Qua truyện ngắn Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù, hãy là sáng tỏ ý kiến: Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chính ở chỗ không ai ngờ, tìm cái đẹp kín đáo che lấp của sự vật cho người khác một bài học về trông nhìn và thưởng thức (Thạch Lam)
* Hướng dẫn làm bài:
– Làm rõ vai trò, sứ mệnh của nhà văn, mối quan hệ giữa nhà văn và cuộc sống, nhà văn với bạn đọc trong việc phát hiện cái đẹp chìm khuất đằng sau sự vật, sự việc, hoàn cảnh…. hướng người đọc đến chân trời của cái đẹp trong cuộc sống và con người
– Cái chung và nét riêng của Thạch Lam và Nguyễn Tuân – những nhà văn thuộc trường phái lãng mạn của VH 1930 – 1945 trong việc tìm kiếm, phát hiện cái đẹp.
* Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
– Là cái đẹp thầm kín của trái tim nhân hậu, chân chứa yêu thương trong tâm hồn bé nhở của Liên.
– Cái đẹp hiền hoà của những con người nghèo khổ mà sống với nhau đầy tình nhân ái.
– Cái đẹp mong manh, mơ hồ của những hi vọng về ánh sáng đang chìm lấp trong bóng tối ….
→ giúp người đọc nhận ra, trân trọng, đồng cảm với những khoảnh khắc đẹp những tâm hồn chưa hẳn đã lụi tàn, những cuộc đời đang cố gắng sống và hi vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
* Truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
– Là cái đẹp lí tưởng của tài năng – thiên lương – khí phách đặt trong sự đối nghịch với cảnh ngộ.
– Cái đẹp đã gặp gỡ, hội tụ, toả sáng và bất tử trong chốn lao tù – nơi mà thường chỉ có cái xấu, cái ác ngự trị.
Tham khảo:
Cái đẹp trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Cái đẹp là điều kiện tiên quyết của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Là nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, Thạch Lam và Nguyễn Tuân yêu cái đẹp, hướng tới cái đẹp. Hai nhà văn là những người chắt chiu cái đẹp và sáng tác nghệ thuật chính là tìm kiếm cái đẹp đã bị đánh mất. Có thể xem truyện ngắn Hai đứa trẻ và Chữ người tử tù là minh chứng cho phát biểu: “Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.
* Cái đẹp trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
Thạch Lam yêu cái đẹp nhưng với ông, văn chương không phải lấy cái đẹp làm cứu cánh, không phải ngợi ca cái đẹp mà xa rời hiện thực. Người nghệ sĩ không tìm đến văn chương như một thứ thoát li hiện thực. Trong bài tựa Gió đầu mùa, ông viết: Đôi với tôi, văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên. Trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lònq người được thêm trong sạch và phong phú hơn.
Hai đứa trẻ là truyện ngắn không có chuyện. Toàn bộ truyện là một mảnh đời nơi phố huyện nhỏ chầm chậm diễn ra xung quanh chị em Liên vào một buổi cuối mùa hè. không có phát triển và đỉnh điểm, thắt nút và mở nút như các bài học giáo khoa về lí luận văn học. Nhưng lạ thay, người đọc không vì thế mà dễ dàng quên đi sau khi đọc. Họ luôn nhớ về nó như một kỉ niệm êm đềm mà mỗi chi tiết đàu gây xúc động, gợi lại một thời đã qua.
Ấn tượng sâu đậm trước tiên đến với người đọc là tình người giữa những dân nghèo của phố huyện vào một thời khắc bình lặng của cuộc sống. Có người, khi nói tới Hai đứa trẻ, đã nhấn mạnh cuộc sống nghèo khổ, bế tắc được miêu tả trong truyện như một khía cạnh làm nên giá trị của truyện. Đúng là từ những chì tiết của câu chuyện bất cứ ai cũng có thể nhận ra không khó khãn gì cả: ” nghèo khổ, nhếch nhác của phố huyện, cũng như của từng gia đình. Chỉ cát thấy cảnh Liên xếp hàng họ vào hòm, cách tính tiền bán hàng của hai chị em cái ý nghĩa gánh phở bác Siêu là món quà xa xỉ không bao giờ chị em Liên có thể mua được, chúng ta cũng đủ hiểu gia đình và mức sống của gia đình Liên. Nhưng nếu coi đây là một khía cạnh làm nên giá trị của truyện thì chắc chắn sẽ phải đưa vào cảnh đó một vài định ngữ như cách nói xưa nay: Truyện tố cáo chưa mạnh mẽ, chưa gay gắt… Đặt cạnh Tắt đèn, Bước đường cùng, Chí Phèo Vỡ đê…. thì việc thêm các định ngữ kia khi đánh giá truyện là hợp lẽ. Song điểm ấy lại không đúng với dụng ý của tác giả và không là giá trị thực của truyện. Cuộc sống nghèo nơi phố huyện chỉ là cái nền để tác giả nói tới quan hệ giữa những người dân mộc mạc trong cảnh sống bình thường.
Ấn tượng thứ hai là sự tinh tế của ngòi bút Thạch Lam khi tả tình và tả cảnh Trong truyện ngắn này, Liên là một cô gái nghèo phố huyện. Liên có một tâm hồn thuần phác. Ngòi bút của tác giả đã hé mở những rung động nhỏ bé trong tâm hồn cô. Chỉ mới bắt gặp mùi âm âm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc Liên đã nghĩ đến mùi riêng của đất, của quê hương. Một chiếc xà ích, một chiếc khóa được mẹ giao cũng gợi lên trong lòng cô sự quỷ mến và hãnh điện vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang, ở nét tâm tư này Liên gắn với những con người con gái trong ca dao, người vợ chịu thương chịu khó trong thơ Tú Xương, người chị giàu đức tính hi sinh trong một số tiểu thuyết, truyện ngắn đương thời.
Đây cũng là nét tâm lí được Thạch Lam miêu tả với thái độ nâng niu, trân trọng trong một số truyện chưa định hình hẳn trong tâm hồn Liên khi con tàu đêm lướt qua, ước mơ về Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua Một thế giới khác hẳn, đối với Liên khác hẳn với các vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đêm tôi vẫn bao bọc xung quanh, đêm của đất quê và ngoài kia, đồng ruộng mênh mông và yên tĩnh. Sự tương phản giữa ước mơ và thực tế không làm tan vỡ ước mơ, trái lại cái mênh mang và yên tĩnh trong đêm tối và đồng ruộng như kéo dài các ước mơ chập chờn kia khiến cho nó khó quên cả đốì với người trong truyện và người đọc truyện.
Khi tả cảnh, ngòi bút Thạch Lam tả ít, gợi nhiều và ẩn ở chiều sâu của câu, chữ là thái độ lâm trạng của tác giả. Nét đặc trưng bao trùm cả cảnh vật trong Hai đứa trẻ là sự êm ả nhưng đượm buồn. Thời gian trôi đi từ chiều đến đêm được miêu tả trong những nhận xét giàu cảm xúc: Chiều, chiều rồi, một chiều êm ả như ru văng văng tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng theo gió nhẹ đưa vào. Trời đã bắt đầu đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng gió mát. Không gian phố ngày càng chìm sâu vào đêm khuya tĩnh mịch và đầy bóng tối. Màu sắc sinh vật nhòa đi trong ánh sáng chập chờn lúc chiều tà, hoặc sẫm lại trong bóng đêm nên không có màu nào sáng, màu nào chóe, màu nào rực rỡ. Cái màu Bè những đóm than bay tung trên đường sắt, cùng với màu sáng rực của ánh đèn trên những toa sang trọng, lấp lánh ánh kền xà cửa kính lướt qua sân ga, cũng không thay đổi được gam màu xám của cảnh vật. Trái lại sự xuất hiện thoáng qua của chúng lại làm tăng thêm độ sẫm, độ buồn của màu sắc xung quanh. Âm thanh động của con người trong khung cảnh thiên nhiên ấy cũng rời rạc, chậm rãi, khẽ khàng. Tóm lại sự miêu tả cảnh vật mà con người thống nhất trong sự êm ả, buồn đó tạo nên một vẻ riêng của truyện.
Hai đứa trẻ là một truyện ngắn hay của Thạch Lam. Tác phẩm không hấp dẫn người đọc bằng những tính cách sắc nét, những tình huống li kì hoặc ướt át. Nó lại hấp dẫn người đọc bằng chính vẻ đẹp của cuộc sống bình thường đã được khám phá cũng chính ngòi bút tinh tế và giọng văn nhỏ nhẹ của tác giả. Truyện ngắn Hai đứa trẻ không đi sâu vào những chuyện áp bức bóc lột, cũng không kể tỉ mỉ lại cảnh ngộ thương tâm, mà chỉ lặng lẽ đưa ra những hình ảnh xoàng xĩnh quen thuộc ở một phố huyện nghèo qua con mắt một đứa trẻ. Nhưng bức tranh đời sống nghèo trong truyện ngắn một mặt rất mực chân thực, đồng thời chan chứa niềm cảm thương, chân thành của tác giả đối với những người lao động khổ sống quẩn quanh, bế tắc, bị chôn vùi trong kiếp tối tăm. Thạch Lam đã phát hiện ra cái đẹp của cuộc sóng ngay ở chỗ nhiều người không ngờ tới, không để ý tới.
* Cái đẹp trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân:
Hình tượng ngôi sao chính vị của tác phẩm – Huấn Cao quả thực đã được Nguyễn Tuân xây dựng như là biểu tượng cho sự hoàn mĩ. Con người ấy không chỉ đẹp từ lí tưởng sống, tài năng, khí phách, bản lĩnh mà còn ở tấm lòng và sự tài hoa. Sự xuất hiện của Huấn Cao ở trại tù tỉnh Sơn quả thực là một sự kiện được mong đợi. Người ta trông chờ sẽ gặp ở đây một kẻ chọc trời quấy nước, một kẻ văn võ song toàn, mang vẻ đẹp từ lí tưởng, hoài bão đến hành động. Và hơn hết, trong cuộc gặp gỡ này, người ta mong chờ được thấy Huấn Cao – một con người tài hoa, nức danh trong nghệ thuật viết chữ đẹp, bởi cả vùng tỉnh Sơn vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp.
Sự xuất hiện của ông Huấn ở nhà ngục tỉnh Sơn quả thực đã đáp ứng được những nỗi niềm mong mỏi ấy. Cái hành động dỗ gông ở cửa nhà lao mà không thèm đếm xỉa gì đến lời nói của bọn lính, cái thái độ thản nhiên, ngạo nghễ nhận rượu thịt trong nhà lao xem như đó là những việc vẫn thường làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm và đặc biệt là lời nói khinh bạc với viên quản ngục khi ông ta có ý định giúp đỡ: Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây. Quả thực tất cả đều toát lên khí phách của một bậc trượng phu, quân tử. Đó là con người của chí khí, lí tưởng và hành động. Tất cả là dáng dấp của con hổ chốn rừng xanh. Dẫu cho bây giờ, vị chúa tể sơn lâm ấy đang bị giam cầm thì có lẽ cái chốn nhà ngục tỉnh Sơn ấy cũng không mang nhiều ý nghĩa hơn một chốn dừng chân thông thường.
Cái đẹp của sự tài hoa chưa xuất hiện như những lời đồn đại trước đó, song sự hiện diện của Huấn Cao đã làm thức dậy ở viên quản ngục những ấp ủ về khát vọng vươn tới cái đẹp. Đêm hôm ấy, tại nhà tù tỉnh Sơn, người ta thấy những xao động kín đáo, êm nhẹ đã bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt như mặt nước ao thu bằng lặng của viên quản ngục. Cái ao ước sở hữu dòng chữ Huấn Cao vốn lâu nay ở viên quản ngục chỉ là dòng suối âm thầm, róc rách chảy thì giờ đây, sự xuất hiện của ông Huấn đã khơi thông dòng chảy ấy để nó trở nên tuôn trào mãnh liệt. Cái đẹp của nghệ thuật có thể khiến cho con người trở nên bất tử và cũng có thể giúp cho con người vươn tới, hướng về, níu giữ mãi mãi tính người.
Hình tượng Huấn Cao không chỉ thức dậy ở viên quản ngục khao khát cái đẹp đã được ấp ủ từ lâu, nó còn đưa lại cho ông ta sức mạnh, lòng can đảm để theo đuổi khát vọng và đam mê. Cái đêm cho chữ ở trại tù tỉnh Sơn quả thực là một sự nổi loạn. Tất cả cái tối tăm, nhơ bẩn, hôi hám đã hoàn toàn biến mất, nhường chỗ lại cho ánh sáng, cho cái đẹp, cái văn hóa sinh thành. Nhờ cái đẹp từ con người và dòng chữ của Huấn Cao, viên quản ngục đã có đủ dũng khí để dám làm một việc đảo lộn trật tự nhà giam nhằm theo đuổi và tôn thờ cái đẹp. Khí chất, bản lĩnh con người và cái đẹp của nghệ thuật quả là có sức mạnh kì diệu làm thay đổi con người. Không những thế, nghệ thuật đích thực góp phần níu giữ tính nhân bản cho con người.
Cái đẹp toát lên từ dòng chữ, từ khí phách và tấm lòng của Huấn Cao quả thực đã giúp viên quản ngục dám thay đổi hoàn cảnh sống, tìm lại bản tính thiên lương và đam mê cái đẹp, thức tỉnh cái khát vọng đổi thay bởi ông không thuộc về nơi ấy. Cái đẹp của nghệ thuật, của khí phách, của tình người đã góp phần vươn tới, hướng về, níu giữ những phẩm chất đáng quý của con người, trả lại cho viên quản ngục những nét đẹp cao quý trong khát vọng, mơ ước và tính cách của một con người biết giá người, biết trọng người ngay với một tâm điền tốt để thực sự trở thành một thanh âm trong trẻo vút bay cao giữa hoàn cảnh tột cùng của cái xấu, cái ác, cái nhơ bẩn và xấu xa!
Đề cao cái đẹp, hướng con người tới những giá trị nhân văn cao quý là sứ mệnh thiêng liêng của những tác phẩm văn chương đích thực. Xuyên suốt Chữ người tử tù, người ta thấy sự hiện diện của cái đẹp để thức tỉnh con người. Khí phách, nhân cách và sự tài hoa của Huấn Cao đã làm viên quản ngục thức tỉnh, ý thức rõ hơn về cái thân phận bị cầm tù trong cái lồng cũi của tội ác, cường quyền đầy hỗn loạn, xô bồ. Không những thế, nó còn giúp ông có thêm dũng khí để chọn lựa bước đường lương thiện tiếp theo. Nhưng nếu chỉ thấy được sự tác động một chiều từ Huấn Cao tới viên quản ngục thì đó quả thực là một thiếu sót lớn.
Thế giới nhân vật được xây dựng bởi bàn tay tài hoa của nhà văn họ Nguyễn không phải sinh ra để nói những điều đơn giản. Nếu Huấn Cao là ngôi sao chính vị đang muốn từ biệt vũ trụ thì viên quản ngục và thậm chí là cả thầy thơ lại cũng là những ngôi sao sáng cùng châu tuần và nâng đỡ cho ngôi sao chính vị ấy. Những ngôi sao ấy cùng tỏa sáng và cùng soi sáng cho nhau để làm rực rỡ lên cho cái đêm tối tăm ở trại tù tỉnh Sơn. Tấm lòng biệt nhỡn liên tài, biết giá người, biết trọng người ngay và sở thích cao quý hướng về cái đẹp của viên quản ngục quả thực đã làm cho Huấn Cao thức tỉnh và thực sự xúc động. Sự chân thành của một tấm lòng đã đánh thức một tấm lòng khác. Vật chất, uy quyền hoàn toàn trở nên vô nghĩa, vô giá trị, chỉ còn lại tấm lòng và vẻ đẹp của nghệ thuật, của tình người lên ngôi. Trong cái đêm tối tăm ở trại tù tỉnh Sơn, vào đúng cái khoảnh khắc cuối cùng của một đời người ngang dọc, Huấn Cao hiên ngang cho chữ lồng lộng giữa trời đêm trong ánh sáng rực rỡ của bó đuốc tẩm dầu. Cả ba con người cùng chụm vào nhau, hồi hộp đón nhận khoảnh khắc cái đẹp sinh thành. Cường quyền, địa vị đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại nơi đây cuộc gặp gỡ của những tấm lòng trong thiên hạ.
Cái đẹp của nghệ thuật đã rút ngắn khoảng cách xa vời vợi trước đó để đưa Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại xích lại gần nhau, hòa điệu để thực sự trở thành những kẻ tri âm, tri kỉ. Quả thực, vẻ đẹp của những con chữ vuông, tươi tắn, nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người đã đánh thức thiên lương, thức dậy cái khát vọng được sống trong sạch để theo đuổi thú chơi chữ ở viên quản ngục. Và cũng chính tấm lòng của ông đã lại thức tỉnh ở Huấn Cao niềm trân quý những con người biết trân trọng, say mê và giữ gìn cái đẹp trong vốn văn hóa cổ truyền của cha ông. Dòng chữ cuối cùng của ông Huấn chính là của một kẻ tri âm trao lại cho một người tri kỉ. Nó nhắc nhở viên quản ngục hãy đi tiếp con đường gìn giữ vốn quý ông cha. Và như vậy, cái đẹp thực sự đã có sức mạnh ghê gớm thức tỉnh những khao khát, ước mơ, đánh thức khát vọng, tấm lòng và quan trọng hơn nó giúp cho con người có thêm sức mạnh, có đủ dũng khí để thay đổi hoàn cảnh sống, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp và lương thiện hơn.
Cái đẹp quả thực đã góp phần níu giữ những giá trị tốt đẹp nhất của mỗi con người, hối thúc con người ta vươn tới cái cao cả, cái thánh thiện, cái chân – thiện – mĩ và những giá trị tinh thần cao quý. Chữ người tử tù là một khúc tráng ca ca ngợi cái đẹp bất diệt (…) đem đến cho người đọc niềm tin vào sức mạnh cứu vớt con người của cái đẹp.
Hình tượng Huấn Cao được xây dựng để vươn tới cái hoàn mĩ. Ở nhân vật ấy, người ta cảm nhận được những thông điệp và thái độ đáng quý trọng của nhà văn Nguyễn Tuân dành cho vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nức danh trong nghệ thuật viết chữ đẹp; không vì tiền tài, danh vọng, thế lực mà khom lưng luồn cúi để bẻ cong ngòi bút; cả một đời sống với lí tưởng, hoài bão lớn lao, cao cả; khí khái, hiên ngang trước cường quyền và trước cả cái chết, Huấn Cao mang đầy đủ trong mình những tố chất xứng đáng để Nguyễn Tuân lựa chọn làm người đóng vai trò lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa của cha ông ta xưa.
Chữ người tử tù đã thể hiện trọn vẹn quan niệm cái đẹp của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám. Ông đã phát hiện ra cái đẹp vón có ở con người và tôn vinh nó một cách xứng đáng. Cái đẹp đối lập vối thực tại tầm thường giả trá, cái đẹp của những con người phản ứng thực tại xã hội đương thời. Và Nguyễn Tuân cũng đã đem lại cho người đọc thú thưởng thức văn hoá rất đặc sắc trong nét chữ tài hoa. Tài hoa ấy, tấm lòng ấy cũng là của chính Nguyễn Tuân muốn gửi gắm lại cho cuộc đời này.