Đặc điểm của thể loại truyện ngắn

Đặc điểm của thể loại truyện ngắn

1. Truyện ngắn là một giới hạn về thế giới nghệ thuật.

Đứng về cấu trúc tự sự, truyện ngắn là một giới hạn về thế giới nghệ thuật. Với đề tài tức là phạm vi, dung lượng đời sống có hạn và không giải quyết nhiều nội dung đời sống mà thường chú trọng vào một nội dung cụ thể. Ví dụ, truyện ngắn Đời thừa là bi kịch người trí thức sống mòn mỏi, cuộc sống đầy khát vọng và bị “nợ áo cơm ghì sát đất”. Còn truyện ngắn Vợ nhặt là câu chuyện nhân vật Tràng nhặt được vợ trong hoàn cảnh đói khát một cách ngẫu nhiên.

Thường truyện ngắn chỉ chứa một biến cố cơ bản. Sự kiện ít, xung đột ít, cốt truyện thì đơn giản. Chính vì vậy, trong truyện ngắn thường rất ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Chỗ khác biệt quan trọng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn là nhân vật chính của tiểu thuyết thường là một thế giới thì nhân vật truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới.

2. Truyện ngắn có thời gian và không gian của câu chuyện phụ thuộc vào người kể, môi trường, hoàn cảnh câu chuyện.

Bởi truyện ngắn được lựa chọn ở những thời khắc hoặc không gian có ý nghĩa dồn nén hiện thực, có ý nghĩa nhận thức đối với nhân vật.

Ví dụ, trong truyện ngắn Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, thì được nhà văn Nguyễn Minh Châu miêu tả thời gian và không gian mở rộng bằng sự hồi tưởng, giấc mơ, kỉ niệm. Do câu chuyện không dừng lại ở một thời điểm, mà có khả năng thâu tóm, khái quát cả cuộc đời và thế hệ.

3. Truyện ngắn miêu tả nhân vật ở những khía cạnh nổi bật nhất.

Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Truyện ngắn lại có thể mở rộng diện nắm bắt các kiểu loại nhân vật đa dạng của cuộc sống, chẳng hạn như chức nghiệp, xuất thân, gia hệ, bạn bè,… những kiểu loại mà trong tiểu thuyết thường hiện ra thấp thoáng trong các nhân vật phụ.

Ví dụ, trong những tình huống bắt buộc nhân vật phải tự bộc lộ, phải hành động. Tình huống trong Số phận con người của Sôlôkhốp, là một người lính cô đơn đau khổ vì mất hết gia đình, nhà cửa, mọi niềm hi vọng sau chiến tranh, lại gặp và cưu mang một thằng bé cũng trơ trọi như vậy trên cõi đời.

4. Truyện ngắn thường ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp.

Nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Truyện ngắn thường không nhắm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người.

Khác với tiểu thuyết, truyện ngắn thường không nhằm tới việc xây dụng một tính cách nổi bật, điển hình đầy đặn trong tương quan với hoàn cảnh, mà thường là một nét bản chất trong trạng thái nhân sinh, một quan hệ ý nghĩa, một ý thức xã hội.

5. Truyện ngắn được tạo dựng từ những chi tiết hết sức hấp dẫn, sinh động.

Chi tiết trong truyện ngắn yêu cầu rất khắc nghiệt có liên quan mật thiết đến tư tưởng của nhà văn đặt ra. Ví dụ, chi tiết ánh sáng đoàn tàu đêm trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, bát cháo hành trong Chí Phèo, … Những chi tiết ấy đã khắc họa một cách ấn tượng một tình người, một mơ ước xa xôi. Chi tiết là yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của truyện ngắn mang ẩn ý và tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.

6. Truyện ngắn thường có kết cấu bất ngờ đột biến, hoặc tương phản, hoặc liên tưởng.

Cốt truyện truyện ngắn thường có một chức năng là nhận biết một điều gì về lẽ sống, quan hệ người, một ý nghĩa nhân sinh. Ví dụ, truyện ngắn Một bữa no của Nam Cao là triết lí miếng ăn là miếng nhục. Như vậy, cái chính của truyện ngắn là gây một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình người. Kết cấu thường là một sự tương phản, liên tưởng. Bút pháp trần thuật thường là chấm phá. Dù có khối lượng nhỏ nhưng vẫn có khả năng tổng hợp chất thơ, kịch, ngụ ngôn, triết lí.

4 bình luận trong “Đặc điểm của thể loại truyện ngắn”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang