»» Nội dung bài viết:
“Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”
(Trích “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”)
I. Mở bài:
Cuộc sống không bao giờ hết những khó khăn. Muốn thành công, con người phải chiến thắng những khó khăn ấy, thực hiện được điều mình mong muốn. Không phải lúc nào con người cũng chiến thắng nghịch cảnh. Những khi thất bại, phải mạnh mẽ vươn lên, không để hoàn cảnh khuất phục bản thân. Bàn về điều này, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trong nhật ký của mình từng viết: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”.
II. Thân bài:
1. Giải thích câu nói:
– “Đời”: chỉ cuộc đời nói chung và cuộc đời mỗi con người nói riêng.
– “Giông tố”: chỉ hiện tượng thiên nhiên dữ dội. “Giông tố cuộc đời” là chỉ những hoàn cảnh thử thách, những đau thương mất mát, những gian khổ nghiệt ngã trong cuộc sống của mỗi con người, rộng ra là cuộc sống của cộng đồng, dân tộc.
– “Cúi đầu”: là thái độ cam chịu, khuất phục, đầu hàng trước nghịch cảnh.
→ Câu nói của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm khẳng định: cuộc đời mỗi con người có thể trải qua nhiều gian nan nhưng con người không được đầu hàng, khuất phục trước khó khăn, thử thách. Có như vậy chúng ta mới đạt được thành công, hạnh phúc và sống một cuộc sống có ý nghĩa.
2. Bàn luận vấn đề:
– Cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ trải đầy hoa hồng, cuộc sống là một trường tranh đấu. Bởi thế, cuộc sống luôn tiềm ẩn những khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, để đạt được thành công, con người phải vượt qua nhiều chông gai, thử thách.
– “Giông tố” với những thử thách, gian nan chính là môi trường tôi luyện con người.
– Câu nói trên là tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp – thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra hết sức ác liệt, thể hiện ý chí, nghị lực vươn lên, sống thật đẹp và hào hùng.
– Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có tinh thần dũng cảm, có nghị lực và bản lĩnh để vượt qua. Đừng sợ vấp ngã bởi vấp ngã, thất bại là một phần tất yếu trong cuộc sống này. Điều quan trọng là cách mỗi chúng ta đứng dậy sau vấp ngã ấy.
– Phê phán những người có thái độ sống ươn hèn, thụ động, không có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
→ Đây là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống thật đẹp và hào hùng. Thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh.
3. Bài học nhận thức và hành động:
– Trong cuộc sống cũng như trong học tập phải biết vượt lên chính mình, không nên chùn bước trước những khó khăn, bất trắc. Sống cần có lý tưởng, khát vọng và ước mơ.
– Giông tố không chỉ là thử thách với cuộc đời của mỗi con người mà còn là thử thách với một dân tộc. Hãy sống như thế hệ Đặng Thuỳ Trâm, một thế hệ đã dũng cảm vượt qua những bão táp của cuộc đời để đem lại cuộc sống tươi đẹp cho đất nước.
– Trong học tập, cuộc sống bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu vươn lên, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng “không được cúi đầu”. Bởi cuộc đời không phải con đường bằng phẳng mà đầy chông gai, mỗi lần vấp ngã không được chán nản bi quan mà phải biết đứng dậy vươn lên. Để có được điều này thì cần phải làm gì?
III. Kết bài:
– Thành công chỉ đến khi con người kiên nhẫn, bền bỉ đối mặt và vượt qua khó khăn, thử thách. Như cây sồi trước giớ, dẫu có siêu ngã cũng không bao giờ bật gốc, vẫn bền bỉ vươn lên khi giông tố đi qua. Câu nói của Đặng Thùy Trâm là một bài học sâu sắc, một điều tâm niệm đối với các bạn trẻ ngày nay.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Cuộc sống đầy những chông gai thử thách, bạn đừng bao giờ đầu hàng trước số phận mà hãy tự vươn lên đối đầu với mọi chông gai. Với ý nghĩa đó, câu nói: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” của Đặng Thuỳ Trâm thực sự đã mang lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
- Thân bài:
“Giông tố” ở đây dùng để chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội đến với chúng ta trong cuộc sống. Đó có thể là một căn bệnh hiểm nghèo, một đổ vỡ trong kế hoạch làm ăn, một thất bại trong học tập, một phá sản trong kinh doanh… Câu nói khẳng định rằng cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng “chớ cúi đầu” trước khó khăn, chớ đầu hàng thử thách, gian nan.
Bạn thấy đấy, xung quanh chúng ta, cuộc sống nhiều gian nan, thử thách nhưng con người không khuất phục. Khi gặp khó khăn trở ngại, bạn hãy tự vươn lên bằng chính niềm tin của mình. Thất bại là mẹ thành công, thất bại là môi trường tôi luyện ý chí của con người như Bác Hồ đã từng nói “Gian nan rèn luyện mới thành công”
Cuộc đời của con người thường có nhiều khó khăn, thử thách, nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta phải biết vươn lên, vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, đừng vì khó khăn, trắc trở ngay truớc mắt mà vội vàng từ bỏ. Đừng bao giờ “ngại núi, e sông” hoặc “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Giông tố, gian nan thử thách trong đời chính là môi trường tôi luyện cho ý chí ta thêm vững bền.
Đức Phật từng nói: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, con người có thể làm được tất cả, chỉ cần lòng người có ý chí quyết tâm, có nghị lực kiên cường thì không gì có thể ngăn cản được họ. Những khó khăn, gian khổ mà con người cần vượt qua có thành công hay không là do chính bản thân họ, cho dù có khó đến đâu nhưng lòng người có ý chí vững vàng, niềm tin vào bản thân và cố gắng hết sức vượt qua thì cũng sẽ thành công. Ngược lại, không có lòng quyết tâm, ý chí tin vào chính mình, không cố gắng hết sức thì cũng sẽ không làm được gì.
Xung quanh ta đã có rất nhiều người vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời tưởng chừng như là không thể vượt qua được như thầy Nguyễn Ngọc Ký, “vẽ cuộc đời từ chính đôi chân”, cho dù đã bị liệt hai tay nhưng thầy đã dùng chân của mình để viết và giờ thầy đã là một người thầy giáo được nhiều người biết đến và khâm phục. Bill Gates từng bỏ dở giấc mơ đại học và thành lập công ty, nhiều lần thất bại nhưng không nản, cuối cùng trở thành ông chủ của tập đoàn Microsoft. Chung Ju Yung, trước khi là chủ tịch tập đoàn Huyn-dai Hàn Quốc từng là một nông dân, rồi công nhân của một kho gạo ở Seoul. Đó chính là những tấm gương vượt khó thành tài đáng khâm phục.
Ngược lại, lại có những con người chỉ vỉ cái nghèo khó mà đã làm những việc trái với pháp luật đạo lý con người, họ đi cướp bóc, trấn lột để kiếm cái ăn cho mình mà không nghĩ gì đến sự mất mát của người khác. Vì vậy, ngay từ trong ghế nhà trường, chúng ta cần phải rèn luyện ý chí bền bỉ, phải noi theo những gương sáng trong cuộc sống, trong học tập, cần học thật tốt để vững vàng cho mình hành trang vào đời thêm vững bước. Trong xã hội, chúng ta nên san sẻ với những người còn khó khăn, thiếu thốn để giúp họ vượt lên chính mình.
- Kết bài:
“Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống thật đẹp và hào hùng. Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh. Câu nói gợi cho bản thân nhiều suy nghĩ: trong học tập, cuộc sống bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Bởi cuộc đời không phải con đường bằng phẳng mà đầy chông gai, mỗi lần vấp ngã không được chán nản bi quan mà phải biết đứng dậy vươn lên.
Cảm nhận bài học từ đoạn thơ sau: Khi vấp ngã đừng lo bạn nhé. Hãy đứng lên bạn sẽ kiên cường…