»» Nội dung bài viết:
Soạn bài: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (được gợi ra từ tác phẩm văn học) – Ngữ văn 9, Kết nối tri thức
Văn học nảy sinh từ cuộc sống, phản ánh nhiều mặt, nhiều vấn đề của cuộc sống. Em có thể chọn một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi được gợi ra từ một tác phẩm văn học mà em đã học (hoặc đã đọc) làm đề tài thảo luận. Tham gia thảo luận nhóm sẽ giúp em cải thiện kĩ năng nói trước đám đông và phát triển tư duy phản biện.
1. Trước khi thảo luận
Trước khi thảo luận, em cần thực hiện tốt việc chuẩn bị theo các bước sau:
– Thành lập nhóm và lựa chọn vấn đề đáng quan tâm trong đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc để thảo luận. Ví dụ: sức hủy hoại của chiến tranh, khát vọng hạnh phúc của con người được gợi ra từ tác phẩm Chinh phụ ngâm.
– Phân công người điều hành (chủ trì) và thư kí (có nhiệm vụ ghi lại nội dung cuộc thảo luận).
– Thống nhất nguyên tắc khi thảo luận: Các thành viên tham gia thảo luận cần tuân thủ sự điều hành của người chủ trì; khi phát biểu cần nói ngắn gọn, rõ ràng, không lặp lại các ý người khác đã trình bày mà cần có sự tiếp nối, phát triển những ý đó một cách hợp lý; người nghe cần lắng nghe với thái độ tôn trọng, không ngắt lời người nói.
– Mỗi người cần nắm nội dung khái quát và các chi tiết trong tác phẩm văn học có liên quan đến vấn đề được lựa chọn để chuẩn bị ý kiến tham gia thảo luận. Có thể chuẩn bị tranh ảnh, đoạn phim ngắn,…để hỗ trợ cho phần trình bày.
2. Thảo luận.
– Mở đầu: Người chủ trì nêu vấn đề thảo luận đã được thống nhất ở phần chuẩn bị.
– Triển khai:
+ Theo sự chỉ định của người chủ trì, các thành viên trình bày ý kiến thảo luận với các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Chú ý sử dụng ngôn ngữ cơ thể và điều chỉnh ngữ điệu nói cho phù hợp với nội dung rình bày; kết hợp hiệu quả ngôn ngữ nói với các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, đoạn phim ngắn,…
+ Khi một thành viên phát biểu, các thành viên còn lại lắng nghe, ghi chép vắn tắt nội dung ý kiến; đặt câu hỏi, góp ý, phản biện.
+ Thư kí ghi chép nội dung các ý kiến thảo luận thành biên bản.
– Kết thúc: Người chủ trì tổng kết các nội dung chính đã thảo luận; khẳng định ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề trong đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học, cảm ơn sự góp ý của các thành viên tham gia.
3. Đánh giá
– Đánh giá ý nghĩa của vấn đề thảo luận, chất lượng các ý kiến phát biểu.
– Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng kết hợp ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể (nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,…) và các phương tiện hỗ trợ; cách tổ chức, điều hành buổi thảo luận.
* Bài nói mẫu tham khảo.
Người chủ trì: Chào tất cả các bạn. Mình tên là…. Học lớp….. trường….. Mình là người chủ trì của nhóm…. Hôm nay, nhóm của mình sẽ thảo luận về vấn đề thực trạng sử dụng mạng xã hội hiện nay của giới trẻ. Như các bạn đã biết, mạng xã hội đang dần trở thành “người đồng hành” của các bạn học sinh. Chúng ta học tập, vui chơi, kết nối với bạn bè đều thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Messenger,.. Vậy học sinh chúng ta ngày nay có đang sử dụng mạng xã hội đúng cách không? Chúng mình sẽ cùng bàn luận ngay sau đây.
Bạn thứ nhất: Theo mình, giới trẻ đang sử dụng mạng xã hội theo cách tích cực. Chúng ta có thể thấy rất nhiều bạn trẻ thông qua mạng xã hội để chia sẻ những việc làm ý nghĩa với xã hội. Ví dụ như đội truyền thông nhà tù Hỏa Lò đã dựa vào nền tảng Facebook để kêu gọi mọi người tìm hiểu về di tích nhà tù Hỏa Lò cũng như truyền tình yêu lịch sử nước nhà tới mọi người. Hay Tiktoker Lê Anh Nuôi đã chia sẻ về hành trình nấu ăn cho trẻ vùng cao, nấu ăn cho các bệnh nhân trên nền tảng Tik Tok. Ngoài ra, học sinh chúng ta cũng đang dần chuyển sang học tập trên nền tảng số. Tôi chắc chắn rằng, thay vì phải mở một cuốn từ điển dày, bạn chỉ cần một cú click trên mạng để hỏi về nghĩa của một đoạn văn tiếng Anh, bạn sẽ có ngay câu trả lời. Tôi còn nhận thấy rất nhiều bạn trẻ sáng tạo ra các nền tảng mạng khác để đưa những kiến thức sách giáo khoa, sách tham khảo lên đó, giúp chúng ta tìm kiếm học liệu dễ dàng hơn.
Bạn thứ hai: Tôi lại không cho rằng người trẻ đang sử dụng mạng xã hội đúng cách. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều những vụ bạo hành mạng, mà chủ yếu là do người trẻ gây nên. Họ sử dụng mạng như một cách để công kích cá nhân, lôi kéo, kích động tập thể, hạ thấp danh dự của một ai đó. Theo báo cáo của CIGI, năm 2023, có tới 30% người có những tác động nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần do bị bạo lực mạng. Bên cạnh đó, người trẻ đang có xu hướng “thoát li” thế giới bên ngoài và đắm chìm vào thế giới mạng. Điều đó được chứng minh qua việc người trẻ đang dần bị kém đi khả năng giao tiếp, dành chủ yếu thời gian của mình vào các thiết bị điện tử, không quan tâm nhiều đến các mối quan hệ với gia đình và mọi người ở cuộc sống thực. Khi quá đắm chìm vào mạng xã hội, các bạn ấy sẽ trở nên lười nhác, trốn tránh học tập, làm việc, giảm khả năng sáng tạo, ghi nhớ,…
Các ý kiến khác:…
Người chủ trì: Như vậy, sau khi nghe ý kiến từ các bạn, mình xin tổng hợp lại ý kiến của các bạn như sau: có …. Bạn đồng ý rằng các bạn trẻ đang sử dụng mạng xã hội đúng cách, biết cách lan tỏa những điều tích cực trên mạng xã hội; có… bạn cho rằng giới trẻ đang không sử dụng mạng xã hội đúng cách do quá lạm dụng mạng xã hội, dẫn đến hệ lụy về sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo mình thấy, mỗi ý kiến đều có những điểm hợp lý và những điểm chúng ta cần bổ sung thêm. Cảm ơn tất cả các bạn đã hăng hái thảo luận về vấn đề của chúng ta ngày hôm nay!