qua-truyen-ngan-hai-dua-tre-cua-thach-lam-hay-lam-sang-to-y-kien-nha-van-sang-tao-nhan-vat-de-gui-gam-tu-tuong-tinh-cam-va-quan-niem-cua-minh-ve-cuoc-doi-se-khop

Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ của thạch Lam, hãy làm sáng tỏ ý kiến: “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời” (Sê-khốp)

Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ của thạch Lam, hãy làm sáng tỏ ý kiến: “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời” (Sê-khốp)

* Hướng dẫn làm bài:

  • Mở bài:

Mỗi tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của nhà văn,nhà thô .Đó là cả bầu trời tâm tư tình cảm mà tác giả muốn gửi gắm. Nhà văn Sê-khốp cho rằng: “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời” (Sê-khốp)

  • Thân bài:

1. Giải thích: Ý nghĩa, vai trò của nhân vật trong truyện là góp phần thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm của nhà văn về cuộc đời.

+ Tư tưởng: nhận thức, sự lý giải và thái độ của nhà văn đối với đối tượng, với những vấn đề nhân sinh đặt ra trong tác phẩm.

+ Tình cảm (tình cảm thẩm mĩ): những rung động, những xúc cảm thẩm mĩ đối với thực tại bộc lộ thế giới tinh thần cũng như cá tính và kinh nghiệm xã hội của nhà văn.

+ Quan niệm (quan niệm nghệ thuật) về cuộc đời: nguyên tắc tìm hiểu, cắt nghĩa thế giới và con người thể hiện ở điểm nhìn nghệ thuật, ở chủ đề sáng tác, kiểu nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật, ở cách xử lí các biến cố… của nhà văn.

2. Phân tích ý kiến quá văn bản Hai đứa trẻ của Thạch Lam:

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” bên cạnh việc miêu tả không gian cảnh vật bên ngoài và những cảnh người dường như không có gì nổi bật đáng chú ý, nhưng đi vào nơi bên trong sâu lắng của tâm hồn mới phát hiện ra những điều tinh tế gợi lên biết bao nỗi xót xa, thương cảm cho những kiếp người nghèo khổ và trân trọng cho ước mơ của họ. Truyện kể về hai nhân vật chính Liên và An, hai chị em từng sống ở Hà Nội huyên náo khi cha bị mất việc gia đình phải chuyển về phố huyện nghèo mưu sinh, hai đứa nhỏ được mẹ giao cho công việc trông coi cửa hàng tạp hóa bé xíu để kiếm thêm thu nhập. Tất cảnh cảnh vật và con người nơi đây trong từng khoảng thời gian từ chiều tàn cho đến đêm khuya được Liên thu vào trong tầm mắt và cảm nhận thật tinh tế. Cảnh vật bên ngoài được Thạch Lam miêu tả qua cái nhìn của Liên có khi đứng từ xa quan sát bao trùm lên tất cả, khi thì lại cận cảnh từng chi tiết nhỏ bé. Khung cảnh thiên nhiên được cảm nhận cả hai chiều về không gian và thời gian.

Mở đầu là buổi chiều tà hoàng hôn buông xuống, bóng tối dần bao phủ. Khung cảnh ngày tàn, chợ tàn hiện lên những kiếp người tàn tạ. Bức tranh thiên thiên nhiên về chiều mở đầu là “tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ”, âm thanh đầu tiên báo hiệu kết thúc một ngày, chuẩn bị cho thời khắc lúc về đêm. Nói là phố huyện nhưng là cái huyện nhỏ xíu, tiêu điều. Hiệu lệnh phát ra từ một cái chòi nho nhỏ lẩn vào trong dãy tre làng đang đen lại vào lúc trời tây rực đỏ như hòn than sắp tàn, chen lẫn là tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve trong màn đêm tối. Điều đó khiến cho Liên, cô gái có tâm hồn nhạy cảm “bỗng dưng thấy cái buồn của ngày tàn thấm thía vào tâm hồn” khi ngồi bên cạnh “Những quả thuốc sơn đen, đôi mắt ngập đầy bóng tối”.

Đoạn văn mở đầu của Thạch Lam êm du, dịu nhẹ vừa giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu và uyển chuyển, tinh tế như bản nhạc tình ca gợi ra cuộc sống vừa bình yên lại vừa hoang tàn và nghèo nàn nơi thôn dã. Những con người ở huyện nhỏ hiện lên là những đứa trẻ con nhà nghèo lom khom nhặt nhạnh những thứ gì còn dùng được sau buổi chợ chiều, từ láy “lom khom” được Thạch Lam sử dụng càng đậm tô sự cơ cực vất vả mà những đứa trẻ đáng lẽ phải được học hành vui chơi đang gánh chịu. Mẹ con chị Tí vẫn dắt díu nhau ngày này qua ngày khác với hai công việc đều đặn là mò cua bắt tép ban ngày tối đến trông chờ vào gánh nước chè dưới gốc bàng trong màn đêm. Hai chị em Liên với cái quán tạp hóa bán những thứ đồ lặt vặt. Ống kính quan sát của nhà văn lia đến cả những thứ rác rưởi, vỏ bưởi, vọ thị, lá mía, lá nhãn trên nền đất có cả mùi của cát bụi và mùi ẩm mốc quện vào nhau tạo thành mùi của quê hương nghèo khó.

Thạch Lam có một tâm hồn thật tinh tế cảm nhận được từng chi tiết nhỏ cho thấy tấm lòng dào dạt của ông với quê hương. Bức tranh phố huyện khi về đêm các nhà đã lên đèn nhưng những nguồn sáng yếu ớt ấy không thể xua tan đi màn đêm, không thể chiến thắng nổi bóng tối. Ánh sáng của nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì leo lét trong nhà ông Cửu và đèn dây sáng xanh trong nhà hiệu khách càng làm cho “Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”. Xung quanh Liên bóng tối đang dần bao trùm. “Tối hết cả con đường thăm thẳm sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại đen sẫm hơn nữa”. Bác phở siêu lom khom nhóm lửa trong đêm khiến cho “bóng bác càng mênh mang ngả xuống một vùng và kéo đến tận đàng xa”. Gia đình nhà bác xẩm vẫn đang đợi giọt hạnh phúc rơi với cái thau còn trống trơ, thằng con thì bò ra đất. Liên và An đã dọn hàng xong, cô bé thả hồn mình với cảnh vật xung quanh, lắng mình quan sát “ngàn sao vẫn lấp lánh, một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Tâm trạng của một cô bé nhạy cảm như vậy chẳng có gì là khó hiểu, trước cảnh vật hiu quạnh trách sao được lòng mình cũng buồn theo. Thạch Lam thật tinh tế khi đi sâu khai thác thế giới nội tâm của cô gái mới lớn

Đoàn tàu lúc về đêm là ước mơ, hi vọng của những con người nghèo khổ nơi đây. Tất cả mọi người vẫn thức đến tận đêm khuya để chờ tàu đi qua cuộc đời họ trong thoáng chốc. Phải chăng là để mong bán được ít hàng, còn chị em Liên thì không hi vọng gì nữa bởi đêm khuya rồi có mua cũng chỉ là bao diêm hay gói thuốc. Nhưng theo như Thạch Lam nhận xét: “Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Chuyến tàu về đêm là giấc mộng đẹp huy hoàng của người dân huyện nghèo. Mọi người chờ tàu trong tâm trạng háo hức, mong mỏi An đã nằm xuống ngủ nhưng vẫn cố nhắc chị “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Liên buồn ngủ ríu cả mắt vẫn cố thức chờ cho bằng được để ngắm nhìn chuyến tàu qua. Tàu đến mang theo thứ âm thanh nhộn nhịp của tiếng còi rít, tiếng tàu rầm rộ đi tới, tiếng nói chuyện của những hành khách phá tan không gian tĩnh mịch, buồn thảm nơi đây.

Tàu đến mang theo thứ ánh sáng của thế giới thần tiên xa lạ khác hẳn với ánh đèn leo lét của những kiếp người tàn, đó là “Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa”, “Các toa đèn sáng trưng chiếu ánh cả xuống đường”, ánh sáng của đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng đã xóa tan đi đêm tối mịt mù, lóe lên cho họ niềm tin, hi vọng về tương lai ngày mai tươi sáng hơn. Dù cho chỉ thoáng chốc vụt qua nhưng chuyến tàu đêm vô cùng có ý nghĩa với chị em Liên. Dường như đối với chúng đó là niềm say mê vì không những nó đi qua sự phẳng lặng, tẻ nhạt của cuộc sống phố huyện mà còn đưa Liên trở về quá khứ xa xưa khi cha cô chưa bị mất việc cả nhà vẫn còn sống ở Hà Nội huyên náo, nhộn nhịp khi ấy hai đứa trẻ đang được sống và vui chơi trong những tháng ngày tươi đẹp.

  • Kết bài:

Qua truyện ngắn “Hai đứa trẻ” Thạch Lam thể hiện một nét mới trong chủ nghĩa nhân đạo của văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, nhà văn thể hiện nỗi niềm cảm thông sâu sắc đối với những kiếp người nghèo khổ, quẩn quanh và bế tắc. Trước ước muốn, hi vọng nhỏ nhoi của họ mà thương xót cũng đáng trân trọng vô cùng. Qua đó cho ta bài học nhận thức dù nghèo khó, cực khổ cũng phải luôn cố gắng và không ngừng hi vọng cho tương lai tốt đẹp hơn. Mất niềm tin, hi vọng chúng ta mãi là kẻ sống trong bóng tối mịt mù.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang