Soạn bài: Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?) – Ngữ văn 9, Kết nối tri thức
Trước khi thảo luận
– Để chuẩn bị cho hoạt động thảo luận, trước hết cần thực hiện các bước: thành lập nhóm, phân công người điều hành (chủ trì) và thư kí, thống nhất nguyên tắ thảo luận như đã thực hành ở bài 2.
– Do phạm vi đề tài thảo luận có thể mở rộng hoặc thu hẹp một cách linh hoạt nên cần xác định quy mô và thời gian thảo luận: Nếu quy mô lớn và thời gian dài, vấn đề thảo luận sẽ được bàn luận rộng và sâu hơn. Nếu quy mô nhỏ và thời gian ngắn, cần lựa chọn những khía cạnh tiêu biểu của vấn đề để thảo luận.
– Mỗi thành viên tham gia thảo luận cần chuẩn bị ý tưởng và nội dung thảo luận. Bản chất của vấn đề thảo luận: Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn? Là bàn luận về những cách thức, phương pháp học tập hiệu quả môn học này. Muốn vậy, em cần tìm hiểu những nội dung cụ thể sau:
+ Ngữ văn cũng là một môn học như tất cả các môn học khác, vì vậy, để học tốt môn này, em cần có những phương pháp học tập chung. Hãy suy nghĩ các phương pháp chung ấy là gì?
+ Ngữ văn còn là một môn học có những nét đặc thù, đặt ra yêu cầu về phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học cho học sinh. Em cần có phương pháp học tập như thế nào để đáp ứng những nét đặc trưng của môn học? (Có thể tự đặt ra và trả lời các câu hỏi như: Vì sao học môn Ngữ văn cần phải chú ý thực hành kỹ năng viết? Để viết tốt các kiểu văn bản, ta cần phải làm gì? Học Ngữ văn có liên quan gù đến vốn sống, vốn trải nghiệm của mỗi người? Học Ngữ văn không chỉ là học đọc và viết, mà còn là học nói và nghe, vậy cần phải rèn luyện kĩ năng nói và nghe như thế nào?…)
Thảo luận
– Mở đầu: Người chủ trì nêu vấn đề thảo luận đã được thống nhất ở phần chuẩn bị.
– Triển khai:
+ Mỗi thành viên phát biểu ý kiến dưới sự điều hành, kết nối của người chủ trì.
+ Người chủ trì nhắc nhờ nếu người tham gia thảo luận phát biểu quá thời gian quy định.
+ Những thành viên khác lắng nghe và trao đổi.
Khi thảo luận, người nói và người nghe cần chú ý:
Người nói | Người nghe |
– Đưa ra ý kiến thảo luận đúng chủ đề, bám sát mạch thảo luận, tránh nói lạc đề, xa đề, thiếu kết nối với các ý kiến thảo luận trước đó. – Các ý kiến được làm sáng tỏ bởi lí lẽ và bằng chứng xác đáng. – Trình bày rõ ràng, mạch lạc; kết hợp giữa lời nói, cử chỉ, điệu bộ và các phương tiện hỗ trợ (nếu có). – Đảm bảo thời gian theo quy định. | – Lắng nghe với tinh thần tôn trọng người nói; ghi chép các nội dung chính trong ý kiến phát biểu của mỗi thành viên tham gia thảo luận và những chỗ cần trao đổi với người nói. – Ý kiến trao đổi cần rõ ràng, ngắn gọn; có thể đặt ra các câu hỏi để người nói giải đáp. |
– Kết thúc: Người chủ trì tổng kết các nội dung chính đã thảo luận; khẳng định ý nghĩa của việc thảo luận về vấn đề : Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?; cảm ơn sự đóng góp của các thành viên tham gia.
* Bài nói mẫu tham khảo:
– Người chủ trì: Xin chào tất cả các bạn. Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên …… , là người chủ trì của nhóm/ tổ/ lớp…..Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?. Qua cuộc thảo luận, tôi mong muốn mỗi người sẽ có những phương pháp hay nhằm học tốt môn Ngữ Văn hơn. Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu thời gian thảo luận.
– Thành viên 1: Chào tất cả mọi người. Tên tôi là…. Trước hết, tôi thấy môn Ngữ văn là bộ môn giúp chúng ta phát triển về cả mặt tư duy và phẩm chất con người. Tuy nhiên, đây là bộ môn rất khó, vì vậy nhiều bạn đã chểnh mảng, ghét học môn học này, không có những cách học đúng đắn. Theo tôi, để học tốt môn Ngữ văn, chúng ta cần phải có niềm đam mê với nó. Khi bạn thấy yêu thích điều gì, tôi tin rằng bạn sẽ nỗ lực, cố gắng làm công việc ấy thật tốt. Bạn đừng nên coi môn Ngữ văn chỉ là những câu văn, câu thơ thông thường, mà hãy coi đó là những cảm xúc, tâm tư của người tạo ra câu văn, câu thơ đó. Đồng thời, bạn hãy lấy những thông điệp có trong mỗi tác phẩm mà bạn tâm đắc làm kinh nghiệm sống, cách suy nghĩ của bản thân. Có như vậy, bạn sẽ càng tiến bộ hơn khi học Văn.
– Thành viên 2: Chào mọi người, tôi là….. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bạn….. Ngoài ra, tôi sẽ bổ sung thêm những phương pháp mà theo tôi, nó rất hiệu quả trong việc học môn Ngữ văn như sau. Đầu tiên, bạn cần đọc nhiều sách hay. Mỗi chúng ta nên đọc ít nhất 1 cuốn sách văn, thơ của những nhà văn kiệt xuất như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Ngọc Tư,… trong 1 tuần. Khi bạn đọc nhiều, trí óc của bạn sẽ tự động lưu trữ những ý thơ, ý văn hay, từ đó bạn có thể vận dụng những câu, từ hay cách suy nghĩ của các nhà văn vào bài làm của mình. Ví dụ như tôi, tôi rất thích cuốn Hạt giống tâm hồn, vì thế nên tôi đọc hết các tập của cuốn sách này và tham khảo cách triển khai các luận điểm, luận cứ, bằng chứng mà tác giả đưa ra để làm bài văn nghị luận xã hội. Bên cạnh đó, để học tốt môn Ngữ văn, bạn cần có thái độ nghiêm túc, tập trung khi học. Rất nhiều học sinh đã chép các bài văn mẫu trên mạng nhằm chống đối với bài kiểm tra của giáo viên. Hành động ấy sẽ khiến bạn ngày càng học kém môn Văn. Hãy tìm ra phong cách văn của mình, tự suy nghĩ khi làm văn, chắc chắn bạn sẽ ngày càng tiến bộ hơn.
– Thành viên 3:….
– Người chủ trì: Sau khi các thành viên thảo luận, tôi xin được tóm gọn các phương pháp giúp chúng ta học tốt môn Ngữ văn:
Bạn phải yêu thích và đam mê môn Ngữ văn.
Bạn cần có thái độ nghiêm túc, tự suy nghĩ, tự tìm ra phóng cách viết văn của bản thân.
Bạn nên đọc sách nhiều hơn, tối thiểu một tuần 1 cuốn sách.
4…
Cuộc thảo luận ngày hôm nay vô cùng ý nghĩa, giúp chúng ta có cách suy nghĩ mới hơn về phương pháp học môn Ngữ văn. Xin cảm ơn các bạn đã thảo luận và lắng nghe buổi thảo luận.
Đánh giá:
– Đánh giá ý nghĩa của vấn đề thảo luận, chất lượng các ý kiến phát biểu. Việc đánh giá nội dung cuộc thảo luận cần tập trung vào các yêu cầu sau:
+ Thảo luận đúng chủ đề: Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?
+ Các ý kiến thảo luận tập trung, không tản mạn.
+ Thông qua thảo luận, tìm được phương pháp, cách thức học tập môn Ngữ văn một cách hiệu quả.
– Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể và các phương tiện hỗ trợ; về cách tổ chức, điều hình cuộc thảo luận. Việc đánh giá cách tổ chức, điều hành cuộc thảo luận cần tập trung vào các yêu cầu sau:
+ Xây dựng được tinh thần dân chủ và tôn trọng những ý kiến khác biệt.
+ Những người tham gia thảo luận (chủ trì, thư kí, thành viên) thực hiện đúng vai trò của mình.
+ Thực hiện đúng tiến trình tổ chức một cuộc thảo luận.