Phân tích đoạn thơ: Trước muôn trùng sóng bể…. Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức (Sóng – Xuân Quỳnh)

truoc-muon-trung-song-be-the-hien-ve-dep-nu-tinh-trong-tho-xuan-quynh

Trong bài thơ Sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh viết:

“Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
(……)
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 15)

Cảm nhận về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

  • Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh: Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Bà được xem là một trong những người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ Việt Nam từ sau 1945. Đó là tình yêu vừa nồng nàn, sôi, say đắm, vừa tha thiết dịu dàng, vừa giàu trực cảm, lại lắng sâu trải nghiệm những suy tư.

– Giới thiệu tác phẩm: “Sóng” là tác phẩm tiêu biểu của Xuân Quỳnh được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968. Tác phẩm đã thể hiện khát vọng tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, khám phá. Cảm xúc thơ do vậy vừa sôi nổi mãnh liệt, vừa gợi tới chiều sâu của sự triết lí.

– Giới thiệu luận đề:Phân tích đoạn thơ và cảm nhận vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

  • Thân bài:

1. Vị trí đoạn trích:

– Đoạn trích nằm trong tác phẩm “Sóng” thuộc giới hạn từ khổ thơ thứ 3 đến khổ thơ thứ 5. Đoạn trích nói đến khát vọng tự nhận thức và nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ.

2. Cảm nhận đoạn trích:

* Khát vọng tự nhận thức của người con gái trong tình yêu (Khổ 3 và khổ 4):

– Hình tượng “sóng” diễn tả bản chất của tình yêu – sự bí ẩn không thể lý giải được của tình yêu:

“Trước muôn trùng sóng bể
…..
Khi nào ta yêu nhau”

– Sự đối lập “em” và “muôn trùng sóng bể” là sự đối lập giữa cái nhỏ bé, hữu hạn với cái vô biên, rộng lớn của vũ trụ, làm thức dậy những suy tư, trăn trở.

– “Em nghĩ” hai tiếng ấy lặp lại như là sự khám phá, tìm tòi.

+ Về biển lớn: “Từ nơi nào sóng lên?”. Trả lời: “Sóng bắt đầu từ gió”.

+ Về anh, em: “Khi nào ta yêu nhau?” . Trả lời “Em cũng không biết nữa”

Hai câu hỏi đan cài vào nhau, nhập hòa vào một. Chúng ta có thể lý giải được cội nguồn của sóng, của gió nhưng không thể nào cắt nghĩa, lý giải được nguồn cội của tình yêu. Nó lạ lùng bí ẩn nhưng cũng rất tự nhiên. Sức hấp dẫn của tình yêu chính là ở chỗ đó.

* Nỗi nhớ trong tình yêu (Khổ 5)

Hình tượng “sóng” diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu:

“Con sóng dưới lòng sâu
….
Dù muôn vời cách trở”.

– Khổ năm đọng lại một chữ “nhớ”. Nỗi nhớ gắn với không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, với “bờ”; nó bao trùm cả thời gian “ngày đêm không ngủ được”, và xâm chiếm tâm hồn con người, ngay cả trong vô thức “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Một tiếng “nhớ” mà nói được nhiều điều. Em đã hóa thân vào sóng. Sóng đã hoà nhập vào tâm hồn em để trở nên có linh hồn thao thức.

– Đây là khổ duy nhất trong bài có đến 6 câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu.

3. Nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

– Vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh chính là tiếng lòng của tâm hồn người phụ nữ khi yêu được thể hiện một cách dịu dàng, đằm thắm.

– Bài thơ “Sóng” là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện nét nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Tình yêu được thể hiện trong bài thơ vừa mạnh mẽ, nồng nàn lại vừa dịu dàng, sâu lắng, chính nó đã làm nên vẻ đẹp nữ tính trong hình tượng sóng.

– Tình yêu đó còn chan chứa sự trăn trở, suy tư của người con gái khi yêu. Những băn khoăn, âu lo được Xuân Quỳnh thể hiện vô cùng mềm mại, nữ tính qua những câu hỏi như:

“Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau”.

– Tính nữ đó còn được thể hiện một cách bình thường, dung dị qua khao khát hạnh phúc đời thường – khao khát thường trực thể hiện trong thơ Xuân Quỳnh. Đó là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng, “cả trong mơ còn thức” trong tâm hồn người con gái khi yêu. Là tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, sóng gió. Đó còn là khát khao tận hiến, khát vọng được hóa thân, được hòa nhập vào biển lớn tình yêu.

  • Kết bài:

– Bài thơ “Sóng” chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm cho thấy vẻ đẹp tâm hồn cũng như tấm lòng trắc ẩn của người phụ nữ khi yêu.

Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.