thi-tu-tu-tho-la-gi

Thi tứ (tứ thơ) là gì?

Thi tứ (tứ thơ).

Thi tứ (còn gọi là tứ thơ) là cảm xúc thơ hoặc ý nghĩa hình ảnh thơ có tác động bao trùm tác phẩm thơ. Nói cách khác, thi tứ (tứ thơ) là cách liên kết, cấu trúc của các ý thơ nhằm tập trung thể hiện có hiệu quả nhất chủ đề trữ tình.

Ý và tứ trong thơ quyện với nhau, không thể tách ý thơ ra khỏi lời thơ. Ý là nội dung, ý nghĩa bài thơ. Tứ là linh hồn bài thơ, cái làm toát lên vẻ đẹp, sắc thái của bài thơ. Ý trong thơ không rõ ràng như trong văn xuôi, nó mơ hồ, huyền ảo, lung linh, không dễ nắm bắt, thông qua tứ thơ để hiểu ý trong bài thơ. Tứ là việc nhà thơ dùng những kỹ năng thơ của mình để diễn đạt (thể hiện) những cảm xúc, ý thơ của mình bằng hình ảnh, ngôn ngữ hàm xúc và có vần điệu thành bài thơ.

Người xưa thường nói: “Thi tứ ở trong tuyết, trên lưng ngựa trên cầu Bá Phong, chứ ở đâu nơi này” (lầu son gác tía). Lại có người nói : “Thi tứ ở nơi khóm trúc vắng“. Ý nói thơ là cảm xúc thẩm mỹ, thi vị, không giống với cảm xúc sinh hoạt thực dụng hằng ngày. Làm thơ phải bắt đầu từ cảm xúc thơ, tức là thi tứ, phải có “tứ thơ”.

Trong Văn tâm điêu long, ở thiên Thần tứ, Lưu Hiệp (đời nhà Lương) đã bàn rất sâu và rất kỹ về tứ. Theo ông, tứ thơ là một cái gì đó rất phi thường: “Cái tứ của văn chương, cái thần của nó xa lắm. Cho nên khi ta lặng lẽ ngừng suy nghĩ lại một chỗ thì cái tứ tiếp với ngàn năm. Ta trầm lặng thay đổi sắc mặt một chút thì cái nhìn của ta đã thông suốt đến vạn dặm”.

Có người nói: “Tứ thơ là một khám phá”. Rất cô đọng và chính xác. Đây mới thực sự đi vào đặc trưng của lao động sáng tạo trong thế giới tinh thần nhiều ảo diệu mơ hồ là thơ.

Nhiều nhà thơ đã nói về tứ thơ:

– Tứ thơ là xương sống của bài thơ.

– Tứ thơ là trụ cột của ngôi nhà thơ.

– Tứ thơ là nhân ở trung tâm bài thơ, chi phối ra toàn bài thơ.

Những khái niệm này cũng đã tiếp cận phần nào về tứ thơ, nhưng dường như điều bí mật của tứ thơ vẫn chưa được hé mở.

Về tầm quan trọng của tứ thơ, Xuân Diệu đã viết: “Ngôn từ, lời chữ, vần rất là quan trọng, bởi thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai. Mà cái quan trọng thứ nhất làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài. Làm thơ khó nhất là tìm tứ”.

Đứng trên phương diện một bài thơ cụ thể, người ta có thể nêu ra một số nhận định khác:

– Một, cốt lõi của bài thơ là cái tứ.

– Hai, mỗi bài thơ chỉ có một tứ duy nhất. Ý có thể giống nhau, nhưng mỗi bài thơ chỉ có một tứ.

– Ba, yếu tố quan trọng nhất quyết định giá trị một bài thơ chính là cái tứ.

