suy-nghi-ve-cau-chuyen-to-giay-trang-va-cach-nhin-cua-con-nguoi-truoc-cuoc-doi

Suy nghĩ về câu chuyện Tờ giấy trắng và cách nhìn của con người trước cuộc đời

Suy nghĩ về câu chuyện “Tờ giấy trắng” và cách nhìn của con người trước cuộc đời

Có một lần, tại một trường trung học, ngài hiệu trưởng đến gặp các em học sinh để nói chuyện. Trong khi nói, ông giơ lên cho các em thấy một tờ giấy trắng, trên đó có một chấm tròn đen ở một góc nhỏ và hỏi:
– Các em có thấy đây là gì không?
Tức thì cả hội trường vang lên:
– Đó là một dấu chấm.
Ngài hiệu trưởng hỏi lại:
– Thế không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?
Nói rồi, ngài kết luận:
– Thế đấy con người luôn luôn chú ý đến những lỗi nhỏ nhặt mà quên đi tất cả những phẩm chất tốt đẹp còn lại. Khi phải đánh giá một sự việc hay là một con người, thầy mong các em sẽ chú ý đến tờ giấy trắng nhiều hơn là những vết bẩn có trên nó.

(Tờ giấy trắng – Quà tặng cuộc sống)

Hãy viết bài văn nghị luận xã hội (khoảng 500 từ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa câu chuyện trên.

  • Mở bài:

Cuộc sống đầy ắp những việc không như ý, chúng ta chẳng thể nào né tránh, điều duy nhất có thể làm là thay đổi góc nhìn về nó. Nếu bạn luôn có cách nhìn, góc nhìn toàn diện và tích cực trước cuộc sống, bạn sẽ thấy mọi thứ đều đáng trân trọng, không bao giờ bạn khinh chê hay thất vọng. Câu chuyện Tờ giấy trắng nhắc ta một bài học sâu sắc về cách nhìn, góc nhìn mới mẻ và tích cực trong cuộc sống này.

  • Thân bài:

Câu chuyện về một tờ giấy trắng không hoàn hảo vì có một dấu chấm đen nhỏ. Nó đã đem lại bài học sâu sắc về cách đánh giá và nhìn nhận của con người trước một sự vật. Ngài hiệu trưởng cho học trò nhìn mọt tờ giấy trắng có một chấm đen ở một góc nhỏ. Tất nhiên, học trò sẽ nhìn thấy dấu chấm đen ấy bởi vì nó là dấu hiệu khác biệt nhất, đáng chú ý nhất. Và lúc đó, tờ giấy trắng sẽ bị mất đi một phần, hoặc hoàn toàn giá trị trong cái nhìn của người khác. Sẽ chẳng ai muốn sử dụng một tờ giấy trắng đã có chấm đen trong công việc của mình, vì nó có thể gây ra sự phản cảm hoặc làm giảm giá trị của những gì được ghi ở trên đó. Đó là tất cả những gì mà con người sẽ nghĩ đến.

Thế nhưng, ngài hiệu trưởng đã chỉ ra một giá trị rất lớn: dấu chấm đen chỉ chiếm một phần rất nhỏ của tờ giáy, phần còn lại vẫn còn nguyên giá trị và có thể sử dụng được. Từ đó, ông kết luận: Con người luôn luôn chú ý đến những lỗi nhỏ nhặt mà quên đi tất cả những phẩm chất tốt đẹp còn lại. Khi phải đánh giá một sự việc hay là một con người, hãy chú ý đến tờ giấy trắng nhiều hơn là những vết bẩn có trên nó.

Kết luận của ông hiệu trưởng là đúng đắn, thể hiện cách nhìn, góc nhìn khác biệt và sự trân trọng của con người đối với đời sống. Con người trong cuộc sống không ai là hoàn hảo. Tất cả chúng ta khi sinh ra đều có những khuyết điểm, những sai lầm, dù lớn hay nhỏ thì nó cũng khiến người khác không hài lòng hoặc thất vọng, hoặc khinh ghét. Thế nhưng, những khuyết điểm hay lỗi lầm không phải là tất cả những gì con người có, trong họ còn biết bao phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta chưa biết đến hoặc đã vội bỏ qua khi nhìn nhận.

Thực vậy, con người thường chú ý và đánh giá thế giới xung quanh, đánh giá người khác thiên về hình thức hơn là phẩm chất bên trong. Một chiếc điện thoại có một vài vết xước mặt kính, chúng ta ngay lập tức đã không còn yêu thích nó, sẽ thay mặt kính khác hoặc bỏ nó đi và mua cái mới mà quên rằng nó vẫn đang hoạt động tốt và sẽ đáp ứng được nhu cầu của mình, không cần phải thay mới hoặc bỏ đi. Đó là vì ta quý trọng cái hình thức của nó hơn nên đã đưa ra đánh giá sai lầm về nó. Trong khi, một mặt bàn bằng gỗ, dẫu có bị trầy xướt hay một vài vết bẩn, ta vẫn thoải mái sử dụng nó, không hề cảm thấy khó chịu hay ức chế. Đó là vì đói với cái mặt bàn, chúng ta không cần nó phải hoàn hảo như mặt chiếc diện thoại.

Trong cuộc sống, con người luôn phải hoạt động và giao tiếp. Quá trình hoạt động và giao tiếp đó, người ta khó tránh khỏi những sai lầm vì một lí do nào đó. Một người bạn thân thiết chỉ vì một lần trễ hẹn mà ta đã vội trách móc, cho rằng bạn đã không biết quý trọng mình. Đó là vì ta đã đặt bản thân quá cao, không chịu thấu hiểu, cảm thông và khoan thứ.

Cách nhìn của chúng ta về thế giới thực sự được định hình bởi điều chúng ta quyết định ngắm nhìn và lắng nghe. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được một mặt của sự vật, nhìn thấy một phần tâm hồn của con người và còn rất nhiều mặt khác, rất nhiều điều tốt đẹp khác ở con người bị che khuất khiến ta không nhìn thấy được hay cảm nhận được. Vì thế, khi nhìn nhận đánh giá một con người phải nhìn nhận ở nhiều phương diện: bề nổi, bề sâu, nhất là những mặt tốt mang tính căn bản.

Sự thành công trong cách ứng xử với người khác phụ thuộc vào việc nắm được góc nhìn của người khác với thái độ cảm thông. Phải nhìn cuộc sống bằng ánh mắt của tình thương, sự bao dung, vị tha sâu sắc bạn mới có thể nhìn thấy được những gì tốt đẹp ở người khác. Biết trân trọng cái tốt đẹp có ở con người và đề cao những giá trị ấy. Biết cảm thông, tha thứ những khuyết điểm hay lỗi lầm của người khác, tìm kiếm và phát hiện ở họ những gì là tốt đẹp để hợp tác, nâng đỡ.

Khi phê bình hay đánh giá một con người hay một sự việc nào đó, ta không nên chỉ nhìn một cách phiến diện, hời hợt, chỉ nhằm vào những sai lầm mà họ vô tình mắc phải, mà phải nhìn một cách toàn diện, nhìn bằng đôi mắt của tình thương và lòng vị tha, “cố tìm để hiểu” những mặt tốt đẹp ẩn sâu trong con người. Chẳng hạn như trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, ông giáo đã nhìn thấy vẻ đẹp tình của lòng tự trọng và yêu thương cao cả của Lão Hạc mà người khác đã không trong thấy được. Thị Nở có thể cảm nhận được khát vọng tình yêu và cuộc sống yên bình của Chí Phèo, cái mà không ai tin là luôn có ở Chí. Phải nhìn bằng trái tim, con người mới có thể nhìn thấy những giá trị còn ẩn sau bên trong con người.

Cách nhìn nhận đa chiều bằng đôi mắt của tình thương và sự bao dung sẽ tích cực giúp con người thức tỉnh, giác ngộ. Câu chuyện ngắn gọn nhưng đem đến cho ta bài học nhân sinh sâu sắc về cách nhìn nhận đánh giá về con người và cuộc đời bằng đôi mắt của tình thương, bao dung.

Càng trân trọng những phẩm chất của người khác, chúng ta cần quyết liệt phê phán những kẻ sống ích kỷ, thiếu thiện chí khi nhìn nhận, đánh giá người khác. Muốn phê phán người khác thì trước hết bản thân mình phải là người có đạo đức, nhân cách; biết đánh giá đúng lúc, đúng chỗ. Tuy nhiên, đánh giá bằng sự bao dung độ lượng không có nghĩa là thỏa hiệp với cái sai, cái xấu. Trước cái ác, cái xấu cần có thái độ đấu tranh nghiêm túc, triệt để.

Vấp váp trong cuộc đời sẽ khiến ta đớn đau, khiến ta oán trách nhưng xin bạn đừng vội oán trách, đừng vội bỏ cuộc. Hãy xem mỗi vấp váp ấy là một làn trải nghiệm, một lần kiểm chứng bản thân, là một nấc thang đưa bạn đến thành công. Cuộc sống là thế, chẳng bao giờ dễ dàng với bất cứ ai. Muốn thành công, nhất định bạn phải biết nỗ lực, biết vượt qua khó khăn, biết đứng dậy khi vấp ngã và không bao giờ oán giận, hận thù.

  • Kết bài:

Ý nghĩa câu chuyện Tờ giấy trắng đánh thức ở con người thái độ sống tích cực, giàu tình yêu thương. Nó nhắc nhở chúng ta rằng: Không có gì tầm thường trên thế giới. Tất cả đều tùy thuộc vào góc nhìn, cách nhìn và cách đánh giá của chúng ta. Đánh giá tùy tiện, vội vàng là hành động sai lầm, có thể khiến ta đánh mất đi rất nhiều có hội mà bởi sự vội vàng đã khiến chúng ta bỏ qua một cách đáng tiếc.

Xem thêm:

3 bình luận trong “Suy nghĩ về câu chuyện Tờ giấy trắng và cách nhìn của con người trước cuộc đời”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang