Cảm nghĩ của em về ý nghĩa bài ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
* Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
– Công lao sinh thành , nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái như trời biển .
– Con cái phải biết ơn , kính trọng , yêu thương cha mẹ như lời dạy của người xưa . . .
- Thân bài:
– Giải thích :
+ Nghĩa đen : “ Núi Thái Sơn ” là ngọn núi cao ở Trung Quốc , “ nước trong nguồn ” không bao giờ cạn .
+ Nghĩa bóng : Qua hai hình ảnh so sánh độc đáo , người xưa dạy bảo con cháu cần ghi nhớ công lao sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái to lớn , vững chắc như vũ trụ , vĩnh hằng như thiên nhiên , đất trời . . . Con cháu phải biết ơn , yêu thương , kính trọng cha mẹ . . .
– Nhận xét : Hoàn toàn đúng ở mọi thời đại .
+ Ngày xưa , những tấm gương hiếu thuận được văn chương ghi lại như nhân vật Vũ Nương , Thuý Kiều , Kiều Nguyệt Nga . . .
+ Ngày nay , nhiều người con yêu thương , kính trọng cha mẹ , phụng dưỡng cha mẹ lúc già yếu.
+ Vẫn có những người con đối xử tệ bạc , VÔ ơn công lao sinh thành , nuôi dưỡng của cha mẹ như cãi lại , không nghe lời , đánh lại . . . Đó là những người con bất hiếu .
– Bình luận :
+ Lòng kính yêu , biết ơn cha mẹ không chỉ là bổn phận của đạo làm con , mà còn thể hiện đạo làm người . Một công dân tốt trước hết phải tốt với các thành viên trong gia đình ; gia đình là tế bào của xã hội , gia đình hạnh phúc đất nước sẽ văn minh , thịnh vượng . . .
+ Là bài học truyền thống đạo lí của người Việt Nam .
- Kết bài:
– Là bài học đạo lí làm người , làm con vô cùng thấm thía , sâu sắc . . .
– Cần học tập , giữ gìn và phát huy .
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Công cha, nghĩa mẹ là ơn đức thiêng liêng nhất trong vũ trụ này. Không có cha mẹ, không có ta ở trên đời. Yêu kính và tri ân công đức cha mẹ là bổn phận của mỗi con người. Nhắc nhở con người về nghĩa cử ấy, người xưa có câu: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
- Thân bài:
Người Việt Nam ta rất coi trọng đời sống tình cảm và lễ nghi. Đạo hiếu là một trong những phẩm đức hàng đầu mà con người nhất định cần phải có. Nói về công lao của cha mẹ, câu ca dao đã đưa ra những hình ảnh lớn lao, giàu sức biểu cảm để so sánh với công đức của cha, nghĩa tình của mẹ.
Công cha được ví như “núi Thái Sơn”, một ngọn núi nổi tiếng ở Trung Quốc. Núi Thái Sơn là hình ảnh tượng trưng cho những gì lớn lao, vĩ đại. Khi so sánh công cha như núi Thái Sơn, nhân dân ta muốn nhấn mạnh công lao của người cha trong việc nuôi dạy con cái là vô cùng lớn lao, vô cùng vĩ đại.
Nghĩa mẹ được ví như “nước trong nguồn”, dòng chảy cuồn cuộn, không ngừng, không bao giờ dứt, không bao giờ cạn. Nước nguồn ví như tình yêu thương con vô hạn của người mẹ.
Người xưa ví công cha với ngọn núi cao nhất còn nghĩa mẹ so sánh với nước nguồn bất tận là sự đề cao ơn nghĩa sinh thành. Câu ca dao nhắc nhở con người phải ghi nhớ và đền đáp ơn cao nghĩa nặng ấy.
Hai hình ảnh cao và dài để biểu hiện tình cảm của cha mẹ, nghệ thuật so sánh như núi Thái Sơn và nước nguồn với công cha, nghĩa mẹ thật đặc sắc. Hai hình cảnh khác nhau nhưng phù hợp với vai trò và vị trí của cha và mẹ trong gia đình. Chữ “công” nói về cha chữ “nghĩa” nói về mẹ. Mẹ là người sinh ra ta, cho ta hình hài. Đó là cái nghĩa thiêng liêng nhất trong thế gian này. Cha là người vất vả nuôi dạy ta, che chở và dẫn bước ta vào đời. Đó cũng là cái ơn vĩ đại nhất trong vũ trụ này. Núi Thái Sơn và nước trong nguồn là hai hình ảnh tượng trưng cho sự lớn lao vô cùng, vô tận.
Cha mẹ có công sinh ra ta, nuôi dưỡng ta từ khi chào đời cho đến lúc trưởng thành. Cha là trụ cột chính của gia đình, lo kinh tế cho gia đình. Mẹ càng cực khổ hơn, chín tháng cưu mang, mang nặng đẻ đau. Khi trái gió trở trời, mẹ lo từng viên thuốc, bát cháo và thức suốt đêm bên con. Cha mẹ đã làm cho con tất cả sức lực của mình, công lao kể sao cho hết!
Cha mẹ nuôi con khôn lớn, dạy dỗ con nên người. Con vấp ngã trên đường đời, cha mẹ là người nâng con đứng lên, con càng lớn là lúc cha mẹ già yếu đi, đạo làm con phải đền đáp công ơn của cha mẹ:
“Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Bài ca dao là bài học sâu sắc về đạo làm con, về hiếu nghĩa ở đời. Đạo làm con chính là đạo hiếu. Chữ hiếu phải chân thành, trọn vẹn và được thể hiện tình cảm, thái độ, hành động xứng đáng với đạo làm con. Trong dân gian đã lưu truyền những gương hiếu thảo: “Nhị thập tứ hiếu”. Một ly nước mát khi cha mẹ đi làm về nắng nôi, mệt nhọc. Một lời quan tâm của con cũng đa khiến cha mẹ vui lòng. Đừng làm gì cho cha mẹ buồn lòng. Quan trọng nhất là phải học tập để đem niềm vui, niềm tự hào đến cho cha mẹ. Thành công của con cái chính là sự nghiệp của cha mẹ. Bởi thế, phấn đấu rèn luyện trở thành người tốt, có cuộc sống hạnh phúc là đã cảm được ân sâu, sống xứng đáng với hoài mong của cha mẹ rồi.
- Kết bài:
Bài ca dao “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” ngọt ngào êm ái như một lời ru nhưng mang một triết lý sâu sắc về công ơn cha mẹ và đạo làm con. Càng đọc bài ca dao em càng thắm thía em tự nhủ sẽ học tập thật giỏi để cha mẹ luôn hãnh diện về em. Bài ca dao: “Công cha như núi thái sơn” luôn nhắc em giữ trọn đạo làm con.