suy-nghi-ve-hien-tuong-luoi-bieng-trong-hoc-tap-cua-nhieu-hoc-sinh-ngay-nay

Suy nghĩ về hiện tượng lười biếng trong học tập của nhiều học sinh ngày nay

Suy nghĩ về hiện tượng lười biếng trong học tập của nhiều học sinh ngày nay.

  • Mở bài:

Ngạn ngữ có câu: Việc học như con thuyền đi trên nước, không tiến ắt sẽ lùi. Thành tựu trong học tập không tự nhiên mà có mà chính là do bởi người học chăm chỉ, kiên trì rèn luyện. Chỉ khi có đủ nhiều kiến thức và kĩ năng, chúng ta mới thành công trong công việc, xây dựng cuộc sống hanh phúc. Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn, có nhiều học sinh không ý thức rõ vai trò của việc học, tỏ ra lười biếng, lơ là, thậm chí trốn tránh việc học. Thực trạng ấy khiến cho nhiều người hết sức lo ngại.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

Lười biếng trong học tập là gì?

Lười biếng trong học tập là hiện tượng học sinh xem nhẹ việc học, không có tinh thần tự giác trong học tập, ham chơi, dẫn đến việc không hiểu bài, không có kĩ năng, kết quả học tập yếu kém.

2. Bàn luận:

Thực trạng ý thức học tập của học sinh hiện nay.

Có nhiều học sinh không xác định được mục đích thực sự của việc học. Nhiều bạn đi học chỉ để ba mẹ vui lòng, nhiều bạn thì coi việc học như một lẽ tự nhiên đến tuổi thì phải đi học, nhiều bạn lại học tủ, học vẹt, học chay, liên tục vắng tiết. Thậm chí nhiều anh chị là sinh viên rồi vẫn không coi việc học là quan trọng chỉ học đối phó để có bằng cấp.

Đặc biệt là hiện nay, tệ nạn học đường xảy ra ngày càng nhiều. Nhiều bạn học sinh đốt cháy thời gian với những trò chơi vô bổ, nguy hại, bỏ mặc mơ ước.

Mặt khác, việc mua bằng bán cấp, bằng giả diễn ra một cách tràn lan khiến cho xã hội hết sức lo ngại.

Nguyên nhân khiến nhiều học sinh lơ là, lười biếng trong học tập.

Trước hết, do bản thân học sinh không có động lực học tập. Học sinh không có ý thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của việc học đối với cuộc sống mỗi con người. Trước những khó khăn trong học tập, họ nhanh chóng buông bỏ ý chí, chọn cách học dễ dãi, đối phó. Lâu dần thành thói quen, đánh mất năng lực học tập.

Mặt khác, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các trò chơi điện tử, những văn hóa phẩm không lành mạnh,… thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, khiến các bạn sa ngã, tự đánh mất chính mình.

Do gia đình thiếu sự quan tâm sâu sắc đến việc học của con em mình. Một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có đủ thời gian và tiền bạc cho các em học tập khiến các em không tha thiết với việc học. Một số gia đình giàu có lại cho rằng việc học nghiêm túc là không cần thiết, cho các em nhiều tiền để tiêu xài khiến các em ham chơi hơn ham học. Một số gia đình lại đặt ra yêu cầu thành tích cao trong việc học mà không chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu các em khiến cho các em ngày càng chịu nhiều áp lực lớn hơn.

Một lí do khác, do chương trình giáo dục còn nặng nề, cách giảng dạy của giáo viên giảng dạy còn tình trạng chạy đua thành tích. Nhà trường thiếu những sân chơi sáng tạo giúp các em tiếp cận kiến thức, hình thành kỹ năng một cách tự nhiên dựa trên năng lực vốn có của mình. Sự thiếu sót ấy nhanh chóng làm cho nhiều học sinh chán nản, áp lực, không còn tình yêu đối với việc học.

Tác hại của việc lười biếng trong học tập.

Trước tiên, nó tạo ra những lỗ hổng kiến thức cho học sinh. Những lỗ hổng này sẽ dẫn đến việc họ dần mất đi nền tảng kiến thức, kết quả học tập ngày càng yếu kém, từ đó gặp khó khăn trong mọi hoạt động.

Lười biếng trong học tập dần dần sẽ trở thành thói quen, cách ứng xử, cách sống, học sinh sớm trở thành một người lười biếng trong mọi việc. Vì lười biếng cho nên bản thân học sinh sẽ mất tự tin, mặc cảm với bản thân, chán học, bỏ học. Tương lai sau này sẽ ra sao nếu bạn không có những kiến thức cơ bản để tạo dựng cho mình một nền tàng, một công việc nuôi sống bản thân mình, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Rộng hơn nữa là nếu tất cả lười học thì cả xã hội không phát triền, đi lùi về quá khứ.

Lười biếng trong học tập sẽ nêu gương xấu cho người khác.

Giải pháp khắc phục.

Từ bản thân học sinh cần xây dựng ý thức học tập tích cực, luôn phấn đấu trong nhiệm vụ học tập. Trước những khó khăn, cần kiên trì, mạnh mẽ vượt qua. Học thầy đua bạn, năng động, sáng tạo, tìm kiếm những kiến thức mới, không ngừng hoàn thiện bản thân mình.

Từ phái gia đình: cha mẹ cần đồng hành cùng con cái trong việc học. Mỗi cha mẹ cần nhận rõ năng lực của con em mình, đặt ra những yêu cầu phù học với bản than các em, luôn động viên, khuyến khích các em học tập.

Gia đình, nhà trường, xã hội không nên xử phạt, xa lánh, chê bai, dè bỉu… mà phải thường xuyên gần giũ, động viên, quan tâm nhắc nhỏ, giúp học sinh phấn đấu học tập tiến bộ và thành công.

3. Bàn luận mở rộng.

Có thể thấy, phần lớn học sinh hiện nay có ý thức học tập tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận tỏ ra lười biếng, lơ là, trốn tránh nhiệm vụ học tập, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Những người như thế thật đáng chê trách.

  • Kết bài:

Không có kho báu nào quý bằng học thức1500+ câu nói hay về học tập chắc chắn thay đổi cuộc đời bạnThis article is referenced content from https://chanhtuoi.com - 1500+ câu nói hay về học tập chắc chắn thay đổi cuộc đời bạn. Và không có sức mạnh nào bằng lòng kiên trì. Đừng để những giây phút chán nản làm ta chùn bước. Mỗi phút giây say mê học tập là từng bước tiếp thu những tri thức của nhân loại tích lũy thành của riêng bản thân mình. Hãy nhớ rằng điều ta biết như một giọt nước, điều ta không biết thì mênh mông như cả đại dương. Như Lê-nin từng nói: Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh. Và sức mạnh ấy chỉ có được qua con đường học tập không ngừng nghỉ.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Bác Hồ từng nói: “Non sông Việt Nam ta có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ vào một phần lớn công lao học tập của các cháu”. Lời nhắn nhủ ấy của Bác đã cho chúng ta thấy được việc học là rất quan trọng ở lứa tuổi học sinh. Nhưng hiện nay, hiện tượng lười biếng trong học tập ở học sinh ngày càng tăng cao. Có khi các bạn ấy còn tìm mọi cách trốn học để đi chơi điện tử, bỏ bê việc học mà xa vào con đường tệ nạn. Và để hiểu rõ hơn, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về vấn đề trên.

  • Thân bài:

Lười biếng trong học tập là không chăm chỉ, cần cù, không chịu suy nghĩ trong học tập, luôn nghĩ nó khó đối với mình hay quá dễ nên không cần làm.

Hiện nay, lười học là một hiện tượng khá phổ biến của học sinh trong nhà trường. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc không có hứng thú và động lực trong học tập; không tập trung nghe giảng khi ở trên lớp, xem thường việc học. Còn ở nhà thì không siêng năng làm bài tập, không chịu khó soạn bài trước khi đến trường dẫn đến không hiểu bài và chán nản.

Từ những hành động trên đã gây ra những hậu quả vô cùng to lớn. Trước hết, việc lười biếng trong học tập lâu dần sẽ tạo ra một lỗ hổng kiến thức rất lớn và khó thể bồi đắp lại được. Chẳng hạn như ở bậc Tiểu học, ta được học bảng cửu chương nhưng lại không tập trung nghe giảng và chịu khó học thuộc mà khi lên bậc Trung học ta sẽ phải làm những bài toán cần áp dụng đến bảng cửu chương rất thường xuyên nên không biết làm bài từ đó dẫn đến việc không được điểm tốt và điều này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần học tập của chúng ta, cảm giác chán nản tột cùng sẽ vây quanh lấy bạn. Từ đó, ta sẽ thấy việc học trở nên rất khó khăn, cảm thấy lười và nhàm chán khi nhắc đến việc học vô cùng.

Nếu bây giờ không siêng năng trong học tập, sau này chắc chắn ta sẽ không có được một tương lai tốt đẹp và không giúp ích được cho đất nước. Điều đó tức là ta đang tự đào thải mình ra khỏi xã hội vì không có tri thức. Tệ hơn là sẽ có những trường hợp vì thiếu hiểu biết và tri thức nên tự biến mình trở thành những kẻ “cặn bã” của xã hội. Lười biếng trong học tập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến với tâm lí của học sinh. Nó sẽ hình thành ở học sinh những thói quen không tốt như: gian lận trong thi cử, các kì kiểm tra, trốn học đi chơi, giao du với các người bạn xấu, lừa dối cha mẹ, thầy cô…. Và rồi lâu dần sẽ tạo cho các bạn học nảy sinh tính cách dối trá, thiếu trung thực vì đối phó với cha mẹ, thầy cô.

Hơn nữa, không chăm lo học hành sẽ khiến cho các bạn không biết cách xử sự, nói chuyện hỗn hào với người lớn, làm cho ta trở thành một con người xấu, luôn bị mọi người chê trách và xa lánh.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc lười học là do chính bản thân học sinh không xác định được tương lai, ước mơ của mình nên không thể đặt ra được mục tiêu để cố gắng, phấn đấu trong học tập. Ngoài ra, một nguyên nhân khác nữa là do bị lôi kéo, bị dụ dỗ trốn học và tìm đến các quán Nét, bị dụ dỗ sử dụng các chất kích thích như: thuốc lá, ma túy….mà xa rời việc học. Nếu các bạn không chiến thắng được những cám dỗ ấy sẽ rất dễ sa vào nghiện ngập không thể chú tâm vào việc học và dần dần bỏ bê việc học luôn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc học sinh ngày càng lười biếng trong học tập cũng là nằm ở chính các bậc phụ huynh học sinh. Các bậc làm cha, làm mẹ đã quá nuông chiều con em mình. Họ trang bị đủ các thiết bị điện tử cho con mà không quản lí chặt chẽ nên các bạn học sinh cứ mặc sức chơi game, lướt facebook, chát chít với bạn bè. Ngoài ra, chính việc phụ huynh tạo một áp lực rất lớn đối với con cái về thành tích khiến cho các bạn cảm thấy nặng nề, căng thẳng , không tìm được niềm vui trong học tập. Từ đó, các bạn học sinh tự coi việc học là gánh nặng, là “món hàng” phải trả cho cha mẹ, thầy cô mà thôi chứ không hề có động cơ học tập vì tương lai của bản thân.

Không chỉ vậy, nhà trường cũng là một trong những lí do khiến cho học sinh cảm thấy lười và mất đi ý chí trong học tập. Chương trình giảng dạy quá nặng và phương pháp giáo dục quá nhàm chán gây áp lực lớn với học sinh. Mỗi ngày, học sinh luôn phải đối mặt với khối lượng bài học và bài tập quá lớn, quá sức đối với học sinh mà giáo viên giao về nhà. Chính việc đó làm cho học sinh cảm thấy áp lực mất đi tinh thần khi ngồi vào bàn học.

Nhưng không sao, hiện tượng này vẫn có thể được khắc phục và việc này có thành công hay không phụ thuộc cả vào các bạn học sinh. Các bạn hãy xác định mục tiêu và ước mơ của mình để có thêm ý chí và tinh thần trong học tập. Phải luôn tỉnh táo để không bị dụ dỗ, biết chọn bạn mà chơi, tránh giao du với những bạn xấu vì như thế ta sẽ rất dễ bị lôi kéo. Hãy tránh xa các trò chơi, hay hạn chế lướt facebook để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề đề học tập của chúng ta. Còn gia đình nhất là cha mẹ cũng cần quan tâm hơn đến con em của mình, biết động viên và giúp đỡ con để vượt qua thất bại nhưng không đồng nghĩa với việc nuông chiều con mình quá độ.

Gia đình, nhà trường và xã hội cũng không nên đặt áp lực rằng phải đạt danh hiệu này, danh hiệu kia lên con em của mình mà hãy tạo cho con một cảm giác thoải mái trong học tập. Còn về nhà trường thì cần phải tạo ra nhiều hoạt động ngoại khóa, những câu lạc bộ để cho học sinh cảm thấy có hứng thú hơn với việc học. Những hoạt động ấy vừa là để có sân chơi giải trí vừa giúp học sinh học tập thêm những kiến thức bổ ích thiết thực khác. Giáo viên cũng nên cho lượng bài tập hợp lí và không quá sức, tránh tạo cảm giác áp lực, bất lực cho học sinh, làm mất đi ý chí học tập của học sinh một cách trầm trọng.

Bên cạnh những học sinh lười học cũng còn rất nhiều học sinh có ý thức học tập cao. Các bạn ấy đã xác định được ước mơ và tương lai của mình từ khi còn rất nhỏ tuổi nên họ luôn có chí hướng phấn đấu trong học tập. Chính vì điều đó, khi lớn lên các bạn ấy có công việc làm ổn định, được mọi người kính trọng, yêu mến. Và chắc chắn họ sẽ góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Việc chăm chỉ học hành cũng là cách để chúng ta không làm phụ lòng thầy cô, cha mẹ đã hết mình dạy dỗ, chăm nom. Thế nên ta cần học tập theo tấm gương của các bạn ấy. Ngược lại chúng ta cũng cần phải phê phán các bạn học sinh lười học, không có cố gắng phấn đấu. Không biết nghĩ đến công lao dạy dỗ của thầy cô, cha mẹ mà học tập chăm chỉ để đền đáp. Bởi nếu lười học thì khi lớn lên họ sẽ không có một tương lai tươi sáng, bị xã hội thờ ơ.

Như vậy, đối với một số học sinh lười học, các bạn nên biết rằng, hành động ấy là không tốt và nên khắc phục sớm, tránh bị lún sâu vào những thói quen, việc làm xấu. Thế nên các bạn cần phải học bạn bè của mình về những thói quen học tập tốt của các bạn ấy. Cố gắng tìm ra được động cơ học tập của mình và quan trọng nhất vẫn là phải tạo cho mình hứng thú khi học tập.

  • Kết bài:

“Ở đâu có ý chí, ở đó có thành công”. “trên con đường thành công, không có dấu chân của những kẻ lười biếng”. Mỗi học sinh chúng ta không nên lười biếng trong học tập mà hãy luôn cố gắng phấn đấu để tiến đến thành công bằng sức mạnh của tri thức. Hãy phấn đấu cố gắng chăm chỉ, học tập để trở thành người hữu ích, mai này đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang