Soạn bài: “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn
I. TÌM HIỂU CHUNG:
1. Tác giả, tác phẩm:
Xem chú thích (*) Sgk/79.
Tóm tắt truyện?
“Gần 1h đêm, trời mưa tầm tã, nước sông Nhị Hà lên to quá, khúc đê làng X có nguy cơ sẽ vỡ. Hàng trăm, hàng nghìn người dân ra sức chống chọi với sức nước. Thế mà tại ngôi đình trên một khúc đê gần đó, quan phụ mẫu vẫn ung dung cùng các quan đánh bài. Có người báo tin đê vỡ, ngài vẫn thản nhiên lại còn quát mắng. Cuối cùng, khi quan ù ván bài thật to, cũng là lúc “khắp mọi nơi miền đó nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu”.
Văn bản này bố cục gồm mấy phần? Nội dung từng phần?
Bố cục: Có thể chia làm 3 phần.
– Phần 1: “Từ đầu … hỏng mất”: Nguy cơ đê vỡ và sự chống đỡ của người dân.
– Phần 2: “Ấy lũ con dân … điếu, mày”: Cảnh quan phủ cùng nha lại đánh tổ tôm trong khi “đi hộ đê”.
– Phần 3: Phần còn lại: Cảnh đê vỡ, nhân dân lâm vào tình cảnh thảm sầu.
Trong tác phẩm trọng tâm miêu tả ở phần nào?
– Phần (2).
Đọc kĩ toàn truyện, theo dõi mạch cảm xúc từ đầu đến cuối, chúng ta thấy tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật chủ yếu nào?
– Tương phản và tăng cấp.
Em hiểu thế nào là phép tương phản tăng cấp?
– Tương phản tăng cấp là dùng từ ngữ để diễn tả những ý đối lập, trái ngược nhau trong cùng một văn cảnh – càng lúc càng mạnh.
-Em hãy chỉ ra hai mặt tương phản cơ bản trong truyện?
– Một bên là cảnh tượng nhân dân đang vật lộn căng thẳng, vất vả đến cực độ trước nguy cơ đê vỡ.
– Một bên là cảnh quan phủ cùng nha lại, chánh tổng lao vào cuộc tổ tôm ngay trong khi đi hộ đê.
– Với nghệ thuật tương phản tác giả đã khắc họa sự việc như thế nào chúng ta sang phần II.
II. TÌM HIỂU VĂN BẢN:
1 Cảnh hộ đê ngoài đình:
Cảnh được tả trong thời gian nào? Thời gian này có ý nghĩa gì?
– Gần 1h đêm, thời điểm khuya khoắt càng làm tăng thêm nỗi khó khăn khi mọi người đều không còn sức, đều mệt mỏi đến cao độ.
Không khí, cảnh tượng hộ đê được miêu tả như thế nào? Qua các chi tiết nào?
– Không khí, cảnh tượng nhốn nháo, căng thẳng (qua tiếng trống, tiếng tù và, tiếng người xao xác gọi nhau; qua các hoạt động chống đỡ vừa sôi động vừa lộn xộn của người dân).
Sự cố gắng của người dân có đem lại kết quả gì không?
– Cố gắng nhưng vô vọng, bất lực của sức người trước sức trời, sự yếu kém của thế đê trước thế nước.
Em hãy phân tích cảnh tương phản và tăng cấp đoạn này? (ENB).
– Sức người càng lúc càng mệt mỏi, bất lực nhưng sức trời càng lúc càng mạnh.
– Thế đê càng lúc càng yếu còn thế nước càng lúc càng mạnh.
Dụng ý nghệ thuật của tác giả ở đoạn này là gì?
– Nhằm tô đậm sự bất lực của người dân trước sức trời, sự suy yếu của thế đê trước sức nước.
Nhận xét: Với cách dùng nghệ thuật tương phản và tăng cấp nhằm muốn tô đậm sự bất lực của sức người trước sức trời, sự yếu kém của thế đê trước thế nước. Thiên tai đang từng lúc giáng xuống đe dọa cuộc sống của người dân.
2. Cảnh đánh tổ tôm trong đình:
Cảnh tượng trong đình được miêu tả như thế nào?
– Được miêu tả bằng nhiều chi tiết:
– Địa điểm: Đình cao, rất vững chắc, đê vỡ cũng khg có việc gì.
– Quang cảnh: Tĩnh mịch, yên tĩnh, trang nghiêm nhàn nhã, đường bệ nguy nga.
Trong đó nổi bật hình ảnh nhân vật trung tâm nào?
– Là viên quan phụ mẫu.
Viên quan phụ mẫu đi hộ đê như thế nào?
à Đem theo nhiều vật dụng đắt tiền. Chứng tỏ cuộc sống rất quý phái cách biệt với con dân. Nhưng thực ra hắn không hộ đê mà là đang tham gia đánh tổ tôm.
– Vậy cảnh đánh tổ tôm được tác giả miêu tả như thế nào?
– Có kẻ hầu người hạ khúm núm, sợ sệt. Quan ngồi rất oai vệ, đường bệ, cử chỉ nói năng hống hách, độc đoán của quan với nha lại và tay sai. Còn quang cảnh đánh tổ tôm lúc mau, lúc ung dung, êm ái, lúc vui vẻ, … Tất cả đều say mê tổ tôm đến quên nhiệm vụ.
Khi có người vào báo tin đê vỡ, thái độ của quan phủ nha lại như thế nào?
– Nha lại: Cũng lo sợ, thấy thầy đề run cầm cập nhưng phải theo lệnh quan, chơi bài như một cái máy.
– Quan phủ: Đổ trách nhiệm cho cấp dưới, cho dân, đe doa, cách cổ bỏ tù, đuổi người báo tin ra ngoài … vẫn say sưa bài sắp ù to.
Qua phân tích trên, ta thấy quan phụ mẫu là một ông quan ntn?
– Lẽ ra làm quan phụ mẫu phải là người có trách nhiệm chăn dắt con dân là việc chính. Nhưng ở đây trong khi đi hộ đê, mà hắn lại mang theo những vật dụng đắt tiền, có kẻ hầu người hạ thật quý phái, quá cách biệt với con dân, say mê tổ tôm đến quên trách nhiệm. Đây chính là niềm vui táo tợn, một con người lòng lang dạ thú, bất nhân, thất đức, thờ ơ, vô trách nhiệm trước nổi khổ của dân.
Tác giả sử dụng từ ngữ khá sinh động để miêu tả quang cảnh trong đình: tĩnh mịch, xa hoa, đài các, tôn nghiêm. Qua đó ta thấy quan phụ mẫu là tên quan vô trách nhiệm vô lương tâm, hống hách, đam mê cờ bạc, chẳng đoái hoài đến cuộc sống của người dân.
Liên hệ: Là học sinh chúng ta cũng phải có trách nhiệm với lớp học của mình như bảo vệ của công. Nếu là cán sự lớp phải biết chăm lo cho lớp, nhắc nhở các bạn cố gắng học để cả lớp cùng tiến bộ, giúp đỡ các bạn học yếu, các bạn có hoàn cảnh khó khăn …
Hãy phát biểu chung về giá trị hiện thực, nhân đạo và nghệ thuật của truyện?
– Giá trị hiện thực: Phản ánh sự đối lập hoàn toàn giữa cuộc sống và sinh mạng của người dân với bọn quan lại.
– Giá trị nhân đạo: Thể hiện niềm cảm thương của tác giả trước cảnh lầm than cơ cực của người dân.
– Nghệ thuật: Kết hợp thành thạo nghệ thuật tương phản và tăng cấp; có trình độ sử dụng ngôn ngữ khá sinh động; câu văn ngắn gọn.
Đọc ghi nhớ Sgk/83.
III. LUYỆN TẬP:
Câu 1. Trả lời ngắn.
– Văn bản nào sau đây thuộc thể loại truyện hiện đại?
+ Con hổ cổ nghĩa,
+ Sống chết mặc bay,
+ Những trò lố hay là Va- ren và Phan Bội Châu,
+ Mẹ hiền dạy con,
+ Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng.
– Truyện Sống chết mặc bay được viết bằng kiểu chữ nào?
– Em có nhận xét như thế nào về tên quan phụ mẫu?
– Qua văn bản, nhà văn dã thể hiện tình cảm, thái độ gì?
Câu 2. Từ truyện ngắn Sống chết mặc bay và các truyện Con hổ có nghĩa, Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng mà em đã dược học ở chương trình Ngữ văn lớp 6 (tập I), em hãy tìm ra những điểm giống và khác trong cách viết của truyện trung đại và truyện ngắn hiện đại.
Câu 3. Nhân vật quan phụ mẫu trong truyện được khắc họa qua nhũng phương diện nào ? Bằng những hình ảnh, chi tiết nào ? Em hãy nhận xét vé nghệ thuật miêu tả nhân vật của tác giả.
Câu 4. Dựa vào truyện ngắn Sống chết mặc bay, em hãy giải thích vì sao tác giả Phạm Duy Tốn lại dùng thành ngữ “lòng lang dạ thú” để chỉ tính cách của quan phụ mẫu?
Câu 5. Hãy chỉ rõ phép tương phản và phép tăng cấp được nhà văn sử dụng trong truyện Sóng chết mặc bay. Nêu hiệu quả của việc sử dụng hai phép nghệ thuật này trong văn bản.
Câu 6. Có bạn cho rằng: có thể đổi nhan đề Sống chết mặc bay thành Vỡ đê hay Nỗi khổ của người dân. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?
Câu 7. Trình bày ngắn gọn giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và giá trị nghệ thuật của tác phẩm Sống chết mặc bay
Câu 8. Dân gian ta có rất nhiều câu tục ngữ đề cao đạo lí sống tốt đẹp, trái với lối sống “sống chết mặc bay” của viên quan phụ mẫu . Em hãy tìm một câu tục ngữ có nội dung như thế và hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ đó.