Tìm tứ là xác định cảm xúc và hình ảnh thơ. Cấu tứ là tạo được hình tượng có khả năng khơi gợi được cảm xúc nhân văn của tâm hồn con người. Đó là sự kết hợp giữa hình ảnh sống động và ý nghĩa thơ, sao cho sự sống của hình ảnh càng triển khai ra, càng khơi sâu thêm nhiều ý nghĩa của bài thơ. Chẳng hạn bài Cô nhạn (Con nhạn lẻ đàn ) của Đỗ Phủ:

Cô nhạn bất ẩm trác,
Phi minh thanh niệm quần.
Thuỳ liên nhất phiến ảnh,
Tương thất vạn trùng vân.
Vọng tận tự do hiện,
Ai đa như cánh văn.
Dã nha vô ý tự,
Minh táo tự phân phân.

(Nhạn lạc không ăn uống
Bay kêu tiếng nhớ đàn
Ai người thương chiếc bóng
Mất hút giữa mây ngàn
Mòn trông còn thấp thoáng
Xót lắm, tiếng mơ màng
Quạ đồng sao hiểu được
Quàng quạc tiếng kêu khan!)

(Bản dịch).

“Bay kêu nhớ đàn” là tứ bài thơ “Lạc đàn cho nên nhớ, vì nhớ mà bay, vời trông đã mất hút mà vẫn cứ bay mãi tưởng như vẫn còn trông thấy đàn mà bay theo. Vì nhớ mà kêu, xót nhiều nên kêu không ngớt, như trông thấy đàn mà gọi theo vậy.” (Theo Phố Khởi Long, Độc Đỗ tâm giải). Tứ thơ đã biểu hiện tình cảnh cô ngạo đáng thương của kẻ lạc đàn.

Các nhà nghiên cứu đều cho rằng những bài thơ hay thường có tứ thơ độc đáo. Thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ, nhưng đó mới chỉ là điều quan trọng thứ hai, làm thơ khó nhất là tìm tứ. Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ cực kì độc đáo, bắt người tiếp nhận phải nhớ, ngạc nhiên, cảm xúc về cách tổ chức ngôn ngữ đó.

Thơ sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, cái độc đáo, kì lạ, thú vị, nó thể hiện tài năng của tác giả. Chủ đề của bài thơ là nói về cái gì, tứ thơ là nói bằng cách nào cho độc đáo, kết thúc bài thơ hay thường bất ngờ, nâng tầm bài thơ lên một đỉnh cao mới. Tứ là cái cách để thể hiện ra cái ý định nói, muốn nói. Như vậy có nhiều cách để thể hiện ra một ý nào đó, một điều suy nghĩ nào đó, định mô tả. Nhưng cái cách thể hiện ra đó phải độc đáo, khác thường thì mới được gọi là tứ.

Thơ phải có tứ, thơ nào tứ ấy, chỉ có tứ thơ hay, hoặc tứ thơ không hay chứ không có bài thơ mà không có tứ. Cùng là một ý, nhưng thơ của mỗi người mỗi khác vì cách diễn đạt ý không ai giống ai. Đó là vì tứ mỗi người một khác.

Tứ thơ thể hiện tài năng sáng tạo của nhà thơ, tứ thơ càng kín đáo càng hay. Lê Quý Đôn có lời khuyên về thi pháp thơ “Mạch kị thẳng, ý kị lộ”. Tứ thơ thường có mục đích quy tụ đến một tư tưởng nào đó cao hơn. Tư tưởng này lại do chính người đọc tiếp nhận, phát hiện ra, thông qua tứ thơ, chứ không phải do tác giả áp đặt. Khi đi sâu vào phân tích tứ thơ của một bài thơ, có khi lại làm hỏng mục đích của người muốn phân tích, vì vậy người ta chỉ nói đến tứ thơ chung chung, để người đọc tự hiểu về cái tứ thơ vô hình đó.

Tứ thơ mang nội hàm khám phá chủ yếu ở ba yếu tố chính: khác thường, đột biến, bất ngờ. Một bài thơ gọi là có tứ, phải ít nhất có một trong ba yếu tố ấy, hay nói cách khác, không có khám phá thì không thành tứ và không thành thơ, chỉ là văn vần giống như thơ mà thôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang