qua-bai-tho-sang-thu-hay-lam-ro-nhung-cam-nhan-tinh-te-cua-huu-thinh-ve-su-chuyen-doi-cua-dat-troi-tu-cuoi-ha-sang-dau-thu

Qua bài thơ Sang thu, hãy làm rõ những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về sự chuyển đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu

Những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về sự chuyển đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu qua bài thơ Sang thu

I. Mở bài:

– Nguyễn Hữu Thỉnh (1942) là nhà thơ, chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ Hữu Thỉnh ấm áp tình người và giàu sức gợi cảm. Ông viết nhiều và hay về con người, cuộc sống ở nông thôn về mùa thu.

– Bài thơ Sang thu (viết năm 1977) là tác phẩm tiêu biểu của Hữu Thỉnh. Bài thơ là những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về sự chuyển đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu và những suy ngẫm của tác giả về cuộc đời, ẩn chứa qua bức tranh thiên nhiên.

II. Thân bài:

“Sang thu” của Hữu Thỉnh có nét riêng bởi chỉ diễn tả các yếu tố chuyển giao mùa. Bài thơ thoáng nhẹ mà tinh tế. Sự tinh tế ấy được thể hiện khá rõ trong khổ thơ đầu:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.

Macxim Gorki từng khẳng định: “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng của mình, tìm thấy những ấn tượng có các giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có hình thức riêng”. Còn Lê Đạt từng viết: “Mỗi công dân đều có một dạng vân tay / Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ / Không trộn lẫn”. Điều này quả là đúng với Hữu Thỉnh. Đã có nhiều nhà thơ viết về mùa thu, nhưng mùa thu của Hữu Thỉnh vẫn có những nét khác biệt.

– Mùa thu của Hữu Thỉnh bắt đầu thật giản dị:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”

– Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình. Mùi hương ổi không phải “tỏa’, “lan”, “tan” hay “bay” mà là “phả” vào trong gió. “Phả” nghĩa là bốc mạnh và tỏa ra từng đậm đặc. Hữu Thỉnh đã không tả mà chỉ gợi, đem đến cho người đọc một sự liên tưởng thú vị: trong vườn mẹ, những quả ổi chín vàng trên các cành cây, kẽ lá tỏa ra hương thơm nức, nồng nàn trong gió. Chỉ một chữ “phả” ấy thôi những cũng đủ gợi hương thơm sánh lại, đậm đặc lại thành từng luồng trong làn gió se.

– Bằng việc kết hợp một loạt các từ: “bỗng”, “phả”, “hình như”, Hữu Thỉnh thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng của chủ thể trữ tình trước mùa thu. Nhà thơ giật mình, hơi bối rối, hình như còn có chút gì chưa thật rõ ràng trong cảm nhận. Vì đó là những cảm nhận nhẹ nhàng, thoáng qua hay là vì quá đột ngột mà tác giả chưa nhận ra? Tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh sang thu thấp thoáng hồn người: Chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng…

“Sương chùng chình”: Những hạt sương nhỏ li ti giăng mắc như một làm sương mỏng nhẹ nhàng trôi, đang “cố ý” chậm lại thong thả, nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm sang thu. Hạt sương sớm mai cũng như có tâm hồn.

– Nếu hai câu đầu diễn tả cái cảm giác chưa hẳn đủ tin thì đến hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ” lại càng lung linh huyền ảo. Nhà thơ đã nhân hóa làn sương qua từ láy gợi hình “chùng chình” khiến cho sương thu như chứa đầy tâm trạng. Nó như đang chờ đợi ai hay đang lưu luyến điều gì? Câu thơ lắng đọng tạo cảm giác mơ hồ đan xen nhiều cảm xúc. Như vậy, cảm xúc của nhà thơ về phút chuyển giao của đất trời đã huy động rất nhiều các giác quan. Từ khứu giác (mùi hương ổi chín), đến xúc giác (gió se) sang thị giác (làn sương chùng chình qua ngõ) và cuối cùng là tri giác (Hình như: Một sự thoáng hoài nghi, chưa hẳn tin những gì mình thấy, rất Hữu Thỉnh), nhà thơ cảm nhận được sự hiện diện những nét đặc trưng của mùa thu. Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng không thật rõ ràng. Đó đúng là trạng thái cảm xúc của thời điểm giao mùa. Rõ ràng là đằng sau không gian làng quê lúc thu sang ấy, ta cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, một tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống thật đằm thắm.

– Bêlinxki, nhà phê bình văn học nổi tiếng của Nga cho rằng, “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Điều đó có nghĩa là thơ được kết tinh bởi những rung động và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ với thế giới xung quanh nên chất liệu để làm nên thơ chính là những chất liệu lấy từ cuộc sống. Đó có thể là những sự vật hoặc từ chính cuộc đời nhà thơ. Đem điều này soi chiếu vào Hữu Thỉnh, ta càng thấy trở nên sáng tỏ hơn bao giờ hết. “Sang thu” nghĩa là chớm thu, là lúc thiên nhiên giao mùa. Hạ vẫn chưa qua hết, mà thu chỉ vừa mới chớm. Trước những sự thay đổi ấy phải nhạy cảm lắm, tinh tế lắm mới cảm nhận được.

Hình ảnh thiên nhiên lúc sang thu tiếp tục được nhà thơ phát hiện bằng những hình ảnh quen thuộc làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng:

Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

– M. Gorki nói “Thơ chính là tâm hồn của con người”. Tâm hồn của Hữu Thỉnh nhạy cảm với mùa thu xứ Bắc như thế, nên những vần thơ thu của ông đã làm rung động biết bao trái tim người đọc cũng là điều dễ hiểu. Sau giây phút ngỡ ngàng và khe khẽ vui mừng, cảm xúc của thi sĩ tiếp tục lan tỏa, mở ra trong cái nhìn xa hơn, rộng hơn: “Sông được lúc dềnh dàng / Chim bắt đầu vội vã”.

– Bức tranh mùa thu được cảm nhận bởi sự thay đổi của đất trời theo tốc độ di chuyển từ hạ sang thu, nhẹ nhàng mà rõ rệt. Thiên nhiên sang thu đã được cụ thể bằng những hình ảnh: “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”.

+ Bằng nghệ thuật nhân hóa, Hữu Thỉnh đã rất tài hoa ghi tại cái hồn của tạo vật, của dòng sông quê hương ở đồng bằng Bắc Bộ, gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên thiên mùa thu. Vào mùa thu, nước sông êm đềm, nhẹ nhàng trôi lững lờ mà không chảy xiết như sau những cơn mưa mùa hạ. Cái “dềnh dàng” của dòng sông không chỉ gợi ra vẻ êm dịu của bức tranh thiên nhiên mùa thu mà còn mang đầy tâm trạng của con người.

+ Trái ngược với vẻ khoan thai của dòng sông là sự vội vàng của những cánh chim thiên di bắt đầu hành trình bay về phương Nam tránh rét. Không gian trở nên xôn xao, không có âm thanh nhưng câu thơ lại gợi ra được cái động. Điều này gợi ra được một “phong vị rất Đường thi” cho cấu tứ. Hai câu thơ đối nhau rất nhịp nhàng, dựng nên hình ảnh đối lập, ngược chiều nhau: sông dưới mặt đất, chim trên bầu trời, sông “dềnh dàng” chậm rãi, chim vội vã lo lắng. Đó là sự khác biệt của vạn vật trên cao và dưới thấp trong khoảng khắc giao mùa. Nhà thơ gợi ra tốc độ trái chiều của thiên nhiên, của sự vật để tạo ra một bức tranh mùa thu đang về – có những nét dịu êm, nhẹ nhàng, lại có những nét hối hả, vội vã.

– Đất trời mùa thu như đang rùng mình để thay áo mới. Cả bầu trời thu cũng có sự thay đổi:

“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”

– Hữu Thỉnh dùng động từ “vắt” để diễn tả sự vận động của tạo vật trong thời điểm giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhe trôi như tấm voan mềm treo lơ lửng giữa bầu trời xanh trong và cao rộng. Đám mây “vắt mình” tạo ra cái ranh giới mỏng manh giữa hai mùa hạ thu. Nó như một cái cầu vồng thời gian mà bên này với những nắng, mưa của mùa hạ còn đầu bên kia là khói sương lảng bảng của mà thu, với mùi hương ổi chín, với gió se và với làn sương chùng chình, lãng đãng. Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này.

– Tuy nhiên, trong thực tế, làm gì có đám mây nào như vậy, làm gì có đám mây nào chia rõ ranh giới hai mùa hạ – thu? Chỉ có một tâm hồn thiết tha với vẻ đẹp của thiên nhiên, thiết tha với vẻ đẹp nồng hậu của mùa thu quê nhà mới có được những liên tưởng bất ngờ và thi vị đến thế. “Dòng sông”, “cánh chim”, “đám mây” đều được nhân hóa khiến cho bức thanh thu càng trở nên hữu tình và vô cùng thi vị. Cả ba hình ảnh đều là tín hiệu của đất trời, tạo vật khi mùa thu thì mới chớm còn hạ chưa hoàn toàn đi hết hẳn. Nhờ vậy mà ta hiểu thêm về hồn thơ nhạy cảm, sự liên tưởng độc đáo bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết của Hữu Thỉnh.

Hai khổ thơ đầu của bài thơ “Sang thu” có nhiều hình ảnh đặc sắc, gợi cảm về thời khắc giao mùa hạ sang thu ở làng quê Việt Nam.

Tác giả sử dụng khá thành công một số biện pháp nghệ thuật tu từ như từ láy, nhân hoá, ẩn dụ. Các biện pháp nghệ thuật này có tác dụng nhấn mạnh vẻ đẹp dịu dàng, êm ả của đất trời khi thu sang.
– Đặt trong tổng thể toàn bộ tác phẩm, qua hai khổ thơ ta cảm nhận được lòng yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp rất riêng của thời khắc giao mùa và thấy được tâm trạng, suy ngẫm của Hữu Thỉnh trước đất trời, trước cuộc đời.

Nói tóm lại, chỉ với hai khổ thơ đầu của bài thơ “Sang thu”, người đọc đã cảm nhận được nhiều hình ảnh đặc sắc, gợi cảm về thời khắc giao mùa hạ sang thu ở làng quê Việt Nam. Tác giả sử dụng khá thành công một số biện pháp nghệ thuật tu từ như từ láy, nhân hoá, ẩn dụ. Các biện pháp nghệ thuật này có tác dụng nhấn mạnh vẻ đẹp dịu dàng, êm ả của đất trời khi thu sang. Đặt trong tổng thể toàn bộ tác phẩm, qua hai khổ thơ ta cảm nhận được lòng yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp rất riêng của thời khắc giao mùa và thấy được tâm trạng, suy ngẫm của Hữu Thỉnh trước đất trời, trước cuộc đời.

II. Kết bài:

Puxkin từng cho rằng: “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi”. Và rõ ràng, chính tình yêu cuộc sống, yêu mùa thu, yêu thiên nhiên xứ Bắc của Hữu Thỉnh đã tạo cho “Sang thu” một nét riêng để vượt ra khỏi quy luật băng hoại của thời gian để sống mãi trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang