PHO-TU

Phó từ

Phó từ.

I. Khái niệm.

Phó từ là những phụ từ đi kèm với trạng từ, động từ và tính từ để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp, cách thức, mức độ hay kết quả của hành động, hoạt động, tính chất được nói đến trong câu.

II. Phân loại phó từ.

1. Phó từ chỉ thời gian (đã, đang, sẽ, vừa, mới, sắp, từng,…)

– Điểm đặc biệt của các phó từ nhóm này là chúng không chỉ được dùng để thể hiện thời tuyệt đối mà còn có thể dùng để thể hiện thời tương đối. Vì vậy, khi sử dụng, cần phải có điểm quy chiếu để phân biệt rõ thời gian của các sự kiện hay đặc trưng tính chất.

Ví dụ:

Trong câu: Ngày mai anh đã lên đường rồi à? Tôi nghĩ là 5 ngày nữa chứ!

Phó từ “đã” biểu thị thời quá khứ tương đối (ngày mai) so với thời điểm quy chiếu trong tương lai: “5 ngày nữa”.

2. Phó từ phủ định (không, chửa, chưa, chã,…)

Phó từ phủ định: thường đi với các động từ và tính từ để biểu thị ý nghĩa phủ định hoặc để phủ định (không, chẳng, chã,…) sự tồn tại của sự vật hay hiện tượng.

Ví dụ:

+ Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
  Không chăn, không nệm ấm, không màn.”

(Tố Hữu)

+ Không gì có thể so sánh với vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long.

+ Không ai ở đây không biết nó.

3. Phó từ tạo câu mệnh lệnh, cầu khiến (hãy, đi, đừng, chớ,…)

– Phó từ tạo câu mệnh lệnh: hãy, đi, đừng, chớ.

– Trong khẩu ngữ, phó từ “hãy” thường được thay thế bằng hẵng.

Ví dụ:

+ Chúng ta hẵng (hãy) nghỉ một chút đã!

– Các phó từ đừngchớ dùng để bày tỏ lời yêu cầu hay khuyên bảo người nghe không thực hiện hoặc ngừng thực hiện một hành động nào đó.

Ví dụ:

+ Chị đừng đi chuyến tàu này!

+ Chớ đi ngày bảy chớ về ngày ba!

– Khi cần làm rõ yêu cầu người nghe ngừng tiến hành một hành động, có thể kết hợp chúng với từ nữa.

Ví dụ:

+ Đừng chơi với nó nữa!

– Nói chung, đừngchớ có nghĩa giống nhau, tuy nhiên chớ thường có ý nghĩa răn đe nhiều hơn.

4. Phó từ chỉ sự đồng nhất hay lặp đi lặp lại (cũng, đều, vẫn, còn, mải, lại, cứ, mãi, nữa,…)

+ cũng, đều, vẫn, còn, mải, lại, cứ là những phó từ đứng trước vị từ.

+ mãi, nữa là những phó từ đứng sau vị từ.

+ Riêng phó từ lại có thể đứng trước hoặc sau động từ.

+ Từ cũng có thể được thay thế bằng từ vẫn trong trường hợp nó được dùng để biểu thị sự mâu thuẫn hay trái ngược của sự kiện. Khi ấy chúng thường được kết hợp với các từ tình thái như: phải, bị, hoặc phó từ phủ định không.

Ví dụ:

+ Ốm gần chết cũng phải đi/ Ốm gần chết vẫn phải đi.

+ Rẻ thế chứ rẻ nữa cũng không mua.

– Từ cứ ngoài việc biểu thị sự không thay đổi của hành động, hoạt động hay trạng thái còn được dùng để biểu thị ý nghĩa cầu khiến.

Ví dụ:

+ Anh cứ nói với nó là tôi không cho vay!

– Từ lại có thể được kết hợp với nữa khi đứng trước động từ để biểu thị sự tiếp tục của hành động, nhưng khi đi sau động từ để biểu thị sự lặp lại của hành động thì không thể kết hợp trực tiếp với nữa.

Ví dụ:

+ Có thể nói: Họ lại uống nữa.

+ Không thể nói: “Chị ấy đọc lại cuốn sách ấy nữa” mà phải nói: “Chị ấy đọc lại cuốn sách ấy một lần nữa.”.

5. Phó từ chỉ mức độ (rất, quá, lắm, khá, khí, hơi,…)

– Các từ rất, khá, khí, hơi đều đứng trước các tính từ và động từ, còn quá, lắm thì đi sau.

– Khi quá đứng trước tính từ hoặc động từ thì nó dùng để chỉ mức độ nhưng khi đi sau tính từ hoặc động từ, nó còn có nghĩa như một thán từ.

Ví dụ:

+ Cái áo này quá chật.

+ Cảnh ở đây đẹp quá!

– Trong một số trường hợp, các từ rất, quá, lắm có thể đi với danh từ.

Ví dụ:

+ rất sinh viên.

+ quá lời.

+ quá chén.

+ lắm tiền.

– Hai phó từ “khá” và “khí” thường có nghĩa giống nhau, nhưng “khí” có phạm vi sử dụng hẹp hơn “khá” và có thể có nghĩa tiêu cực (chê bai, mỉa mai), vì thế thường chỉ đi với những từ biểu thị ý nghĩa tiêu cực.

Ví dụ:

+ Có thể nói: Thức ăn ở đây khá rẻ.

+ Nhưng không nói: Thức ăn ở đây khí rẻ.

+ Hoặc có thể nói: Chị ấy khá đảm đang.

+ Nhưng không thể nói: Chị ấy khí đảm đang.

6. Phó từ chỉ kết quả (mất, được, ra,…)

– Các phó từ này đều đứng sau vị từ để chỉ kết quả của hoạt động hay hành động.

Ví dụ:

+ Xuýt nữa tôi quên mất.

+ Nó không đậy, nên chuột ăn mất hai cái bánh.

+ Tôi nghĩ ra một cách để đuổi khéo nó.

+ Phải mất hai năm trời công an mới tìm được thủ phạm vụ giết người cướp của.

+ Không ai biết được điều gì sẽ xảy ra.

7. Phó từ chỉ hướng diễn biến (ra, lên, đi, lại,…)

– Tất cả các phó từ này cũng đều đứng sau vị từ để chỉ hướng diễn biến của quá trình.

+ Các phó từ ra, lên dùng để chỉ hướng diễn biến tích cực hoặc được coi là tích cực.

Ví dụ:

+ Dạo này trông anh có vẻ béo lên một chút.

+ Đi tắm biển về, ai cũng thấy khỏe ra.

– Các phó từ đi, lại dùng để chỉ hướng diễn biến tíêu cực hoặc được coi là tiêu cực.

Ví dụ:

+ Khí hậu trái đất càng ngày càng xấu đi.

– Bị ốm hơn một tháng, người nó quắt lại.

8. Phó từ về khả năng (có thể, có lẽ, được,…)

Ví dụ:

Nếu tôi đi đúng giờ có lẽ tôi đã không bị phạt.

→ Trong câu này thì phó từ được sử dụng ở đây là từ “có lẽ” việc sử dụng cụm từ này sẽ giúp hỗ trợ thể hiện khả năng phán đoán của người nói rằng mình sẽ không bị phạt nếu đi làm đúng giờ.

Nếu tôi tỏ tình vào hôm ý có thể cô ấy sẽ đồng ý.

→  Trong câu này thì phó từ được sử dụng ở đây là từ “có thể” để giúp hỗ trợ cho trạng thái của người nói khi có nhận đình về sự thành công của mình khi thực hiện hành động tỏ tình với một cô gái.

9. Phó từ biểu thị sự đánh giá bất lợi (cho, phải,…)

– Các phó từ này đều đứng sau vị từ để biểu thị sự đánh giá tiêu cực đối với hàng động hay hoạt động.

Ví dụ:

+ Anh không nên làm thế, người ta cười cho.

+  Ai cũng thương chị Lan lấy phải người chồng nghiện hút.

10. Phó từ chỉ tần số (thường, hay, năng, thường xuyên, luôn, luôn luôn,…)

– Các phó từ thường, hay, năng chỉ đứng trước vị từ. Riêng các phó từ thường và hay còn có thể kết hợp với nhau.

Ví dụ:

+ Anh năng đi lại, mẹ thầy em thương.

+ Về mùa này, Sa Pa hay có sương mù.

+ Những người hiền lành thường hay yếu đuối.

– Phó từ luôn thường đứng trước vị từ để biểu thị tần số của hành động hay hoạt động. Khi đi sau vị từ, nó còn có thể biểu thị cách thức của hành động hay hoạt động.

Ví dụ:

+ Ở châu Âu, tôi luôn cảm thấy khô miệng.

+ Tôi gặp nó luôn.

+ Không thấy ai, nó lấy luôn hai quả cam cho vào túi.

– Các phó từ thường xuyênluôn luôn có thể đứng trước hoặc sau vị từ mà ý nghĩa không thay đổi.

Ví dụ:

– Họ thường xuyên vắng nhà./ Họ vắng nhà thường xuyên.

+ Người già luôn luôn mất ngủ./ Người già mất ngủ luôn luôn.

Ghi chú:

– Trong thực tế, có thể bắt gặp những trường hợp, trong đó “được/bị” được dùng không theo nguyên tắc đã nêu ở trên. Đó là cách sử dụng mang tính chất tu từ và do đó ý nghĩa của các từ này có thể thay đổi.

Ví dụ:

1) Chẳng ai muốn bị cô ấy yêu.

2) Được thủ trưởng nhắc nhở là một vinh dự.

– Cũng có thể bắt gặp những trường hợp, trong đó “được”“bị” được sử dụng cùng với nhau. Đó cũng là những trường hợp sử dụng mang tính chất tu từ và ý nghĩa chung sẽ phụ thuộc vào “được” (nghĩa tích cực).

Ví dụ:

1) Bà vẫn ao ước được … bị hiếp dâm nữa mà không bao giờ cái dịp hiếm có ấy lại tái hiện (Vũ Trọng Phụng)

– Ngoài ra, có những trường hợp, trong đó việc sử dụng cả “được” và “bị” đều có thể được chấp nhận. Khi ấy sự khác nhau về nghĩa (tốt hay xấu) sẽ phụ thuộc vào thái độ của người nói đối với hiện thực.

Ví dụ:

1) Nội dung tờ quảng cáo đã bị thay đổi.

2) Nội dung tờ quảng cáo đã được thay đổi.

11. Phó từ chỉ sự đồng nhất hoặc lặp lại (cũng, đều, vẫn, còn, mải, cứ, mãi, nữa, lại,…)

– Để chỉ sự đồng nhất/giống nhau hoặc sự lặp lại của các hành động/hoạt động/trạng thái, tiếng Việt chủ yếu sử dụng các phó từ: cũng, đều, vẫn, còn, mải, cứ, mãi, nữa, lại.

+ cũng, đều, vẫn, còn, mải (mải miết), cứ là những phó từ thường được dùng để chỉ sự đồng nhất/giống nhau của hành động/hoạt động/ trạng thái và được đặt trước vị từ (động, tính từ, đại từ). Đáng chú ý là các phó từ này có thể kết hợp với nhau để nhấn mạnh thêm sự đồng nhất/giống nhau của hành động/hoạt động.

Ví dụ:

– Anh ấy cũng vẫn chưa viết xong khóa luận.

– Chúng tôi cũng đều ăn cơm cả rồi..

– Đã hai giờ sáng mà Hân vẫn còn thức

– Họ đều còn đang ngủ.

– Đêm đã xuống, nhưng họ vẫn cứ làm việc.

– Họ vẫn mải nói chuyển riêng.

+ “mãi” là phó từ thường được sử dụng sau động từ. Tuy nhiên, khi đi với động từ “là” nó thường đứng trước, còn khi đi với các tính từ thì, nói chung, vị trí có thể linh hoạt.

Ví dụ:

– Người em cứ đi mãi, đi mãi.

– Chúng tôi nguyện mãi là bạn tốt của nhau.

– Chúc em mãi tươi trẻ!/Chúc em tươi trẻ mãi!

→ Để chỉ sự lặp lại của hành động/hoạt động, tiếng Việt dùng các phó từ: lại, nữa. Cả hai phó từ này đều có thể kết hợp với các phó từ đã nêu ở trên để vừa chỉ sự giống nhau vừa chỉ sự lặp lại của hành động/hoạt động.

+ Phó từ nữa đứng sau vị từ.

Ví dụ:

– Họ vẫn muốn hát nữa.

– Tôi cũng không muốn đến đấy nữa.

+ Phó từ “lại” có thể đứng trước hoặc sau vị từ và có ý nghĩa khác nhau. Khi đứng trước vị từ, nó biểu thị ‘sự tiếp tục’ của hành động, nhưng khi đi sau vị từ thì nó biểu thị ‘sự lặp lại’ của hành động.

Ví dụ,

so sánh: Họ lại uống./ Họ đề nghị anh hát lại.

+ Từ “lại” có thể kết hợp với “nữa”, tuy nhiên, khi đứng sau động từ thì nó không thể kết hợp trực tiếp với nữa mà phải có nhóm từ “một lần”, “hai lần”… đi theo sau.

Ví dụ:

– Họ lại hát nữa. (+)

– Họ hát lại nữa. (-)

– Họ hát lại (bài hát ấy) một lần nữa. (+)

* Tuy nhiên, khi động từ được dùng ở dạng phủ định thì “lại” có thể kết hợp trực tiếp với “nữa”.

Ví dụ:

+ Họ không hát lại nữa. (+)

III. Phân biệt phó từ với trợ từ.

1. Dựa trên ngữ pháp.

– Đối với phó từ thì vị trí thường đứng trước hoặc đứng sau từ chính, hay còn gọi là từ trung tâm.

– Đối với trợ từ thì vị trí có thể đứng đầu, giữa hoặc cuối câu, vì không có ảnh hưởng và mối quan hệ trực tiếp với từ chính nên trợ từ có thể bị lược bỏ mà câu vẫn đảm bảo kết cấu ngữ pháp

2. Dựa trên ngữ nghĩa.

– Đối với phó từ thì giúp bổ sung và làm rõ nghĩa của từ trung tâm về mặt mức độ, thời gian, tần suất…

– Đối với trợ từ thì giúp đem đến cho câu văn có thêm sắc thái nghĩa mới và cho phép người nói, người viết có thể thể hiện tâm tư tình cảm của mình hiệu quả một cách tốt hơn.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang