soan-bai-nguyen-dinh-chieu-ngoi-sao-sang-trong-van-nghe-cua-dan-toc-pham-van-dong

Soạn bài: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

Soạn bài:

“Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”
(Phạm Văn Đồng)

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả:

* Tiểu sử :

– Phạm Văn Đồng (1906 -2000). Quê quán: Tân Đức, Mộ Đức, Quảng Ngãi.

– Tham gia cách mạng từ sớm và là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc; là nhà giáo dục tâm huyết và một nhà văn hóa, văn nghệ lớn.

* Sự nghiệp văn học:

– Thể loại: Các tác phẩm nghị luận xuất sắc.

– Văn phong nghị luận của ông đầy nhiệt tình, lôi cuốn người đọc bằng những luận điểm mới mẻ, sâu sắc với lời văn trong sáng, nhiều hình ảnh.

– Tác phẩm chính: Hồ Chí Minh – Một con người, một dân tộc, một thời đại; Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, Văn hóa đổi mới…

2. Tác phẩm:

a. Hoàn cảnh ra đời:

 – Nhân kỉ niệm ngày mất nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, đăng trên tạp chí văn học 3/7/1963.

– Cuộc kháng chiến chống Mĩ ngày càng ác liệt. Phong trào đấu tranh chống đế quốc Mĩ của nhân dân miền Nam sôi nổi và rộng khắp.

⇒ Bài viết ra đời nhằm cổ vũ phong trào yêu nước đang dấy lên mạnh mẽ đó.

b. Chủ đề: 

 – Ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ yêu nước trọn đời dùng văn chương làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước, một ngôi sao sáng trong nền văn nghệ của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là bài học cho hôm nay mà cho cả mai sau.

c. Bố cục: 

– Đặt vấn đề: “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu …cách đây một trăm năm!” ⇒  Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc.

– Giải quyết vấn đề: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước… văn hay của Lục Vân Tiên”

+ Luận điểm 1: Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước.

+ Luận điểm 2: Thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu.

+ Luận điểm 3: Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu.

– Kết thúc vấn đề: Còn lại

⇒ Khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ của dân tộc.

⇒ Bài viết không kết cấu theo trật tự thời gian. Như vậy, trong văn nghị luận, mục đích nghị luận quyết định cách sắp xếp luận điểm và mức độ nặng nhẹ của từng luận điểm, việc “viết để làm gì” quyết định “viết như thế nào”.

II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN:

1. Đặt vấn đề: Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ lớn của dân tộc.

– Luận điểm bao trùm: So sánh thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là vì sao có ánh sáng khác thường.

+ “vì sao có ánh sáng khác thường”: Nguyễn Đình Chiểu là một hiện tượng độc đáo, thơ văn ông có vẻ đẹp riêng không dễ nhận ra.

+ “phải chăm chú nhìn thì mới thấy”: phải cố gắng tìm hiểu kĩ, kiên trì nghiên cứu thì mới cảm nhận được những vẻ đẹp riêng của nó.

+ “càng nghìn thì càng thấy sáng”: càng nghiên cứu sâu ta sẽ thấy được cái hay của nó và khám phá được những vẻ đẹp mới.

– Nhận định: “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu … nhất là trong lúc này”:

+ Cần phải nghiên cứu, tìm hiểu, đề cao cuộc đời, nhân cách và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

+ “nhất là trong lúc này”: lúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ đang diễn ra sôi nổi, rộng khắp => Đề cao nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu có ý nghĩa quan trọng, cổ vũ động viên tinh thần yêu nước.

– Hai lí do làm ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu chưa sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ dân tộc:

+ Chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên và hiểu tác phẩm này khá thiên lệch về nội dung và nghệ thuật.

+ Còn rất ít biết thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.

⇒ Cách tiếp cận vấn đề rất mới và sâu sắc của Phạm Văn Đồng. Cách đặt vấn đề độc đáo: nêu vấn đề-lí giải nguyên nhân. Cách so sánh giàu hình ảnh, cụ thể, giàu tính hình tượng “Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu”, “bầu trời văn nghệ dân tộc”, “Trên trời có những vì sao…càng thấy sáng”.

2. Giải quyết vấn đề:

Luận điểm 1: Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước (“Ánh sáng khác khác thường” trong cuộc đời và quan niệm sáng tác).

– Luận cứ 1: Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu  là một tấm gương anh dũng. Tình cảnh đất nước càng long đong, khí tiết của ông càng cao cả, rạng rỡ. Cuộc đời của ông là cuộc đời của một chiến sĩ trọn đời phấn đấu hi sinh vì nghĩa lớn.

– Luận cứ 2: Ca ngợi quan niệm về sáng tác văn chương hoàn toàn thống nhất với quan niệm về lẽ làm người, “văn tức là người”:

+ Thơ văn phải thể hiện rõ quan niệm khen chê, dùng thơ văn làm vũ khí chiến đấu.

+ Cầm bút viết văn là một thiên chức. Ông càng trọng chức trách của mình thì càng khinh miệt và vạch trần âm mưu, thủ đoạn và lên án những kẻ lợi dụng văn chương làm điều phi nghĩa.

* Như vậy, với quan niệm “càng nhìn càng thấy sáng”, Phạm Văn Đồng đã thấy sáng lên những giá trị bền vững trong quan niệm làm người và quan niệm văn chương của Đồ Chiểu.

Luận điểm 2: Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu- tấm gương phản chiếu phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.

– Luận cứ 1: Thơ văn ông đã phản ánh một cách trung thành những bản chất của một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại (Đặt thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Bởi một nhà văn, nhà thơ chỉ thực sự lớn khi tác phẩm của họ phản ánh một cách trung thành những bản chất của một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với đời sống của đất nước, của nhân dân).

– Luận cứ  2: Thơ văn yêu nước phần lớn là những bài văn tế ca ngợi những anh hùng suốt đời tân trung với nước và than khóc cho những liệt sĩ trọn nghĩa với dân ⇒ sáng tác của ông đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại. Bản chất của văn chương là sáng tạo. Vì vậy, Phạm Văn Đồng đặc biệt nhấn mạnh “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” vì đã đóng góp cho cuộc đời cái độc đáo, chưa từng thấy: hình tượng trung tâm là người nghĩa sĩ xuất thân từ nông dân.

– Luận cứ 3: Ngoài ra, thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn có những đoá hoa, những hòn ngọc rất đẹp, như bài Xúc cảnh ⇒ tạo nên diện mạo phong phú cho vẻ đẹp thơ văn yêu nước NĐC và bằng nhiều con đường khác nhau, Đồ Chiểu đã biến văn chương thành vũ khí tinh thần phục vụ cuộc đấu tranh của dân tộc.

–  Luận cứ  4: Đặt các tác phẩm của Đồ Chiểu vào khu vườn thơ văn kháng chiến chống Pháp

⇒ Thấy rõ vị trí lá cờ đầu của Nguyễn Đình Chiểu trong thơ văn yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX.

Luận điểm 3: Truyện Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian.

– Luận cứ 1: Về nội dung tư tưởng.

+ “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quí trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!” ⇒ giá trị của tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu.

+ Tuy nhiên, “những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời”.

+ Song, có những “điều giáo huấn đáng quí trọng” vẫn còn có giá trị trong ngày hôm nay.

– Luận cứ 2: Về nghệ thuật.

+ Lối văn có phần “nôm na”, “những chỗ lời văn không hay lắm” => sự trung thực và công bằng trong khi nghị luận của Phạm Văn Đồng.

+ Đặt lối văn ấy vào mục đích và hoàn cảnh sáng tác: Về mục đích, do cố ý viết một tác phẩm “dễ nhớ, dễ hiểu, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian”  nên Nguyễn Đình Chiểu cố ý viết một lối văn “nôm na”. Về hoàn cảnh, vì mù lòa nên nhà thơ “chỉ có thể đọc cho người khác viết” và như vậy  thì “thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản!”. Vả lại, không ai biết bản gốc của Lục Vân Tiên.

⇒ Đó là những “chỗ sơ sót” không đáng kể, không hề che lấp cái hay của rất nhiều câu thơ và không làm giảm đi giá trị của “bản trường ca” này.

3. Kết thúc vấn đề:

– Khẳng định vẻ đẹp nhân cách và vị trí của Nguyễn Đình Chiểu trong nền văn học dân tộc: “Nguyễn Đình Chiểu là một chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta”.
– Nhấn mạnh ý nghĩa và giá trị to lớn của cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu đối với hôm qua và hôm nay. Đó là bài học cho mỗi người và mỗi nhà văn: “Đời sống… người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng”.

III. TỔNG KẾT

Ghi nhớ SGK trang 54

VI. BÀI TẬP THỰC HÀNH

– Nhận xét câu văn mở đầu? Có gì lạ trong hình ảnh ngôi sao khi gắn với Nguyễn Đình Chiểu? Tại sao theo tác giả trong lúc này (đầu những năm 60 của thế kỉ XX) ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu lại chưa dược sáng tỏ nhiều trên bầu trời  văn nghệ Việt Nam?

– Tác giả đã chú ý nhấn mạnh về những phương diện đặc biệt nào trong cuộc đời Đồ Chiểu? Theo em, nội dung quan niệm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu là gì? Có thể gọi Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ – chiến sĩ; văn thơ của ông là vũ khí đánh giặc được không? Vì sao?

– Nêu những luận điểm chính của tác giả đánh giá thơ văn yêu nước và tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu trong đoạn văn? Em thấy thú vị và tâm đắc với luận điểm nào? Vì sao tác giả có thể đưa ra những luận điểm như vậy?

– Em hãy cho biết vị trí và vai trò của Nguyễn Đình Chiểu cùng thơ văn của ông trong nền văn nghệ dân tộc.

V. NHIỆM VỤ VỀ NHÀ

1. BT rèn luyện:

a. Viết lại dàn ý của bài văn nghị luận trên (+ 0.5 điểm)
b. Luyện tập, SGK trang 54 (điểm miệng)

2. Chuẩn bị bài mới:

Xem và trả lời các hỏi trong phần hướng dẫn độc thêm các bài: Mấy ý nghĩ về thơ – Nguyễn Đình Thi và Đô-xtôi-ép-xki – X.Xvai-gơ.

3. Nội dung chia sẻ:

Dựa vào phần tiểu dẫn của hai bài đọc thêm tìm đọc các tác phẩm đã được giới thiệu của tác giả Nguyễn Đình Thi và X.Xvai-gơ. Sau đó chia sẻ với cả lớp ở tiết học sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang