the-nao-la-truyen-ngan-dac-trung-co-ban-cua-truyen-ngan

Thế nào là truyện ngắn? Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn

Thế nào là truyện ngắn? Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn.

1. Thế nào là truyện ngắn?

Truyện ngắn là một thể loại văn học. Đúng như tên gọi của nó, truyện ngắn thường là các câu chuyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết. Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang, trong khi đó tiểu thuyết rất khó dừng lại ở con số đó. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn.

Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập trung mô tả một mảnh của cuộc sống: một biến cố hay một vài biến cô xảy ra trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện một mặt nào đó của tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của vấn đề xã hội.

Ví dụ: Tôi đi học của Thanh Tịnh có dung lượng chỉ khoảng ba trang sách, Lão Hạc của Nam Cao khoảng năm trang sách, Chiếc lá cuối cùng của O.Henry khoảng bốn trang sách.

2. Những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn.

Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi đó, tiểu thuyết chứa được nhiều vấn đề, phủ sóng được một diện rộng lớn của đời sống. Do đó, truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong truyện ngắn cũng không trải dài như tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảng khắc của cuộc sống.

Ví dụ:  Tôi đi học diễn ra vào ngày tựu trường ở một trường học. Lão Hạc diễn ra vào khoảng cuối đời của một ông lão ngèo khổ trong một làng quê miền Bắc. Chiếc lá cuối cùng diễn ra vào những ngày cuối của một họa sĩ nghèo tại một khu nhà trọ ở Mỹ.

Kết cấu của truyện ngắn cũng không chia thành nhiều tuyến phức tạp. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ, nên đặc điểm nổi bật của truyện ngắn là tính ngắn gọn. Để thể hiện nổi bật tư tưởng chủ đề, khắc hoạ sắc nét tính cách nhân vật, đòi hỏi nhà văn viết truyện ngắn phải có trình độ điêu luyện, biết mạnh dạn gọt tỉa và dồn nén. Do đó, trong khuôn khổ ngắn gọn, những truyện ngắn thành công có thể biểu hiện được những vấn đề xã hội có tầm khái quát rộng lớn.

Ví dụ:

Trình độ điêu luyện của Tôi đi học được thể hiện ở những diễn biến tâm lí tinh vi, những dòng văn giản dị giàu cảm xúc, lối cảm nhận nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn này. Ớ truyện ngắn Lão Hạc ngòi bút hiện thực tỉnh táo nghiêm nhặt vừa sắc lạnh, gân guốc lại vừa thắm thiết trữ tình; vừa rất mực chân thật vừa có một ý vị triết lí, một ý nghĩa khái quát sâu xa.

Nếu Nam Cao tỏ ra có sở trường miêu tả tâm lí con người, nhất là khi đi vào những diễn biến tâm lí tinh tế, phức tạp thì O.Henry trong Chiếc lá cuối cùng tỏ ra điêu luyện khi khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn những con người ấy qua những tình huống truyện bất ngờ, cảm động. Câu chuyện kết thúc bằng một sự đảo ngược tình huống lần thứ hai. Chiếc lá cuối cùng là một sự lừa dối, nhưng lại là một sự lừa dối cao cả để đem lại niềm tin vào sự sống cho con người. Kiệt tác cuối cùng của người họa sĩ già đã được ra đời nằm ngoài tất cả mọi dự đoán của công chúng. Nhưng chiếc lá cuối cùng ấy mãi mãi là bằng chứng của tấm lòng yêu thương con người. Chiếc lá cuối cùng là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn ắp tràn tình thương yêu và niềm tin với con người, một bức thông điệp khẳng định sứ mạng và sức mạnh của nghệ thuật chân chính. Bởi thế, Chiếc lá cuối cùng sẽ mãi bất tử với thời gian.

Đặc điểm của thể loại truyện ngắn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang