»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về ý thức tự đổi mới bản thân
- Mở bài:
Cuộc sống luôn vận động, vạn vật đều đổi thay. Nghĩa là tất cả đều phải tự làm mới mình để tồn tại. Con người cũng thế. Nếu mỗi chúng ta không biết tự đổi mới bản thân mình mỗi ngày, nhất định, chúng ta sẽ bị lạc hậu, trở nên bảo thủ, yếu kém, dễ nhận lấy thất bại trong cuộc sống này.
- Thân bài:
Tự đổi mới bản thân là gì?
Tự đổi mới bản thân là tự đổi mới chính mình, tự mình phát triển hoàn thiện theo hướng tiến bộ, tích cực. Nói cách khác, tự đổi mới bản thân chính là sáng tạo, không lặp lại người khác và lặp lại chính mình.
Tại sao phải tự đổi mới bản thân?
Tương lai của mỗi con người phụ thuộc vào nhiều thứ, nhưng phần lớn phụ thuộc vào chính bản thân. Mỗi cá nhân luôn biết tự đổi mới mình sẽ tạo động lực cho xã hội phát triển. Tự đổi mới là yêu cầu cốt thiết trong cuộc sống hiện đại.
Cuộc sống luôn vận động và biến đổi không ngừng, nếu chúng ta không tự đổi mới, chúng ta sẽ giẫm lên vết chân của người đi trước, tất yếu chúng ta sẽ trở nên lạc hậu. Đặc biệt, trong thời đại tri thức, khoa học công nghệ không ngừng phát triển, mỗi người phải tự đổi mới cũng là điều tất yếu.
Con người khác loài vật ở chỗ con người có khả năng tư duy và sáng tạo, sáng tạo giúp con người sống có ý nghĩa và phát huy cao độ khả năng của mình. Biết tự đổi mới giúp con người trở nên khác biệt, biết quý trọng bản thân, quý trọng sự sáng tạo và không ngừng vươn lên.
Tự đổi mới bản thân giúp mỗi người nâng cao hiểu biết, kĩ năng sống và làm việc từ đó có thể gặt hái được thành công và thúc đẩy xã hội phát triển. Chính nhờ biết sống cuộc đời mới mẻ, tràn đầy năng lượng sáng tạo giúp con người biết yêu thương, gắn bó với nhau nhiều hơn.
Phương pháp giáo dục tân tiến, ưu việt không chỉ là truyền thụ tri thức, biến học sinh thành những con vẹt thuộc bài. Vai trò quan trọng của người thầy là phải qua những tri thức truyền thụ khơi dậy ngọn lửa của niềm đam mê, sáng tạo và khao khát tự tìm hiểu, khám phá của học sinh. Người thầy giỏi là người đào tạo được những học sinh biết độc lập trong suy nghĩ và có những kiến giải riêng trước bài học, cũng như những tình huống thực tế.
Muốn đổi mới trong nhà trường thì xã hội cũng phải luôn đổi mới, bởi trường học không thể tách rời cuộc sống. Tự tân nhưng luôn nhớ rằng: không nóng vội và biết ôn cố nhi tri tân, không phủ định sạch trơn mà biết kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của cái xưa cũ.
Ngay từ thế kỉ XIX, dưới triều Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ – một trí thức yêu nước do sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây, đã sớm nhận ra một yêu cầu bức thiết phải canh tân đất nước. Trước cảnh nước ta mất dần vào tay thực dân Pháp, ông hết sức đau lòng, muốn đem tài trí của mình hiến dâng cho dân, cho nước bằng những bản điều trần đầy tâm huyết nhằm đổi mới đất nước một cách toàn diện. Trong “Xin lập khoa luật” (Trích Tế cấp bát điều), Nguyễn Trường Tộ đã nêu lên vai trò quan trọng của luật pháp đối với việc quản lý đất nước.
Tấm gương các nhà khoa học: Isaac Newton người đặt nền móng cho cơ học, quang học, vật lý cổ điển, Einstein tác giả của “Thuyết tương đối” nổi tiếng, Edison và chiếc đèn điện đã vang danh khắp thế giới… Với tinh thần tự học và sáng tạo, họ là những người đã làm cả thế giới kính phục với tài năng, trí tuệ, sự uyên bác.
Khi các nước châu Á đang tròng vòng vây khủng hoảng và trì trệ thì nước Nhật đã mạnh dạn đổi mới. Họ không ngại ngần học hỏi các nước phương Tây vốn v rất xa lạ, có nhiều khác biệt với văn minh Á Đông đẻ dựng xây đất nước hùng mạnh. Cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 đã đưa nước Nhật trở về vạch xuất phát. Nhìn thất đất nước hoang tàn sau chiến tranh, người Nhật đã đứng trước lựa chọn lịch sử hoặc là đổi mới, hoặc là diệt vong. Một lần nữa, họ đã dũng dũng cảm tự đổi và làm nên một “thần kì Nhật Bản” trong thế kỉ 20.
Từ đổi mới là yêu cầu thiết yếu đối với mỗi người trong xã hội hiện đại. Bài học này không chỉ có ý nghĩa với mỗi cá nhân, mà còn có ý nghĩa sống còn với mỗi tập thể, mỗi quốc gia trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đổi mới bản thân không đồng nghĩa với việc lãng quên những giá trị cổ điển truyền thống. Phát triển hiện đại, kết hợp với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đang là phương châm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Phê phán những người trong cuộc sống chỉ biết rập khuôn, máy móc thụ động, phương thức giáo dục nhồi nhét, nhồi sọ, quan niệm giáo dục xơ cứng, lỗi thời…
Muốn làm bản thân thay đổi tốt hơn đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự lực, tự sáng tạo, kiên cường trước khó khăn và thất bại, bởi đôi khi thành quả cách tân không đến một cách dễ dàng. Có cách ứng xử đúng với cái mới khi nó vừa ra đời.
- Kết bài:
Không có một khuyết điểm nào mà không thể thay đổi được và cũng không có một ưu điểm nào là ưu điểm mãi mãi. Tất cả cần phải thường xuyên làm mới, thường xuyên thay đổi. Muốn thành công và sống một cuộc đời ý nghĩa, nhất định phải biết tự đổi mới bản thân.
Bài tham khảo:
Nghị luận: Tự đổi mới bản thân để thành công và sống cuộc đời có ý nghĩa
Ai cũng yêu thích sự ổn định và bình yên bởi khi ổn định và bình yên, chúng ta mới có cơ hội tận hưởng giá trị cuộc sống. Ai cũng ngại thây đổi bởi mỗi khi thay đổi, chúng ta cần phải làm lại quá nhiều thứ, đánh mất nhiều giá trị đã dày công gây dựng. Không ai muốn mất đi cái gì mà chúng ta đã dành cho nó tình cảm yêu mến.
Tâm lí của người Việt là thích sự ổn định, không thích thay đổi, thích cái nhỏ nhỏ nhỏ, xinh xinh, không thích cái lớn lao, kì vĩ. An cư lạc nghiệp, ổn định công việc, làm việc theo kinh nghiệm và truyền đời kinh nghiệm. Tâm lí ấy vừa có giá trị bảo tồn các sáng tạo vừa cản trở sự sáng tạo ra cái mới. Người Việt không ưa mạo hiểm, không chấp nhận đánh đổi nếu có thể giữ được. Cho nên, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của người Việt là một điều hết sức khó khăn.
Từ cách nghĩ, cách làm, hình thành nên cách sống, cách ứng xử điển hình trong công việc và trong đời sống. Nhiều người luôn bi quan nghĩ rằng, sống trên cõi đời này, chỉ vì lòng dạ thiên hạ xấu xa quá nên cuộc sống hằng ngày toàn là những chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui, toàn những lý do khiến chúng ta dễ bi quan hơn là lạc quan. Sự thật có như thế không?
Sự thật là thiên hạ xấu xa hay chính bản thân mình xấu xa? Và nếu bản thân mình cũng xấu xa, thì dựa vào đâu để trách móc thiên hạ? Có lẽ chúng ta đừng nên trách móc người trong thiên hạ thế này thế nọ. Khi chúng ta trách móc họ thì ngược lại, họ cũng sẽ trách móc chúng ta rằng “Vì sao cứ trách móc hoài vậy?”
Dù rằng trong cuộc sống hằng ngày, bạn có thể gặp nhiều chuyện thấp hèn do người khác gây ra, nhưng nếu bạn biết suy nghĩ khác đi, mọi việc sẽ trở nên khác đi. Cứ để tâm đến những chuyện lặt vặt của người khác sẽ làm cho bản thân ta cũng hóa thành kẻ lặt vặt. Còn nếu bạn cứ suy nghĩ giống hệt như những gì đã xảy ra, thì đến một lúc nào đó, bản thân bạn cũng thành ra thấp hèn như thế mà thôi!
Những người bi quan thường chỉ nhìn thấy những điểm xấu của người khác để rồi tiếp tục sống trong bi quan. Trái lại, những người lạc quan khi nhìn thấy những gì còn chưa tốt của người khác và của chính mình, họ lại có lý do để tìm cách thay đổi bản thân mình. Bởi vì, cuộc sống chỉ có thể thay đổi một khi mỗi người chúng ta có ý thức thay đổi bản thân mình trước!
Phản ứng thường thấy ở những người bi quan là họ luôn đòi hỏi thiên hạ phải thay đổi thế này thế nọ. Trong khi đó, họ ít khi đặt ra vấn đề phải thay đổi bản thân mình. Đây cũng chính là thái độ thường thấy ở những người chưa đạt đến một mức độ trưởng thành nhất định về nhận thức cuộc sống.
Khi còn bé, chúng ta thường chỉ muốn mọi người phải làm mọi thứ như ý mình muốn. Nếu không, thì chúng ta sẽ không ngớt kêu gào, khóc lóc, đòi hỏi… Nhưng khi đã trưởng thành rồi, chúng ta nhận ra một chân lý khách quan rằng, bản thân mình không nên tìm cách thay đổi người khác hoặc thay đổi hoàn cảnh. Chỉ đòi hỏi người khác hoặc hoàn cảnh phải được như ý riêng của mình sẽ khiến bản thân chúng ta rơi vào bế tắc, phiền muộn. Đó là chưa nói, có ai ban cho chúng ta quyền được đứng trên người khác để đòi hỏi người khác phải thay đổi như ý mình muốn?
Cho nên, muốn người khác phải thay đổi cho vừa ý ta là một đòi hỏi cực kỳ vô lý. Chúng ta chỉ có thể thay đổi chính bản thân mình mà thôi, chứ không thể thay đổi người khác. Chỉ khi nào chúng ta cố gắng thay đổi mình trước, thì may ra người khác mới chịu thay đổi. Đừng bao giờ quên một sự thật hiển nhiên là, người ta chỉ thực sự thay đổi được khi chính bản thân họ muốn như vậy. Còn nếu lúc nào bạn cũng khăng khăng đòi hỏi người khác phải thay đổi trước, rồi bạn sẽ thay đổi sau, thì rất khó mà có một sự thay đổi nào xảy ra.
Và ngay cả khi chúng ta cố gắng thay đổi bản thân để sống tốt với người khác, thì người khác vẫn có thể đem lại nhiều đau khổ, những chuyện bất công, trái ý đến cho ta. Trong những trường hợp như vậy, phản ứng tự nhiên của chúng ta là muốn tìm cách trả đũa người khác, tìm cách gây ngược lại cho họ những gì họ đã gây ra cho mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng, bất cứ việc gì xảy đến với ta trong cuộc sống hằng ngày đều có những ý nghĩa riêng của nó, thì chúng ta có thể có những suy nghĩ khác và hành động khác đi. Nếu chúng ta nghĩ rằng, những chuyện trái ý, bất công và đau khổ mà người khác mang đến cho ta chính là những thách thức dành cho khát vọng hướng thiện của ta, thì chúng ta sẽ bước đầu tỏ ra bình tĩnh hơn. Khi đó, chúng ta có thể có đủ tỉnh táo để tự hỏi mình rằng, nếu cuộc đời chỉ mang đến cho mình toàn những chuyện thuận lợi, dễ dàng, toàn những điều hợp ý mình, thì liệu mình có còn lý do để hướng thiện nữa hay không? Càng có nhiều thử thách, trở ngại trên con đường hướng thiện, thì bạn mới càng có cơ hội nung nấu quyết tâm vươn tới điều thiện nhiều hơn!
Cuộc sống có thể còn đầy dẫy những điều bất công, khiếm khuyết, nhưng chúng ta không nên vì vậy mà để cho tâm hồn mình cũng dính đầy bụi bặm. Tại sao chúng ta cứ bi quan về lòng người? Trong nhiều trường hợp, rất có thể là do lòng chúng ta chưa đủ cao cả để đón nhận người. Cũng như bạn, thiên hạ có rất nhiều khuyết điểm, lỗi lầm. Nếu lúc nào chúng ta cũng chỉ nhìn thấy những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác thì ta rất khó có thái độ lạc quan trong cuộc sống.
Trái lại, khi biết nhìn vào cái tốt trong con người để bỏ qua những lỗi lầm của họ, khi biết nghĩ đến những điều lớn lao hơn, thì chẳng những ta bỏ qua những khuyết điểm nhỏ nhặt của người khác, mà ta còn có thể hướng đến những điều cao cả, tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Vẫn biết rằng, bỏ qua những lỗi lầm cho người khác là điều rất khó, nhưng khi ta tự đặt mình vào vị trí của người khác, với góc nhìn của người khác, chúng ta dễ cảm thông, tha thứ cho họ hơn. Trong cuộc sống, những người lạc quan luôn tỏ ra tôn trọng người khác, sống hòa đồng, thể hiện thái độ ứng xử của người trưởng thành. Họ biết con người còn có nhiều điều chưa tốt, nhưng không vì vậy mà mất niềm tin vào con người.
Con người ta sống trên đời, bên cạnh phần “con” còn có phần “người”. Bên cạnh cái xấu còn có rất nhiều cái tốt, bên cạnh những điều tầm thường còn có nhiều điều cao cả. Muốn có thái độ lạc quan trong cuộc sống, chúng ta phải nhìn cả cái tốt lẫn những cái chưa tốt nơi mọi người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Hãy cố gắng sống hòa đồng, vui vẻ với mọi người, thì tự nhiên hạnh phúc sẽ đến với ta!
Và cũng chính vì trong mỗi con người chúng ta vẫn còn có nhiều điều chưa tốt, nên mới phải đặt ra vấn đề thay đổi và hoàn thiện bản thân. Thay vì lúc nào cũng tìm cách bới móc những khuyết điểm, lỗi lầm của người khác, chúng ta hãy biết ơn mọi người mà ta gặp trong cuộc sống, bất kể họ như thế nào! Đôi khi, nhờ nhìn thấy những hành động thấp hèn của người khác mà ta biết cách tránh không lặp lại những hành động đó. Đôi khi, nhờ nhìn thấy cuộc sống vô vị của người khác mà bản thân mình biết sống một cách có ý nghĩa hơn.
Hành trình của đời người đồng nghĩa với hành trình hoàn thiện bản thân. Chính bạn phải là người nỗ lực tạo nên sự thay đổi theo chiều hướng ngày càng tiến bộ hơn trong cuộc đời bạn. Đó là trách nhiệm không thể chối bỏ của mỗi người – nếu muốn tạo hạnh phúc cho bản thân và đồng loại. Khi chúng ta làm được nhiều việc thiện, tránh những việc ác, thì tự nhiên sẽ cảm thấy lòng mình thanh thản, lạc quan. Khi mỗi chúng ta cố gắng sống tốt thì cuộc sống xã hội cũng dần trở nên tốt đẹp hơn. Để làm được điều đó, bạn cần phải tự đổi mới bản thân để thành công và sống cuộc đời có ý nghĩa.
- Nghị luận tuổi trẻ và sự sáng tạo
- Nghị luận về ý thức tự hoàn thiện bản thân
- Nghị luận: vai trò của tính năng động và sáng tạo đối với mỗi học sinh
- Nghị luận: “Nếu cứ chờ đợi cho đến khi mọi thứ đã sẵn sàng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt đầu”