Thơ cổ phong.
Thơ cổ phong còn gọi là thơ cổ thể, một thuật ngữ mang nội dung khá rộng, chỉ tất cả những bài thơ cổ được sáng tác từ đời Đường trở về sau mà không theo luật thơ Đường (không kể từ và khúc ).
Một mặt thơ cổ phong mô phỏng cổ thi, không bị niêm luật, số chữ, số câu gò bó nên vẫn có được màu sắc tự do, phóng khoáng, có khả năng miêu tả và biểu hiện khá phong phú. Mặt khác, vì nó ra đời lúc thơ Đường luật đã chiếm vị trí thống trị trên thi đàn nên người viết theo thể thơ này ít hoặc nhiều, có ý thức hay không có ý thức, đều chịu sự chi phối của thơ Đường luật. Nhưng về đại thể, thơ cổ phong khác thơ Đường luật ở mấy điểm sau:
– Về số câu và số chữ trong bài: không hạn định. Có bài thơ cổ phong chỉ có bốn câu gọi là cổ tuyệt nhưng cũng có những bài rất dài như “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị. Có những bài cổ phong năm chữ như “Sở kiến hành” của Nguyễn Du, bảy chữ như “Phản chiêu hồn” cũng của Nguyễn Du. Lại có những bài số chữ trong câu không đều nhau gọi là tạp ngôn như “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du.
Ví dụ bài “Đăng U Châu đài ca” của Trần Tử Ngang:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.
Dịch thơ:
Trước chẳng thấy người xưa
Sau chẳng thấy ai cả
Ngẫm trời đất vô cùng,
Một mình lệ lã chã.
(Vũ Đức Sao Biển dịch)
Hãy đọc lại bài thơ của Mãn Giác Thiền sư thuộc loại Cổ phong mà ta rất quen thuộc:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch thơ:
Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Già đến Trên đầu rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở cành mai.
– Về vần: có thể dùng toàn vần bằng hoặc toàn vần trắc, có thể xen kẽ bằng trắc, có thể dùng độc vận hay nhiều vần thay đổi nhau.
– Về sự sắp xếp thanh âm: nói chung lấy việc tránh nhập luật làm nguyên tắc, nên vô hình trung tạo nên một kiểu sắp xếp riêng về thanh âm của thơ cổ phong. Nếu ở thơ Đường luật, tiết tấu của câu thơ ở đòn cân thanh điệu (tức chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu) lấy bằng trắc thay thế làm nguyên tắc, thì ở thơ cổ phong, tiết tấu ở các chữ đó lấy điệp bình hay điệp trắc làm nguyên tắc, thậm chí có lúc ba chữ đều bằng hay đều trắc.
Ví dụ Bài “Thái bình mại ca giả” của Nguyễn Du:
“Vân thị thành ngoại lão khất tử
Mại ca khất tiền cùng thần suy”
(Thái bình mại ca giả – Nguyễn Du)
Nếu ở thơ Đường luật, nguyên tắc là thanh của chữ thứ năm ngược với thanh của chữ cuối câu, thì ở thơ cổ phong thanh ở chữ thứ năm thường giống với thanh của chữ cuối câu. Thơ cổ phong có thể dùng luôn ba thanh trắc ở cuối câu và đặc biệt thích dùng lối tam bình điệu (tức ba chữ cuối câu đều thanh bằng). Hầu hết các câu số chẵn trong bài “Phản chiêu hồn” của Nguyễn Du đều như vậy.
Tuy nhiên, bên cạnh những bài thơ cổ phong thuần tuý, cũng có những bài cố vận dụng những câu thơ luật tới mức tối đa, do đó tạo nên những bài nửa cổ, nửa luật hay cổ phong nhập luật.
Trong thời kỳ cận đại ở Việt Nam, có nhiều nhà thơ sáng tác theo thể cổ phong bằng tiếng Việt. Nhưng sau khi thơ mới ra đời thì thơ cổ phong vắng bóng dần vì màu sắc cổ kính của nó khó diễn tả đầy đủ những tình cảm mới.