Hiện tượng lười phát biểu xây dựng bài trong giờ học của học sinh hiện nay
- Mở bài:
Im lặng sẽ rất đáng trách nếu đằng sau nó là thái độ vô cảm, lười nhác, hèn yếu. Từ những chuyện này, sự im lặng trong lớp học – hiện tượng học sinh lười phát biểu – cũng cần được chúng ta quan tâm đúng mức. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương xây dựng “Môi thân thiện, học sinh tích cực”, lấy đó làm mẫu mực để xây dựng nền giáo dục trong thời đại mới. Thế nhưng ở nhiều lóp học học sinh im lặng suốt tiết, không phát biểu xây dựng bài. Thậm chí khi được giáo viên động viên, khích lệ, các em cũng không trả lời. Đây là biểu hiện của sự trì trệ, ù lì, đi ngược lại chủ trương tích cực trên.
- Thân bài:
Về phía học sinh, lười biếng phát biểu trong giờ học, đầu tiên là do học sinh lười học, không chịu, hoặc rất ít chuẩn bị bài trước ở nhà, ít chịu đầu tư vào bài học hay cập nhật thêm kiến thức. Thêm vào đó, không ít học sinh thiếu tự tin vào bản thân mình, ngại ngùng, rụt rè khi đứng lên và trả lời trước đám đông. Từ những e ngại ban đầu, lâu dần thành thói quen khó bỏ khiến nhiều học sinh thụ động trong học tập.
Về phía giáo viên, đôi khi khả năng truyền đạt, phương pháp giảng dạy của thầy, cô giáo còn hạn chế, chưa cuốn hút, sinh động, còn nặng về đọc – chép đã làm học sinh chán môn học. Từ đó từ bỏ thói quen phát biểu xây dựng bài học. Một nguyên nhân nữa là do giáo viên thiếu những câu hỏi hay, vừa sức, gây hứng thú, gợi suy nghĩ, tìm tòi cho học sinh khiến các em có sự nhàm chán nhất định do câu hỏi quá dễ hoặc quá khó.
Chưa nói đến những nhận xét không hợp lý, thái độ trù dập hoặc bạo lực trong lời nói của nhiều giáo viên khiến học sinh e ngại, chán nản, không tích cực phát biểu xây dựng bài học.
Lười biếng phát biểu ý kiến xây dựng bài học, thụ động trong học tập gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong quá trình học tập của nhiều học sinh. Việc lười phát biểu sẽ khiến học sinh nảy sinh tâm lí thụ động, dần tạo thành thói quen thiếu tự tin, hạn chế tính tư duy sáng tạo của người học. Vì vậy trí nhớ giảm sút học lực giảm, không phát huy được ưu điểm cũng như không khắc phục được nhược điểm của mình.
Việc rèn luyện kĩ năng, khả năng giao tiếp, ứng xử của các em với cộng đồng sẽ gặp nhiều hạn chế nếu các em không được trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng ấy trong mỗi giờ học. Hơn thế, nếu học sinh vẫn im lặng kéo dài, không chịu phát biểu, vô tình sẽ khiến giáo viên mất đi động lực, cảm hứng với bài dạy, tiết học sẽ trở nên nặng nề. Cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là học sinh.
Không năng động phát biểu trong giờ học, học sinh sẽ không ràn luyện được tư duy năng dộng, sáng tạo, không hứng thú với học tập. Từ đó, các em sẽ không có dộng lực để học tập tốt.
Để khắc phục tình trạng này, các trường sư phạm cần đào tạo, trang bị cho sinh viên những kiến thức, phương pháp cơ bản nhất, tốt nhất để sau này sinh viên ra trường có thể tổ chức một tiết dạy sinh động, thu hút. Người học cũng cần được cung cấp thông tin về vai trò, tác dụng to lớn của việc tham gia xây dựng phát biểu bài, cần tự giác thực hiện nghĩa vụ học tập của mình trước khi muốn thầy cô giảng dạy nhiệt tình, hết mình cho bài giảng.
Sự đánh giá của người thầy đối với một phát biểu, một ý kiến của học sinh là hết sức quan trọng. Để học sinh tự tin phát biểu ý kiến, người thầy cần phải động viên, nâng đỡ, khuyến khích tích cực. Thái độ người thày phải cởi mở, chia sẻ, công bằng. Nếu phải cân nhắc giữa việc cho một điểm cao và một điểm thấp thì hãy lựa chọn cho điểm cao để các em phấn đấu hơn nữa.
Nên nhớ rằng, học sinh không phải là một cái thùng chỉ chờ đổ đầy kiến thức mà là một ngọn đèn cần được thắp sáng bằng sức mạnh của tri thức. Mỗi thầy cô giáo cần phải nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho đất nước.
- Kết bài:
Khắc phục được tình trạng học sinh lười phát biểu trong giờ học, không chỉ phát huy tính tích cực cho học sinh mà còn có thể thực hiện mục tiêu đến trường là một niềm vui Mỗi giờ học nếu có sự cộng hưởng giữa tâm huyết của thầy cô và nhiệt tình của học sinh thì đó chính là tiết dạy lí tưởng nhất mà bất cứ một nền giáo dục nào cũng đều trông đợi.
Xem thêm:
- Suy nghĩ về căn bệnh lười biếng
- Suy nghĩ về ý thức học tập của học sinh ngày nay
- Suy nghĩ về căn bệnh lười biếng và cách khắc phục hiệu quả
- Suy nghĩ về ý nghĩa câu nói: “Chính bàn tay làm giàu cho khối óc”