Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
- Mở bài:
– Giới thiệu chủ đề nghị luận: Những gì con người đã biết chỉ là giọt nước, những gì con người chưa biết là cả địa dương. Bởi thế sự học tập của con người sẽ không bao giờ dừng lại nếu con người còn có khát vọng chiếm lĩnh tri thức.
– Giới thiệu câu tục ngữ: Nhằm khuyên con người thoát khỏi không gian chật hẹp, quen thuộc để khám phát biển trời tri thức, tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
– Nhận xét khái quát về ý nghĩa câu tục ngữ: Câu tục ngữ là một lời khuyên đúng đắn, một bài học sâu sắc nhắc nhở chúng ta cần biết học từ trong đời sống, học mọi lúc mọi nơi, học không ngừng nghỉ.
- Thân bài:
1. Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
– “Đi một ngày đàng”: có nghĩa là rời khỏi chốn quen thuộc với một khoảng cách xa, đến nhiều nơi, nhiều địa điểm, gặp nhiều người và nhìn cuốc sống ở góc nhìn toàn diện hơn trong không gian đa chiều của nó để học hỏi, tiếp thu được nhiều kiến thức để đem lại hiểu biết cho bản thân.
– “Học một sàng khôn” có nghĩa là học được những điều mới mẻ, tiếp thu những kiến thức bổ ích trong cuộc sống, trong xã hội đã được sàng lọc và chọn lựa. Những kiến thức ấy giúp tăng cường và làm giàu thêm hiểu biết, trí tuệ của con người.
→ Ý nghĩa: Câu tục ngữ khuyên ta dũng cảm đi đây đi đó, rời khỏi chốn quen thuộc để đến với thế giới rộng lớn. Ở đó có biết bao điều mới mẻ và hữu ích để mở rộng hiểu biết, đem sự hiểu biết ấy thay đổi bản thân và cuộc sống của mình. Câu tục ngữ có ý nghĩa hoàn toàn đúng đắn, là một bài học hữu ích đối với mỗi người.
2. Bàn luận về ý nghĩa câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”?
– Câu tục ngữ đã nêu lên một lẽ đúng ở cuộc sống, mang lại bài học sống tích cực và đúng đắn. Cuộc sống là vô hạn, xã hội chính là khoảng không gian không biên giới, ẩn chứa nhiều điều để khám phá.
– Chúng ta nên đi đây đi đó, đi thật nhiều, in dấu chân lên thật nhiều vùng đất để trau dồi kiến thức, hiểu biết bởi những kiến thức có ở xung quanh chúng ta là hạn chế. Chúng ta cần đi đến những nơi xa lạ, ở đó có những điều mới mẻ, rất cần thiết để làm thay đổi hoặc làm tốt hơn bản thân và cuộc sống của mình.
– Nếu bạn sống ở miền biển thì hãy nên đến tham quan nơi rừng núi. Hai không gian sống khác nhau sẽ giúp bạn hiểu nhiều hơn về cuộc sống xung quanh mình và đất nước. Nếu bạn đã quá quen thuộc với cuộc sống ở trong nước, bạn hãy một lần đến thăm các đất nước khác. Không gian sống và nền văn hóa khác biệt của các dân tộc khác chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những hiểu biết mới mẻ, phong phú và hữu ích.
– Những giá trị sống không phải ngày một ngày hai mà thành, và mỗi giá trị lại chọn cho mình một vùng đất để dừng lại, vì thế cần đi nhiều để tiếp cận với những giá trị ấy. Mỗi nơi lại có một nền văn hóa riêng, mỗi người gặp được có thể mang lại cho ta một điều khác biệt. Việc “đi” sẽ tạo điều kiện cho chúng ta được đến gần hơn với những giá trị nhân loại ấy.
– Nhân loại đã tích lũy tri thức qua thời gian. Khi tri thức đã có đủ, con người vận dụng sức mạnh của tri thức để chinh phục tự nhiên, mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Từ đó, từng bước, con người đã bắt thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống của chính mình. Không chỉ đóng vai trò là người sáng tạo, con người đã biết học hỏi lẫn nhau để nhan h chóng làm giàu tri thức của mình, tăng cường hơn nữa sức mạnh và khả năng chinh phục của mình. Tri thức là sức mạnh; ai có tri thức, người đó sẽ có sức mạnh. Chính tri thức mang lại sức mạnh chinh phục và làm thay đổi thế giới. Càng có nhiều tri thức, con người càng dễ thành công và có được một cuộc sống như mình mong muốn. Thiếu tri thức là nguyên nhân dẫn đến mọi thất bại.
– Không chỉ thế, kiến thức và kinh nghiệm mà ta thu được còn giúp ta sống có ích hơn, để ta có thể góp sức xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, giúp xã hội ngày càng phát triển thịnh vượng hơn.
– Càng có nhiều hiểu biết, chúng ta càng biết cách xử sự luôn tốt. Hiểu biết nhiều vấn đề thì luôn rất tốt cho bản thân. Khi lượng tri thức của ta giàu có, chúng ta sẽ phát triển bản thân mình hơn, cả về hành động lẫn nhận thức, mỗi cá nhân sẽ ngày càng hoàn thiện hơn và trưởng thành hơn.
– Chính tri thức giúp con người nhận ra cần phải biết đối xử tử tế, giàu tình yêu thương với nhau. Điều đó sẽ giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp và hạnh phúc.
– Đi càng nhiều, học càng rộng càng tốt, nhưng phải đi đúng cách, học đúng điều hay lẽ phải, tích lũy tri thức tốt đẹp và hạn chế học hỏi những điều xấu xa. Không phải cái gì cũng học và tri thức nào cũng mang lại điều hữu ích. Điều quan trọng nhất là con người biết chọn lưạ cái tốt mà học, biết loại bỏ cái xấu để hoàn thiện tri thức, sự hiểu biết và năng lục của mình một cách tốt nhất.
3. Bàn luận mở rộng.
– Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người không có ý chí, mục tiêu và động lực học tập đúng đắn. Nhiều học sinh còn học vẹt, học tủ,…, không có chí hướng trong học tập, không biết học để làm gì, luôn ngại học tập, không có tinh thần học tập tích cực. Những người như thế thật dáng chê trách.
4. Bài học nhận thức và hành động.
– Cuộc sống là một cuốn sách giáo khoa vĩ đại nhất. Bên ngoài xã hội có nhiều điều cần phải học tập. Kiến thức vô cùng phong phú nên chúng ta nên không ngừng học tập.
– Luôn biết mở mang kiến thức mọi lúc mọi nơi. Luôn biết nắm bắt, đúc kết kinh nghiệm học được. Biết được tầm quan trọng của việc học tập và việc tự học.
– Cần biết đi ra ngoài xã hội rộng lớn để nhìn sự bao la vô tận của sự học, để chính mình nhìn cuộc đời bằng con mắt của mình.
- Kết bài:
– Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là một câu tục ngữ hoàn toàn đúng đắn. Để có thể thành công trong cuộc sống, mỗi con người cần phải thường xuyên học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, xác định mục tiêu và xây dựng phương pháp học tập đúng đắn, năng động, tích cực hơn nữa trên con đừng tri thức. Đó là một trong những kinh nghiệm rất có ích và hữu ích cho mỗi chúng ta.
Bài văn tham khảo:
Trong cuộc sống, tri thức không chỉ giới hạn trong sách vở mà còn đến từ những trải nghiệm thực tế. Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là một lời khuyên sâu sắc của ông cha ta, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi ra ngoài học hỏi, mở mang hiểu biết.
Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh cụ thể để diễn tả ý nghĩa sâu xa. “Đi một ngày đàng” thể hiện quá trình trải nghiệm, khám phá thế giới bên ngoài. “Học một sàng khôn” nhấn mạnh giá trị của những bài học thực tế mà con người thu nhận được qua những chuyến đi đó. Ý nghĩa của câu tục ngữ khẳng định rằng kiến thức không chỉ đến từ sách vở, mà còn từ sự trải nghiệm, quan sát và học hỏi từ thực tế cuộc sống.
Thực tế chứng minh rằng những người có nhiều trải nghiệm thường có cái nhìn sâu rộng hơn. Những danh nhân vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà bác học Darwin hay nhà thám hiểm Marco Polo đều có những chuyến hành trình dài để khám phá và học hỏi. Nhờ đó, họ đúc kết được những tri thức quý báu, góp phần thay đổi thế giới. Học sinh, sinh viên nếu chỉ học lý thuyết mà không thực hành, không trải nghiệm thực tế thì khó có thể áp dụng hiệu quả vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, câu tục ngữ còn nhắn nhủ mỗi người không nên sống thu mình trong một phạm vi nhỏ hẹp, mà cần chủ động khám phá, học hỏi để không ngừng phát triển bản thân. Đi xa giúp con người mở rộng tầm nhìn, hiểu biết thêm về nền văn hóa, phong tục tập quán của các vùng miền, từ đó trở nên linh hoạt, thích nghi tốt hơn với mọi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, việc học hỏi từ thực tế cũng cần có sự chọn lọc. Không phải cứ đi nhiều là tự động trở nên khôn ngoan, mà cần biết quan sát, suy ngẫm và rút ra bài học hữu ích. Nếu chỉ đi mà không tiếp thu, không trau dồi kiến thức, thì những trải nghiệm ấy cũng trở nên vô nghĩa.
Tóm lại, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là một lời nhắc nhở quý giá về tầm quan trọng của việc học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế. Để phát triển bản thân, mỗi người cần không ngừng khám phá, mở rộng hiểu biết và tích lũy kinh nghiệm từ những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống.
»»»Xem thêm: