Là một người nghệ sĩ chân chính, sáng tác của nhà văn dù viết về điều gì đi chăng nữa, đầu tiên cũng phải đến từ “cảm giác của trái tim”. Muốn có nghệ thuật trước hết phải có tình cảm chân thành, cháy bỏng của người cầm bút. Văn học suy cho cùng là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc. Ấy chính là một quy luật mà bất cứ nhà văn nào, thời đại nào, thuộc trường phái nào cũng phải thừa nhận. Hàn Mặc Tử từng viết trong nỗi niềm thiết tha: “Không rên xiết là thơ vô nghĩa lí ”. Bởi lẽ, tác phẩm nghệ thuật bắt đầu từ sự gửi gắm ân tình và trái tim của người nghệ sĩ chân chính. Hơn ai hết, người nghệ sĩ phải ý thức được sứ mệnh của mình đó là sự “gửi gắm tình cảm” (Lê Ngọc Trà). Và cũng đi ra từ chân lí muôn đời ấy, câu nói của Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí, quyết định tư tưởng, tình cảm, hay nói cách khác, cái tâm của người cầm bút quyết định sức sống của một tác phẩm văn học. Văn học chỉ sống được trong những tư tưởng, tình cảm mãnh liệt của người cầm bút mà thôi.
Bắt rễ từ “cảm giác trái tim”, từ chính những xúc cảm chân thành nhất mà nhà văn đã sống đã trải nghiệm nơi thời đại mình sẽ là động lực thúc đẩy cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ. Không có tình cảm, trái tim kia vô tri giữa biển đời rộng lớn thì sẽ không có cảm hứng sáng tạo. Nhà văn phải mang trong mình tình yêu thương, sự trăn trở, nỗi ám ảnh trước nhân tình thế thái. Phải ấp ủ lý tưởng, một khát vọng nhân sinh. Khi đó nhà văn mới quan tâm khám phá để cất lên tiếng nói có trách nhiệm với đời sống qua tác phẩm của mình. Những vần của Hoàng Cầm trong kiệt tác “Bên kia sông Đuống” cũng đã đi từ những xúc cảm chân thành và mãnh liệt như vậy “Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì/ Xanh xanh bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai biêng biếc/ Đứng bên này sông sao nhớ tiếc/ Sao xót xa như rụng bàn tay”. Hay những trang thơ của Puskin chẳng phải cũng đi ra “từ cảm giác trái tim”, từ những rung động đầu đời nơi mối tình thanh xuân đầy thiết tha, cháy bỏng sao?
“Ta nhớ biển trước khi cơn bão đến
Ta ghen với từng con sóng trào dâng
Sóng trập trùng lớp lớp mênh mông
Mang tình yêu dưới chân nàng phủ phục
Ta ước ao cùng từng ngọn sóng
Hôn ngón chân yêu kiều bằng dịu nhẹ bờ môi!”
Tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống nhưng không phải là sao chép hiện thực nguyên mẫu: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả” là như vậy. Phản ánh hiện thực máy móc, vô hồn thì áng văn chương đó chỉ làm được nhiệm vụ của một bức ảnh chụp. Suy cho cùng, mỗi tác phẩm phải mang đến được “tiếng thét khổ đau”, “lời ca tụng hân hoan” bởi người nghệ sĩ viết ra từ sự thôi thúc của trái tim. Raxpuchin nói rằng: “Nếu tôi viết, ấy là vì tôi cảm thấy đau ở đâu đấy trong người, tôi cảm thấy một sự thiếu thốn nào đó. Phải tin rằng văn học cần phải phô diễn cái gì đó đòi được viết ra đặc biệt là các hình tượng mà chỉ văn học mới có thể khai thác và nói rõ”. Nghệ sĩ không có của để dành, anh sẵn sàng dâng trọn trái tim và vốn sống của mình để phục vụ cho công cuộc sáng tạo.
Tình cảm không chỉ là “khâu đầu tiên” mà còn là “khâu cuối cùng” trong quá trình hình thành một tác phẩm văn học. Vậy làm sao để nghệ thuật có thể lay động sâu xa tâm hồn người đọc, có thể khiến độc giả cùng vui, buồn, xôn xao, giận hờn, đau khổ, căm phẫn… cùng nhân vật khi mà nhà văn không thực sự xúc cảm, không viết từ chiều sâu con tim? “Nhà văn là người cho máu” cũng để nói về sáng tác là bằng tất cả trái tim, tình cảm của mình, vui buồn với từng cảm xúc của nhân vật, sống cùng cuộc đời của nhân vật. Như Lâm Ngữ Đường từng viết “Văn chương cổ kim đều viết bằng huyết lệ”. Vâng, chỉ khi anh viết văn bằng tình cảm, bằng trái tim thì áng văn anh mới khơi gợi được tiếng nói tri âm, đồng điệu trong trái tim bạn đọc muôn đời. Giống như giây phút Chế Lan Viên đặt bút viết “Lệ tri âm” dành cho Nguyễn Du cùng những trang Kiều. Giống như giây phút Thế Lữ đã phải thốt lên đầy xúc động, thổn thức “Huy Cận là tay nào mà làm thơ hay thế!” sau khi đọc “Tràng giang”...