»» Nội dung bài viết:
GIÁ TRỊ VĂN HỌC VÀ TIẾP NHẬN VĂN HỌC
I. Giá trị văn học.
1. Giá trị nhận thức:
* Cơ sở:
– Là quá trình khám phá, lí giải hiện thực để chuyển hóa thành nội dung tác phẩm của nhà văn.
– Do sự giới hạn tồn tại trong không gian, thời gian, quan hệ xã hội của người đọc.
* Nội dung:
– Hiểu được cuộc sống hiện thực phong phú.
– Hiểu được bản chất của con người.
– Hiểu bản thân mình hơn.
* Giá trị nhận thức: phản ánh hiện thực, khám phá, lí giải đời sống con người ở nhiều không gian, thời gian khác nhau, mọi thời đại, xứ sở. Văn học phản ánh quá trình nhận thức thế giới, tự nhận thức bản thân mình của mỗi người.
2. Giá trị giáo dục:
* Cơ sở:
– Khách quan:
+ Nhu cầu hướng thiện
+ Con người luôn khao khát một cuộc sống tốt lành, chan hòa tình yêu thương giữa người với người
– Chủ quan: Do thái độ tư tưởng, tình cảm của nhà văn.
* Nội dung:
– Đem đến cho người đọc những bài học quý về lẽ sống: Về tư tưởng, về tình cảm, về đạo đức
– Giúp con người rèn luyện bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn.
* Đặc trưng của giá trị giáo dục của văn học:
Văn học giáo dục con người bằng con đường từ cảm xúc đến nhận thức bằng cái thật, cái đúng, cái đẹp của những hình tượng sinh động.
* Giá trị giáo dục: Văn học mang giá trị giáo dục, thông qua việc nhận thức cuộc sống đẹp, người viết nêu ca ngợi giá trị sống tốt đẹp, lên án thói hư tật xấu nhằm tạo ra những bài học giáo dục sâu sắc.
Ngay cả khi văn học miêu tả cái xấu, cái ác thì vẫn có tác dụng giáo dục tốt đến độc giả, nếu nhà văn có cái tâm trong sáng, thái độ phê phán đúng mực, hợp lý thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo, sáng tạo
3. Giá trị thẩm mỹ.
* Cơ sở:
– Con người luôn có nhu cầu cảm thụ và thưởng thức cái đẹp
– Nhà văn bằng tài năng đã thể hiện cái đẹp của cuộc sống, của con người vào trong tác phẩm của mình giúp người đọc cảm nhận, rung động.
* Nội dung:
– Văn học mang đến cho con người vẻ đẹp muôn màu của cuộc đời (vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người…)
– Miêu tả, thể hiện cái đẹp của con người từ ngoại hình đến thế giới nội tâm phong phú tinh tế bên trong.
– Cái đẹp trong văn học không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở hình thức nghệ thuật tác phẩm : kết cấu, ngôn từ chặt chẽ, mới mẻ, độc đáo.
* Giá trị thẩm mĩ: Giá trị nhận thức, giá trị giáo dục của văn học có thể phát huy tích cực khi gắn với giá trị tạo nên đặc trưng của văn học, giá trị thẩm mĩ. Giá trị thẩm mĩ có khả năng của văn học có thể phát hiện, miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động,giúp con người cảm nhận được, rung cảm với những vẻ đẹp phong phú, rộng lớn từ tình cảm, thế giới bên ngoài. Vẻ đẹp văn học hài hòa giữa hình thức với nội dung, mang lại những tình cảm thẩm mỹ cho người đọc.
4. Mối quan hệ mật thiết giữa các giá trị văn học:
– Ba mối quan hệ mật thiết không tách rời, tác động đến người đọc (khái niệm chân, thiện, mĩ)
+ Giá trị nhận thức làm tiền đề giá trị giáo dục, giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức
+ Không có nhận thức đúng đắn, văn học không thể giáo dục con người
+ Giá trị nhận thức, giá trị giáo dục được phát huy tích cực nhất khi gắn với giá trị thẩm mĩ
II. Tiếp nhận văn học.
1. Tiếp nhận trong đời sống văn học.
1. Vai trò của tiếp nhận trong đời sống văn học:
– Đời sống văn học: Sáng tạo – Truyền bá – Tiếp nhận.
⇒ Tiếp nhận văn học là một khâu quan trọng quyết định giá trị và sự tồn tại của tác phẩm văn học.
2. Khái niệm tiếp nhận văn học:
Tiếp nhận văn học là hoạt động tích cực của cảm giác, tâm lý người đọc biến văn bản thành thế giới nghệ thuật trong tâm trí mình
3. Tính chất tiếp nhận văn học:
– Tính chất cá thể hóa, tính chủ động tích cực của người tiếp nhận.
– Tính đa dạng không thống nhất trong tiếp nhận văn học.
4. Các cấp độ tiếp nhận văn học:
Có 3 cấp độ tiếp nhận văn học:
– Cấp độ thứ nhất : Tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm ⇒ Cách tiếp nhận VH đơn giản nhất nhưng phổ biến.
– Cấp độ thứ hai : Qua nội dung tác phẩm để thấy được nội dung tư tưởng của tác phẩm.
– Cấp độ thứ ba : Cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức để thấy được giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Để tiếp nhận văn học có hiệu quả thực sự, người tiếp nhận cần:
– Nâng cao trình độ
– Tích lũy kinh nghiệm
– Trân trọng tác phẩm, tìm cách hiểu tác phẩm một cách khách quan, toàn vẹn.
– Tiếp nhận một cách chủ động tích cực, sáng tạo, hướng tới cái hay, cái đẹp, cái đúng.
– Không nên suy diễn tùy tiện.
III. Luyện tập:
Bài tập 1:
– Đây là cách nói nhằm khẳng định và đề cao vai trò giá trị giáo dục của văn chương. Với giá trị nhận thức và giá trị thẩm mĩ, văn chương làm cho tâm hồn con người thêm phong phú, với giá trị giáo dục, văn chương làm cho con người thêm trong sạch.
– Tuy nhiên đây chỉ là cách nói nhằm đề cao vai trò của giá trị giáo dục trong văn chương chứ không có ý xem nhẹ các các gái trị khác.
Bài tập 2:
Các giá trị của văn học trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài:
– Giá trị nhận thức: cung cấp cho người đọc thêm những hiểu biết về phong tục, tập quán của người dân miền núi Tây Bắc: tục cướp vợ, trình ma, xử kiện, đêm tình mùa xuân…
– Giá trị giáo dục:
+ Truyện đặt ra vấn đề về số phận con người – những con người dưới đáy của xã hội – bị bóc lột sức lao động, xúc phạm nặng nề về nhân phẩm.
+ Cách giải quyết vấn đề số phận của con người, Tô Hoài đã thức tỉnh họ, đưa họ đến với cách mạng và cho họ một cuộc sống mới.
– Giá trị thẩm mĩ: Tác phẩm đã khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, thấm đợm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.
Các giá trị của văn học trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân:
+ Giá trị nhận thức: tái hiện chân thực thời kì đau thương của dân tộc khi chịu hai ách áp bức, bóc lột của thực dân và phát xít. Nạn đói năm 1945 cướp đi mạng sống của nhiều người.
+ Giá trị giáo dục: giáo dục lòng yêu nước, lòng thương người.
+ Giá trị thẩm mĩ: khơi gợi niềm đồng cảm, thương cảm của người đọc đối với thân phận con người nghèo khó trong thời kì đất nước bị ngoại xâm.