Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh thể hiện khát vọng được hóa thân trong tình yêu vĩnh hằng.
- Mở bài:
Từ khi nhân loại có tình yêu là có thơ viết về tình yêu. Dù xuất phát từ trái tim nhưng tình yêu lại có cái sức mạnh thần bí của nó khiến con người luôn khát khao đi tìm, thấu nhận nhưng không thể thấu hiểu nó. Nếu Puskin hoang mang, thảng thốt khi đứng trước tình yêu:
“Tôi chưa yêu bao giờ
Ngỡ tình yêu là ảo mộng”
Thì Tagore lại biện minh:
“Trái tim anh luôn ở gần em như chính cuộc đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em hiểu được nó đâu”.
Đến Xuân Quỳnh, cô cũng cảm nhận tương tự dù đã cố đi tìm nó trong mọi biểu hiện. “Sóng” là một bài thơ đẹp thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành, mãnh liệt luôn gắn liền với những dự cảm lo âu, những mong manh đầy bất ổn tràn trào trong trái tim tuổi trẻ. Xuân Quỳnh đã rất tinh tế khi biểu hiện tâm hồn của người phụ nữ luôn khao khát được yêu thương gắn bó, luôn trăn trơ lo âu, luôn được muốn hi sinh, dâng hiến cho một tình yêu tuyệt đích.
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
- Thân bài:
Nếu sông là trái tim của tuổi trẻ, thì sóng chính là những nhịp đập của tình yêu. Bởi sông không hiểu mình muốn gì trong tình yêu bất tận nên nỗi hoang man lan tỏa thành từng đợt sóng. Sóng rời sông đi tìm ra biển lớn như tình yêu muốn kiếm tìm một nhịp đập đồng điệu từ từ bản bản thể khác để sẻ chia, để thấu hiểu. Nhưng biển lớn khôn cùng, bãi bờ vô hướng, sóng càng ra xa càng thấy mình lẻ loi, vô định.
Đó cũng là cảm nhận trong trái tim đang vẫy vùng trong tình yêu lứa đôi, khao khát tận cùng nhưng cũng lo lắng đến tận cùng, không bao giờ tìm được sự mãn nguyện để mà yêu, để mà nương náu.
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Thế rồi, người con gái truy tìm cái nguồn cội của cảm xúc thiêng liêng ấy để có thể làm chủ được nó. Tình yêu được đặt trong một không gian rộng, thời gian mênh mông để dễ dàng soi chiếu:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Nhưng làm sao có thể thể làm được điều ấy. Sóng không có nguồn cội cũng như tình yêu không thể biết được nó khởi đầu từ đâu. Có thể là lần gặp gỡ đầu tiên, cũng có thể là từ tên gọi một hôm nào đó ta vô tình thoáng nghe. Cũng có thể nó đã đến sau bao lần gặp gỡ, cũng có thể là sau những khổ đau ta bắt đầu yêu nhau nồng thắm.
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở.
Và càng đi tìm ta càng thấy nó đa chiều, bí ẩn vừa như ở rất gần mà lại như rất xa, vừa như thấy trên bề mặt lại đã lặn vào lòng sâu. Nhưng có một điều con sóng nào cũng xô vào bờ tan ra thành tiếng vỗ. Có lúc dịu êm mơ màng, có lúc dữ dội cuộn trào ghê gớm. Như tình yêu của đôi khi chỉ là nỗi nhơ thầm, đôi khi trở thành niềm khát vọng được cận kề, gần gũi, khát khao cháy bỏng.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Dòng thời gian cứ trôi đi, con sóng bạc đầu ngàn năm vẫn vỗ nhưng tình yêu thì hữu hạn. Thế nên, trái tim yêu vội vã muốn như là sóng, được hóa thân thành sóng để còn vỗ mãi đến ngàn năm trong trái tin tuổi trẻ.
Xuân Quỳnh đã rất khéo léo khi đan cài hai hình tượng “sóng” và tình yêu của “em” trong một bài thơ trữ tình đầy chiêm nghiệm. “Em” là cái tôi trữ tình của nhà thơ, là hình tượng được miêu tả trong những cung bậc khác nhau của tình yêu. “Sóng” chính là hình ảnh ẩn dụ cho trái tim hồn hậu, đầy nữ tính của người phụ nữ đang yêu, là sự hoá thân, phân thân của em… Hai hình tượng ấy khi phân đôi để soi chiếu sự tương đồng, khi hoà nhập để âm vang, cộng hưởng. Trái tim người phụ nữ đang yêu soi vào sóng đế nhận ra mình, thông qua “sóng” để thể hiện những rung động, đam mê, khao khát…
Hai hình tượng này đan cài, quấn quít với nhau từ đầu tới cuối bài thơ, soi sáng cho nhau nhằm diễn tả sâu sắc, thâm thía hơn khát vọng tình yêu trào dâng mãnh liệt trong lòng nữ sĩ. Với hình tượng sóng, bài thơ làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ đứng trước đại dương, mang tâm thế của một cá thể nhỏ bé đối diện với cái vô biên và vĩnh hằng, từ đó mà liên tưởng, suy tư, chiêm nghiệm về tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, tự khám phá cái tôi bản thể. Cảm xúc thơ vì thế vừa sôi nổi, mãnh liệt, vừa có chiều sâu triết lí.
- Kết bài:
Dù nhân loại đã ngàn năm đi tìm và có muôn nghìn cách lí giải, thế nhưng cũng như Xuân Quỳnh đã trải nghiêm, càng đi tìm ta càng thấy nó thật khó hiểu. Muốn nắm bắt mà không thể giữ lấy được, muốn giam cầm nhưng đủ sức để thuần phục nó. Khát vọng được hóa thân trong tình yêu vĩnh hằng của Xuân Quỳnh trong bài thơ đủ để lòng ta mãi mãi say mê, mãi mãi kiếm tìm.