»» Nội dung bài viết:
THÁI SƯ TRẦN THỦ ĐÔ
– Ngô Sĩ Liên –
I. Tìm hiểu chung.
1. Tác giả: Ngô Sĩ Liên
– Ngô Sĩ Liên (khoảng đầu thế kỷ 15 – ?) là một nhà sử học thời Lê sơ, sống vào thế kỷ 15.
– Ngô Sĩ Liên là người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức (nay là thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
– Ông là người đã tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và có công lớn trong việc biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư – bộ quốc sử chính thống cũ nhất của Việt Nam mà còn được lưu truyền tới ngày nay.
2. Tác phẩm.
– Xuất xứ: Đoạn trích “Thái sư Trần Thủ Độ” là một trích đoạn từ quyển năm, phần bản kỉ của cuốn Đại Việt sử kí toàn thư do Ngô Sĩ Liên hoàn thành biên soạn, sửa chữa dựa trên cơ sở là cuốn Đại Việt sử kí do Lê Văn Hưu chấp bút và cuốn Sử kí tục biên của Phan Phu Tiên.
– Bố cục: 3 phần
+ Phần 1: Từ đầu đến “phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”: Phần này thông báo về cái chết của Trần Thủ Độ và vài nét khái quát về nhân vật.
+ Phần 2: Tiếp đến “Vua hèn thôi”: Tác giả kể lại bốn sự kiện tiêu biểu trong quá trình làm quan của Trần Thủ Độ.
+ Phần 3: Còn lại: Tác giả đi đến khẳng định vai trò và vị trí của Trần Thủ Độ trong lịch sử.
* Tóm tắt đoạn trích:
Đoạn trích là những câu chuyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ. Đó là những câu chuyện kể về cách ứng xử của Trần Thủ Độ trước những sự việc diễn ra như: việc có người tâu với vua rằng ông cậy quyền hơn vua, việc người quân hiệu ngăn xe của Linh Từ Quốc Mẫu – vợ ông,… qua đó bộc lộ phẩm chất liêm khiết, chính trực, đáng ngợi ca của Trần Thủ Độ.
II. Đọc – hiểu văn bản.
1. Trần Thủ Độ – Bậc khai quốc công thần:
– Có người mách vua về sự chuyên quyền của Trần Thủ Độ: ông không biện bạch cho bản thân, không thù oán, trách phạt mà thưởng cho người dám vạch lỗi của mình.
→ Người công minh, độ lượng, có bản lĩnh.
– Vợ ông khóc, mách việc tên quân hiệu không cho đi qua thềm cấm, ông cho người điều tra rồi khen thưởng tên quân hiệu giữ đúng phép nước.
→ Ông là người chí công vô tư, trọng luật pháp.
– Có người chạy chọt nhờ vợ ông xin cho chức Câu Đương, ông bảo hắn chặt một ngón chân để phân biệt
⇒ Người chủ động giữ gìn sự công bằng phép nước, bài trừ nạn mua quan bán chức.
– Vua muốn phong chức cho anh Trần Thủ Độ, ông không đồng ý, thẳng thắn trình bày quan điểm nên lựa người giỏi nhất, không nên hậu đãi cả hai làm rối việc triều chính.
⇒ Tình tiết góp phần làm nổi bật bản lĩnh, nhân cách của Trần Thủ Độ: cương nghị, độ lượng, liêm khiết, đặt lợi ích dân tộc, quốc gia trên lợi ích cá nhân, gia đình.
2. Nghệ thuật viết sử:
– Xây dựng tình huống giàu kịch tính, lựa chọn chi tiết đắt giá.
– Mỗi câu chuyện đều có những xung đột đi đến cao trào và được giải quyết một cách bất ngờ.
– Lối viết sử rất kiệm lời, không miêu tả phân tích tâm lí, nhân vật vẫn hiện lên sâu sắc.