng thật ra em vẫn là cô bé dễ thương. Bởi nguyên nhân sâu xa của sự chối từ ấy vẫn là tình yêu ba.Tình yêu đến tôn thờ, trung thành tuyệt đối với người ba trong tấm ảnh chụp chung với má – người ba với gương mặt không có vết thẹo dài.
Sáng hôm sau, bé Thu trở về nhà, đó cũng chính là lúc ông Sáu phải chia tay mọi người để lên đường trở lại đơn vị. Lúc này đây, thái độ của bé Thu với ông Sáu đã thay đổi hoàn toàn, không còn cái vẻ cau có, cố chấp nữa mà giờ đây chỉ còn khuôn mặt “sầm lại buồn rầu”, “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao” khi bắt gặp ánh nhìn trìu mến và buồn rầu của ba nó. Để rồi, khi ông Sáu nói lời chia tay với mọi người, bé Thu đã cất tiếng gọi ba – một tiếng kêu đến xé lòng, tiếng kêu của tình yêu thương, của nỗi nhớ, của sự chờ đợi mà cô bé ấy đã cố giấu trong mình suốt tám năm qua. Cô bé ấy ôm chặt lấy ba, hôn ba thật nhiều và hôn lên cả vết thẹo. Cô bé ấy ước sao ba sẽ ở nhà với mình chứ không đi nữa. Và đến lúc chia tay ba, bé Thu ao ước ba sẽ mua cho mình một chiếc lược ngà, để luôn thấy ba và tình yêu của ba cạnh mình. Như vậy, có thể thấy, bé Thu là một người con tuy bướng bỉnh nhưng rất giàu lòng yêu thương, quý mến ba.
Dường như, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng muốn kéo dài thêm giây phút chia ly của cha con Thu trong cảm nhận của người đọc bằng cách rẽ mạch truyện sang một hướng khác, để bác Ba nghe bà ngoại Thu kể lại cuộc chuyện trò của hai bà cháu đêm qua. Chi tiết này vừa giải thích cho ta hiểu thái độ bướng bỉnh không nhận ba hôm trước của bé Thu và sự thay đổi trong hành động của em hôm nay.
Như vậy, trong lòng cô bé, tình yêu dành cho ba luôn là một tình cảm thống nhất, mãnh liệt. Dù cách biểu hiện tình yêu ấy thật khác nhau trong hai hoàn cảnh, nhưng nó vẫn xuất phát trừ một cội nguồn trong trái tim đứa trẻ luôn khao khát tình cha. Tuy nhiên, Thu trước sau vẫn chỉ là một cô bé ngây thơ, em đồng ý cho ba đi để ba mua một chiếc lược, món quà nhỏ mà bất cứ em bé gái nào cũng ao ước. Bắt đầu từ chi tiết này, chiếc lược ngà bước vào câu chuyện, trở thành một chứng nhân âm thầm cho tình cha con thiêng liêng, bất tử.
Qua những biểu hiện tâm lí và hành đông của bé Thu, người đọc cảm nhận được tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng thật dứt khoát,rạch ròi của bé Thu. Sự cứng đầu, tưởng như ương ngạnh ở Thu là biểu hiện của một cá tính mạnh mẽ (cơ sở để sau này trở thành một cô giao liên mưu trí, dũng cảm). Tuy nhiên, cách thể hiện tình cảm của em vẫn rất hồn nhiên, ngây thơ.
Cùng với nhân vật bé Thu, nhân vật ông Sáu cũng là nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Trở về quê hương, gia đình sau tám năm trời đằng đẵng xa cách, ngày trở về, bao nỗi nhớ thương khiến ông Sáu xúc động mãnh liệt. Nỗi niềm xúc động ấy của ông Sáu đã được tác giả thể hiện bằng những hình ảnh, câu văn giàu xúc động “không thể nào chờ xuồng cập lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên, xô chiếc xuồng tạt ra… vội vàng với những bước chân dài”. Để rồi, khi trở về nhà, trước thái độ của con, ông đã rơi vào tâm trạng đau khổ “anh đứng sững lại đó, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.
Trong ba ngày ít ỏi ở nhà, ông không đi đâu xa mà luôn gần gũi, tìm đủ mọi cách, kiên nhẫn chờ sự thay đổi của bé Thu, chờ bé Thu gọi ông một tiếng ba. Và đến lúc con nhận mình cũng là lúc ông phải xa con, xa gia đình, quê hương, tình cảm cha con sâu nặng cũng được tác giả bộc lộ thật xúc động “ghìm được xúc động và không muốn cho con nhìn thấy mình khóc, một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con”. Những giọt nước mắt của ông Sáu không chỉ là giọt nước mắt xúc động mà còn là giọt nước mắt của niềm hạnh phúc lớn lao, nó ứa ra từ tình yêu thương con sâu sắc của ông Sáu.
Chia tay con, ông Sáu mang theo lời hứa mua tặng con một chiếc lược ngà trở lại chiến trường. Để rồi, khi trở lại chiến trường, ông luôn ân hận và khổ tâm vì đã trách phạt con. Và hơn thế nữa, ông đã dồn hết tình yêu thương con và nỗi nhớ của mình vào làm chiếc lược ngà tặng con. Ông cưa từng chiếc răng cẩn thận và tỉ mỉ, ông “tẩn mẩn” khắc từng nét chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Mỗi lần nhớ con, ông lại mang cây lược ra ngắm và lên mái tóc mình cho cây lược thêm bóng. Ông Sáu đã dồn hết tình cảm mình dành cho con vào việc làm chiếc lược ngà, chiếc lược ấy chính là kết tinh cho nỗi nhớ, cho tình yêu thương sâu sắc mà ông dành cho bé Thu.
Tình yêu thương con sâu sắc của ông Sáu còn được thể hiện rõ nét qua chi tiết ông Sáu hi sinh. Trong những phút giây cuối cùng ít ỏi còn lại của cuộc đời mình, ông Sáu đã nhờ đồng đội trao lại chiếc lược ngà cho bé Thu. Và rồi, sau này, chiếc lược ấy đã được trao tận tay cho Thu, điều đó cho thấy, tình cha con không hề chết, không hề mất đi mà nó trở thành điểm tựa để bé Thu khôn lớn và trưởng thành.
Qua nhân vật ông Sáu, người đọc không chỉ cảm nhận tình yêu con tha thiết sâu nặng của người cha chiến sĩ mà còn thấm thía bao đau thương mất mát đối với những em bé, những gia đình. Tình yêu thương con của ông Sáu còn như một lời khẳng định: Bom đạn của kẻ thù chỉ có thể hủy diệt được sự sống của con người, còn tình cảm của con người – tình phụ tử thiêng liêng thì không bom đạn nào có thể giết chết được.
* Liên hệ với tình cha bất diệt của lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao:
Tình cảm gia đình vốn là đề tài được các nhà văn, nhà thơ chú trọng sáng tác. Thường thì, ta vẫn thường nghe nhắc đến tình mẹ đối với con, hình ảnh người cha với tình yêu thương tha thiết đối với con cái ít được khắc họa, có lẽ một phần là bởi người cha gánh vác công việc gia đình, việc chăm lo cho con là trách nhiệm của mẹ nên trở thành hình ảnh thân thuộc và sâu đậm trong tiềm thức mỗi con người, trở thành lối quen của suy nghĩ và liên tưởng.
Trong truyện ngắn “Lão hạc” của Nam Cao, nhà văn đã có những trang viết thật hay và xúc động về tấm lòng yêu thương con sâu nặng của lão hạc, một lão nông hiền lành, chất phác. Vì con, lão sống trong tằn tiện chỉ cốt để dành thật nhiều tiền cho con. Con trai lão không đủ tiền lấy vợ, phải đi đăng kí làm phu đồng điền, việc ấy cứ khiến lão ân hận mãi về bổn phận làm cha của mình. Lúc nhận thư con gửi về, lão vừa mừng, vừa tủi. Mừng vì nó vẫn còn sống, còn nhớ đến lão; tủi vì chưa biết khi nào nó trở về. mà nó có trở về hay không lão cũng chưa biết.
Cho đến khi cùng đường, lão đã chọn lấy cái chết để có thể giữ lại mảnh vườn, tài sản có giá trị duy nhất, cho con trai lão. Thật là, chỉ có tình yêu thương con tha thiết, đức hi sinh cao cả, con người ta mới có thể làm được như lão Hạc đã làm. Hình ảnh lão Hạc mãi mãi ám ảnh trong lòng người đọc là bởi vì thế.
* Liên hệ với tình cha con trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương:
Mượn lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, qua đó bộc lộ niềm tự hào về sự sống bền bỉ của quê hương mình. Bài thơ đi từ tình cảm gia đình, mà mở rộng ra tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi thân thuộc nâng lên thành lẽ sống.
Người cha nhắc nhở con về cội nguồn sinh dưỡng, cha muốn nhắc nhở đứa con nhớ và hướng tới tình cảm gia đình, cái nôi nuôi dưỡng con trưởng thành:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
…….
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Khi nói về quê hương, người cha tự hào khi nói về sức sống bền bỉ, mạnh mẽ mà cao đẹp của quê hương với mong muốn con tiếp nối, phát triển. Người cha tự hào về những phẩm chất cao quý của “người đồng mình”. Họ là những người có lời nói giản dị, mộc mạc gợi sự yêu thương, gần gũi. Họ luôn có tấm lòng thủy chung với nơi chôn rau cắt rốn, một cuộc sống tràn ngập niềm vui và sự lạc quan:
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc.
Người đồng mình mộc mạc, dung dị, giàu ý chí và niềm tin, họ có thể thô sơ da thịt nhưng không hề nhỏ bé, yếu đuối về ý chí:
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Người đồng mình biết cách nâng cao quê hương, xây dựng và duy trì truyền thống phong tục tập quán của mình:
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục.
Bằng việc sử dụng điệp từ, điệp ngữ và cách so sánh cụ thể kết hợp nhiều kiểu câu ngắn dài khác nhau, lời tâm tình của người cha góp phần khẳng định người miền núi tuy có nhiều khó khăn vất vả nhưng họ vẫn luôn kiên cường, sống mạnh mẽ, thiết tha với quê hương. Qua đó, người cha mong con thủy chung với quê hương; biết chấp nhận khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình; biết tự hào vào truyền thống tốt đẹp và lối sống nghĩa tình của quê hương và người đồng mình; biết sống cao thượng, tự trọng, chân thật dù mộc mạc, đơn sơ để xứng đáng với người đồng mình. và quan trọng hơn hết, con tự tin bước đi, bởi sau lưng con còn có gia đình, quê hương, bởi trong tim con sẵn có những phẩm chất quý báu của “người đồng mình”.
Người cha nói với con chính là trao gửi tới thế hệ tiếp nối về truyền thống, niềm tự hào, khả năng sống bền bỉ của những con người dù “thô sơ”, “nhỏ bé” nhưng đầy tự trọng và kiên định.
- Kết bài:
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc mọi thế hệ không chỉ bởi tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn mà hơn hết chính bởi sự ấm áp vô ngần của tình cảm cha con cao quý trong hoàn cảnh của cuộc chiến tranh gay go, ác liệt. Tác phẩm là một bài ca ca ngợi sức sống mãnh liệt của tình cảm gia đình trong chiến tranh.
Đọc – hiểu văn bản “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
I. Kiến thức cơ bản:
1. Tác giả:
Nguyễn Quang Sáng: sinh năm 1932, quê Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông là nhà văn có cuộc sống và sáng tác gắn liền với vùng đất Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ và sau hòa bình (1975).
2. Xuất xứ: Chiếc lược ngà viết năm 1966. Vị trí đoạn trích: ở phần giữa truyện.
3. Thể loại: Truyện ngắn
4. Tóm tắt văn bản:
Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm ba em không giống với người cha trong bức ảnh mà em biết. Em đối xử với ba như người xa lạ. Đến khi Thu nhận ra cha,tình cha con thức dậy mãnh liệt trong em thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường trở về khu căn cứ. Ở khu căn cứ, người cha dồn hết tình cảm yêu quý, nhớ thương đứa con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi để tặng con. Trong một trận càn, ông Sáu hi sinh. Trước lúc ra đi mãi mãi, ông đã kịp trao cây lược cho bác Ba, nhờ bạn chuyển cho con gái.
5. Nội dung
a) Nhân vật ông Sáu:
- Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi đến khi con gái lên 8 tuổi, ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con.
- Gặp được con, ông Sáu không kìm được niềm vui, vồ vập đến con. Nhưng ông rơi vào bi kịch: mong mỏi được gặp con nhưng khi gặp thì con lại không chịu nhận mình là cha…
- Trong ba ngày nghỉ phép, ông quan tâm, chờ đợi con gái gọi mình là “ba”.
- Trước giờ ra đi, ông chia tay con bằng ánh mắt “trìu mến lẫn buồn rầu”.
- Niềm vui sướng vỡ òa khi bé Thu nhận ông là cha, ông không kìm được xúc động, nước mắt tuôn trào…
- Những ngày ở chiến khu, thương con, ông dồn hết tâm trí vào việc làm cây lược ngà cho con. Đen phút cuối cùng trước lúc hy sinh, ông chỉ yên lòng khi biết cây lược sẽ được chuyển đến tận tay con gái.
b) Nhân vật bé Thu:
- Tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc nhưng cũng thật dứt khoát và rạch ròi. Cá tính cứng cỏi đến mức ương ngạnh nhưng vẫn là một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ.
- Từ chối sự quan tâm, chăm sóc của ông Sáu vì nghĩ rằng ông không phải là cha mình.
- Khi hiểu ra, tình cảm của bé Thu được thể hiện qua tiếng gọi “ba” đầu tiên và qua hành động dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba.
5. Nghệ thuật
– Tình huống truyện éo le trong cảnh gặp nhau giữa hai cha con ông Sáu:
+ Tình huống 1: Hai cha con gặp nhau sau 8 năm xa cách, nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi.
+ Tình huống 2: Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ đứa con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hy sinh khi chưa kịp trao món quà ấy cho con.
+ Xây dựng yếu tố bất ngờ, gây sự hấp dẫn cho truyện.
+ Lựa chọn người kể chuyện là bạn của ông Sáu, chứng kiến toàn bộ câu chuyện, thấu hiểu cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật trong truyện.
6. Ý nghĩa văn bản.
Là câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng, Chiếc lược ngà cho ta hiểu thêm về những mất mát to lớn của chiến tranh chống Mĩ cứu nước.
* Ghi nhớ:
Bằng việc sáng tạo tình huống bất ngờ, tự nhiên mà hợp lý, truyện Chiếc lược ngà đã thể hiện thật cảm động tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Truyện đã thành công trong việc miêu tả tâm lý và xây dựng tính cách nhân vật, đặc biệt là nhân vật bé Thu.
II. Luyện tập.
- Tóm tắt nội dung đoạn trích.
- Viết một đoạn văn (6 đến 8 câu) nêu cảm nghĩ của em về điều mà chiến tranh không thể cướp đi.
Liên hệ chủ đề tình cảm gia đình:
– Bếp lửa (Bằng Việt)
– Nói với con (Y Phương)
– Lão Hạc (Nam Cao)
– Trong lòng mẹ (Nguyên Hồng)
– Mây và sóng (Tagor)
– Mẹ vắng nhà (Nguyễn Thi)
– Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi).