»» Nội dung bài viết:
CHÍ PHÈO
– Nam Cao –
I. Tìm hiểu chung.
1. Tác giả: Nam Cao
– Xuất thân: Nam Cao (1917-1951), sinh ra trong một gia đình nông dân làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
– Cuộc đời: Nhiều thăng trầm, điển hình cho số phận của một lớp trí thức nghèo trước cách mạng.
– Con người:
+ Mang nặng tâm trạng u uất, bất đắc chí của người trí thức có hoài bão,có ước mơ nhưng không toại nguyện trong xã hội cũ.
+ Một tấm lòng nhân hậu, giàu lòng yêu thương đối với những con người nghèo khổ.
+ Một con người luôn nghiêm khắc với bản thân, luôn đấu tranh với chính mình để tự hoàn thiện,vươn tới một lẽ sống đẹp.
– Quan điểm nghệ thuật: Khẳng định nghệ thuật vị nhân sinh.
+ Có quan điểm nghệ thuật tiến bộ tìm đến con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. -Nghệ thuật phải bám sát cuộc đời, gắn bó với đời sống nhân dân lao động
+ Nhà văn phải có đôi mắt của tình thương, – Tác phẩm văn chương hay, có giá trị phải chứa đựng nội dung nhân đạo sâu sắc.
+ Văn chương nghệ thuật là lĩnh vực đòi hỏi phải khám phá, tìm tòi sáng tạo.
+ Lao động nghệ thuật là một hoạt động nghiêm túc, công phu, người cầm bút phải có lương tâm.
– Các đề tài chính
+ Đề tài người trí thức nghèo: Mang đậm dấu ấn tự truyện (Viết về chính mình)
+ Nam Cao khơi sâu vào tấn bi kịch tinh thần của những trí thức nghèo khó. Đó là sự giằng xé đau đớn giữa những con người có ước mơ hoài bão đẹp nhưng bị nợ áo cơm làm cho sống thừa, sống mòn, vỡ mộng. Từ đó, nhà văn lên án hoàn cảnh, khẳng định quyền sống đích thực của con người.
– Phong cách nghệ thuật
+ Luôn hướng tới đời sống tinh thần của con người, “con người bên trong”, nhà văn có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật.
+ Thường viết về cái nhỏ nhặt, bình thường nhưng có sức khái quát lớn và đặt ra những vấn đề xã hội lớn lao, nêu những triết lí nhân sinh sâu sắc, quan điểm nghệ thuật tiến bộ.
+ Giọng văn tỉnh táo sắc lạnh mà nặng trĩu suy tư; buồn thương, chua chát mà đằm thắm yêu thương. Ngôn từ sống động, tinh tế mà giản dị, gần gũi.
2. Tác phẩm.
– Viết vào năm 1941, thuộc đề tài người nông dân nghèo trước Cách mạng.
– Ban đầu có tên là Cái lò gạch cũ sau đổi thành Đôi lứa xứng đôi ( 1941). Sau cách mạng, Nam Cao đổi thành Chí Phèo (1946).
II. Đọc – hiểu văn bản.
1. Hình ảnh làng Vũ Đại:
– Đây là cái làng khép kín gần như tự trị. Làng này dân “không quá hai nghìn người, xa phủ, xa tỉnh” nằm trong thế “quần ngư tranh thực”. Làng Vũ Đại – hình ảnh thu nhỏ của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạnh tháng Tám.
– Tôn ti trật tự nghiêm ngặt.
– Toàn bộ truyện Chí Phèo diễn ra ở làng Vũ Đại. Đây chính là không gian nghệ thuật của truyện.
– Có sự chèn ép giữa bọn thống trị và nhân dân bị trị. Mâu thuẫn giai cấp gây gắt, âm thầm mà quyết liệt, không khí tối tăm , ngột ngạt.
– Đời sống của người nông dân vô cùng khổ cực bị đẩy vào đường cùng không lối thoát, bị tha hóa.
Chia làm nhiều loại người:
+ Loại người có vai vế lợi dụng chức quyền, kết lại với nhau để bóc lột nông dân; Bá Kiến, Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng.
+ Loại người cùng đinh bị tha hóa: Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo
+ Nông dân làng Vũ Đại: Thấp cổ bé họng, suốt đời bị đè nén áp bức, cam chịu.
⇒ Nam Cao dựng lên một làng Vũ Đại sống động, hết sức ngột ngạt, đen tối. Làm nỗi bật mối xung đột giai cấp âm thầm mà quyết liệt ở nông thôn
2. Hình tượng nhân vật Chí Phèo:
Có thể chia cuộc đời Chí Phèo làm 3 giai đoạn:
* Giai đoạn thứ nhất: Chí Phèo – người nông dân lương thiện
Chí Phèo có một hoàn cảnh riêng đặc biệt nhưng vẫn có nét chung của những người nông dân lao động (chăm chỉ, trong sáng, giàu lòng tự trọng và có những ước mơ thật giản dị …)
– Hoàn cảnh xuất thân: không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, không một tấc đất cắm dùi cũng không có, đi ở hết nhà này đến nhà khác. Cày thuê cuốc mướn để kiếm sống.
– Từng mơ ước: có một ngôi nhà nho nhỏ, chồn cày thuê cuốc mướn…→ Chí Phèo là một người lương thiện.
– Năm 20 tuổi: đi ở cho nhà cụ Bá Kiến. Bị bà ba Bá Kiến gọi lên đấm lưng, bóp chân…Chí cảm thấy nhục chứ yêu đương gì → biết phân biệt tình yêu chân chính và thói dâm dục xấu xa. Là người có ý thức về nhân phẩm.
⇒ Chí Phèo có đủ điều kiện để sống cuộc sống yên bình như bao người khác.
* Giai đoạn thứ hai: Bi kịch tha hóa (Bị lưu manh hóa – Không được làm người lương thiện)
+ Bá Kiến, vì ghen tuông, đã đẩy Chí Phèo vào tù.
+ Chế độ nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành lưu manh, có tính cách méo mó và quái dị. Sau 7, 8 năm sống trong nhà tù, Chí Phèo từ một người nông dân lương thiện trở thành “con quỹ dữ của làng Vũ Đại”; tha hóa biến đổi cả nhân hình và nhân tính (Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho bọn cường hào nông thôn)
- Hình dạng: biến đổi thành con quỷ dữ “Cái đầu trọc lốc, hàm răng cạo trắng hớn, cái mặt thì câng câng đầy những vết sứt sẹo, hai con mắt gườm gườm..” → Chí Phèo đã đánh mất nhân hình.
- Trang phục: quần áo ⇒ dị dạng.
- Hành vi: Côn đồ (Say triền miên, say vô tận -. Chửi, nghiến răng mà chửi – Rạch mặt ăn vạ, cướp giật, dạo nạt) Y trở thành tay chân của Bá Kiến: bị bọn thống trị lợi dụng
- Nhân tính: Thô tục, du côn, du đãng, triền miên trong cơn say, đập đầu, chửi bới, phá phách và làm công cụ cho Bá Kiến trong vô ý thức.
⇒ Chí đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính. Bị biến chất từ một người lương thiện thành con quỉ dữ. Bị đẩy bật ra khỏi xã hội người, tồn tại vật vờ bên lề xã hội, tội ác chất chồng, mọi người khinh ghét, khiếp sợ. Chí điển hình cho hình ảnh người nông dân lao động bị đè nén đến cùng cực, và cũng là một nhân chứng tố cáo chế độ thực dân phong kiến đã cướp đi quyền làm người của Chí.
* Mối tình thị Nở và Chí Phèo:
– Tình yêu thương mộc mạc, chân thành của Thị Nở – người đàn bà xấu như ma chê quỷ hờn, lại dở hơi ấy đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo.
– Chí Phèo đã thức tỉnh. Thị Nở đã hé mở cho Chí Phèo con đường trở lại làm người, sống trong lương thiện.
+ Khơi dậy khát vọng sống lương thiện của Chí Phèo (Những tâm trạng, cảm xúc rất người…).
+ Về nhận thức: Nhận biết được mọi âm thanh trong cuộc sống.
+ Nhận ra bi kịch trong cuộc đời của mình và sợ cô đơn, cô độc đối với Chí Phèo “ cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”.
+ Về ý thức: Chí Phèo thèm lương thiện và muốn làm hòa với mọi người.
– Hình ảnh bát cháo hành là hình ảnh độc đáo, chân thật và giàu ý nghĩa:
+ Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Chí được ăn trong tình yêu thương và hạnh phúc.
⇒ Chí Phèo đã hoàn toàn thức tỉnh, Chí đang đứng trước tình huống có lối thoát là con đường trở về với cuộc sống của một con người. Cái nhìn đầy chiều sâu nhân đạo của nhà văn.
* Giai đoạn thứ ba: bi kịch của người bị từ chối khát vọng làm người.
+ Bị thị Nở từ chối, bị cô thị Nở và làng Vũ Đại xa lánh, xã hội cũ tàn ác đã chặn đứng con đường trở về cuộc sống lương thiện, cướp đi tình yêu đơn sơ của Chí, đẩy Chí rơi vào bi kịch cự tuyệt quyền làm người, dồn Chí đến bước đường cùng.
+ Trong tuyệt vọng, Chí đã nhận thức sâu sắc bi kịch của mình và hành động quyết liệt để đòi quyền sống lương thiện của một nô lệ đã thức tỉnh.
* Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống, trong niềm khát khao làm người lương thiện, bị cự tuyệt làm người. Cái chết ấy đã tố cáo mãnh liệt xã hội thuộc địa phong kiến và khẳng định khát vọng sống của những người lương thiện. Nó cũng chứng tỏ cảm quan hiện thực và nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao.
2. Nhân vật Bá Kiến.
– Bốn đời làm tổng lí “ Uy thế nghiêng trời”
– Giọng nói, cái cười mang tính điển hình cao: tiếng quát “rất sang”, “cái cười Tào Tháo”
– Thao túng mọi người bằng cách đối nhân xử thế và thủ đoạn mềm nắn rắn buông.
– Khôn róc đời, biết dìm người ta xuống sông, nhưng rồi lại biết dắt người ta lên để phải đền ơn. Biết đập bàn đòi lại 5 đồng nhưng rồi cũng biết trả lại 5 hào vì thương anh túng quá.
– Bá dựng lên quanh mình một thế lực vững trãi để cai trị và bóc lột, giẫm lên vai người khác một cách thật tinh vi.
– Bá có đủ thói xấu xa: Háo sắc, ghen tuông, sợ vợ, hám quyền lực. Lão làm tha hoá và làm tan nát bao nhiêu cuộc đời con người lương thiện.
⇒ Bá Kiến tiêu biểu cho giai cấp thống trị: có quyền lực, gian hùng, nham hiểm.
3. Nghệ thuật.
– Xây dựng nhân vật điển hình vừa có ý nghĩa tiêu biểu vừa sống động, có cá tính độc đáo và nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo.
– Kết cấu truyện mới mẻ, tưởng như tự do nhưng lại rất chặt chẽ, lô gích.
– Cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hóa giàu kịch tính.
– Ngôn ngữ sống động, vừa điêu luyện lại gần gũi tự nhiên; giọng điệu đan xen biến hóa, trần thuật linh hoạt.
4. Ý nghĩa văn bản:
Chí Phèo tố cáo mạnh mẽ xã hội thuộc địa phong kiến tàn bạo đã cướp đi cả nhân hình và nhân tính của người nông dân lương thiện, đồng thời nhà văn phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi tưởng như họ đã bị biến thành quỹ dữ.
III. Luyện tập
Câu 1 (trang 156 SGK):
+ Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao hết sức đúng đắn, nó thể hiện không chỉ tài năng mà còn là phẩm chất của người nghệ sĩ chân chính trong tác giả.
+ Quan điểm này khẳng định: Văn chương là địa hạt của sự sáng tạo, văn chương không cho phép sự lặp lại, bắt chước giản đơn.
Câu 2 (trang 156 SGK):
Chí Phèo được coi là kiệt tác văn xuôi Việt Nam vì:
+ Nội dung đặc biệt, khai thác hình tượng người nông dân dưới góc nhìn riêng, mởi mẻ mà chưa một nhà văn nào trước và sau Nam Cao làm được.
→ Khẳng định bản tính lương thiện của người nông dân ngay trong khi họ bị vùi dập đến tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.
+ Nghệ thuật biểu hiện độc đáo, mang đậm dấu ấn của phong cách nhà văn.
– Xây dựng nhân vật điển hình.
– Nghệ thuật trần thuật.
* Ý nghĩa:
Chí Phèo là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Qua truyện ngắn này, Nam Cao khái quát một hiện tượng xã hội ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Qua đó, nhà văn kết án đanh thép xã hội tàn bạo ấy, đồng thời thể hiện niềm thương cảm, lòng nhân đạo đối với số phận những người nông dân.
Chí Phèo cũng đã thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy của Nam Cao trong việc xây dựng nhân vật điển hình, nghệ thuật trần thuật độc đáo.