Tác phẩm chính luận
Tác phẩm chính luận là một loại hình văn học và báo chí, viết về những vấn đề thời sự nóng bỏng thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau như chính trị, kinh tế, triết học, văn hóa, … Theo Lê Bá Hán, “mục đích của văn chính luận là bàn bạc, thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tương, một quan niệm nào đó nhằm phục vụ trực tiếp cho lợi ích của một tầng lớp, một giai cấp nhất định. Chính vì thế, tác phẩm chính luận bao giờ cũng thể hiện khuynh hướng tư tưởng, lập trường công dân rõ ràng. Tình cảm sui sôi, luận chiến quyết liệt và tính khuynh hướng công khai là những dấu hiệu quan trọng của phong cách chính luận. Tất cả những cái đó làm cho giọng điệu, cấu trúc và chức năng của lời văn tuyên truyền, hùng biện”.
Người viết văn chính luận trước hết là để thông tin lí lẽ, bàn bạc vấn đề nhưng tất cả nhiệt tình bảo vệ chân lí mà mình theo đuổi. Lí trí, lí luận, lí lẽ ở đây đã đến độ nhuần nhuyễn, chín mùi, gắn bó chặt chẽ hoặc chuyển hóa thành tình cảm. Văn chính luận thường viết về những vấn đề quan trọng, thiết yếu được nhiều người quan tâm. Với ngôn ngữ chính luận, người viết bộc lộ trực tiếp và rõ ràng khuynh hướng tư tưởng của mình, nhằm mục đích tuyên truyền chiến đấu. Chính luận có mục đích tuyên truyền, tổ chức quần chúng đưa họ tới cuộc chiến đấu. Nhiệm vụ của nó không phải chỉ là bày tỏ và giải thích những vấn đề chính trị quan trọng, mà còn là thuyết phục người nghe, làm cho họ trở thành những người tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề xã hội trước mắt. Tất nhiên, văn chính luận của mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi cá nhân nhà văn có những nhiệm vụ và tính chất cụ thể của nó.
Chính luận là loại hình văn học và báo chí, viết về các vấn đề nóng bỏng của xã hội, chính trị, kinh tế, văn học, triết học, tôn giáo và các vấn đề khác. Văn chính luận thuộc loại hình văn nghị luận, bởi văn nghị luận luận là sức thuyết phục. Một bài văn nghị luận, bất kể là trình bày quan điểm của mình hay bác bỏ ý kiến của người khác, đều phải dựa vào quan điểm lí lẽ thuyết phục người, không thể lấy uy, lấy thế, lấy số đông để áp đảo. Sức thuyết phục bắt nguồn từ lí lẽ phù hợp với quy luật đời sống và chân lí khách quan, từ cách phân tích thấu tình đạt lí. Việc Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa kì và Tuyên ngôn nhân quyền của Pháp đã tạo thế đứng vững chắc cho quyền độc lập của nước Việt Nam. Ở đây, Hồ Chí Minh đã chỉ ra đế quốc Pháp chẳng những đã thống trị dã man dân ta mà không hề bảo hộ cho dân tộc ta. Chúng còn hai lần bán nước ta cho Nhật, chứng tỏ Pháp không có quyền lợi gì ở Việt Nam nữa, vì nhân dân Việt Nam giành độc lập từ tay Nhật.
Văn nghị luận là phải có tính chất lôgíc chặt chẽ. Tính lôgíc ở đây hiểu là cách lập luận phù hợp với quy luật của tư duy suy lí, không phạm vào mâu thuẫn mơ hồ, nhập nhằng ý này vào ý kia, ý này đá vào ý nọ, ý sau nói ngược với trước. Ngoài ra, văn nghị luận là có tính khái quát, mọi lí lẽ, dẫn chứng đều phải đi đến kết luận thành các tư tưởng khái quát, thành điểm rõ ràng.
Một bài văn nghị luận có nội dung phải có ba yếu tố cơ bản luận điểm, luận cứ, cách lập luận. Văn nghị luận phải đạt tới chỗ nói rõ đúng sai, phải trái, lợi hại, thật giả mới có giá trị. Phạm vi của văn nghị luận khá rộng bao gồm văn chính luận, luận văn học thuật, bình luận văn học, tạp văn. Văn chính luận có nhiều loại và có thể phân loại và có thể phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau: xét về chức năng trong giao tiếp, hành chính, văn chính luận từ xưa đã chia thành các loại cáo, chiếu, biểu, tấu, hịch, bình sử. Còn về mặt nội dung có thể chia ra bình luận xã hội, chính trị, … Chọn một vấn đề có tính xã hội làm đội tượng bình luận sẽ là bình luận xã hội. Chọn vấn đề chính trị như vấn đề quyền công dân làm đối tượng xem xét, sẽ là bình luận chính trị. Trong không khí đấu tranh xã hội sôi nổi, khẩn trương, văn chính luận là dao găm, là thuốc nổ chống lại mọi sự bất công, áp chế, cường quyền.
Như vậy, tác phẩm chính luận “là trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ. Đôi khi cũng tái hiện đời sống, miêu tả các tính cách và số phận. Nhưng người viết chính luận tái hiện đời sống, miêu tả tính cách, số phận chỉ nhằm mục đích đưa ra những ví dụ sinh động là cơ sở cho lập luận thường là những hình tượng minh họa, nó chỉ chứa đựng nội dung phổ quát của chủng loại, chứ không phải là hiện tượng tiêu biểu cho cái độc đáo, không lặp lại”