Chứng minh: Văn học đem đến những phát hiện diệu kì.
Trong những giai thoại về thi sĩ lừng danh Basho (Nhật Bản), tương truyền có một mẩu chuyện rất thú vị. Một nhà thơ trẻ mang bài thơ mới sáng tác tới gặp Basho để nhờ ông góp ý. Bài thơ như sau:
Con chuồn chuồn đỏ
Ngắt đi đôi cánh
Quả ớt
Basho mỉm cười và bảo: “Đó không phải là thơ”. Ông đề nghị thi sĩ kia chỉnh lại như sau:
Quả ớt
Chắp thêm đôi cánh
Con chuồn chuồn đỏ
Từ câu chuyện trên, anh (chị) hãy viết bài văn với nhan đề: Văn học đem đến những phát hiện diệu kì.
Hướng dẫn làm bài:
1. Giải thích:
Câu chuyện về Basho và thi sĩ trẻ đã đề cập đến yêu cầu của hoạt động sáng tác văn học: khởi nguồn từ cuộc sống thực (con chuồn chuồn đỏ, quả ớt) nhưng tác phẩm phải có những phát hiện độc đáo, phải năm bắt và tái hiện ấn tượng những khoảnh khắc diệu kì của hiện thực (nêu quả ớt được chắp đôi cánh sẽ trở thành con chuồn chuồn đỏ).
– Nói cách khác, những phát hiện thú vị, gây ngạc nhiên, có sức tác động mạnh mẽ đến cảm quan thẩm mĩ của độc giả trở thành phẩm chất rất quan trọng của những sáng tác văn học có giá trị.
2. Bàn luận – Chứng minh:
Việc liên tục tạo ra cái mới trở thành yêu cầu tiên quyết đối với mọi hoạt động sáng tạo,sáng tác; tác phẩm văn học cũng không thể nằm ngoài qui luật ấy. Sức hấp dẫn của văn học phần lớn cũng đến từ những phát hiện độc đáo được chuyển tải trong tác phẩm.
Tác phẩm văn học không sao chép mà phản ánh hiện thực một cách chọn lọc và gắn liền với quá trình điển hình hóa, với tài năng sáng tạo của từng nghệ sĩ. Nhờ vậy, đời sống in bóng trong nghệ thuật ngôn từ trở nên sống động, gợi mở được những chiều kích khám phá mới mẻ.
Tác phẩm văn học trước hết phải làm thỏa mãn các nhu cầu thẩm mĩ của con người, phải đem lại cho độc giả sự bất ngờ, thú vị từ những hình tượng nghệ thuật độc đáo, từ những chi tiết ngỡ giản đơn mà giàu ý nghĩa, thậm chí chỉ là một câu văn diễn đạt mới mẻ, một từ dùng được “lạ hóa”.
Chứng minh bằng những trải nghiệm khi đọc tác phẩm: Từ việc cảm nhận các tác phẩm đã đọc, học sinh chỉ ra tính đúng đắn của vấn đề đang giải quyết. Cảm nhận của học sinh cần chân thành, tinh tế, sâu sắc. Khuyến khích những bài viết cho thấy những phát hiện độc đáo của nhà văn đã thực sự gây ngạc nhiên, có sức tác động mạnh mẽ đến người làm bài.
3. Đánh giá, mở rộng vấn đề bàn luận:
Dù cung cấp những phát hiện độc đáo đến đâu, dù gây bất ngờ thú vị đến mức nào thì chân giá trị của một tác phẩm vẫn phải thể hiện qua tính chân thực của sự phản ánh, qua những trăn trở, băn khoăn, những rung động sâu xa của nhà văn trước hiện thực.
Để nắm bắt thành công những phát hiện tinh tế, kì diệu mà tác phẩm mang đến, người đọc phải tiếp nhận tác phẩm bằng tất cả sự tích cực, sáng tạo. Hơn thế, người đọc phải hiểu rằng không thể tùy tiện bóp méo ý nghĩa của tác phẩm vối những phát hiện, những cách hiểu thiếu căn cứ.
Văn học đem đến những phát hiện diệu kì. nhưng quan trọng hơn, bạn có đọc nó và phát hiện ra nhưng điều diệu kì ấy hay không?